Tỉnh Phú Thọ được thành lập đến nay tròn 125 năm, kể từ khi
Toàn quyền Đông Dương ký quyết định thành lập tỉnh Hưng Hóa – tiền thân của tỉnh
Phú Thọ ngày nay (08/9/1891 – 08/9/2016). 125 năm, một chặng đường lịch sử vẻ
vang nằm trong truyền thống bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đất và người
Phú Thọ tự hào là cái nôi sinh tụ của người Việt cổ, là trung tâm của nền văn
minh sông Hồng, là vùng đất phát tích, nơi các Vua Hùng dựng nên nhà nước Văn
Lang – nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam.
Một góc Thị xã Phú Thọ ngày nay. |
Theo các thư tịch cổ còn lưu giữ được, thời Hùng Vương, Nhà
nước Văn Lang được chia thành 16 bộ, trong đó Phú Thọ thuộc bộ Văn Lang, trung
tâm của nước Văn Lang. Trải qua các thời kỳ lịch sử, Phú Thọ lại được đưa về
các quận, lộ, trấn khác nhau cho dễ bề cai trị.
Sau nhiều thay đổi về địa danh và địa giới hành chính, ngày 08/9/1891
Toàn quyền Đông Dương đã điều chỉnh một số huyện của tỉnh Sơn Tây sang, cộng với
các huyện còn lại để thành lập tỉnh Hưng Hóa mới gồm: Các huyện Tam Nông, Thanh
Thủy của tỉnh Hưng Hóa (huyện Thanh Thủy bỏ tổng Cự Thắng nhưng tăng thêm tổng
Tinh Nhuệ của huyện Thanh Sơn) và các huyện Sơn Vi, Thanh Ba và Phù Ninh của phủ
Lâm Thao, tỉnh Sơn Tây – tiền thân của tỉnh Phú Thọ sau này.
Khi đó tỉnh Hưng Hóa chỉ có 5 huyện là Tam Nông, Thanh Thủy,
Sơn Vi, Thanh Ba, Phù Ninh. 15 năm sau, Hưng Hóa mới được đổi tên thành tỉnh
Phú Thọ với 10 huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Sơn Vi, Thanh Ba, Phù Ninh, Cẩm
Khê, Hạ Hòa, Hạc Trì, Hùng Quan, Ngọc Quan và hai châu là Thanh Sơn, Yên Lập.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Đảng và Nhà nước ta đã có một
số lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh Phú Thọ cho phù hợp với
yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới, ngày 21/6/1968, Ủy ban thường vụ Quốc hội ra
Nghị quyết 504 về việc hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh
Phú; Ngày 01/01/1997, tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc được tái lập và thành phố Việt
Trì là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
NGUYỄN KIM CHI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét