Xã Gia Điền là một miền quê nghèo của vùng trung du
Hạ Hòa (Phú Thọ), là nơi mà người dân quê gọi mẹ là bầm, là bủ. Và ở chính mảnh
đất nghĩa tình này, nhà thơ Tố Hữu đã sáng tác bài thơ “Bầm ơi” nổi tiếng.
Bia lưu niệm nơi đóng trụ sở đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam trong khuôn viên khu vườn nhà cụ Gái ở Gia Điền. |
Vào
những năm 1947, 1948, đoàn văn nghệ sỹ trong hành trình “nhận đường” đã chọn
Gia Điền làm nơi dừng chân và hoạt động văn học nghệ thuật. Khi ấy, các nhà
văn, nhà thơ như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân đã ở lại
thôn Gốc Gạo xã Gia Điền. Ngôi nhà mà các nhà văn chọn để ở trọ là nhà bà cụ
Nguyễn Thị Gái. Khi các văn nghệ sỹ đến ở, bủ Gái đã dọn xuống bếp để nhường
giường và không gian nhà trên cho khách. Cũng từ chính ngôi mà mái cọ bình yên
này, vào khoảng thời gian ấy, bài thơ Bầm ơi được “khai sinh”.
Một
“lá thư” bằng thơ
Theo
lời kể của những người già trong thôn Gốc Gạo, ngày ấy, bủ Gái ban ngày lên
nương trồng sắn, trồng đỗ hay xuống ruộng cấy lúa. Tối về, bủ dùng lá chuối khô
bện lại làm đệm nằm cho đỡ lạnh. Nhưng cứ đêm đêm, các nhà thơ lại nghe tiếng
khóc nhỏ của bủ Gái từ phía bếp. Đêm nào cũng như thế. Các nhà thơ lần hỏi mãi
bủ Gái mới tâm sự rằng do bủ nhớ đứa con trai đi vệ quốc quân lâu ngày không
thấy thư từ tin tức gì về. Bủ thương và lo cho nó quá. Biết vậy, các nhà văn,
nhà thơ mới đề nghị nhà thơ Tố Hữu sáng tác một bài thơ và giả làm bức thư của
con trai bủ Gái để an ủi lòng bủ. Nhà thơ Tố Hữu nhận lời và sáng tác liền bài
thơ Bầm ơi với những câu từ đầu tiên như lời bức thư của đứa con gửi cho bầm
của mình từ mặt trận: “Ai về thăm mẹ quê ta/Chiều nay có đứa con xa nhớ
thầm/Bầm ơi có rét không bầm/Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn…”. Khi bài thơ
sáng tác xong, nhà thơ Tố Hữu đọc cho bủ Gái nghe và nói rằng đây chính là thư
của con trai bủ gửi về chiến trường. Tin vậy, bủ Gái mừng lắm và cũng hết lo
lắng cũng như khóc thầm vào mỗi đêm. Bủ Gái luôn mồm nói với nhà thơ Tố Hữu
“anh thấy đấy, con tôi nó thương tôi thế đấy”. Ngày nào bà bủ Gái cũng nhờ nhà
thơ Tố Hữu đọc lại bài thơ trên cho nghe ít nhất là một lần.
Về
sau, bài thơ Bầm ơi được truyền đi khắp các chiến trường và các chiến sỹ đã
chép bài thơ này vào lá thư gửi cho người mẹ của mình ở quê nhà như một lời báo
tin rằng ở chiến trường họ vẫn bình yên.
Sau
khi rời Việt Bắc, rời mảnh đất Gia Điền về Hà Nội công tác, nhà thơ Tố Hữu và
các văn nghệ sỹ luôn nhắc tới kỷ niệm sâu nặng và đáng nhớ này. Năm 1981, khi
nhà thơ Tố Hữu đang ở Hà Nội thì anh đại tá quân đội con trai bà bủ Gái đến
thăm. Anh đại tá tỏ lòng cảm ơn nhà thơ đã sáng tác ra bài Bầm ơi để động viên,
an ủi cho mẹ anh được yên tâm khi xa anh. Dịp ấy, nhà thơ đã lấy 3 m lụa làm
quà gửi anh đại tá đem về may áo cho bủ Gái. 3 m lụa này là của Bác Hồ tặng cho
con gái đầu lòng của nhà thơ khi cháu mới ra đời. 4 năm sau anh đại tá con trai
bà bủ Gái lại đến chơi và báo tin cho nhà thơ biết mẹ anh mới qua đời. Trước
khi mất cụ dặn người nhà phải mặc cho mình tấm áo lụa quý giá để cụ yên lòng
sang thế giới bên kia.
“Gia
tài” người chiến sĩ
Bài
thơ Bầm ơi không còn là tình cảm riêng tư của người con trai nơi chiến trường
với bủ Gái ngày nào nơi Gốc Gạo mà những dòng thơ đầy ân tình ấy đã có sức lan
tỏa, trở thành tình cảm chung đầy sâu nặng của những người chiến sỹ nơi mặt
trận dành cho người mẹ già đang ngồi ở quê nhà ngóng trông. Trong bài thơ, hình
ảnh người mẹ trung du hiện lên thật bình dị với tình yêu thương sâu nặng dành
cho những đứa con đang ngày đêm cầm súng canh giữ sự bình yên của Tổ quốc.
Bầm Gái nay đã vào cõi vĩnh hằng, căn nhà xưa không
còn nữa. Nhưng vẫn có đó tấm bia lưu niệm những tháng ngày đáng nhớ của lớp văn
nghệ kháng chiến, vẫn còn đó những câu chuyện về bài thơ Bầm ơi được người già
kể cho lớp trẻ nghe. Và vẫn còn đó âm hưởng ấm áp và sâu nặng ân tình những vần
thơ của bài Bầm ơi ngày nào.
Hình ảnh bà bầm
hiện lên thật xúc động: “Bầm ra ruộng cấy
bầm run/Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non/Mạ non bầm cấy mấy đon/Ruột gan bầm lại
thương con mấy lần/Mưa phùn ướt áo tứ thân/Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy
nhiêu !”. Từng chi tiết, từng hình ảnh trong mỗi dòng thơ làm sống lại bà mẹ
trung du nghèo, lam lũ và khó nhọc. Trong mỗi buổi chiều sương mưa phùn nơi xóm
núi, tay mẹ run rẩy cắm từng rảnh mạ xuống bùn mà lòng xót xa, quặn đau khi đứa
con nơi chiến trường bặt vô âm tín. Lời thơ như lời hỏi thăm của đứa con xa về
bầm: “Bầm ơi có rét không bầm”; “Mưa bao
nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu”. Người con muốn khuyên nhủ bầm xin bớt đi
những lo toan, xin bớt đi những tiếng khóc thầm vào mỗi đêm khuya. Bởi một lẽ,
những khó nhọc, chông gai mà con phải vượt qua nơi chiến trường ác liệt không
thể đo được những nhọc nhằn của đời bầm, không thể đổi lại tình yêu thương của
bầm với con: “Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều/Thương
con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe !/Con đi trăm núi ngàn khe/Chưa bằng muôn nỗi
tái tê lòng bầm/Con đi đánh giặc mười năm/Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi”.
Từ tình cảm yêu
thương, dõi theo mỗi bước chân mà bầm dành cho con, khi đến những phương trời
xa, người chiến sỹ đã nhận được tình cảm ấy từ biết bao bà mẹ “từ tâm”, họ chăm
sóc, nuôi dưỡng và chở che cho người chiến sỹ như những đứa con. Bởi vậy, gia
tài mà người chiến sỹ có được khi đi chiến trường là có biết bao bà mẹ tuy
không đẻ nhưng luôn dành cho họ những tình cảm nồng ấm như bầm đã dành cho con:
“Con đi mỗi bước gian lao/Xa bầm nhưng lại
có bao nhiêu bầm !/Bao bà cụ từ tâm như mẹ/Yêu quý con như đẻ con ra/Cho con
nào áo nào quà/Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi”. Tình yêu nước, tình đồng
chí, tình hậu phương đã hòa làm một để tạo nên tình cảm lớn giúp người chiến sỹ
vượt qua mọi thử thách chông gai để đi đến ngày thắng lợi: “Con ra tiền tuyến xa xôi/Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền/Nhớ thương
con bầm yên tâm nhé/Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân/Con đi xa cũng như gần/Anh em
đồng chí quây quần là con/Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí/Bầm quý con, bầm quý
anh em/Bầm ơi, liền khúc ruột mềm/Có con có mẹ, còn thêm đồng bào”. Trong
bài thơ, xen kẽ những lời thơ về hình ảnh bà bầm trung du là những lời thủ thỉ
tâm tình và an ủi vỗ về của người con dành cho bầm: “Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe !”; “Nhớ thương con bầm yên tâm
nhé”; “Nhớ con, bầm nhé đừng buồn”. Đó là những câu thơ thể hiện sự quyết
tâm của những người chiến sỹ sẵn sàng vượt lên phía trước để tiêu diệt kẻ thù.
Bởi một lẽ, phía sau lưng họ có bà bầm, bà bủ luôn dõi theo để động viên và
dành trọn tình yêu thương.
Bài thơ kết thúc
bằng hình ảnh bầm hết sức chân thực và gần gũi: “Mẹ già tóc bạc hoa râm/Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con…”.
Đó là một biểu tượng đẹp không thể nào phai mờ trong tâm hồn người chiến sỹ dù ở
phương trời nào.
Bài & Ảnh: NGUYỄN THẾ LƯỢNG – Theo:
www.baotintuc.vn/van-hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét