Chủ Nhật, 23 tháng 6, 2013

Sông Thao

Một thoáng sông Thao.

Sông Thao thêm một lần tôi tắm
Thêm một lần tôi đến để rồi đi
Gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng
Tôi nhìn em để không nói năng gì
Tôi gửi lại đây cái buồn vô cớ
Để mang về cái nhớ bâng quơ
Xin chớ hỏi tại làm sao như vậy
Tôi vốn không rành mạch bao giờ.
Em đưa tiễn bước chân gìn giữ lắm
Hạt mưa dùng dằng ngọn cỏ ven đê
Yêu mến ạ xin đừng buồn em nhé
Dòng nước trôi đi hạt nước lại rơi về...

                                                      1980
                                            NGUYỄN DUY

1 nhận xét:

Nguyễn Minh Huệ nói...

LỜI BÌNH CỦA NGỌC BÁI

Sông Thao là cái đoạn Hồng Hà chảy qua Yên Bái về Việt Trì – Phú Thọ.
Thêm một lần đến tắm để rồi đi! Vậy thì có gì là thơ đây? Người thơ cứ nói tỉnh
queo như lẽ tự nhiên. Ấy thế mà nó cứ ám ảnh người ta mãi. Thêm một lần,
cũng có nghĩa là đã nhiều lần đoạn sông này từng rủ rê chàng thơ đến tắm. Nó
hấp dẫn người ta bởi cái tình huống thơ kia:
Gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng
Tôi nhìn em để không nói năng gì
Ờ mà sao có thể nói năng gì khi “gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng”?
Cái chuyện không nói năng gì kia mới là nói được nhiều điều trong lĩnh vực cảm
tình. Hãy không nói gì để mà tạo ấn tượng! Vô thanh thắng hữu thanh là ở chỗ
này! Tắm và nhìn, hình như thế chưa đủ! Mọi lời nói sẽ trở nên vô nghĩa. Chỉ có
im lặng lúc này là tuyệt chiêu. Rõ ràng là chất lãng tử thi sĩ đã dẫn đường chỉ lối cho hành vi thơ. Hành vi ấy luôn tạo hết bất ngờ này đến bất ngờ khác:
Tôi để lại đây cái buồn vô cớ
Để mang về cái nhớ bâng quơ.
“Cái buồn vô cớ, cái nhớ bâng quơ” thật phi lý trong cảm thức mà lại thật
có lý trong mỹ cảm! Ông nhà thơ này mới thật rắc rối, chỉ có thế mà đã buồn đã
nhớ thì quả là đa tình đa cảm! Và, tình huống thơ đã đẩy tới bất ngờ mới:
Xin chớ hỏi tại làm sao vậy
Tôi vốn không rành mạch bao giờ
Hóm hỉnh và tế nhị là phẩm chất có thừa của những chàng trai si tình đến
mức thông thái! Đâu phải chuyện tán gẫu bông lơn nhạt thếch công tử bột hoặc
sự lạnh lùng vô cảm thường thấy của cái thời thị trường thống lĩnh? Cái sự cố ý
“không rành mạch” này quả thật rất có vấn đề! Dám nhận mình không rành mạch
là thái độ dũng cảm rất đáng biểu dương của đàn ông! Cái sự không rành mạch
của thăng hoa nội tâm khó kiểm soát đáng yêu lắm, chứ đâu phải đáng ghét?
Trong địa hạt tình cảm mà còn cân đong đo đếm thì thật là vô phúc! Đừng giải thích. Mọi sự giải thích với thơ đều bế tắc. Thơ hay, không cần giải thích! Cảm được cái sự ngoài lời của thơ mới là đáng nói. Bài thơ dẫn tới màn diễn cuối mới thật là lý thú. Hai nhân vật mà chỉ thấy độc thoại!
Em đưa tiễn bước chân gìn giữ lắm
Hạt mưa dùng dằng ngọn cỏ ven đê
Yêu mến ạ, xin đừng buồn em nhé
Dòng nước trôi đi, giọt nước lại rơi về
Rõ là thuần hậu! Em đưa tiễn mà bước chân cứ dùng dắng gìn giữ. Sao
lại cứ phải chú ý tới bước chân? Bước chân người con gái cũng là nết người
đấy! Rõ ràng thế. Nhưng ở đây lý do lại đổ thừa tại hạt mưa dùng dằng với ngọn
cỏ ven đê! Con người có can dự gì đâu?! Chịu lý nhà thơ rồi!
Chưa biết cả tên nhau, nên chỉ gọi bâng quơ: “Yêu mến ạ”! Yêu mến ạ,
là nói với ai cơ chứ? Là nói với em đấy! Tình yêu hiện đại! Hỏi tên em trong tình
cảnh này thì thật vô duyên. “Yêu mến ạ, xin đừng buồn…”
Thôi, cứ để vậy mà chia tay để còn luyến tiếc. Để còn có cớ quay trở lại
“thêm một lần đến tắm nữa”. Đấy là cái “không rành mạch” rất Nguyễn Duy.

15/5/2011