Người xưa xếp chữ “Lộc” trong bộ “Phúc – Lộc – Thọ” để biểu thị khát vọng của mỗi người, xem như ba tiêu chí lớn của cuộc
sống. Ngày nay, xem ra đã xuất hiện những giá trị lớn khác.
Dịp cuối năm, tôi về
thăm xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Tại đó, người dân đang hân
hoan chào đón công trình thiện nguyện của một “quý nhân” là con em của xã khi
công thành, danh toại: Tiến sĩ Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank.
Ông đã cùng bách họ xây dựng một ngôi chùa lớn cho nhân dân thờ phụng Đức Phật.
Ngoài giá trị rất lớn
về vật chất, ông còn tặng vài trăm phần quà, mỗi phần hai chục ký gạo cho các
hộ nghèo đón tết. Tại buổi mít tinh trọng thể khánh thành công trình đó, trong
diễn văn của mình, ông nói: “Tôi mong muốn con em xã ta rồi sẽ trở thành những
người bình thường…”. Nhiều người đã sốc vì câu nói ấy. Nhưng tôi cho rằng tác giả của lời phát biểu “kỳ dị”
trên đây chính là cái LỘC của quê hương Tình Cương, của vùng đất Tổ.
Tôi đặc biệt để ý đến
tấm bia ghi tạc công đức xây chùa. Trên tấm bia đá đó, hoàn toàn không có tên
ông mà được ghi là “toàn thể nhân dân xã đóng góp xây dựng”. Càng
ngẫm, càng thấy cái “Lộc” của đất này lớn biết bao. Cách ghi nhận trên trong
khi chính ông là người đại diện cơ quan ông tài trợ chính, chính là cách giáo
dục đức khiêm cung cho lớp công dân đang trưởng thành giữa thời buổi sùng
thượng vật chất ngày nay.
Người xưa đã có một
khắc họa cho một hình ảnh tương phản, mô tả loại người “có một quan khinh kẻ
chín tiền”. Hình ảnh mô tả những kẻ hợm hĩnh vì của cải thường thấy trong nhân
gian: có người chung tiền xây cho quê xứ con đường vài trăm mét và đòi được ghi
tên mình trên bảng tên của con đường đó.
Riêng ông tiến sỹ này không xem thường ai mà chỉ
muốn trao gửi cho hậu thế biết cách gìn giữ đức tính trọng thị nhân dân để
khuyến khích tiềm năng từ nhân dân, từ tương lai.
Ai nói rồi đây, từ mặt
bằng này, Tình Cương không nổi lên những công dân tiến bằng hoặc hơn ông Hưởng
là không có cơ sở. Nếu không bằng về của cải vật chất thì họ cũng sớm tiếp cận
được và vươn tới những giá trị cao cả ở những tầng cao mới, sau ông tiến sỹ
kính mến này.
Trở lại với phát biểu
“muốn con em trở thành người bình thường” thì càng đáng suy ngẫm hơn. Phải
chăng, trong ngày vui, “quý nhân” kia không tiện nói về những gì nằng nặng đang
diễn ra ở khắp nơi, khi lũ trẻ đang sa đà vào việc theo đuổi những thứ phù du
nổi chìm của cuộc sống hôm nay; và gửi những thông điệp đau đáu vào lớp người
sắp làm chủ tương lai.
Xã M., huyện Hạ Hòa
cách đó không xa, một xã có ba ngàn dân mà đến năm 2005 đã “đạt được” con số
nửa trăm người nghiện heroin.
Xã P., ngay trên thượng huyện Cẩm Khê đã xuất
hiện hình ảnh một nhà hai ngày hai đứa con chết vì ma túy. Xã Đ., trung tâm huyện, qua khảo sát của một cơ quan
chuyên ngành có đến 80% không kể được hết tên các tỉnh có ranh giới chung với
tỉnh mình khi đã tốt nghiệp PTTH, nhưng tới 60% có khả năng sử dụng thành thạo
10 loại điện thoại di động mới trên thị trường!
Lớp trẻ thì nghiện ma
túy, game online, điện thoại di động… còn lớp trung niên thì sao? Có nơi,
khi hỏi thăm gia cảnh một chức sắc cấp xã, những người được hỏi cứ chăm chắm tôn
vinh… cái biệt thự, vài lô đất ngoài thành phố, cái xe đẹp mới mua của ông này.
Ai cũng biết 80% nguồn thu để gây dựng những thứ ấy là tham nhũng, là bất minh
nhưng có vẻ ai cũng háo hức, khát thèm, hướng tới và tôn vinh sự bốc đồng, sự
thăng tiến kiểu đó và mong có ngày mình hoặc con em mình cũng “được như thế”. Họ coi đó là thứ “lộc trời” mà không biết, để có mớ
“Lộc” đó bao nhiêu quyền lợi của người dân đã bị xà xẻo.
Một lần, tôi đến thăm
một người bạn ở Biên Hòa. Buổi hội ngộ đang vui vẻ thì anh bạn bốc máy gọi cho
con trai làm “chức sắc” gì đó về an ninh xã hội ở phường. Một lúc
sau, cậu thanh niên tuổi chừng dưới ba chục, đánh chiếc xe Jeep về quẳng xuống
nền nhà một lô thực phẩm gồm đủ thứ cua, ghẹ, tôm, rau,… lại còn có cả mấy cái
ghế nhựa nho nhỏ nữa. Khi sắp ra về, tôi
nói với gia chủ lần sau đừng chi tiêu tốn kém phiền phức và lãng phí như vậy
thì anh bạn cười hề hề: “Lộc đấy mà, cháu nó làm ở đội quản lý quy tắc đô thị,
khi cần nó chạy một vòng, mấy ông bà buôn bán lấn chiếm lòng lề đường bỏ của
chạy lấy người, tha hồ mà vơ cho bằng thích…”. Từ mặt bằng dân trí thấp, từ nền kinh tế chung còn nghèo, nên đây đó còn
những quan niệm như vậy đấy. Cứ cái gì không phải mất mồ hôi nước mắt, không
phải đầu tư trí tuệ, tài chính mà đến với mình thì coi đó là “lộc” hết.
Chùa Long Khánh, xã Tình Cương. |
Từ đây, mới thấy suy
ngẫm của nhà tài trợ ngôi chùa ở Tình Cương nói trên, muốn con em mình trở
thành “người bình thường” cao cả biết bao.
Làm người bình thường nghĩa là không trở thành
một trong số nửa trăm con em của xã M., huyện Hạ Hòa, hay như vị “quản lý đô
thị” nọ, hoặc không nằm trong những tư duy luôn ngồi đó mong bổng lộc vô căn cớ
“từ trên trời rơi xuống” kiểu ông quan xã nói trên; miễn nhiễm được những hấp
lực của thứ bổng lộc tai hại mà vươn lên bằng nỗ lực thật sự của họ là một đại
phúc cho quê hương.
Đất nước đang tiến vào
vận hội mới, nhiều cơ hội đang mở ra. Một khu vực hai chục hec-ta ở công viên
phần mềm Quang Trung mỗi năm đem lại nguồn LỘC lớn hơn vài trăm lần những cách
thức làm ăn khác. Ở đó, các công dân trẻ trung, sôi động, hào hứng sống
và làm việc để mỗi tháng nhận mức lương vài chục triệu đồng. Đó là những gói
LỘC thơm tho, vinh hạnh từng tháng, từng ngày và để rồi có ngày họ thăng tiến
được như ông tiến sỹ trên đầu bài. Và khi ấy, chính mỗi cá nhân xuất sắc này đã
trở thành LỘC lớn của quê hương, xứ sở.
NGUYỄN HUY CƯỜNG – Theo: www.tamnhin.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét