Thằng bé bán
vé số không nhìn vào bát phở mà nhìn vào đứa bé cùng trang lứa một cách thèm
thuồng. Có lẽ nó muốn được sống trong vòng tay ôm ấp của mẹ, nhưng mẹ nó đã
không còn...
Tô
phở vừa được người phục vụ bưng ra đặt trước mặt tôi. Hơi nóng bốc lên nghi
ngút. Bên trên những miếng thịt đặc kín che khuất bánh phở bên dưới…
Quán
không sang trọng nhưng đông khách. Mùi phở thơm lừng bay khắp quán. Mọi người
ai cũng tranh thủ ăn xong để còn đi vào công sở bắt đầu một ngày làm việc mới.
Tôi cũng thế. Cắm đầu ăn, không để mắt nhìn chung quanh.
Được
lưng tô, tôi ngước nhìn về phía trước. Một thằng bé trạc 10 tuổi, nước da ngăm
đen, tóc cháy nắng đeo chiếc túi nhỏ trên tay, cầm xấp vé số lặng lẽ bước vào.
Nó đến từng bàn. Chìa xấp vé số ra mời. Chiếc áo kaki màu cà phê sữa rộng thùng
thình so với hình hài bé nhỏ của nó. Gương mặt hiền lành, nói năng lễ độ nhưng
nó chỉ nhận được cái lắc đầu nhã nhặn của nhiều người.
Thằng
bé tiếp tục đến bàn kế bên chỗ tôi ngồi. Nó mời. Người phụ nữ trung niên vừa
nhai vừa đưa mắt nhìn xấp vé số trên tay nó. Dường như không ưng ý với những
hàng số trên tấm vé nó đang cầm trên tay, bà hỏi: “Có số 28 không?”. Nó vẫn
lặng yên. Bà tiếp tục ăn và chờ đợi nó. Nhưng nó vẫn im lặng. Bà phải hỏi đến
câu thứ 3, giọng hơi lớn thằng bé mới giật mình: “Dạ có, dì để con lấy”...
Thì
ra, nó mải nhìn bé trai đồng trang lứa ngồi cạnh người phụ nữ. Thằng bé đang ăn
bát phở một cách hững hờ. Nó không nhìn bát phở mà nhìn người ăn một cách thèm
thuồng. Bé trai đó quần áo tinh tươm, thời trang, sạch sẽ, gương mặt sáng sủa,
da thịt hồng hào... Người phụ nữ nhận từ tay thằng bé tờ vé số rồi rút 10.000
đồng đưa cho nó. Nó cúi gập đầu: “Con cám ơn dì”, rồi bước đi nhưng đôi mắt
không rời đứa bé trai đầy diễm phúc.
Tôi
cũng vừa ăn xong bát phở. Nó tiến đến nơi tôi ngồi. Chú ơi mua dùm con vé số.
Tôi nhìn nó. Nó nhìn tôi. Người phụ nữ cũng vừa xong bữa đứng dậy đi ra cùng
đứa con trai. Nó nhìn theo. Dường như trong ánh mắt nó gợn lên một nỗi niềm.
Trong quán phở - Ảnh: Đặng Lê. |
Tôi
cầm xấp vé số rồi bảo nó ngồi xuống. Thằng bé khép nép ngồi cạnh tôi. “Con ăn
sáng chưa?”. Tôi hỏi và không đợi nó trả lời. Tôi vẫy tay gọi phục vụ… Tô phở
được mang ra.
Nó
nhìn tô phở trước mặt bằng đôi mắt thèm thuồng nhưng đầy ái ngại. “Con ăn đi,
chú mời con đó”. Nó trố mắt tỏ vẻ ngạc nhiên rồi lẳng lặng lấy muỗng đũa ăn tô
phở một cách ngon lành.
Nó
ăn rất điềm đạm. Không vội mà cũng không hững hờ như những đứa trẻ khác. Tôi để
yên lặng cho nó thưởng thức mùi vị của tô phở. Nó húp đến giọt nước cuối cùng
rồi đưa tay quẹt miệng.
Ăn
xong nó đứng dậy. Xấp vé số của nó tôi vẫn cầm trên tay. Mỗi ngày con bán được
bao nhiêu tờ? Dạ con lấy 100 tờ hôm nào bán hết thì được 100.000 đồng, nều
không hết thì trả lại. Nhưng ít khi hết lắm chú ơi. Được 70 – 80 tờ là cùng.
Hỏi
về hoàn cảnh, nó cho biết trước đây được sống trong sự chăm sóc và nuông chiều
của bố mẹ. Bố là một thợ cơ khí bậc cao trong một xí nghiệp, còn mẹ là giáo
viên tiểu học. Cuộc sống không khá nhưng không thiếu thốn. Khi học đến hết lớp
4, tai họa ập xuống. Mẹ nó bị liệt nửa người sau một tai nạn giao thông. Căn
nhà đang ở bố nó phải bán để chạy chữa cho mẹ nhưng cũng không bình phục được.
Rồi mẹ nó mất, bố nó sa sút tinh thần và không thiết tha đến công việc...
Hiện
giờ, kinh tế trong gia đình phụ thuộc trong tay hai đưa trẻ – nó và thằng anh
trai hơn nó một tuổi. Cả hai lăn lộn suốt ngày khắp các nẻo đường trong thành
phố để bán vé số kiếm tiền nuôi cha và nuôi bản thân mình.
Bây
giờ tôi mới hiểu cái ánh mắt thèm thuồng của nó khi nhìn thằng bé trai cùng
trang lứa đi cùng mẹ vào ăn sáng. Cùng một lứa tuổi nhưng hai số phận, hai cảnh
ngộ. Có lẽ nó muốn được sống trong vòng tay ôm ấp của mẹ nhưng mẹ nó đã không
còn.
Tôi
mua giúp nó 5 tờ vé số. Nó lững thững bước ra cửa tiếp tục lao vào cuộc mưu
sinh. Nhìn tờ lịch trên tường, hôm nay Tết Thiếu nhi. Biết bao giờ những trẻ em
có cảnh đời nghiệt ngã, có thân phận hẩm hiu trong xã hội này cảm nhận được cái
đầm ấm của ngày Tết Thiếu nhi 1-6 này?
TRẦN CHÁNH NGHĨA – Theo:
www.vietnamnet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét