Thứ Tư, 22 tháng 1, 2014

Tục lệ dân gian về ngày cúng đưa ông Táo

Xuất phát từ sự đô hộ của giặc Tàu cả nghìn năm trước đây, văn hóa thờ Thần của họ đã tiêm nhiễm vào đời sống Tâm linh của cộng đồng dân Việt, rồi thì sự canh tân, độ chế cho bớt sự lai căng và lưu truyền trong dân gian đến nay được coi như một tục lệ.


Theo quan điểm Phật giáo, thì Giáo lý của nhà Phật hầu hết đều hướng dẫn cho chúng ta phương cách tự chủ về mặt Tâm linh để vượt qua Tam giới mà hướng đến giải thoát. Khi chưa làm chủ được Tâm linh, chỉ là một đệ tử Phật môn đúng nghĩa thì chúng ta đã bắt đầu đi vào con đường của Tứ Thánh quả.
1- Sơ quả Tu-đà-hoàn (Sotàpatti)
2- Nhị quả Tư-đà-hàm (Sakadàgàmì)
3- Tam quả A-na-hàm (Anàgàmì)
4- Tứ quả A-la-hán (Arahanta)
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không có ý cổ xúy việc Quy y Trời Thần Quỷ Vật vì nó sai với giới pháp Tam Quy. Nhưng đây là một phong tục tập quán có từ lâu đời của dân Việt, hiểu rõ chánh pháp và tương ưng với tục lệ, chúng ta sẽ không bị rơi vào trạng thái dựa dẫm, hối lộ thần linh, bởi tâm linh là cái chuyện Tâm đối Tâm, Tâm ta đối với Tâm Thần khi mà có một số vị Thần (?) chưa hẳn đã  đứng vào hàng Tu-đà-hoàn (Sotàpatti) (Còn gọi là Nhập lưu, nghĩa là bắt đầu nhập vào dòng Thánh. Đây là Thánh vị đầu tiên sau khi đệ tử Phật phá được ba kiết sử là Thân kiến, Giới cấm thủ, và nghi.)
Vì vậy nếu cân so địa vị có lẽ nào người dưới lại thờ lạy người trên. Nhưng ở đây, chúng ta vẫn làm việc đó, “coi việc đó như một tục lệ” một hình thức Văn hóa Tâm linh mà lược bỏ những điều rườm rà nặng phần mê tín, bởi vì căn nguyên của nó xuất phát từ một là câu chuyện đâu đâu bên Tàu.
Theo Ông Trường Thịnh, nguyên cán bộ Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, cho biết:  Ngày Âm Lịch là ngày tính theo hệ mặt trăng, ngày Dương Lịch tính theo hệ mặt trời.
Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng là 3 hành tinh có ảnh hưởng trực tiếp đến con người cũng như thời tiết. Trái Đất quay quanh mặt trời theo chiều ngược với chiều quay của kim đồng hồ, 1 vòng khép kín là hơn 365 ngày, là 1 năm. Lấy đó làm Lịch Dương – Lịch theo Mặt Trời. Ba hành tinh Mặt Trời – Mặt Trăng – Trái Đất có thời điểm sẽ ở trên một đường trục. Thời điểm đó trong ngày được tính từ  giờ Tý đến giờ Hợi. Chệch thời điểm đó không phải là ngày đó nữa mà là ngày khác. Hơn nữa, hiện nay khoa học kỹ thuật cũng xác định được: Quỹ đạo và chu kỳ của Mặt Trăng và Trái Đất mà dự đoán chính xác về Nhật thực và Nguyệt thực.
Lịch Âm tính theo sự chuyển động của Trái Đất và Mặt Trăng. Đó là ngày mà Trái Đất và Mặt Trăng ở quỹ đạo vô hình, lặp đi lặp lại… từ cổ xưa đến nay, không hề thay đổi. Từ xưa đến nay con người đã theo quy luật của “Quỹ đạo vô hình” này mà dự đoán được Nhật thực, Nguyệt thực, sao Chổi,… khi nào, ở đâu thì “thấy nó”… Đến ngày mồng Một, hôm Rằm, ngày Tết Nguyên đán, ngày Rằm tháng Bảy “xá tội vong nhân”, ngày 23 tháng Chạp là ngày ông Táo “chầu Trời”… đến ngày giỗ của người chết… Tháng sau – tháng trước, năm trước – năm sau… đến ngày đó thì Trái Đất – Mặt Trăng  lặp lại.
Hàng ngàn đời nay, người phương Đông quy định ra thủ tục cúng lễ, giỗ, Tết vào các ngày đó từ giờ Tý đến giờ Hợi. Việc cúng trước – cúng sai ngày – chính là chệch quỹ đạo thì tâm nguyện của ta với ngày đó không còn giá trị nữa.
Chẳng hạn, theo quy luật ngày Rằm tháng Bảy là ngày “xá tội vong nhân” cõi âm mở ngục cho các vong đi kiếm ăn. Cửa ngục được mở từ giờ Tý đến giờ Hợi cho các vong ra về ăn và nhận. Hết ngày Rằm các linh hồn lại phải quay lại ngục. Vậy cúng trước sao nhận được.
Tương tự, ngày 23 tháng Chạp theo cổ nhân là ngày “mở cổng trời” tức là thời điểm 3 hành tinh: Mặt Trời – Mặt Trăng – Trái Đất ở trên một quỹ đạo nào đó. Vậy câu hỏi đặt ra là chệch ngày đó thì cổng Trời có mở không. Ông Công, ông Táo nhà nào lên chệch ngày, thì cổng trời đóng, chưa mở. Vậy có vào được không? Không vào được thì sao tâu được với Ngọc Hoàng…? Điều này cũng tương tự như ở dương thế, giống như UBND phường chỉ cấp chứng nhận vào thứ Hai, mà Chủ Nhật đã đến phường thì có được việc hay không?… Vì vậy, theo ông Thịnh, nên cúng đúng ngày tại nhà mình là tốt nhất.
Vì thế: Cúng  Ông Táo được thực hiện vào đúng ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 Âm Lịch).
Táo Quân là ai?
Chế biến từ Lão Giáo của người Tàu, nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ rồi ông bà ta mới Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” – vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc và lâu ngày rồi thì biến tín ngưỡng dân gian Việt Nam
Tuy vậy, người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo, do kết quả của thuyết tam vị nhất thể (thuyết Ba ngôi) khá phổ biến trong các tín ngưỡng, tôn giáo. Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất.
Ở Việt Nam, sự tích Táo Quân được truyền khẩu, rồi ghi chép, do đó có những sự khác nhau về tình tiết, nội dung chính được tóm tắt như sau: Trọng Cao có vợ là Thị Nhi, ăn ở với nhau đã lâu mà không con, nên sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ nhau. Một hôm, Trọng Cao giận quá, đánh vợ. Thị Nhi bỏ nhà ra đi, sau đó gặp và bằng lòng làm vợ Phạm Lang.
Khi Trọng Cao hết giận vợ, nghĩ lại mình cũng có lỗi nên đi tìm vợ. Khi đi tìm vì tiền bạc đem theo đều tiêu hết nên Trọng Cao đành phải đi ăn xin. Khi Trọng Cao đến ăn xin nhà Thị Nhi, thì hai bên nhận ra nhau. Thị Nhi rước Trọng Cao vào nhà, hai người kể chuyện và Thị Nhi tỏ lòng ân hận vì đã trót lấy Phạm Lang làm chồng. Phạm Lang trở về nhà, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao nơi đây thì khó giải thích, nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng. Trọng Cao không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của mình nên nhào vào đống rơm đang cháy để chết theo. Phạm Lang gặp tình cảnh quá bất ngờ, thấy vợ chết không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Ngọc Hoàng trên cao cảm động trước mối chân tình của cả ba người (2 ông, 1 bà), và cũng cảm thương cái chết trong lửa nóng của họ. Ngài cho phép họ được ở bên nhau mãi mãi, bèn cho ba người hóa thành “ba đầu rau” hay “chiếc kiềng 3 chân” ở nơi nhà bếp của người Việt ngày xưa. Từ đó, ba người ấy được phong chức Táo Quân, trông coi và giữ lửa cho mọi gia đình, đồng thời có nhiệm vụ trông nom mọi việc lành dữ, phẩm hạnh của con người.
Táo Quân, còn gọi là Táo Công, là vị thần bảo vệ cho cuộc sống gia đình, thường được thờ ở nơi nhà bếp, cho nên còn được gọi là Vua Bếp. Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của Ông Táo và thờ cúng Ông Táo với hy vọng Táo Quân sẽ giúp họ giữ “bếp lửa” trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc.
Theo tục lệ cổ truyền, người Việt tin rằng, hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp Âm Lịch, Táo Quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm Giao thừa Táo Quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc coi sóc bếp lửa của mình.
Vị Táo Quân quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện hay dở tốt xấu của mọi người, cho nên để Vua Bếp “phù trợ” cho mình được nhiều điều may mắn trong năm mới, người ta thường làm lễ tiễn đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng rất trọng thể. Người ta thường mua hai mũ Ông Táo có hai cánh chuồn và một mũ dành cho Táo Bà không có cánh chuồn, ba cái áo bằng giấy cùng một con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy, hoặc cũng có thể dùng loại vàng mã gọi là “cò bay, ngựa chạy”) để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.
Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa, sau khi cúng xong, người ta sẽ hóa vàng đồ lễ, nếu có cá sống thì sẽ đem thả xuống sông, hồ, biển hay giếng nước, tùy theo khu vực họ sinh sống.
Lễ vật gồm có: Mâm cỗ mặn, bánh kẹo, trầu cau, rượu. Hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi. Ba bộ mũ áo, hia hài Táo Quân cùng tiền vàng. Ba con cá chép sống. Sau khi bày lễ, thắp hương và khấn vái xong, đợi hương tàn lại thắp thêm một tuần hương nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông, suối… để thả cá chở ông Táo lên chầu Trời.
Văn khấn: Con kính lạy ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo Phủ Thần Quân. Tín chủ chúng con là:………… Ngụ tại:…………………………. Hôm nay là ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm, sắp sửa hương hoa vật phẩm, xiêm hài áo mũ, kính dâng Tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái. Chúng con kính mời ngài Đông Trù Tư Mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án thụ hưởng lễ vật.
Phỏng theo lệ cũ, ngài là vị chủ, ngũ tự Gia Thần, soi xét lòng trần, Táo quân chứng giám. Trong năm sai phạm, các tội lỗi lầm, cúi xin Tôn thần, gia ân châm chước. Ban lộc ban phước, phù hộ toàn gia, trai gái trẻ già, an ninh khang thái. Giãi tấm lòng thành cúi xin chứng giám! Phục duy cẩn cáo!
Gây xáo trộn Âm Dương, không tốt
Thạc sĩ Vũ Đức Huynh – người chuyên nghiên cứu về lĩnh vực tâm linh, tác giả cuốn sách “Ngày lành tháng tốt” – nhấn mạnh, tâm linh có trước khoa học, tâm linh là cơ sở của tín ngưỡng và nhờ tâm linh tín ngưỡng ra đời và phát triển. Tục thờ cúng phát triển từ sự nghiên cứu, đúc kết trong thực tiễn… nên dù chưa được chứng minh bằng thực nghiệm khoa học hiện đại, nhưng có cơ sở của khoa học, triết học phương Đông, không nên phủ nhận.
Do đó, không phải ngày nào tổ chức cúng lễ cầu ông bà, tổ tiên và thần linh cũng được toại nguyện. Thậm chí, ngày tổ chức tế lễ, cúng bái không phù hợp còn gây họa cho bản thân gia đình. Nghĩa là không phải bất cứ ngày nào cầu cúng lễ bái cũng được, cũng phù hợp nên phải chọn ngày và cúng đúng ngày. Bởi các ngày như Rằm, mồng Một,… là ngày thân xác được về cửa quan, thiên quan hay về hạ giới… nên nếu cầu cúng thì mới “tiếp nhận được”, cầu cúng sai gây xáo trộn Âm Dương, không có lợi.
Thạc sĩ Vũ Đức Huynh cho biết, người và long hồn, vong linh, siêu linh luôn có mối quan hệ giao thức sóng, do đó có cùng nguồn gốc tần số xung động nào đó của các hạt điện sinh học thì bắt được và dân gian có quan niệm “ông bà tổ tiên phù hộ cho là thế”. Tuy nhiên, những vong yếu thì dù muốn tạo xung đến người thân thì cũng không được. Đó là cảnh “lực bất tòng tâm”. Do đó, cúng lễ là cung cấp nguồn năng lượng mạnh làm vong hồn có năng lực phát huy tương tác cộng hưởng. Nhưng việc cúng lễ không phải là “mâm cao cỗ đầy” mà là sự thành tâm, đặc biệt, nguồn năng lượng mà vong hồn tiếp thu nhiều nhất chính là các loại thực vật, cây cỏ hoa lá,…
Tương tự GS. TSKH. Đoàn Xuân Mượu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương – tác giả bộ sách “Khoa học về vấn đề tâm linh” – cho biết, con người sau khi chết sống ở thế giới khác cao hơn, tốt đẹp hơn và vẫn làm các công việc của mình. Vì vậy, họ cũng có thời gian biểu cụ thể cho từng công việc, ta chớ nên làm xáo trộn công việc của họ. Vì như vậy có thể làm “họ” bực mình không có lợi.
Việc thờ cúng chính là môi trường gặp gỡ của thế giới hữu hình và thế giới tâm linh, là tấm lòng và nghĩa vụ của người sống, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Tuy nhiên, tín ngưỡng chân chính không coi sùng bái thượng đế, thần linh… là mục tiêu số một, ngược lại nhấn mạnh rằng điều quan trọng là mỗi tín đồ phải quan tâm phát triển cái gì ở trong chính họ để làm cho mình trở lên tốt đẹp hơn trước, gần hơn với lý tưởng hoàn thiện. Những gì còn lại phải là thứ yếu. Những ai biết rút ra những yếu tố cần thiết từ bên trong chính mình thì người ấy tất được hưởng hạnh phúc.

Nguồn: www.voluongcongduc.com

Không có nhận xét nào: