Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

Trăn trở về hệ thống đài truyền thanh cơ sở

PhuthoPortal – Cẩm khê là một huyện miền núi nghèo của tỉnh Phú Thọ, với tổng số dân trên 12 vạn người, được phân bổ rải rác tại 31 xã, thị trấn trong huyện, nhân dân sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp nên đời sống còn gặp rất nhiều những khó khăn. Năm  2006, khi lần đầu tiên huyện Cẩm Khê đưa hệ thống đài truyền thanh FM về lắp tại 5 đài truyền thanh của 4 xã: Đồng Lương, Tình Cương, Phú Khê, Phương Xá và thị trấn Sông Thao, từ đó đến nay, huyện đã phát triển mạng lưới này rộng khắp tại 16/31 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.


Tuy nhiên sau hơn 10 năm lắp đặt và đưa vào sử dụng, hệ thống này đã bộc lộ một số những hạn chế nhất định, đặc biệt là thường xuyên hỏng hóc do ảnh hưởng của thiên tai. Có thể nói, hệ thống đài truyền thanh FM có những ưu điểm hơn rất nhiều so với hệ thống truyền thanh hữu tuyến thường dùng trước đây. Đặc điểm của hệ thống truyền thanh hữu tuyến là sử dụng một máy phát truyền tín hiệu qua hệ thống đường dây dẫn đến các cụm loa. Đường dây dẫn dài, đối với các địa phương có địa hình rộng, dân cư ở thưa thớt, các cụm loa ở cánh nhau quá xa, do đó tín hiệu không đồng đều, các cụm loa càng ở cách trung tâm máy phát thì tín hiệu càng nhỏ. Do hệ thống đường dây dài nên thường xuyên bị rỉ sét và đứt đoạn, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát tín hiệu của hệ thống. Nếu truyền thanh hữu tuyến có những nhược điểm đó thì truyền thanh FM lại có những ưu điểm vượt trội. Đặc điểm của truyền thanh FM là truyền thanh không dây, ở tất cả các cụm loa đều có cụm thu tín hiệu từ máy chủ, tắt các cụm loa bằng bàn điều khiển, tín hiệu phát ra các loa đồng đều, âm thanh trong trẻo, dù các cụm loa có nằm cách trung tâm đến mấy. Như vậy truyền thanh FM không chỉ dễ sử dụng, thao tác đơn giản mà tín hiệu phát ra lại đảm bảo góp phần không nhỏ phục vụ công tác tuyên truyền của địa phương.
Không thể phủ nhận những ưu điểm mà truyền thanh FM mang lại. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn huyện Cẩm Khê có tổng  số 16 đài truyền thanh cơ sở có lắp mới hệ thống đài FM, trong đó có 5 đài lắp năm 2006, có 3 đài lắp năm 2007, năm 2008 có 3 đài, năm 2009 có 2 đài và năm 2010 là 4 đài. Các đài truyền thanh FM đều phát huy được những ưu điểm trong quá trình hoạt động, đáp ứng được yêu cầu trong công tác tuyên truyền. Tuy nhiên, qua tổng hợp, thống kê từ cơ sở, thì hàng năm 100% các đài lắp hệ thống FM trung bình phải tiến hành sửa chữa từ 3 đến 4 lần, do hỏng các cụm thu là chính... Nguyên nhân là do đặc thù của các cụm thu kết nối trực tiếp với hệ thống điện lưới ngoài trời, nên khi có mưa bão các cụm thu nhiễm điện hoặc bị sét đánh cháy. Khắc phục những hỏng hóc này rất khó khăn cho địa phương do hệ thống FM có cấu tạo phức tạp, yêu cầu cán bộ phải có trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, cán bộ đài truyền thanh không thể tự sửa chữa mà thường phải nhờ đến cán bộ kỹ thuật của đài huyện và  công ty chuyên ngành về phát thanh. Nếu máy móc thiết bị hỏng nặng không khắc phục được thì kinh phí thay thế các bộ phận của hệ thống FM cũng rất cao.
Điển hình như đài FM của xã Phương Xá năm 2011 kinh phí chi cho sửa chữa đài truyền thanh lên đến gần 40 triệu đồng, đài truyền thanh xã Văn Bán là gần 20 triệu đồng... Như vậy kinh phí sửa chữa thường vượt quá so với định mức ngân sách mà HĐND huyện phân bổ cho hoạt động đài truyền thanh của các xã hàng năm là 10.000.000 đồng. Một số lãnh đạo địa phương trong huyện đã rất tâm huyết với hoạt động của đài truyền thanh, do vậy đài truyền thanh hỏng đâu, thời gian nào đều cho sửa chữa ngay để đài mau chóng đi vào hoạt động. Tuy nhiên, một năm mà hỏng đến 2 đến 3 lần thì địa phương đã bắt đầu chán nản và tìm đến những phương án thay thế khác.
Điển hình như Tình Cương là xã nằm trong nhóm những xã đầu tiên của huyện được lắp đặt FM năm 2006. Nhưng sau 5 năm hoạt động đến nay xã đã quay lại thay thế đài FM bằng hệ thống đài hữu tuyến trước đây. Bởi theo lãnh đạo ở xã thì đài hữu tuyến dù có những hạn chế nhất định nhưng lại dễ sửa chữa, kinh phí sửa chữa không tốn kém. Hệ thống chủ yếu thường chỉ hỏng màng loa, biến áp hoặc bị đứt dây rất dễ thay thế, cán bộ đài truyền thanh dù không qua trường lớp nhưng chỉ qua hướng dẫn một vài lần là có thể làm được. Bên cạnh đó, đài truyền thanh không phải nghỉ để chờ chuyên môn đến sửa chữa nên không ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền của địa phương.
Cho đến thời điểm này trên địa bàn huyện Cẩm Khê còn 15 xã đang sử dụng đài truyền thanh hữu tuyến. Các đài truyền thanh này hầu hết đuợc xây dựng lắp đặt từ những năm 90, hiện đã và đang trong tình trạng xuống cấp trầm trọng, đặc biệt có một số xã hầu như tê liệt không hoạt động như xã Đồng Cam đã không hoạt động từ năm 2007. Ngoài một số xã trên thì các xã còn lại trong huyện đã khắc phục mọi khó khăn, thường xuyên tiến hành bảo dưỡng, sửa chữa để duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của đài truyền thanh cơ sở. Đáp ứng tốt yêu cầu của công tác tuyên truyền ở địa phương.
Hiện nay, có một vấn đề được đặt ra là: Nếu lắp mới một đài FM có 10 cụm thu kinh phí khoảng 200 triệu đồng và nếu lắp mới đài hữu tuyến kinh phí khoảng 60 triệu đồng và với những ưu nhược điểm của từng hệ thống đài cũng như điều kiện thực tế của từng địa phương thì lắp mới đài truyền thanh FM hay đài hữu tuyến đang là những băn khoăn cho các địa phương của huyện Cẩm Khê.

THÙY DƯƠNGTheo: www.phutho.gov.vn

1 nhận xét:

Nguyễn Minh Huệ nói...

Đài Truyền thanh cơ sở có vai trò quan trọng, là người bạn không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư. Bởi đó là cánh tay nối dài của hệ thống phát thanh, tuyên truyền thông tin đến với người dân một cách gần nhất. Trong xu thế hiện nay các phương tiện thông tin đại chúng đang phát triển với nhiều loại hình phong phú, đa dạng. Song phát thanh- truyền thanh vẫn chiếm một vị trí quan trọng trong tâm trí công chúng. Có thể nói đây là một phương tiện truyền thông tiện ích nhất với mọi tầng lớp công chúng, dù đang lao động, sản xuất, học tập hay đang tất bật kinh doanh, thư giãn không qua nhãn quan, mọi người đều có thể nắm bắt thông tin nhanh nhất.