Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Từng bước xây dựng chuẩn quốc gia về y tế

PTO – Xây dựng chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn II (2012 – 2015 và đến 2020) nhằm tiếp tục khai thác mọi nguồn lực để củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Để hoàn thành mục tiêu từ nay đến cuối năm, huyện Cẩm Khê có 8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn II, các cấp ngành trên địa bàn huyện đã có nhiều giải pháp nhằm thực hiện kế hoạch đề ra.

Khám bệnh tại Trạm y tế xã Tình Cương.

Đến nay, mặt bằng diện tích để xây dựng cơ sở nhà trạm của 31 trạm y tế xã, thị trấn đều đảm bảo theo tiêu chí. Riêng về cơ sở vật chất hạ tầng, huyện mới có 3 trạm đạt tiêu chí này là: Tình Cương, Tùng Khê, Xương Thịnh; số trạm còn lại điều kiện cơ sở vật chất ban đầu chưa đạt tiêu chí cần được nâng cấp, cải tạo, xây mới bổ sung. Trang thiết bị y tế hầu hết cũng chỉ dừng lại ở mức thiết yếu để có thể thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Về nguồn nhân lực, để phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn II thì 6 trạm hiện chưa có bác sỹ gồm: Phượng Vỹ, Phương Xá, Phùng Xá, Sai Nga, Hiền Đa và Đồng Lương sẽ phải bổ sung thêm đội ngũ cán bộ theo đúng quy định.
        Trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, nhân viên y tế thôn bản có vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động từng gia đình tham gia đầy đủ các dịch vụ y tế tại địa phương. Huyện có 305 khu có nhân viên y tế thôn bản hoạt động thường xuyên, trong đó 30,8% có trình độ chuyên môn y hoặc đã được đào tạo theo khung chương trình của Bộ Y tế, hơn 200 người chưa đạt tiêu chuẩn chuyên môn theo quy định. Bên cạnh đó, công tác y tế dự phòng, vệ sinh môi trường và các chương trình mục tiêu y tế: Phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đã được đẩy mạnh, thời gian qua không có dịch bệnh lớn xảy ra ở người, không có vụ ngộ độc thực phẩm trên 30 người mắc xảy ra, tỷ lệ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh toàn huyện đạt 78%. Những chương trình y tế quốc gia được triển khai đều đặn trên địa bàn, mang lại hiệu quả. Gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ; 100% phụ nữ sinh con được quản lý, chăm sóc trước, trong và sau sinh. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh của nhiều xã chưa đạt theo tiêu chí chiếm trên 70%. Hiện, tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở một số xã còn cao, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác DS-KHHGĐ.
Mục tiêu trong năm 2013, huyện cố gắng xây dựng 8 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2012 – 2015 và đến 2020 gồm: Thanh Nga, Sơn Tình, Tùng Khê, Xương Thịnh, Đồng Cam, Tiên Lương, Hiền Đa và Tình Cương. Số xã còn lại phấn đấu đạt 7/10 tiêu chí. Để đạt được mục tiêu này, trước hết phải tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện các tiêu chí quốc gia về y tế, ưu tiên trước hết là cơ sở vật chất. Đưa chỉ tiêu xây dựng xã đạt chuẩn tiêu chí quốc gia về y tế vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện, xã, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền và nhân dân trong phấn đấu đạt chuẩn quốc gia về y tế. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và định kỳ đánh giá kết quả thực hiện, đưa kết quả thực hiện các tiêu chí quốc gia về y tế xã là một trong các tiêu chí thi đua khen thưởng, xếp loại hàng năm của mỗi địa phương.
Khó khăn lớn nhất trong xây dựng trạm y tế đạt chuẩn là nguồn vốn. Huyện sẽ huy động các nguồn lực đầu tư cho xây mới và sửa chữa cơ sở vật chất nhà trạm y tế, ưu tiên cho những xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn đầu. UBND các xã huy động các nguồn lực đầu tư các công trình phụ trợ như: Cổng, biển tên trạm, tường rào, sân vườn, nhà để xe, nhà bếp, khuôn viên vườn thuốc Nam, giếng nước, kho, lò đốt rác thải y tế. Hiện tại, công trình phụ trợ của các trạm Tình Cương, Tùng Khê, Xương Thịnh và Sơn Tình đã đạt tiêu chí; 4 trạm chưa đạt gồm: Thanh Nga, Hiền Đa, Đồng Cam, Tiên Lương.
Về nguồn lực, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trạm y tế và y tế thôn bản, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, khả năng cung cấp dịch vụ cũng như công tác tham mưu, quản lý điều hành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường đào tạo và đào tạo lại cho nhân viên y tế xã. Trung tâm y tế huyện xem xét, điều chuyển, bổ sung bác sỹ tăng cường cho các xã còn thiếu, đảm bảo 100% các xã có bác sỹ hoạt động, có cán bộ chuyên trách về y học cổ truyền trực tiếp khám chữa bệnh cho nhân dân. Nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, khai thác, sử dụng tối đa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị được đầu tư phục vụ công tác khám chữa bệnh, phòng bệnh, phòng dịch, truyền thông giáo dục sức khỏe trên địa bàn huyện. Áp dụng đồng bộ, nghiêm ngặt các quy trình, kỹ thuật trong cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại tuyến xã, đảm bảo các trạm thực hiện được trên 80% các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến kỹ thuật đã được Bộ Y tế ban hành. Tăng cường chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn các trạm y tế trồng đủ số lượng cây thuốc Nam theo đúng danh mục của Bộ Y tế, đẩy mạnh kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền trong khám, chữa bệnh. Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHYT tự nguyện, đặc biệt là các đối tượng thuộc hộ cận nghèo, phấn đấu đến cuối năm có trên 70% dân số tham gia BHYT.
Để đạt các tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia về y tế trong thời gian tới trên địa bàn huyện, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Lê Xuân Phương đề xuất: “Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa từ phía Sở Y tế để có điều kiện sửa chữa khối nhà chính của Trạm Y tế xã Sơn Tình đã bị lún nền, nứt tường không đảm bảo trong công tác khám, chữa bệnh. Một số trạm còn thiếu thiết bị y tế như máy siêu âm, điện tim cũng cần có kinh phí để mua sắm bổ sung. Số nhân viên y tế thôn bản chưa được đào tạo theo khung chương trình của Bộ Y tế cũng cần được đào tạo lại cho đạt yêu cầu”.

HỒNG NHUNGTheo: www.baophutho.vn/suc-khoe-doi-song

Không có nhận xét nào: