Tình Cương là xã miền núi, sát bờ sông Thao, nằm về
phía Đông Nam huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm huyện lỵ 6 km về phía
Tây Bắc. Phía Tây và phía Bắc giáp xã Phú Lạc, phía Nam giáp xã Hiền Đa, phía
Đông là sông Thao, bên kia sông là xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba.
Trải qua các thời kỳ lịch sử, địa lý hành chính xã
Tình Cương có nhiều thay đổi. Xa xưa, vùng đất này thuộc bộ Văn Lang, rồi quận
Giao Chỉ. Xưa kia, Tình Cương là tên gọi của một trong 5 làng của xã Tình
Cương, hình thành vào khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Sách “Chế thống
dinh điền cựu bạ” do tác giả Tô Đức Vượng viết năm 1812 ghi rõ: “Làng Tình
Cương thuộc xã Chế Nhuệ, huyện Hoa Khê, phủ Lâm Thao, trấn Sơn Tây”. Năm 1841,
nhà Nguyễn đổi tên huyện Hoa Khê thành huyện Cẩm Khê. Năm 1886, Toàn quyền Đông
Dương ra Nghị định cắt chuyển huyện Cẩm Khê về tỉnh Hưng Hóa; làng Tình Cương
thuộc xã Chế Nhuệ, huyện Cẩm Khê, tỉnh Hưng Hóa. Ngày 05 tháng 5 năm 1903, tỉnh
lỵ Hưng Hóa chuyển về làng Phú Thọ và đổi tên thành tỉnh Phú Thọ; làng Tình
Cương lúc đó là một trong 8 làng của tổng Chương xá, huyện cẩm Khê, tỉnh Phú
Thọ. Tổng Chương xá thời đó có 8 làng là: Tình Cương, Chế Nhuệ, Hanh Cù, Phiên
Quận, Tang Châu, Hiền Đa, Phú Lạc và Chương Xá. Đầu năm 1946, Chính phủ Nước
Việt Nam
dân chủ cộng hòa quyết định xóa bỏ cấp tổng, mở rộng phạm vi cấp xã. Tổng
Chương Xá được lập thành một xã (hay liên xã) lấy tên là xã Nhật Tiến, gồm các
thôn: Tình Cương, Chế Nhuệ, Hanh Cù, Phiên Quận, Tang Châu, Hiền Đa, Phú Lạc,
Chương Xá. Đầu năm 1948, xã Nhật Tiến được chia tách thành 3 xã mới là Hiền Đa, Thanh Lâm và
Nhật Tiến. Xã Thanh Lâm gồm 2 thôn Phú Lạc và Chương Xá, ngày nay là xã Phú Lạc
và xã Chương Xá. Xã Nhật Tiến gồm 5 thôn là: Tình Cương, Chế Nhuệ, Hanh Cù,
Phiên Quận, Tang Châu. Tháng 8 năm 1964, xã Nhật Tiến được đổi tên thành xã
Tình Cương như ngày nay.
Xã Tình Cương có tổng diện tích đất tự nhiên là 484,9 ha,
đất nông nghiệp chiếm 54%, đất lâm nghiệp chiếm 2,1%, diện tích mặt nước sông,
ngòi chiếm 27,7%. Địa hình chia thành hai vùng rõ rệt, phía Tây là dãy gò đồi
thấp, độ dốc nhỏ, thấp dần theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, với nhiều quả đồi nhỏ
nằm kế tiếp nhau, như: gò Trúc, gò Bờ Vàng, gò Cây Si, gò Sức Trong, gò Sức
Ngoài, gò Chương Xá, gò Đình,... Xen kẽ giữa các quả đồi là những cánh đồng nhỏ
hẹp và tương đối màu mỡ, chuyên canh cây lúa và một vài loại cây hoa màu ngắn
ngày khác, như: đồng Láng, đồng Phiên Quận, đồng Tang Châu, đồng chia Năm, đồng
Cây Móc, đồng Ma Hà, đồng Đỗ, đồng Non Tranh, đồng Gò Giữa,… Phía ngoài đường
đê 24 (nay là quốc lộ 32C) là dải đất phù sa màu mỡ ven sông Thao, trải dài từ
chân dốc Chủ Chè đến giáp xã Hiền Đa với diện tích 34,58 ha.
Xưa kia, đồi rừng ở Tình Cương khá rậm rạp, là nguồn
cung cấp nguyên vật liệu, lâm thổ sản, thực phẩm quan trọng để nhân dân khai
thác làm nhà ở, làm đồ dùng sinh hoạt và cải thiện đời sống. Sau này, nguồn lợi
rừng dần dần bị cạn kiệt theo thời gian. Sau 2 trận lũ lụt lớn năm 1968 và năm
1971, các hộ dân làng Chế Nhuệ sinh sống gần bờ sông Thao (thường gọi là Chế
soi), hầu hết dân làng Hanh Cù, dân làng Phiên Quận và một số hộ dân làng Tang
Châu đã di cư vào khu gò đồi sinh sống. Đầu những năm 80 thế kỷ XX, các đồi gò
ở Tình Cương chỉ còn là đất trống đồi trọc và những ngôi nhà gỗ tạm mới dựng
lên. Nằm sát bờ sông Thao, những vùng đất thấp, về mùa mưa bão đồng ruộng Tình
Cương thường hay bị ngập úng, mùa màng bị thiệt hại nặng nề. Sông Thao là địa
giới hành chính tự nhiên giữa huyện Cẩm Khê và huyện Thanh Ba, tuyến giao thông
đường thủy quan trọng của tỉnh Phú Thọ. Bến đò Tình Cương (nay là bến phà Tình
Cương, nằm trên địa phận xã Phú Lạc, giáp giới xã Tình Cương) là tuyến giao
thông nối liền huyện Cẩm Khê với huyện Thanh Ba và thị xã Phú Thọ.
Trước năm 1945, dân số cả 5 làng Tình Cương, Chế Nhuệ,
Hanh Cù, Phiên Quận, Tang Châu chỉ có gần 300 hộ với hơn 1.100 nhân khẩu, chủ
yếu là dân tộc Kinh người địa phương và một số là nông dân miền xuôi lên làm
phu cho đồn điền Chủ Chè. Đồn điền trồng chè (trà) do người Pháp thành lập năm
1923 tại đồi Gò Trúc, làng Tình Cương, dân phu quen gọi là “Đồn điền Chủ Chè”,
còn tên ông chủ đồn điền gọi là “La-Qua”.
Hòa bình lập lại, sau năm 1954 một số cư dân Thái Bình, Nam Định, Hà Tây
đến Tình Cương sinh cơ, lập nghiệp, cùng với sự gia tăng dân số tự nhiên nên
dân cư ở xã đã tăng dần lên. Đến năm 2005, cả xã Tình Cương có hơn 3.000 nhân
khẩu.
Nằm trong vùng đất cổ của quốc gia Văn Lang xưa, trong
quá trình hình thành và phát triển, các thế hệ người dân xã Tình Cương đã kế
tiếp nhau xây dựng và bồi đắp vốn văn hóa tinh thần phong phú. Những hình ảnh
quen thuộc như: cây đa, bến nước, sân đình, đêm trăng đi hội,… đã in đậm dấu ấn
trong ký ức của nhiều thế hệ người dân nơi đây - một trong những nét văn hóa
đặc sắc của làng quê Việt Nam .
Những hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được lưu truyền sâu rộng trong nhân
dân từ xa xưa đến ngày nay như: tục thờ cúng ông bà tổ tiên, thờ cúng thần
linh, ăn Tết Nguyên đán và các lễ tết khác trong năm (theo âm lịch), gồm: Tết
Nguyên tiêu (Tết cả năm không bằng rằm tháng giêng), Tết Hàn thực (mùng 3 tháng
3, làm bánh trôi, bánh chay để ăn tết), Tết “Giết sâu bọ” (mùng 5 tháng 5, làm
rượu cái, cúng trái cây), Tết rằm tháng 7 “xá tội vong nhân”, Tết Trung thu
(rằm tháng 8), Tết cơm gạo mới (mùng 10 tháng 10, nghi lễ kết thúc vụ mùa
chuyển sang dùng lúa gạo mới).
Trước đây, cả xã có 5 ngôi đình làng là: Đình Tình
Cương, đình Chế Nhuệ (ở Chế soi, gần bờ sông Thao), đình hanh Cù, đình Quốc Tế
(làng Phiên Quận), đình Phe Thu (làng Tang Châu) và 5 ngôi chùa tại mỗi làng.
Những ngôi đình này được làm bằng gỗ quý, có nhiều hoa văn, họa tiết tinh vi được
các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ Tình Cương xưa trạm trổ rất công phu. Đình làng
là nơi hội họp bàn việc làng và cũng là nơi hàng năm cứ vào dịp đầu tháng giêng
(từ mùng 6 đến rằm) dân làng thường tổ chức lễ hội. Phần hội thường có nhiều
trò chơi dân gian hấp dẫn, như: hát chèo, hát dân ca xoan ghẹo, ca trù, nha tơ,
đấu cờ người, bơi chải, đấu vật, kéo co,… thu hút đông đảo nhân dân trong xã và
các vùng phụ cận về dự chơi xuân khá đông vui nhộn nhịp. Đến đầu những năm 60
thế kỷ XX cả 5 ngôi đình ở 5 làng chỉ còn là những dấu tích như sân đình, cây
đa trước cửa đình. Các ngôi chùa cũng cùng chung số phận, duy chỉ có làng Hanh
Cù còn lưu giữ lại được ngôi chùa cổ “Danh Lam tự” có niên đại hàng trăm năm,
nay đã được trùng tu khá đẹp. Những năm đầu thế kỷ XXI, nhân dân đã phát tâm tự
nguyện đóng góp khôi phục xây dựng lại các ngôi chùa, đình, miếu trên nền cũ
tại làng Tình Cương. Chùa Tình Cương xây mới trên nền cũ, giai đoạn 1 hoàn
thành năm 2005 và 3 năm sau đình làng Tình Cương và miếu Tình Cương cũng đã
được xây dựng lại trên nền đất cũ. Giai đoạn 2, xây dựng hoàn chỉnh Chùa Tình
Cương với tên gọi Chùa Long Khánh, hoàn thành ngày 23 tháng Chạp, năm Canh Dần
(2010).
Trước năm 1945, cả tổng Chương Xá chỉ có 4 trường tư
thục sơ học yếu lược (tương đương tiểu học ngày nay). Trường làng Tình Cương do
một Tổng sư người Nghệ An mở năm 1924 chỉ dạy chữ Hán, còn 3 trường ở các làng
Chế Nhuệ, Phiên Quận, Tang Châu do cụ đồ Đỗ Văn Phổ (người làng Chế Nhuệ) mở
năm 1941 dạy quốc ngữ (Tiếng Việt).
Cuối năm 1976 lại xảy ra trận lũ lụt khủng khiếp, trên
40% diện tích ruộng đất không canh tác được. Năm 1977 tình trạng thiếu hụt
lương thực diễn ra khá trầm trọng.
Tháng 10 năm 1977, huyện Sông Thao được thành lập trên
cơ sở sáp nhập huyện Cẩm Khê (31 xã), huyện Yên Lập (17 xã) và 10 xã hữu ngạn
sông Thao của huyện Hạ Hòa, nâng tổng số xã toàn huyện lên 58 xã.
Từ 1976 đến 1985, xã Tình Cương xây dựng Trường mầm
non (mẫu giáo), Trường Phổ thông Cấp 1 (Tiểu học) và Cấp 2 (Trung học cơ sở),
với hàng chục lớp học; xây mới và tăng cường trang thiết bị cho Trạm Y-tế.
Từ năm 1991, xã Tình Cương thành lập các khu dân cư
(không phải là một cấp hành chính), trên cơ sở điều chỉnh các thôn xóm cũ, thời
điểm này cả xã có 9 khu dân cư, tên gọi theo số thứ tự từ 1 đến 9. Đến
năm 1995 cả xã đã có hơn 400 gia đình có nhà xây lợp ngói và nhà mái bằng, một
số nhà xây 2 tầng. Hệ thống điện quốc gia đã “về” xã Tình Cương, trạm biến áp
250KVA hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 1994.
Ngày 08 tháng 4 năm 2002, huyện Sông Thao
được đổi lại tên cũ thành Cẩm Khê. Huyện Cẩm Khê được tái lập. Bước sang thế kỷ
XXI, xã Tình Cương ngày càng đổi mới, nhiều đường làng, ngõ xóm được sửa sang, một
số là đường bê tông. Từ năm học 2003 – 2004, Trường Trung học cơ sở xã Tình
Cương được tái lập sau một số năm ta rã, Trường Tiểu học xã Tình Cương không
ngừng được củng cố. Tháng 3 năm 2011, Trường Mầm non và Trường Tiểu học xã Tình
Cương được công nhận đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1. Trụ sở Ủy ban nhân dân xã và
Trạm Y-tế xã được xây dựng mới khang trang, hệ thống cấp nước sạch nông thôn
đang xây dựng. Đài phát thanh FM của xã được xây dựng với sự đầu tư “Nhà nước
và nhân dân cùng làm”. Cả xã đã xây dựng được 3 nhà văn hoá ở khu dân cư, 4 căn
nhà đại đại đoàn kết tặng các hộ nghèo và quy tập “đón nhận” 6 hài cốt liệt sỹ
về địa phương.
Ngày 14 tháng 12 năm 2005, nhân dân xã Tình Cương long
trọng tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời
kỳ kháng chiến chống Pháp do Nhà nước trao tặng.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, mặc dù từng
thời điểm còn có nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan, nhưng nhân dân xã
Tình Cương trong gian khó đã biết đoàn kết thương yêu nhau tìm ra nhiều biện
pháp khắc phục, “cái khó ló cái khôn”, ổn định tình hình và vững bước trên con
đường đổi mới xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với
truyền thống xã Tình Cương anh hùng trong chiến đấu chống ngoại xâm và cả từng bước
xây dựng, phát triển kinh tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét