Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Mùa Xuân đắm say cùng câu xoan Đất Tổ

Thế là mùa xuân đã về! Đất trời hân hoan rạo rực. Về Phú Thọ những ngày này ta như chìm đắm trong những làn điệu hát Xoan của những hội nghị tổng kết năm cũ, triển khai nhiệm vụ năm mới, của những buổi tập luyện của các phường xoan, các đội văn nghệ, các trường học chuẩn bị cho mùa xoan năm Giáp Ngọ. Mấy năm gần đây, đặc biệt từ khi hát xoan được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp thì phong trào hát xoan phát triển khá rầm rộ, sôi nổi khắp mọi nơi trên quê hương Đất Tổ.


Phú Thọ quê tôi có vinh dự là nơi phát tích các Vua Hùng, là cội nguồn dân tộc, nơi có hai di sản văn hóa phi vật thể thế giới đó là hát Xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Cuối năm 2011, hát Xoan Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp.  một năm sau đó (2012), cũng vào một ngày cuối năm, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương cũng trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Niềm vui nối tiếp niềm vui, câu Xoan được đà cứ thế thăng hoa vấn vít cùng đời sống tinh thần người dân Đất Tổ.
Tôi còn nhớ như in cái cảm giác lâng lâng, huyền ảo trong cái đêm xem trình diễn hát Xoan ở đình Lâu Thượng (Trưng Vương, thành phố Việt Trì) phục vụ cho hội thảo khoa học quốc tế về hát Xoan. Mới chập tối, sân đình Lâu Thượng đã rất đông người. Mặc cho cái rét cuối năm buốt giá, dòng người từ khắp các ngả vẫn nườm nượp kéo về đình. Với người dân sở tại thì việc trình diễn hát xoan là chuyện bình thường nhưng đêm nay sự việc ấy đang là một sự kiện quan trọng. Nó quan trọng ở chỗ có tới 4 phường xoan trong vùng xoan Phú Thọ về để biểu diễn và biểu diễn không chỉ cho nhân dân trong xã xem mà còn cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế thưởng thức trước khi vào hội thảo khoa học. Đặc biệt nó càng quan trọng hơn khi cuộc hội thảo ngày mai với mục đích là để hoàn chỉnh hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận hát xoan là di sản văn hoá phi vật thể thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Trình diễn trước nhân dân đã đành, đêm ấy các phường xoan phải thể hiện cái đặc sắc, độc đáo của hát xoan cho các nhà khoa học, toàn những giáo sư, tiến sỹ, những học giả, nhạc sỹ chuyên nghiên cứu về văn hoá dân gian của khắp nơi trên thế giới mới quan trọng nữa chứ. Người xem háo hức. Nghệ nhân, diễn viên hồi hộp. Phóng viên camêra, máy ảnh lăm lăm trong tay. Mấy ông tây, bà tây mở to mắt tò mò chờ đợi. Họ cũng máy móc, đồ nghề lủng củng trên tay, sẵn sàng chụp ảnh, ghi hình, ghi âm háo hức lắm.
Đình Nội, làng Lâu Thượng vốn đã rộng nhưng đêm ấy cũng “quá tải” vì lượng người đến khá đông. Không hề loa đài mở nhạc hết cỡ như các đình đám khác, không quảng cáo phóng thanh trên loa, ấy vậy mà người ta vẫn cứ rủ nhau nườm nượp kéo đến. Sức hút của hát xoan. Sức hút của sự kiện và sự hào hứng mong chờ để hát xoan trở thành di sản phi vật thể thế giới đã thu hút mọi người. Người ta đứng vòng trong vòng ngoài rất trật tự, không hề có xô đẩy chen lấn. Phía trong đình ưu tiên cho các nhà khoa học trong nước và quốc tế, cho các nghệ nhân cao tuổi và những người làm nhiệm vụ đêm diễn. Gian giữa đình làng trải chiếu hoa suốt từ cửa vào đến ban thờ. Các gian hai bên kê ghế cho các vị quan khách. Người xem quây vòng đứng ngoài sân ngay trước cửa đình. Nếu để xem thì số người này chắc chắn sẽ không xem được gì nhưng mọi người vẫn trật tự đứng sát nhau, không ồn ào. Ai nấy cảm thấy không khí thiêng liêng trước cửa đình với khói hương trầm nghi ngút, thơm ngào ngạt, chỉ mong nghe tiếng trống, tiếng phách và lời xoan cất lên từ trong cung đình vang ra. Ngồi trong dãy ghế quan khách, tôi cũng hồi hộp không kém. Trên ban thờ, hương trầm cháy đỏ, ánh nến lung linh soi các bức tượng, đồ thờ nhập nhoà huyền ảo. Mùi hương trầm quyện với hương hoa huệ ngào ngạt, bâng lâng. Các nghệ nhân, các cụ cao tuổi áo đỏ, khăn đỏ chít ngang đầu ngồi uy nghiêm thành kính. Số diễn viên trẻ mặt hoa da phấn, nữ quần áo gụ, khăn mỏ quạ, nam áo the khăn xếp lạ lẫm nhìn mình, rồi đánh mắt nhìn nhau tình tứ mong chờ giờ biểu diễn. Mấy anh thợ ảnh chạy lăng xăng săn ảnh, tìm góc quay đợi ghi hình. Mấy cô phóng viên tranh thủ phỏng vấn, ghi âm.
Sau lời tuyên bố lý do của ban tổ chức, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo tỉnh Phú Thọ dâng hương hoa lên ban thờ. Các nghệ nhân hát xoan được vinh danh, nhận hoa chúc mừng của các vị lãnh đạo. Các cụ đều ở tuổi bảy, tám mươi. Có cụ đã gần chín chục tuổi, suốt cả cuộc đời say sưa với hát xoan. Các cụ là những báu vật, là vốn quý của hát xoan của thế kỷ hai mươi còn lại. Mấy năm gần đây, các cụ đã không ngại tuổi cao sức yếu dốc lòng, dốc sức truyền dạy ngón nghề hát xoan cho con cháu. Những bó hoa tươi thắm, những cái bắt tay nồng hậu, trước những ánh đèn plat chớp nhoang nhoáng và ống kính camera cùng những lời “xì là xì lồ” của mấy ông tây bà tây và hàng trăm con mắt của bà con dân làng khiến các cụ không khỏi cảm động run run. Lát nữa thôi, tiếng trống làng nổi lên, các cụ sẽ quên ngay tuổi tác với sức yếu lưng còng để nhập hồn vào câu hát, thăng hoa cùng điệu xoan, để đêm hội này thực sự tưng bừng và hoang dã như ngàn năm nay vẫn thế.
Quả đúng như vậy, hết phần nghi lễ đến phần trình diễn hát xoan. Tiếng trống nổi lên. Ngôi đình như lặng đi lạc về miền hoang sơ thưở ông cha khai thiên lập địa. Tất cả im phăng phắc, hướng cặp mắt lên ban thờ, về phía gian giữa. Ông trùm phường xoan cùng 4 cô đào hát đang mở màn điệu hát chào vua, mời thần linh về hưởng lễ và nghe hát thờ. Nhạc cụ không có gì đặc biệt, chỉ có tiếng trống và tiếng phách gõ nhịp. Bốn đào hát tiến từ cửa đình múa những động tác đơn giản nhưng vô cùng thiêng liêng tiến về ban thờ. Ông trùm phường xướng những câu hát nghe sởn da gà và cầm những nén hương cháy đỏ đưa cho bốn đào hát. Bốn cô đào hát tiếp tục vừa hát vừa dẻo tay đưa những nén nhang cháy đỏ múa một hồi rồi cắm hương lên ban thờ. Tôi để ý thấy mấy ông tây, bà tây tròn xoe mắt theo dõi. Họ lia máy ảnh, hướng camêra theo sát ghi tỉ mỉ từng động tác của phường hát. Xong phần hát “nhập tịch”, đến phường khác trình diễn bốn bài lề lối mở đầu cuộc hát. Đó là các bài “giáo trống” (nổi trống), “giáo pháo” (đốt pháo), hai điệu này đào hát, kép cầm phách múa theo. Đến điệu “thơ nhang” (dâng hương) thì đào hát và kép đào cùng múa. Cuối cùng đến điệu “đóng đám” (vào đám) thì đổi lại, kép hát và đào múa. Không khí tưng bừng hẳn lên. Mọi người cuốn theo lời ca, điệu múa, tiếng trống, nhịp phách. Mấy nhà khoa học quốc tế cũng làm động tác múa theo các đào. Số khác thì thì hướng mãi cái máy quay vào gương mặt của cô đào trẻ nhất phường để ghi hình, chụp ảnh. Các phóng viên ta cũng tranh thủ chớp thời cơ để tác nghiệp.
Càng về khuya, không khí đêm trình diễn hát xoan càng sôi động. Tiếng hát, hoà tiếng trống, tiếng phách vang vọng vào đêm khuya giữa mênh mông thanh vắng tĩnh lặng. Không có tiếng ooc điện tử, không cần nhạc cụ cầu kỳ, chỉ cái trống cái, mấy cái trống con, mấy bộ phách tre giữ nhịp, cũng chẳng cần đảo phách, nghịc phách, vũ điệu cũng đơn giản chẳng rườm rà ấy thế mà hát xoan vẫn cứ như lôi cuốn người xem, người nghe. Mấy ông tây bà tây thì hết lời thán phục, rồi cũng xoay tay, đưa chân theo các đào để múa. Cánh thanh niên cũng rạo rực chân tay, ngời ngời ánh mắt dõi theo các bước chân của các đào hát. Đâu cứ phải hip hop gào thét mới thu hút giới trẻ, xoan quê ta cũng hấp dẫn đấy chứ?
Mới đó mà đã hơn hai năm. Khi hát Xoan trở thành di sản thế giới, phong trào hát xoan càng phát triển rầm rộ khắp nơi trong tỉnh Phú Thọ. Đi đến đâu, hội nghị nào cũng có hát xoan.Hát Xoan là loại hình nghệ thuật tổng hợp, bao gồm nhiều yếu tố: thơ, nhạc, múa, hát... trong đó hát và múa luôn đi cùng và hỗ trợ nhau, dùng điệu múa minh hoạ nội dung cho lời ca, kết hợp với việc sử dụng các đạo cụ như quạt, phách tre, nậm rượu... Hát Xoan còn có sự gắn bó mật thiết giữa thơ ca và âm nhạc, nhịp điệu thơ và nhịp điệu nhạc, ý thơ và ý nhạc đều có sự thống nhất. Chưa bao giờ, văn nghệ sỹ, cán bộ văn hóa và các nghệ nhân hát xoan lại thỏa sức sáng tạo về hát Xoan như những năm vừa qua. Họ thi nhau truyền dạy, quảng bá, dàn dựng các tiết mục. Rồi cả đội ngũ giáo viên trong các trường học nữa chứ. Bên cạnh lời ca cổ, các văn nghệ sỹ, giáo viên còn làm thơ, đặt lời cho các điệu hát Xoan. Đặc điểm của giai điệu hát nói là sự đồng nhất giữa dấu giọng của lời ca với giai điệu. Lời ca của kiểu hát nói thường là thơ 4 hoặc 5 chữ, lục bát, song thất lục bát, thất ngôn, tự do... Người học hát xoan thì đông vô kể. Từ bé mẫu giáo đến các cụ già, từ học sinh đến thanh niên làng, ai cũng hăm hở háo hức học ít nhất cho mình vài điệu hát xoan, đặc biệt là xoay tay, nhún chân, những vũ điệu khi hát.
Mùa xuân đã lại về. Các phường Xoan quê tôi sẽ lần lượt khai xuân ở đình, miếu ngay từ mùng một Tết đầu năm. Buổi sáng các ngày Tết, phường Xoan làng nào hát ở đình làng ấy, tới chiều tối, các phường Xoan lại họp lại với nhau lần lượt hát ở đình, miếu tho lịch cụ thể. Mùng một: hát ở đình Cả và miếu Cấm làng An Thái (xã Phượng Lâu, thành phố Việt Trì); mùng hai: hát ở đình Đơi làng Kim Đới; mùng ba: hát ở miếu Lãi Lèn làng Phù Đức; mùng bốn: hát ở đình Thét làng Thét (xã Kim Đức, thành phố Việt Trì). Vào ngày mùng 5, thường hát ở đền Hùng (xã Hy Cương, thành phố Việt Trì). Cứ thế, câu Xoan bay bổng khắp làng quê qua mùa Xuân cho tới tận tháng ba giỗ Tổ Hùng Vương thì lắng bớt, rồi miên man trong các dịp hội hè, hội nghị khác cho đến hết năm để lại bước vào mùa Xoan mới.
Tiếng trống phách và nhịp điệu múa của các đào, các kép - những nghệ sỹ nông dân quê tôi đã vang lên rộn rã. Xuân đã về trước ngõ. Đào nở bừng sắc hoa. Mời bạn về Phú Thọ quê tôi để cùng chìm đắm trong câu hát Xoan đón chào năm mới.

Tản bút của PHI ĐÔNG HẠ - Theo: www.vanhocnghethuatphutho.org.vn

Không có nhận xét nào: