Người dân xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê không mấy ai
không biết đến thầy giáo Phạm Mạnh Khang. Với 84 tuổi đời thì có đến 35 năm ông
Khang gắn bó với ngành giáo dục, trong đó có hơn hai chục năm làm hiệu trưởng,
trực tiếp giảng dạy tại trường Tiểu học, THCS của xã. Các thế hệ học sinh của
thầy giờ nhiều người đã lên ông, lên bà, giữ chức vụ quan trọng trong các cơ
quan Đảng, Nhà nước, mỗi khi nhắc đến thầy vẫn vẹn nguyên lòng kính trọng, cảm
phục một nhà giáo mẫu mực, tâm huyết với sự nghiệp trồng người, luôn nỗ lực vượt
khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, giỏi chuyên môn nghiệp vụ, luôn
thương yêu chăm sóc học sinh, đặc biệt là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Thầy Phạm Mạnh Khang thường xuyên đến thăm hỏi, tặng quà cháu
Nguyễn Tuấn Anh
tại khu Tang Châu, xã Tình Cương, bị bệnh tâm thần. |
Thành tích cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của thầy được ghi
nhận bởi các phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Kỷ niệm chương
Vì Sự nghiệp Giáo dục, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo… cùng
tình cảm tin yêu, kính trọng của các thế hệ học sinh, người dân trong vùng.
Năm 1987, được nghỉ chế độ, với quan điểm còn sức khỏe, còn cống
hiến, thầy Khang không nề hà tham gia công tác xã hội tại địa phương; từ nhiệm
vụ thống kê cho xã đến ủy viên Ban chia ruộng đất cơ sở, ủy viên Ban điện cơ sở,
Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức, rồi Hội Người cao tuổi xã, ủy viên thường trực Ủy
ban MTTQ xã, huyện (đặc trách Quỹ vì người nghèo), ủy viên kiểm soát Hội Phật
giáo xã, Chủ sám chùa Phúc Khánh, xã Tình Cương…
Ở cương vị nào, thầy Khang cũng luôn tận tâm, tận lực, sống mẫu
mực được mọi người tin tưởng, nể phục. Con cháu phương trưởng, kinh tế gia đình
tạm đủ nhiều năm nay, thầy Khang luôn tiết kiệm một phần lương hưu của mình để
mỗi năm đóng góp khoảng 5 triệu đồng cho hoạt động khuyến học, khuyến tài, nhân
đạo từ thiện của địa phương. Được các Phật tử tín nhiệm cử làm Chủ sám chùa
Phúc Khánh, xã Tình Cương, ở tuổi 84 thầy Khang vẫn luôn tận tâm, trách
nhiệm cao trong việc hoằng dương Phật pháp, sẵn sàng phục vụ không điều kiện
người dân trong xã và du khách thập phương về hành lễ, vãn cảnh chùa, tích cực
động viên mọi người tu tâm, dưỡng tính, sống hướng thiện…
Nói về những công việc thiện nguyện của mình, thầy Khang cười
vui: “Mọi người cho là tôi ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, tốn tiền, thời gian,
công sức, nhưng thật ra tôi được rất nhiều. Còn sức khỏe, giúp ích được việc gì
cho xã hội sẽ thấy tâm mình thanh thản, tạo thêm phúc đức cho con cháu… ”. Tâm
nguyện và những hành động cao đẹp mang giá trị nhân văn sâu sắc của thầy đã trở
thành tấm gương sáng cho người thân trong gia đình, dòng họ cùng đông đảo người
dân trong xã ngưỡng mộ, kính trọng…
HÀ PHƯƠNG – Theo: www.baophutho.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét