Lễ hội dân gian hay "hội làng",
"hội làng quê" là biểu hiện tổng hợp và tập trung cao nhất của văn
hóa làng xã, văn hóa công xã nông nghiệp. Lễ hội thu hút không chỉ những thành
phần tín ngưỡng, tôn giáo, những trò vui chơi hội đám mà còn là toàn bộ sinh
hoạt nông thôn với phong tục, tập quán cho tới các nghề nghiệp truyền
thống. Có thể nói đến với lễ hội làng quê là đến với văn hóa làng xã. Và, để
tìm hiểu về nông thôn, về những giá trị tinh thần cho tới những đáy sâu tiềm ẩn
tâm linh của nhân dân công xã không thể không tìm đến các lễ hội.
Lễ hội dân gian của Phú Thọ – đất
Tổ Hùng Vương
– chính là cơ sở bảo tồn văn hóa làng
xã và di sản văn hóa dân tộc. Lễ hội Phú Thọ mang những yếu tố hình thức phổ
biến của lễ hội người Việt nói chung nhưng cũng có những biểu hiện địa phương
mang tính đặc thù của một vùng trung du là điểm khởi hành của lịch sử dân tộc.
Đến với lễ hội Đền Hùng, với các lễ hội trung du đất Tổ
chính là hành hương về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Phú Thọ đã là đất phát
tích của dân tộc, "từ cố sơn hà qụy bản tịch", đương nhiên Phú Thọ
cũng là cội nguồn của văn hóa dân tộc.
Tín ngưỡng phồn thực và tục thời lễ sinh thực khí là hình
thái tín ngưỡng cổ xưa ở tầng sâu nguyên thủy của văn hóa dân tộc. Mảnh đất
trung du cội nguồn đã cho thấy những phương thức biểu hiện khác nhau của loại
hình tín ngưỡng này. Trước hết là hình thức tính giao nam nữ thực sự trong nghi
lễ săn bắt được thấy ở các xã Phú Lộc, Hà Thạch, Phú Hộ. Tính giao nam nữ trong
nghi lễ còn có những hình thức tượng trưng như tắt đèn trong buổi lễ, nam nữ
được tự do đùa nghịch nhau trong khoảng mười phút được gọi là "hội
ôm" (các xã Chế Nhuệ, Phú Lạc, An Đạo, Phù Đức, Kinh Kệ, Y Kỳ, Thanh Uyên,
Dữu Lâu…) cạnh đó là hình thức "tháo khoán" như ở Tứ Xã, trai gái tự
do đùa nghịch bên miếu khi đang có hành lễ. Tính giao nam nữ được cách điệu
hóa, nghệ thuật hóa như múa Tùng Dí ở Chu Hóa.
Thời lễ sinh thực ký hay thời lễ nõ nường cũng là hình thức
tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp được thấy khá phổ biến ở Phú Thọ mà
"nõ" là biểu tượng dương tính tạo tác bằng gỗ, thường là gỗ xoay hay
công và "nường" là biểu tượng âm tính thường làm bằng mo cau vẽ vôi
và mực tàu cho "y như thật", nhân dân thường gọi là "cua mua cò
gỗ", cả một cặp gọi là "kén". Thờ lễ nõ nường là nghi lễ thiêng
liêng của công xã được gọi là "lễ mạt" cử hành trong miếu vào nửa
đêm, chỉ có chủ tế, ông từ và một hay vài cặp trai gái hành lễ. Trai cầm nõ và
gái cầm nường đứng hai bàn tờ, chủ tế điều khiển cho trai gái chọc nõ nường vào
nhau và hát "cái sự làm sao? – cái
sự làm vầy!
– cái sự thế nào? – cái sự thế này!",… Cũng có nơi chỉ có chủ tế là ông từ
thực hiện mà không có trai gái tham gia.
Có nơi người ta rước nõ nường đi khắp làng như Hương Nha,
Khúc Lạc, có nơi làm lễ ở đình (không thực hành lễ mật) rồi tung các bộ kén cho
dân cướp như Dị Nậu, Danh Hựu.
Thờ lễ nõ nường có thể coi là một biểu hiện của tục thờ lễ
Linga–Yoni phổ biến ở Nam Á và Đông Nam Á mà nguồn gốc có thể là
Ấn Độ qua Campuchia vào Việt Nam, dấu tích Linga–Yoni
đậm nét nhất là ở vùng Chăm. Ở Campuchia, tại tỉnh Prasát Thom cách Angkor 60 dặm
về phía đông bắc có Linga lớn của vương quốc và ở Phnôm Kulên có Linga thiêng
của quốc gia. Gần dây đã phát hiện ở Quảng Nam một bộ Linga–Yoni bằng đá cao 1,6m, nặng 5 tấn, lớn nhất của vùng Chăm.
Người Việt cũng có những biểu hiện thời lễ Linga–Yoni
trong các lễ hội, những cây nêu âm – dương
trồng trong dịp lễ hội, những "cây bông" vót bằng tre từng đoạn có xơ
nhuộm màu xòa ra, được các cô thả tơ hay thanh đồng múa rồi tung cho dân cướp,
hay như xã Thanh Đình có nghi lễ đâm chiếc bánh chưng tày xuống một lõm đá,
biểu hiện tính giao qua Linga–Yoni.
Một biểu hiện đặc thù khác của văn hóa lễ hội Phú Thọ là
những tiếng hú, những hình thức nghi lễ có tiếng hú. Tiếng hú gợi lên một cái
gì hoang dã cổ sơ là một nét sinh hoạt đặc trưng vùng trung du đồi, núi và
rừng. Người đi rừng hú để gọi nhau, trai gái hú để tìm nhau để tỏ tình, người
lên nương, người ở làng đồi đều hú để gọi nhau. Từ cuộc đời, hú đi vào nghi lễ.
Các thôn Vy Cương và Triệu Phú (xưa là 2 xã, nay Vy Cương về
Hy Cương và Triệu Phú về Chu Hóa) cùng thờ lễ chung một ngôi đình có tục
"rước tiếng hú" từ miếu thờ Ngọc Hoa vợ Sơn Tinh, hú từ miếu về đình
rồi lại hú từ đình về đến các nhà. Có lẽ tục này có ý nghĩa rước đón điều may
vận đỏ nhưng nhân dân quan niệm đây là tiếng hú của Ngọc Hoa hú để gọi chồng và
như vậy tiếng hú trai gái gọi nhau, tỏ tình đã được thần thoại hóa đưa vào lễ
tục.
Trò múa săn các xã Phú Lạc và Hà Thạch, trai gái vừa
múa vừa hú trước khi tính giao nam nữ, đây rõ ràng là hú gọi tình. Múa mo xã
Nam Cương, ông chúa mo vừa múa vừa hát những lời chúc tụng, sau mỗi câu hát lại
hú và trai gái hai bên cùng hú theo, đây là nghi lễ hú gọi là lúa cũng được
thấy ở vùng Mường Thanh Sơn. Xã Chu Hóa trong trò diễn múa tùng dí, trai gái
vừa múa vừa cất tiếng hú và người xem cũng hú theo. Cũng Chu Hóa, vào hội đánh
cá thờ ở đầm Doi vào tháng 10, mọi người ào xuống đồng hò hét và hú: "Hú,
hú, huê". Xã Tứ Xã, trong đám rước người cầm trống hiệu điều khiển
rước kiệu thỉnh thoảng lại cất tiếng hú, một số xã khác ở Phong Châu như Phùng
Nguyên, Thạch Sơn xưa cũng vừa đi vừa hú như vậy. Xã Thanh Đình, ở trò rước
"ông Khưu bà Khưu" khi đám rước trở về đình, các vai ông Khưu bà Khưu
và ông chủ tế lên sàn ở sân đình có bày ngô, lúa, đỗ… và bánh dày, mọi người
chạy quanh sàn từ trái sang phải cùng hú rồi chủ tế tung lúa ngô, bánh cho mọi
người cướp.
Đất Tổ Phú Thọ còn bảo lưu được nhiều nghi lễ cổ xưa của cư
dân nông nghiệp như rước lúa thần, rước các hình mã gia súc, rước nông cụ, lễ
gọi lúa, lễ cầu nước… có thể nói Phú Thọ chính là đất ươm trồng văn hóa làng xã
với biểu hiện tập trung là lễ hội. Đến với Phú Thọ, người ta có thể tìm ra
những lời giải đáp của quá khứ về văn hóa dân tộc đi từ cội nguồn, có thể xới
lên nhiều tầng văn hóa chồng phủ lên nhau, trong đó có cả tầng nền móng để đi
từ văn hóa Văn Lang tới văn hóa Đại Việt.
Theo: www.baophutho.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét