Ngày xưa quê tôi đất rộng, người thưa,
ruộng đồng nhiều tôm cá, ếch nhái. Những bờ ruộng to có thể đẩy xe cải tiến,
hoặc hai người gồng gánh lúa tránh nhau thoải mái. Trên bờ ruộng có những lùm
cây, bụi cỏ hoặc cây duối già mọc lù sù. Bờ ruộng to rộng và rậm rạp là nơi lý
tưởng cho đám ếch nhái ẩn náu, đào hang làm nơi ngủ đông, ngồi tránh nắng mùa
hè và rình chộp mồi.
Thiên nhiên thật là kỳ thú. Con cua tám
cẳng hai càng nhọn sắc như thế mà con ếch vẫn có thể nuốt gọn được con cua đang
còn sống ngoay ngoảy. Bố tôi thường kể chuyện con ếch ngậm con cua, con bọ hung
vào miệng làm thức ăn tiêu hóa dần qua suốt mùa đông nằm tránh rét trong hang.
Tôi không có điều kiện nghiên cứu tìm hiểu về việc này nhưng nhiều lần thịt
ếch, lộn cái tù và (dạ dày) của nó ra thấy có cả những con cua chưa tiêu hóa
hết. Ếch thường lấp kín cửa hang để ngủ suốt mùa đông. Khi tiết trời bắt đầu ấm
áp, những cơn mưa rào tháng ba âm lịch thì lũ ếch khui mà chui ra kêu râm ran
gọi bạn tình. Đó cũng là mùa soi ếch.
Đồng ruộng quê tôi ngày ấy sao mà nhiều
ếch đến thế. Đêm mưa rào đầu mùa hạ tiếng ếch kêu râm ran khắp cánh đồng. Bố
tôi ít ngủ, sau trận mưa rào ông thường gọi tôi dậy đi soi ếch. Có lẽ là kinh
nghiệm của người nông dân cả đời gắn bó với ruộng đồng, với con tôm, con cá nơi
thôn dã nên khi ông gọi tôi dậy cũng là lúc lũ ếch bắt đầu cặp đôi. Nghe tiếng
ếch kêu, ông biết được thời khắc ấy chăng. Khi lũ ếch đã cặp đôi, là lúc dễ bắt
nhất. Nghe bố lay gọi, tôi mắt nhắm, mắt mở bật dậy. Đeo vội cái giỏ vào thắt
lưng, vớ bó đuốc châm lửa tôi chạy ra cánh đồng. Cánh đồng làng rộng mênh mông,
đèn đuốc soi ếch như sao sa. Ngày xưa làng quê nghèo, không có đèn điện, soi
bắt ếch chủ yếu bằng đuốc, hoặc đèn bão. Ngày ấy cũng làm gì có đèn pin, đèn
sạc ác-quy như bây giờ. Có lẽ vì thế nên mới có câu "Trăm bó đuốc cũng bắt
được con ếch". Câu tục ngữ này được đúc rút từ việc soi bắt ếch trong tự
nhiên nhưng nó lại mang ý nghĩa xã hội rất sâu xa. Dân gian muốn cảnh báo những
kẻ xấu, phường trộm cắp, tham ô hãy coi chừng, trước sau rồi cũng bị tóm cổ,
cũng bị đưa ra ánh sáng.
Lại nói về việc soi ếch. Đuốc (quê tôi
gọi là đóm) dùng để soi ếch thường được làm bằng cây rui hoặc cây nứa. Cây rui,
cây nứa mọc hoang trên rừng thành từng đám, từng bụi. Bố tôi thường chọn chặt
những cây rui bánh tẻ hoặc còn xanh vỏ đem về, dùng dùi đập giập rồi đem xuống
ao ngâm, sau vài tháng đưa lên phơi khô. Khi phơi đóm cần tránh để dính nước
mưa. Vì đóm đem ngâm có khí mê-tan từ bùn ao ngấm vào nên khi khô đốt lên cháy
rần rật như tẩm dầu, nếu bị nước mưa thì đóm sẽ cháy kém, chóng lụi tàn. Soi
bắt ếch ngoài ruộng trồng các loại hoa màu nước lúp xúp thì chỉ cần khua đuốc
lên đầu một vòng là có thể phát hiện ra con ếch đang ngồi ở đâu. Khoảng da
trắng hếu dưới cổ con ếch bắt ánh sáng rất dễ phát hiện. Khi lũ ếch say nhau
thường nằm im không nhảy nên chỉ việc nhặt cho vào bao, vào giỏ. Sau trận mưa
rào đầu mùa nhiều hôm đi soi ếch tôi còn tóm được cả những con cá rô, cá trê,
cá diếc đang rạch nằm ngửa bụng ở chỗ nước chảy nông. Trời càng tối càng dễ soi
ếch. Hôm nào có trăng dù sau trận mưa, mây mù còn phủ kín, bầu trời chỉ sáng mờ
mờ thì đừng đi soi ếch mà tốn đuốc vì ếch không say nhau nên rất khó bắt. Tôi
còn nhớ, ngày ấy sau mỗi trận mưa rào tháng ba trên cánh đồng làng đèn đuốc soi
ếch sáng như sao sa.
Mùa thu, sau kỳ sinh sản, ăn uống no đủ,
ếch chuẩn bị vào hang ngủ đông. Lúc này ếch ít kêu, hay ngồi trên bờ ao, bờ
ruộng hóng mát, đớp mồi. Soi ếch ngồi hóng mát thì phải có đèn pin hoặc đèn rọi
bằng ắc-quy. Đèn soi ếch có thể gắn đeo trên trán hoặc đèn pin cầm tay. Muốn
bắt được ếch ngồi hóng mát phải có vợt để chụp. Vợt chụp bắt ếch đường kính chỉ
hơn gang tay, làm bằng những miếng vó, lưới cũ, luồn vào những sợi dây thép
tanh lốp xe đạp uốn tròn cho dẻo. Cán vợt là những cành tre hoặc cây rui. Người
soi ếch đi dọc bờ ruộng, bờ ao, cán vợt dài đến đâu thì đèn soi đến đó. Soi
thấy con ếch đang ngồi là phải rất nhanh tay dùng vợt chụp ngay. Không được
dùng đèn pin soi, quét lung tung, ếch thấy động nhảy mất.
Bây giờ ếch được nuôi công nghiệp. Bắt
ếch công nghiệp dễ như nhặt củ khoai, củ lạc trên ruộng. Ngoài đồng ruộng bây
giờ cũng không còn ếch mà soi nữa. Bờ ruộng người ta vạc nhỏ không đặt nổi bàn
chân, chẳng còn chỗ cho ếch đào hang ẩn náu. Mỗi lần về quê đêm hè sau trận mưa
rào nghe một vài tiếng ếch kêu lẻ loi trên cánh đồng, tôi lại nhớ đến nôn nao
về kỷ niệm ngày xưa đi soi ếch...
Tản văn của TRỌNG BẢO – Theo: www.qdnd.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét