Thứ Tư, 4 tháng 12, 2013

Khám phá ngôi mộ Công chúa Ngọc Hoa

        Theo lời kể của các cụ cao niên xã Chương Xá (Cẩm Khê, Phú Thọ), ngôi mộ công chúa Ngọc Hoa có từ nghìn năm nay.
Mộ Ngọc Hoa Công Chúa hàng nghìn năm linh thiêng và huyền bí.
        Truyền rằng, khi vua Hùng và quân lính đóng quân tại đây, cứ đến mùa nước lên là công chúa Ngọc Hoa, con gái vua đi thuyền ngắm trăng. Bỗng một cơn gió nổi lên, bầu trời âm u cuốn chìm thuyền của công chúa. Sau khi tìm thấy thi thể công chúa Ngọc Hoa, vua cho quân lính múc đất vòng quanh, đào đắp một gò cao xây xung quanh để thờ. Ngôi mộ được xây bằng những viên đá ong, xung quanh trồng cây lộc vừng và hai cây cọ. Kỳ lạ nhất là dãy lộc vừng 86 cây mọc thành hàng rào chắn, rất nhiều người vô ý mạo phạm đã gặp phải tai ương?
         86 cây lộc vừng vây quanh mộ
        Đồng Láng Chương với diện tích hơn 3000m2, một phía giáp với xã Chương Xá, các phía khác giáp với Tình Cương, Văn Khúc, Phú Lạc. Quanh năm, cánh đồng ngập nước. Sau một thời gian, giữa cánh đồng nổi một cái gò thấp. Ở đó, một vạt lộc vừng chi chít với 86 cây vạm vỡ, như một bức tường thành sừng sững bảo vệ cho ngôi mộ cổ. Nhắc tới ngôi mộ bên trong gò Vình đó, người dân nơi đây nói rằng, không có sử sách nào ghi lại, muốn biết, hỏi các cụ già trong làng.
        Tôi tìm đến nhà cụ Ngạn, một gia đình có 4 đời thắp hương và trông coi gò Vình. Qua tìm hiểu, tôi được biết, cụ Ngạn là người bỏ công sức nhiều năm để tìm hiểu sử liệu về ngôi mộ ở gò Vình. Nhớ về ký ức xa xưa, cụ Ngạn kể: Khi tôi lớn lên, đã thấy ngôi mộ ở gò Vình. Tôi hỏi ông, cha và những cụ cao niên trong làng, được các cụ nói rằng, khi các cụ còn nhỏ, đã có mộ. Các cụ cũng nói rằng, cha ông, cụ các cụ kể lại, khi họ trẻ cũng thấy gò và mộ trên gò. Có lẽ, ngôi mộ này có từ nghìn năm nay rồi. Vào năm 1001, các vua Hùng vào chiếm lĩnh đầu tiên chính là gò Đá Nghiêng hay còn gọi là gò Tam Thành của làng. Lần thứ hai các vua Hùng chiếm lĩnh vào Đình Thượng của làng và đóng tại đây. Khi ấy cũng vào mùa nước, con gái vua chính là công chúa Ngọc Hoa cùng với đoàn thuyền đi ngắm trăng. Vào mùa nước nổi, ở ngoài đồng nhiều sậy, hoa súng nở rất đẹp. Trong đêm trăng thanh gió mát, bỗng nhiên có một cơn gió nổi lên, bầu trời âm u cuốn chìm thuyền của công chúa Ngọc Hoa.
         Phát hiện tượng thần Kim Quy
        Khi tìm thấy, công chúa Ngọc Hoa hồn đã mất chỉ còn lại xác. Chính vì thế, vua và các quan, quân lính múc đất vòng quanh, đào đắp một gò cao xây xung quanh để thờ công chúa. Ngôi mộ được xây bằng những viên đá ong, xung quanh trồng cây lộc vừng và hai cây cọ được ví như hai cây đèn sáng nơi đây. Những năm 60 của thế kỷ trước, người dân nơi đây vẫn còn nghèo khổ, trẻ con thường hay đi bắt cua. Đến mùa nước cạn, cua hay bò lên gò, trẻ con hay đến bắt cua mang về ăn. Có đứa trẻ, thò tay vào sau bệ thờ thấy có một cái tiểu. Những năm 80 của thế kỷ trước, nơi đây tìm thấy một vụng đá mèn và trong vụng đá mèn ấy có thần Kim Quy (có rùa đá). Vậy nên, trên ban thờ ngôi mộ luôn đặt bốn bát hương, một của công chúa Ngọc Hoa, một của thần Kim Quy, một của thần Thổ địa và bát cuối cùng thờ Ngọc Hoàng.
        Năm 2003, người dân nơi đây xây lại ngôi mộ và biết được rằng, ngôi mộ này có từ năm 1001, nơi chôn cất công chúa Ngọc Hoa hay còn gọi là phu nhân Đường Thị Quế. Khi đoàn khảo cổ học về khảo sát nơi đây, đoàn đã xác định ngôi mộ và cụm lộc vừng có hàng nghìn đời nay.
        Nói tới quần thể 86 cây lộc vừng, người dân nơi đây khẳng định rằng, nó có từ khi ngôi mộ xuất hiện, từ bao năm nay các cây lộc vừng luôn giữ được dáng vẻ đúng như sự đa dạng sinh học. Cụ Ngạn kể vanh vách cho tôi nghe cụm lộc vừng ấy có bao nhiêu cây vươn thẳng lên trời, bao nhiêu cây hướng phía Bắc, hướng Đông, hướng Tây, hướng Đông Bắc, Tây Bắc, Đông Nam, Tây Nam. Cụ nói về cây lộc vừng như thể mình biết rõ tính từng đứa con vậy. "Sự kỳ lạ ở đây là vào mùa đông thì có 85 cây rụng hết lá còn một cây thì 30 tết đến mùng mười âm lịch năm sau, cây mới rụng lá. Sự việc này đã được lặp đi, lặp lại nhiều năm. Khi các nhà khảo cổ học về địa phương tiến hành nghiên cứu, tôi có hỏi về hiện tượng trên nhưng không ai trả lời được. Các nhà khoa học khảo cổ nói rằng, hiện tượng đó liên quan đến thổ nhưỡng, cây trồng thì phải để các nhà nghiên cứu cây trồng trả lời", cụ Ngạn nói.
Nhìn từ xa gò Vình mang hình long chầu hổ phục.
         Báu vật của làng
        Gò Vình nằm giữa cánh đồng, đứng từ xa nhìn lại thì gò Vình như một con rùa, nhìn theo hướng khác nó như một đĩa xôi mà hai cây cọ như hai cây hương. Ngày xưa, khi chưa có đường đi bà con nơi đây phải dùng thuyền hoặc lội bộ ra gò. Khổ nhất là các ông từ, mùng một, hôm rằm phải xắn quần gánh hương, rượu pha tràn đồng để dâng lên các ngài. Họ thường xuyên phải đi như vậy dù mưa gió, giá rét.
          Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tương truyền, gò Vình vô cùng linh thiêng và huyền bí, hễ ai có hành động xâm phạm tới cây đều gặp chuyện không may. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi được nghe lời kể của các cụ già trong làng như sau: Những năm trước đó, ruộng quanh gò Vình thiếu nước, bà con đi làm cỏ, khi ấy cỏ bồ nùng rất tốt, thấy tiếc, bà tên Ninh, người trong làng đã lấy cỏ bồ nùng về cho ngỗng ăn. Bà Ninh lên chặt cành ở cây lộc vừng trên gò Vình làm đòn gánh, gánh hai bó cỏ mang về. Đêm đo, nằm ngủ, bà mơ mơ, màng màng nghe tiếng gọi: "Ninh ơi mang trả cành vình cho tao". Bà Ninh nghĩ mình ngủ mê, sau đó bà mở mắt thì không thấy gì, nhắm mắt vào thì lại văng vẳng bên tai: "Ninh ơi mang trả cành vình cho tao". Sợ quá, ngay trong đêm, bà gọi chồng dậy mang trả cành vình. Đến thời kỳ cây vình lên ngôi, mọi nơi đổ xô về cắt trộm cành vình mang đi bán, khi ấy xã phải cho công an canh gác tại gò Vình. Khoảng một năm sau, những cành vình đã mất được trả đúng vị trí của nó, mặc dù nó đã khô. Người dân một số vùng bên, không biết đã sang cưa cành vình về làm cảnh, mang về Hà Nội bán. Chẳng hiểu vì sao, 3 người chặt vình bị chết, có người trong thời gian nguy kịch về sức khoẻ. Dù vì lý do gì, 3 – 4 người đã chặt vình đó vẫn bị người dân đồn thổi là bị sự linh thiêng của gò Vình trừng phạt. Từ đó, chẳng ai dám động đến lộc vừng, đến vình nữa.
        Cụ Ngạn kể: "Trên gò có một con rắn sống rất nhiều năm, dân làng nhìn thấy nhưng không ai dám đánh. Một người làng bên (làng Văn Khúc) đã đánh chết rắn, mổ thịt ăn và sau đó cũng chết". Ông Hoàng Văn Thuận, người dân gò Vình tin rằng, nơi đó thuộc về lĩnh vực duy tâm. Hôm đó, ông cùng vài người khách từ xa tới ra gò Vình tham quan nhưng vô tâm không thắp hương mà lại chụp ảnh rất nhiều. Khi ông cùng những vị khách của mình  ra về thì không thấy máy ảnh đâu, dù tìm khắp mọi nơi. Ông hiểu ngay vấn đề, quay lại và xin các ngài thông cảm về sự bất thành kính của mình. Sau đó, ông thấy máy ảnh đặt trước đầu xe. Ông Thuận khẳng định: "Khi ra những nơi này, chúng ta phải thật thành tâm, khiêm tốn và điều quan trọng hơn khi ra đây cần chú ý tới bảo vệ môi trường. Các bậc cao niên trong làng  hơn chục năm nay trông coi ngôi mộ và những cây lộc vừng luôn dành cho nơi đây lòng thành kính đặc biệt. Dân làng từ xưa tới nay tin rằng gò thờ rất linh thiêng. Họ giải thích rằng, gò Vình tồn tại hàng nghìn năm, trải qua biết bao biến cố, gắn bó với bao thăng trầm của mảnh đất này nên nó kết tinh, tụ hội và tập trung linh khí của dân làng nên có thể như một ngôi đình của làng.
                                     
        Báu vật trời ban
        Năm 2013, quần thể lộc vừng ở gò Vình  được công nhận là cây di sản Việt Nam. Nơi đây chính là chỗ cho bà con trong làng đi làm đồng Láng Chương về tránh nắng, ngả mình sau những giờ "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Có thể người dân nơi đây cũng không mấy quan tâm về những câu chuyện ly kỳ này và sự xuất hiện của những cây lộc vừng khổng lồ có từ bao giờ. Nhưng dấu tích trong lòng người dân nơi đây về công chúa Ngọc Hoa thì vẫn còn đó. Nhà văn Bắc Sơn đã về thăm nơi đây và viết những dòng cảm nhận: "Sự linh thiêng huyền bí của gò thờ này cũng giống như những khu rừng thiêng của đồng bào miền núi, được đời sống tâm linh của cộng đồng bảo vệ. Các cụ già trong làng bảo, đến mùa ra hoa, đứng xa ngắm gò Vình, trông như mâm xôi gấc khổng lồ. Xét theo phong thủy thì các cụ gọi là long chầu hổ phục – báu vật trời ban cho dân làng". 

THU HẰNGTheo: www.nguoiduatin.vn

Không có nhận xét nào: