Chủ Nhật, 29 tháng 6, 2014

Tiếp nối những mạch nguồn từ thiện

(Dân Việt) – Với phương châm sống giản dị nhưng thiết thực, Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Liên Việt Nguyễn Đức Hưởng luôn tâm niệm một điều: Niềm hạnh phúc lớn lao nhất là được tri ân làng xóm, được trở về nơi “cắt rốn, chôn nhau”, bởi mỗi con người đều có nguồn, có cội.

Bác sĩ Simon (Pháp) đang khám và tư vấn cho bệnh nhân tại Trạm Y tế xã Tình Cương.

Dự án Trung tâm Giáo dục và Y tế xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ – một cụm công trình quy mô lớn tạo điều kiện giáo dục và chăm sóc sức khỏe đạt chuẩn quốc gia cho trẻ em tại xã ven sông Hồng được xây dựng từ nguồn vốn tài trợ trị giá 23 tỷ đồng của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và cá nhân TS Nguyễn Đức Hưởng – Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Bưu điện Liên Việt – đã khánh thành và đi vào hoạt động cách đây gần 2 năm.
Thú vị với khám bệnh tình nguyện
Ông Hưởng cho biết: Ngay từ ngày đầu thành lập Ngân hàng, HĐQT và các cổ đông sáng lập đã xác định: Một tổ chức nằm trong xã hội, là tế bào của xã hội thì không thể tách rời các hoạt động xã hội.
Chính vì vậy, tiếp nối những việc làm thiết thực cho quê hương, nguồn cội, cho bà con, xóm giềng, trong 2 ngày (10 và 11/3) vừa qua, thay mặt cho Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hưởng lại tiếp tục tài trợ chi phí để một đoàn cán bộ, bác sĩ, tình nguyện viên của Bệnh viện Việt Pháp về khám, chữa bệnh cho đông đảo bà con xã Tình Cương và nhiều xã vùng lân cận thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.
Bác sĩ Hồ Minh Trâm (Bệnh viện Việt – Pháp), một thành viên trong đoàn gần 10 bác sĩ, y tá, hộ lý cho biết: Ngoài mục đích khám bệnh, kê đơn, phát thuốc miễn phí cho bà con thì mục đích đào tạo chuyên môn, tư vấn sử dụng thiết bị sơ cấp cứu cho đội ngũ y tế thôn bản ở Trạm Y tế xã Tình Cương cũng được đoàn đặt lên hàng đầu. “Có đi mới biết hệ thống y tế cơ sở còn nhiều bất cập. Nhiều những kỹ năng chuyên môn tưởng là sơ cứu, nhưng những cán bộ ở đây chưa nắm vững, thậm chí bỏ qua như các kỹ năng về sơ cứu cho người bị ngộ độc khi phun thuốc trừ sâu, kỹ năng đỡ đẻ thông thường…” – chị Trâm cho biết.
Bác sĩ Simon, một bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức người Pháp, một thành viên tích cực trong đoàn bác sĩ lần này cho biết: Ông rất thú vị và hào hứng với công việc khám bệnh tình nguyện như thế này. Công việc này đã cho ông những trải nghiệm mới mà ông đã không có cơ hội kể từ sau khi đi làm bác sĩ tình nguyện tại Nigeria cách đây nhiều năm.
Như được tiếp sức...
Trong ngày đầu tiên, gần 300 trẻ em đủ mọi lứa tuổi ở các xã đã được bác sĩ chuyên khoa nhi khám bệnh, gần 100 bà con có nhu cầu khám mắt đã được các bác sĩ thăm khám tận tình chu đáo, gần 700 bà con được các bác sĩ đa khoa khám và hỏi han nhằm phát hiện bệnh và tư vấn cách phòng tránh các bệnh tật thông thường như bệnh về mắt, bệnh huyết áp, cách phòng tránh bị ngộ độc khí khi phun thuốc trừ sâu. Theo thống kê có tới hàng vài chục loại thuốc với hàng nghìn viên thuốc đủ loại gồm thuốc bổ, thuốc ho, thuốc tiêu hóa, thuốc giun, thuốc hạ sốt… đã được đưa đến tay bà con.
Lần đầu tiên được bác sĩ người nước ngoài về khám và tư vấn chữa bệnh, hầu hết bà con xã Tình Cương đều rất phấn khởi. Bà Đỗ Thị Huệ (69 tuổi) ở Khu 2 xã Tình Cương cho biết: Lâu nay bà hay bị đau đầu, máu nóng bốc lên mắt gây khó chịu mỗi khi đi làm nông. Vừa rồi được ông bác sĩ Tây khám bệnh, đo huyết áp, bà mới biết bệnh của mình là bệnh huyết áp cao của tuổi già.
Bà Nguyễn Thị Chăm, (60 tuổi) ở Khu 5 vui mừng vì vừa được bác sĩ Simon khám bệnh. “Sau khi phát hiện ra mắt tôi kém vì đến tuổi lão hóa mắt, ông bác sĩ người nước ngoài còn cho tôi đeo thử kính của ông, tôi thấy mắt mình nhìn rõ ra trông thấy” – bà vui vẻ nói.
Chị Bùi Thị Thơm ở xã Tình Cương sau khi được phát túi thuốc đủ loại đã cùng con gái 12 tuổi quay lại gặp y tá Chu Thị Phương để nhờ tư vấn kỹ cách dùng thuốc kháng sinh và hạ sốt mà hai mẹ con vừa được phát. Chị Thơm tâm sự: “Chẳng mấy khi được có đoàn bác sĩ đông như vậy về khám bệnh, phát thuốc nên không chỉ mẹ con chị cảm động, hồ hởi mà hầu hết bà con trong xã, trong huyện đều có chung tâm trạng”.
“Trước kia mỗi khi có bệnh hoặc muốn đi khám, gia đình chị và bà con đều phải lên huyện, lên tỉnh chứ trung tâm y tế không có bác sĩ, vì thế chúng tôi mong muốn lâu lâu bà con lại được đón một đoàn bác sĩ như thế này”. Chị Thơm cũng đã thay mặt bà con bày tỏ sự xúc động và biết ơn không chỉ đối với Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, đoàn bác sĩ tình nguyện và các đơn vị tài trợ, mà còn cảm động trước tấm tình giàu lòng nhân ái của cá nhân Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng Liên Việt Nguyễn Đức Hưởng.

PHƯƠNG HÀTheo: www.danviet.vn

Không có nhận xét nào: