Con đê cũng đã trở thành đường giao thông quan trọng
liên xã, liên huyện của nhiều tỉnh, thành. Đi trên những con đê mới thấy công sức
của người dân từ bao đời nay, họ đã phải đào, khênh, gánh từng sọt đất để tạo
nên con đê cao cả chục mét so với mặt ruộng... Mỗi độ vào xuân, con đê trở
thành điểm thu hút nhiều người tham gia các hoạt động lễ hội…
Việt Nam là một đất nước có hệ thống
sông ngòi dày đặc tạo nên những vùng đồng bằng phì nhiêu màu mỡ, mang dòng nước
mát tưới tiêu và phục vụ đời sống nhân dân.
Song mỗi mùa mưa lũ đến, nhiều dòng
sông tại miền Bắc đã gây nên lụt lội khôn lường, có thể nhấn chìm nhiều bản
làng, ruộng nương.
Do đó cư dân Bắc Bộ đã kỳ công đắp
những con đê chạy dọc theo hai bên các dòng sông, một trong những công trình
trị thủy vĩ đại của con cháu “Sơn Tinh” chống lại những cơn cuồng phong của
“Thủy Tinh”. Vậy thì những con đê chạy dài hàng ngàn km ấy đương nhiên phải trở
thành di sản.
Chỉ tính riêng sông Hồng, con sông
lớn của miền Bắc có hệ thống đê dài 1.314km hai bên bờ tả ngạn và hữu ngạn.
Lịch sử ghi rằng, dưới thời Triều
Lý, năm 1105, con đê đầu tiên được đắp ở phường Cơ Xá để bảo vệ thành Thăng
Long, mà ngày nay dấu tích còn rất ít như đê La Thành Hà Nội.
Những dòng sông Hồng, sông Lô, sông
Thái Bình hiền hòa về mùa đông, mùa xuân khi nước cạn đã tạo nên bao áng thơ
ca, nhạc họa ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên và nét thanh bình của cuộc sống.
Nhưng về mùa mưa bão, khi nước trên
thượng nguồn đổ về thì dòng sông ấy trở nên hung dữ có thể cuốn phăng cả những
đoạn đê xung yếu, gây ngập lụt cho hàng ngàn ha đất đai hoa màu.
Năm 1971, mức nước lên đến 14,30m ở
Hà Nội (cao hơn mức báo động III 2,63m) gây vỡ ở 3 địa điểm làm chết 100.000
người, gây ngập úng 250.000ha đồng ruộng, 2,7 triệu người bị ảnh hưởng mất nhà
cửa, hoa màu.
Những con đê thường xuyên được tu
sửa, nâng cấp và nắn dòng. Riêng thành phố Hà Nội có 37,709km đê cấp đặc biệt
được xây dựng kè, đá bảo vệ và cũng trở thành những tuyến giao thông huyết
mạch.
Trong nội thành, con đường gốm sứ
chạy theo triền đê (dài xấp xỉ 3,85km) đạt kỷ lục Guiness, là một công trình
nghệ thuật trong chương trình chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long của nhân dân
Thủ đô, công trình cũng đã nhận được giải thưởng “Bùi Xuân Phái – vì tình yêu
Hà Nội”.
Con đê cũng đã trở thành đường giao
thông quan trọng liên xã, liên huyện của nhiều tỉnh, thành. Đi trên những con
đê mới thấy công sức của người dân từ bao đời nay, họ đã phải đào, khênh, gánh
từng sọt đất để tạo nên con đê cao cả chục mét so với mặt ruộng... Mỗi độ vào
xuân, con đê trở thành điểm thu hút nhiều người tham gia các hoạt động lễ
hội... Con đê đã đi vào tâm thức của bao thế hệ người Việt.
Vậy thì, những con đê xứng đáng trở
thành di sản của cư dân văn mình lúa nước, đó chính là những công trình an
ninh, quốc phòng của đất nước.
NGUYỄN MINH – Theo:
www.cand.com.vn/van-hoa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét