Huyện Cẩm Khê có 15,5 ngàn ha gieo trồng cây lương thực, rau
màu, trong đó diện tích lúa gần 10 ngàn ha. Mặc dù là huyện miền núi,
song trên địa bàn vẫn có nhiều cánh đồng tương đối bằng phẳng, quy mô lớn,
trình độ sản xuất của người dân khá có thể triển khai sản xuất hàng hóa chất lượng
cao như khu vực đồng Láng Chương, cánh đồng Ba… Ngoài cây lúa, ngô là chủ lực
nhiều xã người dân còn phát triển các cây rau, màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm,
thủy sản quy mô lớn có khả năng phát triển nông nghiệp hàng hóa.
Đặc biệt gần đây, do tác động kinh tế, xã hội việc chuyển dịch
cơ cấu, phân công lại lao động trong nông thôn tiến triển mạnh. Số hộ, số người
tham gia sản xuất nông nghiệp giảm, tạo cơ hội cho phép tích tụ ruộng đất, xây
dựng mô hình sản xuất quy mô lớn, tạo sản phẩm làm hàng hóa tốt. Thấy rõ những yếu tố thuận lợi, từ năm 2013, huyện đã triển khai chương trình phát triển
nông nghiệp cận đô thị ở một số xã để làm cơ sở nhân rộng thời gian tới.
Ngay năm đầu, huyện tập trung triển khai 3 mô hình gồm: Xây dựng
cánh đồng mẫu lớn, sản xuất rau an toàn và trồng nấm. Mô hình cánh đồng mẫu lớn
được triển khai 120ha tại hai xã Tình Cương 70ha và Hiền Đa 50ha. Đây là hai xã
có trình độ thâm canh sản xuất khá, nằm trong khu vực đồng Láng Chương, tương đối
thuận lợi tưới, tiêu. Được sự chỉ đạo của tỉnh, huyện đã triển khai biện pháp kỹ
thuật gieo cấy “ba cùng”, theo phương pháp “liền vùng, khác chủ”. Giống lúa lựa
chọn vụ đầu là Hương thơm số 1, từ vụ mùa 2014 là Thiên ưu 8. Đây là những giống
lúa thuần có năng suất, chất lượng tốt, thời gian sinh trưởng nhanh cho phép
thay thế một số giống truyền thống gieo cấy lâu năm ở địa phương, sản phẩm làm
hàng hóa tốt. Mặc dù số hộ tham gia nhiều, trình độ, nhận thức về mô hình chưa
đồng đều, nhưng nhờ công tác chỉ đạo gieo cấy tập trung, chủ động thủy lợi, áp
dụng biện pháp cơ giới vào sản xuất nên ngay vụ đầu đã mang lại kết quả khá,
năng suất bình quân vụ xuân đạt 58 tạ/ha cao hơn lúa gieo cấy đối chứng từ 2 – 3 tạ/ha.
Tiếp nối thành công từ vụ mùa 2013, năm 2014 huyện tiếp tục triển khai cả hai vụ
xuân và mùa, đưa giống lúa Thiên ưu 8 vào thay thế, năng suất vụ xuân đạt 58,5
tạ, vụ mùa 61 tạ/ha. Ưu điểm các trà lúa gieo cấy tập trung có thể thu hoạch
làm hàng hóa rất thuận lợi. Từ thành công của hai năm 2013 – 2014, vụ
xuân 2015 huyện đã chỉ đạo nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, ba cùng: Cùng
trà, cùng giống, cùng áp dụng biện pháp kỹ thuật lên 12 xã, thị trấn với tổng
diện tích thực hiện là 768ha.
Để nhân rộng mô hình, huyện đã hỗ trợ 1/3 giá lúa giống; phối
hợp với Công ty Giống cây trồng Trung ương, Công ty CP giống cây trồng Công nghệ
cao tổ chức 30 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung ứng giống và hướng
dẫn nông dân các xã triển khai mô hình thực hiện đúng quy trình gieo mạ, cấy
lúa trong trà xuân muộn.
Đối với dự án trồng rau an toàn, được triển khai 12ha với gần
200 hộ ở xã Sai Nga tham gia. Để triển khai dự án này huyện đã phối hợp với các
cơ quan chuyên môn triển khai tập huấn chương trình VietGAP, Trung tâm chứng nhận
phù hợp tiêu chuẩn mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, quy trình sản xuất rau an
toàn. Ngoài ra còn đầu tư xây dựng 4 mô hình trồng rau trong nhà lưới để trồng
cà chua, su su, rau tổng hợp… làm cơ sở thực tiễn để mọi người học tập. Qua thực
tế thử nghiệm cho thấy thu nhập trên một đơn vị sản xuất rau an toàn ở mô hình
cao hơn so với trước đây, như trồng cà chua đạt 18 – 20 triệu
đồng, trồng rau 8 – 10 triệu đồng/sào, cao hơn so với cách trồng
thông thường từ 20 – 30%. Sau khi triển khai, đông đảo người dân đã thay đổi
tập quán sản xuất, có kỹ năng áp dụng trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới
có thể xây dựng vùng chuyên canh rau an toàn.
Mô hình sản xuất nấm được triển khai tại xã Đồng Cam, quy mô
1ha có hơn 20 hộ tham gia. Dựa trên cơ sở HTX dịch vụ sản xuất nấm đã có, huyện
chỉ đạo các hộ sản xuất đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn,
vệ sinh, tăng khối lượng, đầu tư thêm thiết bị lò sấy, liên hệ chặt chẽ với đối
tác tiêu thụ sản phẩm, nhân thêm các loại nấm mới để tăng sản lượng. Đến nay, mô
hình sản xuất đi vào nền nếp, mỗi ngày HTX sản xuất được khoảng 100 – 150 kg
nấm tươi và tiêu thụ hết. Ngoài các loại nấm truyền thống HTX cũng đã sản xuất
nấm linh chi, mộc nhĩ khô, trồng nấm rơm trái vụ cho kết quả khả quan mở ra triển
vọng mới. Sản phẩm tiêu thụ tốt, hàng tháng mỗi xã viên trong HTX đạt mức thu
nhập 3 – 4
triệu đồng, có khả năng mở rộng quy mô thu hút nhiều hộ tham gia.
Qua xây dựng ba mô hình sản xuất theo chương trình nông nghiệp
cận đô thị ở Cẩm Khê cho thấy, kết quả đều đạt khá, phù hợp với khả năng, trình
độ thâm canh của người dân cũng như điều kiện thổ nhưỡng. Thực tế qua triển
khai các mô hình, lãnh đạo địa phương và người dân đều nhận xét không quá khó,
dễ thực hiện và thành công. Một số hộ ở Hiền Đa, Tình Cương cho biết nếu thực
hiện tốt đây sẽ là cơ hội để các hộ làm ngành nghề, dịch vụ không còn trực tiếp
sản xuất mà chỉ góp quỹ đất cho các hộ làm ruộng triển khai. Ngay mô hình trồng
rau an toàn ở Sai Nga, mặc dù quy mô rất rộng, song đã tạo nhận thức mới, mở cơ
hội để các hộ có thể tham gia dự án khi có đối tác triển khai trồng rau tại địa
phương. Còn mô hình trồng nấm tiếp tục phát triển, thu hút thêm số hộ xung
quanh tham gia.
Tuy đã đạt được kết quả, song qua triển khai mô hình nông
nghiệp cận đô thị ở Cẩm Khê đã bộc lộ một số hạn chế. Trước hết là đồng ruộng
manh mún dẫn tới quy mô số hộ tham gia quá lớn. Trừ mô hình sản xuất nấm Đồng
Cam chỉ trong phạm vi HTX, còn lại hai mô hình trồng trọt số hộ tham gia quá
nhiều. Ở hai xã làm mô hình cánh đồng mẫu lớn tuy quy mô có 50 – 70ha
nhưng có hàng trăm hộ tham gia. Đến vụ xuân 2015, số hộ tham gia lên tới hàng
nghìn, đây là điều bất lợi rất khó quản lý, điều hành. Do khả năng, trình độ
thâm canh cũng như nhu cầu sản xuất nông nghiệp của các hộ khác nhau, khi còn
tham gia mô hình ở dạng trình diễn có kinh phí hỗ trợ còn được, nhưng nhân đại
trà, không còn hỗ trợ sợ rằng sẽ khó khăn trong quản lý, điều hành. Về lâu dài
nên tạo cơ chế thông qua tích tụ ruộng đất, góp vốn bằng quỹ đất để tập trung
vào một số hộ có như vậy mô hình mới thành công tạo ra khối lượng hàng hóa lớn.
Một vấn đề nữa là thị trường. Một khi đã triển khai mô hình sản xuất nông
nghiệp cận đô thị, tức là đã hướng tới sản xuất hàng hóa, liên quan tới
thị trường. Trừ mô hình làm nấm, cơ sở đã liên kết, xây dựng thị trường tương đối
ổn định, còn lại hai mô hình trồng trọt đến nay vẫn chưa chủ động. Lúa,
rau chủ yếu để người dân sử dụng, tiêu thụ ở các chợ như sản phẩm bình thường.
Về lâu dài nếu không tính tới thì đây sẽ là bất lợi làm suy giảm động lực triển
khai mô hình nông nghiệp cận đô thị.
Dù còn một số hạn chế, nhưng từ thành công ban đầu, Cẩm Khê
tiếp tục chỉ đạo tiếp tục duy trì, nhân rộng. Vụ xuân mở rộng mô hình trồng
lúa, duy trì mô hình rau, nấm, tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình chăn
nuôi, thủy sản. Hy vọng với kinh nghiệm, kết quả bước đầu mà Cẩm khê đã đạt được
sẽ tạo tiền đề để góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
QUỐC VƯỢNG – Theo: www.baophutho.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét