Là tỉnh trung
du miền núi phía Bắc có điều kiện địa hình, khí hậu mang những nét đặc thù nên
trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Phú Thọ chọn cho mình cách làm
đầy sáng tạo, mang bản sắc riêng biệt vùng đất Tổ.
Một tuần rong ruổi khắp vùng quê của
tỉnh Phú Thọ, điều khiến chúng tôi ấn tượng nhất là sự chung tay góp sức xây
dựng NTM của các Mạnh Thường Quân. Đến Phú Thọ, không khó để tìm thấy những con
người được nhân dân khắc bia trong lòng.
Diệu kỳ Tình
Cương
Chúng tôi đang chạy
xe trên đê sông Thao đoạn chảy qua huyện Cẩm Khê, khi đến địa phận xã Tình
Cương ai nấy đều hướng mắt về phía khu phố sấm uất, lung linh với trụ sở, trạm
y tế, trường học,… được quy hoạch, xây dựng bài bản, khang trang có lẽ vào bậc
nhất tỉnh Phú Thọ hiện nay. Và, ai nấy đều đặt dấu hỏi, với một xã thuần nông
như Tình Cương, tiền ra đâu mà xây khu trụ sở đẹp đến như vậy?
Khu Trung tâm Giáo dục – Y tế xã Tình Cương, do TS. Nguyễn Đức Hưởng và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt xây tặng. |
Đem thắc mắc hỏi Chủ
tịch UBND xã Tình Cương Trần Hữu Khánh, chúng tôi hay biết, tất cả đều do con
em xã Tình Cương thành đạt ở khắp nơi gửi về đóng góp khi quê hương phát động
phong trào chung tay xây dựng NTM. Trong đó, riêng TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó
Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, xây tặng xã khu trung
tâm với đầy đủ trụ sở làm việc, trạm y tế, trường học, đình chùa, miếu mạo trị
giá trên 60 tỷ đồng.
Dẫn chúng tôi đi tham
quan một vòng khu trụ sở hành chính và khu đình chùa ghi danh 10 tiến sĩ có
đóng góp cho quê hương, ông Khánh bộc bạch, với xã thuần nông như Tình Cương,
thu ngân sách một năm được vài trăm triệu đồng, nếu không có sự chung tay góp
sức của các Mạnh Thường Quân, người dân Tình Cương chẳng bao giờ mơ có cơ ngơi
như vậy.
Cảm nhận rõ nhất sự
thay đổi khi xã có “áo mới” là các y tá xã. Phó Trưởng Trạm Y tế xã Tình
Cương Phạm Thị Nga phấn khởi cho biết, trước đây, khi còn làm việc ở trụ sở cũ
các chị khám bệnh thủ công bằng cách nhìn, sờ, gõ, nghe,… nên công tác chuyên
môn khó đảm bảo. Nay được trang bị máy siêu âm, máy điện tim, máy hút đờm, máy
khí rung, máy thử tiểu đường,… không kém một bệnh viện cấp huyện khu vực miền núi
nên thấy tự tin hẳn. Công tác chẩn đoán, khám chữa bệnh vì thế mà chính xác
hơn.
Ở xã Tình Cương,
phong trào đóng góp tiền của xây dựng quê hương diễn ra ở mọi gia đình, dòng
họ, làng xã. Người giàu góp theo kiểu người giàu, người nghèo tham gia theo
cách riêng của mình. Tình Cương có 8 khu hành chính tất thảy 8 nhà văn hóa
thuộc các khu đều do nhân dân tự hiến đất, đóng góp tiền của, vật liệu xây
dựng.
Chúng tôi thăm Nhà Văn
hoá Khu 8 khi công trình này vừa khánh thành vào ngày 25/3. Chị Chu Thị Oanh,
Trưởng Khu 8 khoe rằng, tổng chi phí xây dựng Nhà Văn hoá hết 213 triệu, nguyên
con em trong thôn hiện đang làm ăn sinh sống tại TP. Việt Trì, Hà Nội và TP. Hồ
Chí Minh… đã ủng hộ tiền mặt 193 triệu đồng, phần còn lại do người dân trong
thôn đóng góp.
Chị Oanh nhớ lại, khi
Nhà Văn hoá cũ của khu xuống cấp, họp hành vô cùng khổ sở mỗi khi trời mưa
nắng. Trước nhu cầu cấp thiết cần chỗ hội họp, vui chơi, Khu 8 quyết định xây
dựng lại Nhà Văn hoá. Nhưng bắt tay vào làm ngay lập tức vấp phải khó khăn về
kinh phí bởi Khu 8 chỉ có 100 hộ, điều kiện kinh tế của bà con không có gì dư
dả. Sau khi hội ý, Khu 8 quyết định gửi thư mời người dân sinh ra và lớn lên
tại thôn đang làm ăn, sinh sống ở xa quay trở về giúp đỡ quê hương.
Khi lời phát động từ Khu
8 được gửi đi, lập tức nhận được sự đồng tình ủng hộ của Mạnh Thường Quân.
Người nhiều đóng góp 50 – 60 triệu, người ít vài ba triệu. Nhiều người không có
tiền thì tham gia đóng góp bằng bộ tivi, loa đài, hoành phi câu đối, khẩu hiệu,
tượng Bác Hồ,… Thậm chí, có đôi vợ chồng già ngoài 70 tuổi sống ở Hà Nội khi
hay tin quê nhà đang xây dựng Nhà Văn hoá cũng cố gắng gửi về đóng góp cho bằng
được đôi quạt trần.
Những con đường của
lòng tin
Suốt một tuần cùng
ông Nguyễn Hải Minh, Chi cục Trưởng Chi cục PTNT Phú Thọ, đi kiểm tra, tham
quan một loạt các xã điểm NTM của Phú Thọ, chúng tôi còn ghi nhận thấy công tác
tuyên truyền, dân vận của địa phương này rất tốt.
Làm đường giao thông nông thôn. |
Từ khi có chủ trương
xây dựng NTM, gần như mọi con đường giao thông nông thôn cũng như đường liên
huyện, liên xã chạy qua địa bàn tỉnh, người dân đều nhiệt tình hiến đất mà ít
khi phải đền bù giải phóng mặt bằng.
Cụ Hoàng Bá Nghi ở Khu 8, xã Tình Cương khi
thấy tôi tới tìm hiểu viết bài về NTM đã cho hay: Nhận thức của người dân bây
giờ đã đi lên, bản thân cụ Nghi là người của thế hệ trước, nay suy nghĩ cũng
thoáng hơn. Cụ Nghi khuyên lớp cán bộ trẻ bây giờ hãy cứ mạnh dạn kêu gọi đóng
góp xây dựng NTM, người dân sẽ ủng hộ ngay.
Đến lúc này, tôi chợt
nhớ đến lời tâm sự của anh Trần Mạnh Hải, cán bộ địa chính xã Tình Cương. Anh
Hải bảo rằng, làm nghề liên quan đến đất đai mấy chục năm quá chưa khi nào anh
thấy công tác giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai với người dân lại đơn giản,
dễ dàng như trong xây dựng NTM. Trước đây, dù chỉ lấy vài mét vuông thôi bà con
cũng đòi đền bù cho bằng được. Nay bà con hiến cả trăm mét đất mà trong lòng
vẫn vui như tết bởi người dân nhìn thấy được ý nghĩa Chương trình xây dựng NTM
mang lại. Được biết, khi tiến hành giải phóng mặt
bằng thi công các tuyến đường trên, ban đầu người dân đòi đền bù rất căng
thẳng. Sau, các tổ chức đoàn thể đến vận động, tuyên truyền người dân hiểu
rằng, vài trăm mét vuông đất bà con giữ lại cũng chẳng giàu thêm nhưng khi có
đường rộng rãi, khang trang chính người dân được hưởng thụ đầu tiên nên 100%
các hộ có đường chạy qua đều đồng tình hiến đất. Chính quyền động viên nhân dân
xã mình tích cực hăng say đổ đường bê tông xây dựng NTM với ánh mắt đầy xúc
động, nhưng điều khiến chúng tôi mừng nhất là lòng tin của nhân dân được củng
cố, bà con đã tích cực tham gia vào công việc chung của xã hội nhiệt tình như
thời cách mạng mới thành công, chứ không dửng dưng coi đó là việc của cán bộ
hay Nhà nước.
NGUYÊN HUÂN – Theo: www.nongnghiep.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét