“Tâm hiếu là tâm Phật, hạnh hiếu là hạnh Phật”. Với
tinh thần đó, đọc lại lịch sử Phật giáo Việt Nam, nhất là qua gương sống của
chư vị thiền sư, các bậc xuất gia, ngoài công hạnh tu tập, hành đạo, chúng ta
còn gặp nhiều câu chuyện hiếu đạo hết sức đặc biệt. Trong số đó, phải kể đến
Thiền sư Tông Diễn.
Chuyện
ghi lại rằng, Thiền sư Tông Diễn, hiệu Chân Dung (1640 – 1711), người thôn Phú
Quân, huyện Cẩm Giang. Sư là Tổ thứ 2 của dòng thiền Tào Động ở Việt Nam. Ngoài
đạo nghiệp, cuộc đời của Thiền sư Tông Diễn còn có một sự tích rất cảm động
lòng người. Đó là câu chuyện về lòng hiếu thảo của ngài với người mẹ của mình.
Sư
mồ côi cha từ nhỏ, mẹ tảo tần chạy chợ buôn bán để nuôi sư. Năm sư 12 tuổi, một
hôm bà mẹ chuẩn bị gánh hàng ra chợ bán, dặn con: “Mẹ có mua sẵn một giỏ cáy
(cua) để sẵn ở ao, trưa nay con giã cáy nấu canh, trưa về mẹ con mình dùng”. Bà
gánh hàng đi rồi, gần đến giờ nấu cơm, sư ra ao xách giỏ cáy lên định đem giã nấu
canh như lời mẹ dặn, song nhìn thấy những con cáy tuôn những hạt bọt ra, dường như
khóc rơi từng giọt nước mắt. Xót thương quá, sư không đành đem giã, lại đem đến
ao giở nắp giỏ thả hết.
Đến
trưa bà mẹ đi bán về, vừa nhọc nhằn vừa đói bụng, hai mẹ con lên mâm cơm ngồi
ăn, bà không thấy món canh cáy liền hỏi lý do. Sư thưa: “Con định đem đi giã,
thấy chúng nó khóc, con thương quá đem thả hết”. Bà mẹ nổi giận, bỏ bữa cơm, chạy
lấy roi đánh sư một trận như lôi đình. Sợ quá, sư chạy một mạch không dám ngó lại.
Từ đó sư và mẹ ruột ly biệt.
Sau
khi chạy khỏi nhà, sư mệt quá ngất đi và được một sư cụ đưa về chùa cưu mang. Từ
đó sư ở chùa và rồi xuất gia. Sau khi đã tu hành sáng đạo, một bữa sư tọa thiền,
lòng bỗng nhớ đến người mẹ xưa. Ngài nghĩ mẹ giờ chắc đã già yếu không có ai
chăm sóc. Người tu hành từ bỏ đời sống gia đình nhưng ơn sinh thành dưỡng dục
thì phải đền đáp. Nghĩ vậy ngài liền về quê cũ tìm mẹ nhưng tìm không ra. Bởi
vì sau buổi lỡ giận đánh con đó, mẹ ngài cũng hối hận đi lang thang khắp nơi
tìm con.
Đến
hơn ba mươi năm sau, người mẹ thì cũng già yếu nên trở về quê cũ và mở một quán
nước để làm kế sinh nhai và tiện việc hỏi han tin tức con mình. Suốt mấy chục
năm bà chỉ mong tìm được đứa con trai duy nhất để nói một câu xin lỗi, có thế
thì mới yên lòng nhắm mắt và gặp lại chồng dưới chín suối.
Về
phần mình, sư vẫn dò la tin tức về người mẹ đã ly biệt. Một dịp, sư lại về làng
cũ và vào quán trà của bà lão uống nước. Thấy bà lão đầu tóc bạc phơ đang châm
trà bán cho khách, đợi đến lúc bà lão rảnh, sư mới hỏi thăm lai lịch. Bà thở
dài than:
-
Bạch sư cụ, chồng tôi mất sớm, có một đứa con trai mà nó bỏ đi mất từ khi được
mười hai tuổi. Thân già hôm sớm không ai, tôi phải lập quán bán nước trà, kiếm
chút ít tiền sống lây lất qua ngày.
Sư
hỏi:
-
Cụ có muốn vào chùa không, nếu cụ đồng ý thì chúng tôi xin thỉnh cụ về chùa để
nương bóng từ bi trong những tháng ngày còn lại.
-
Tôi già rồi đâu làm gì nổi mà vào chùa công quả, không làm mà ăn cơm chùa tội lắm.
Sư
nói:
-
Cụ đừng ngại, ở chùa có nhiều việc, người mạnh gánh nước bửa củi, nấu cơm, người
yếu quét sân, nhổ cỏ, miễn có làm chút ít, còn thì giờ tụng kinh niệm Phật là tốt.
Bà
lão thấy sư có lòng tốt bèn nói:
-
Nếu sư cụ thương giúp kẻ cô quả này, tôi rất mang ơn.
Sư
hẹn ít hôm sau sẽ có người đến đón bà về chùa. Về chùa, sư họp Tăng chúng nơi
sư đang trụ trì hỏi ý kiến có thuận cho bà lão cô quả ấy ở chùa không. Toàn
chúng đều đồng thuận mời bà lão về chùa. Sư cho cất một am tranh trong khuôn
viên chùa, cho người đi rước bà lão về ở đây. Mỗi hôm, sư phân công bà lão quét
sân chùa hay nhổ cỏ, tùy sức khỏe của bà. Sư luôn luôn nhắc nhở bà tu hành và mỗi
sáng đều qua am thăm hỏi bà lão.
Được
một thời gian, bà lão lâm bệnh, sư tự thân nấu cháo săn sóc bà lão khiến các đệ
tử đều thấy lạ. Biết bà lão không sống được bao lâu, song vì có duyên sự phải
đi vắng năm bảy hôm nên trước khi đi, sư dặn dò mọi người: Nếu bà lão có mệnh hệ
gì thì chúng Tăng cứ làm đủ lễ nghi nhưng khi liệm thì đừng vội đậy nắp áo
quan, đợi sư về sẽ đậy sau.
Đúng
như lời sư đoán, bốn năm hôm sau bà tắt thở, Tăng chúng làm đúng như lời sư dặn,
chỉ để bà trong áo quan mà không đậy nắp. Hai hôm sau sư về, nghe bà lão mất
còn để trong áo quan. Sư về nhìn mặt lần chót, đi quanh quan tài 3 lần rồi đậy
nắp quan lại. Sau đó sư nói to:
-
Như lời Phật dạy: Một người tu hành ngộ đạo cha mẹ sanh thiên, nếu lời ấy không
ngoa xin cho quan tài bay lên hư không để chứng minh lời Phật.
Nói
xong sư liền cầm tích trượng gõ ba cái, quan tài từ từ bay lên hư không, rồi hạ
xuống. Lúc ấy mọi người mới biết bà lão là mẹ của sư.
Hòa
thượng vừa dứt tiếng, chiếc quan tài bỗng như có một lực đẩy, từ từ nâng lên
cao, sát mái am tranh, lơ lửng. Mọi người đồng loạt quỳ xuống, chắp tay, ngẩng
mặt nhìn lên trong một niềm kính ngưỡng tột cùng. Mắt Hòa thượng sáng ngời, an
trú trong giây phút hiện tại tuyệt vời, một giây mà đằng đẵng thiên thu.
Tâm
hiếu của người con hòa lẫn trong tâm từ của một bậc chân tu đắc đạo, nở tung
như đóa sen tỏa hương tinh khiết, tuy vô hình mà bất diệt, tuy vô thanh mà tràn
ngập âm hưởng diệu kỳ, tuy vô tướng mà chan hòa khắp cùng cõi giới.
Khi
chiếc áo quan nhẹ nhàng trở về chỗ cũ, người ta thấy gương mặt bà cụ – bây giờ
đã rõ là thân mẫu của sư trụ trì – tươi nhuận rạng rỡ. Mùi hương lạ lại tỏa ra
phảng phất quanh nhà. Mọi người đứng bất động, đắm mình trong niềm phúc lạc
ngàn năm chưa dễ có.
Nơi
quán nước ngày xưa của mẹ, sư bèn lập một ngôi chùa đặt tên là Mại Trà Lai tự.
Am tranh mẹ từng ở có tên là Dưỡng Mẫu đường, sớm chiều khói hương nghi ngút.
Đó
là một trong nhiều câu chuyện trong hành trạng của vị thiền sư Việt Nam đạo
phong, liên quan tới hiếu đạo của người xuất gia. Ngài cũng là người sống gần
dân, được người dân yêu quý gọi bằng tên mộc mạc là Hòa thượng Cua.
Cách
báo đáp thâm ân cha mẹ của Thiền sư Tông Diễn đã lưu mãi trong lòng người, vượt
cả thời gian. Hình tượng và hạnh hiếu đó không chỉ lưu truyền trong dân gian mà
đã được xây dựng thành hình tượng nghệ thuật, được chuyển thể qua các loại hình
sân khấu, làm rung động lòng người nhiều thế hệ.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét