Tản văn của ĐỖ XUÂN THU
Từ hàng ngàn đời nay, Tết Nguyên Đán là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội
truyền thống Việt Nam. Đó là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một
chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Từ buổi “khai thiên lập địa”, Tết
đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với
thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân hạ thu đông. Tết còn là dịp để mọi người
Việt Nam tưởng nhớ, tri tâm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ
đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” và tình làng nghĩa xóm. Tết là thời gian sum họp
gia đình, là sự quây quần đầm ấm bên nhau. Dù đi đâu, ở đâu, ngày Tết ai cũng
tìm về quê hương, gia đình, tìm về nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn.
Một
cái Tết nữa lại về. Mùa xuân tới mang theo hơi ấm của yêu thương và tiễn đưa
những ngày cũ. Dù những người vô tư nhất, “lãnh cảm” nhất thì những ngày này
cũng đều cảm thấy xốn xang, rạo rực lạ thường. Đó là thời điểm đặc biệt, rất
nhạy cảm không nghĩ không được. Và lẽ thường, những sự nghĩ đó đều
là vui. Dù khó khăn đến mấy, nghĩ đến Tết là nghĩ đến niềm vui. Vui như Tết mà
lị. Háo hức như đón chờ Tết mà lị.
Thế
là mười năm rồi em làm dâu xứ người, tha phương nơi đất lạ. Cứ mỗi năm Tết đến,
Xuân về em lại hướng về Tổ quốc mà nghẹn ngào nhớ mong. Thèm lắm mùi Tết quê
hương. Xứ Kim Chi giàu có đủ đầy cũng không khỏa lấp nỗi nhớ quê ngày Tết. Có
cái gì đó mộc mạc thân thương bỗng chợt ùa về trong em những ngày giáp Tết này.
Em nhắc nhớ những buổi chiều hai mẹ con xách làn ra chợ sắm đồ, những đêm cả
nhà quây quần trong phòng khách để cùng gói bánh chưng, những ngày bố thay ba
mẹ con dọn dẹp nhà cửa, thổi vào trong căn phòng bao nhiêu hơi ấm yêu thương.
Mấy
hôm nay, trước không khí những ngày cuối năm tất bật, đã thấy lất phất mưa xuân
phơi phới bay mà lòng tôi nhớ em da diết quá chừng. Cả mấy anh bạn có vợ đi lao
động hợp tác, mấy bác có con đi lao động xuất khẩu cũng thế. Ai cũng bồn chồn,
cũng bâng khuâng nhắc nhớ người đi xa. Ngàn trùng cách trở không biết Tết nhất
này ra sao?
Ngày
nào em cũng điện thoại về hỏi thăm việc chuẩn bị Tết. Em bảo nhớ vô chừng không
khí Tết quê hương. Nơi em ở có quá ít người Việt. Thế cho nên em thèm tiếng
Việt biết chừng nào. Đã bao đêm trong mơ em gặp lại ngày xưa, được nói tiếng mẹ
đẻ thoải mái để rồi khi chợt tỉnh giấc, em bỗng trào nước mắt khi thấy mình vẫn
đang ở xứ người. Những ngày giáp Tết này, em nhớ quay nhớ quắt một bữa cơm với
một bát nước mắm, một món dưa cải và đậu phụ sốt cà chua đến thế nào. Thèm lắm
bếp lửa hồng đêm cuối năm cùng cả nhà đun bánh chưng, bánh tét.
Những
cuộc điện thoại giữa em và tôi, và những người thân trong gia đình tôi nhiều
hơn, dài hơn. Chuyện trò ríu ran không muốn dứt. Có lần giữa đêm em lại gọi.
Nghe em nói, em cười nhưng tôi biết là em đang khóc. Em để những giọt lệ rơi
cùng với những bông tuyết rơi phủ trắng trời Hàn Quốc. Dẫu chẳng nhìn thấy em
do ngàn trùng cách trở nhưng tôi cũng hình dung ra như vậy. Giọng em nghẹn
ngào. Tiếng cười em đứt quãng. Em ước giá có thể gắn vào đôi bờ vai của mình
một đôi cánh nhỏ để bay về sà vào lòng của những yêu thương. Tết đối với em, có
lẽ chỉ cần như thế là đã đủ lắm rồi.
Quê
nhà đang háo hức, tấp nập chuẩn bị đón Tết. Kinh tế những năm gần đây khá lên
nhiều lắm, em biết không. Làng quê đổi mới từng ngày. Chương trình xây dựng
nông thôn mới đã đem đến cho quê ta một bộ mặt khác lạ. Đường làng ngõ xóm
phong quang, bê tông hóa rộng rãi, sạch sẽ. Nhà cao tầng, biệt thự mọc lên
nhiều lắm. Không còn nhà tạm như ngày em còn ở quê đâu. Làng quê mình giờ như
phố. Có nhà đã mua được ô-tô rồi đấy. Những ngày nghỉ họ đã đưa cả nhà đi du
lịch đó đây chẳng kém gì công chức và dân thành phố. Tết đang tràn về từng ngõ,
từng nhà. Hàng hóa nhiều vô kể, tha hồ mua.
Bố
mẹ tuy già những vẫn minh mẫn và luôn nhắc nhớ về em. Mẹ bảo không biết bên ấy
có Tết như bên mình không? Có bánh chưng, bánh tét, có dưa hành, măng miến
không? Bố thì nhắc chẳng biết em có lo liệu Tết nhất cho nhà người ta chu đáo
không? Còn các cháu ngoại nữa? Chúng nó lớn bằng từng nào rồi? Có đứa nào nói
tiếng Việt Nam không? Ôi, nỗi lo của mẹ, của cha, của những người già sao mà
thân thương, thiêng liêng đến thế!
Đừng
buồn nhé em khi thêm một Tết nữa xa quê. Thế giới hội nhập, phát triển, mình
cũng phải hội nhập, phát triển cùng chứ. Đường em đã chọn, lối em đã đi, hãy
kiên định mà bước. Hãy vui lên khi Tết đến Xuân về. Em là chiếc cầu hữu nghị
nối nhà mình với nhà người ta bên ấy. Phúc nhà ta nở nhà người, nước người để
mùa Xuân mãi mãi thêm Xuân. Ra giêng, sang năm tới, vợ chồng con cái em về Việt
Nam và bố mẹ, anh chị có điều kiện sang bên đó. Thế là hạnh phúc, là Tết đó em.
Việt Nam luôn là quê hương, là cội nguồn, là tất cả trong cuộc đời của chúng ta
em nhỉ. Nào vui lên em ơi, chúng ta cũng chào Tết, đón Xuân!
ĐỖ XUÂN THU – Theo: www.vanhocnghethuatphutho.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét