Phú
Thọ là nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi găn bó với một thời tuổi thơ của anh em
tôi cũng lũ trẻ con trong xóm, với những trò nhảy dây, ô quan, đánh khẳng, với
những buổi trưa trốn ngủ đi chọc cọ hay mò cua… Quê tôi là con đường đất dài lê
thê đã đưa bước chân tôi tới lớp. Và rồi lại đưa tôi đi những bước xa hơn. Nay,
tôi xa quê, thì nơi ấy lại là cả nỗi nhớ da diết tuổi thơ cùng với chút xót xa.
Tôi ước mình cũng có thể có một tấm vé đi tuổi thơ, nhưng xin đừng là vé khứ
hồi. Bởi mọi thứ giờ đây đã đổi khác nhiều, nhưng có những hình ảnh sẽ chẳng
phai nhạt trong tôi.
Quê
tôi là vùng đất trung du với những rừng cọ, đồi chè mà không ít văn thơ đã ca
ngợi. Tuổi thơ tôi cũng đã gắn bó với hai thứ cây đặc trưng ấy. Tôi còn nhớ rất
rõ, ngày nhỏ cứ buổi trưa là anh em tôi thường trốn mẹ theo mấy anh lớn hơn
trong xóm đi chọc cọ trong rừng. Rừng cọ ấy cũng khá xa nhà tôi, nhưng đó là
rừng cọ lớn nhất mà mấy anh biết, nó trải dài mấy quả đồi, xanh mướt, tán cọ
luôn xòe rộng. Đứng trong rừng cọ rất mát, tôi và mấy con bé nữa cứ ngửa mũ mà
nhặt những quả cọ to nhất để chiều về khi bố mẹ chúng tôi đi làm hết thì cả lũ
ỏm cọ mà ăn với nhau, tới khi cười răng đứa nào cũng đen nhem nhuốc… Có lẽ tôi
không bao giờ có thể nhìn thấy rừng cọ trải dài những quả đồi, không bao giờ
thấy anh tôi dồn đuổi tôi trong rừng cọ ấy nữa. Bây giờ, rừng cọ ấy không còn
nữa và chỗ tôi ở không còn trông thấy nhiều cọ nữa, người ta đã chặt bỏ cọ
trồng chè và trồng rừng vì hiệu quả kinh tế hơn.
Các
đồi chè nhiều lắm, xung quanh nhà tôi cũng là những đồi chè, cây chè cũng đã
theo suốt tuổi thơ tôi. Từ thời ông bà tôi đến Phú Thọ đã khai hoang đất rồi
làm chè, bác bá tôi, bố mẹ tôi cũng là những công nhân nông trường chè. Họ cần
mẫn, vất vả nắng mưa trên những quả đồi. Tôi không thể đếm được những giọt mồ
hôi đã rơi trên những tán chè, để chúng được lớn lên và xanh tốt như bây giờ.
Ai chưa có dịp qua quê tôi, chỉ qua tranh ảnh sách báo hẳn sẽ thấy Phú Thọ quê
tôi là những rừng cọ đồi chè đẹp đẽ, thơ mộng. Bạn bè tôi luôn mong được về nhà
tôi để ngắm những đồi chè, được leo lên những ngọn đồi cao vút mà nhìn xuống.
Quả nhiên, chúng đẹp thật, những hàng chè cứ cuộn tròn ôm lấy những quả đồi, mà
nhìn từ đỉnh đồi xuống cứ như những cánh quạt xòe mỗi lúc một rộng hơn. Dưới
chân đồi là những ruộng lúa nhỏ, như những thung lũng ngăn cách những quả đồi
với nhau trông thật lạ mắt. Ấy nhưng người dân vùng chè còn nghèo lắm, cả năm
cũng chỉ trông đợi vào những ngày có chè (thường là từ tháng 5 tới tháng 10) để
có thu nhập đều hơn. Cứ thử tượng tượng mình đứng dưới cái nắng gay gắt của mùa
hè 38 – 40 độ C, bạn chẳng thể chịu được quá 30 phút. Nhưng những người công
nhân thì khác, họ phải đứng cả buổi, ngày nắng gắt cũng như ngày mưa dầm, vẫn
mải miết, kiên nhẫn hái từng búp chè xanh hay đeo những bình lớn phun thuốc trừ
sâu vô cùng độc hại. Càng ngày, càng có những cách thức giúp khai thác cây chè
hiệu quả hơn như các loại máy móc hiện đại, nhưng nó cũng đem lại những hậu quả
nghiêm trọng tới sức khỏe con người và môi trường sống nơi đây…
Một bài thơ tự trào về quê hương Phú Thọ trên mạng internet. |
Tôi
yêu quê tôi, yêu những rừng cọ tuổi thơ, yêu những cây chè gắn bó với cuộc sống
của gia đình tôi và những người trong xóm. Tôi mong rằng sẽ có những giải pháp
tốt hơn, khoa học và an toàn hơn để thay đổi cuộc sống người dân vùng chè – một
vùng đất còn nghèo của tỉnh Phú Thọ.
Bố
mẹ và những người hàng xóm của tôi vẫn bảo, thoát ly khỏi vùng đất chè là may
mắn lắm rồi. Đúng là được học hành, tôi sẽ không phải lao động vất vả nắng mưa
như bố mẹ, tôi luôn nghĩ phải cố gắng đóng góp sức mình cho quê hương. Các bạn
ơi, chúng ta hãy cùng nhau cố gắng làm giàu đẹp cho quê hương Phú Thọ của mình
nhé!
MAI TÂM – Theo: www.donghuongphutho.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét