Thứ Hai, 21 tháng 12, 2015

Mưa mùa đông

Mùa đông có một sắc màu riêng không giống mùa xuân, mùa hạ và mùa thu. Nếu mùa xuân trời ấm mây hồng, mùa hạ chói chang rực rỡ, mùa thu man mác xanh trong thì mùa đông gam màu chủ đạo của nó là màu xám. Đó là gam lạnh, đúng chất của giá rét. Mây che kín bầu trời hầu như suốt cả ba tháng mùa đông. Hiếm hoi lắm mới có những ngày nắng nhạt. Vì vậy, mùa đông thường ít mưa. Chính vì thế mà người ta gọi mùa này là mùa khô.


Mưa mùa đông cũng khác với những cơn mưa của những mùa khác. Không âm ỉ, ậm ạch, tích tụ đợi sấm, chờ chớp bao ngày như mùa xuân; không ào ạt, trút nước, chợt nắng chợt mưa như mùa hạ; không rầm rề rả rích như mùa thu; mùa đông mưa nhẹ nhàng hơn, tê tái hơn.
Có hai dạng mưa mùa đông. Thứ nhất là những cơn mưa rào thoáng nhẹ. Không hình thành cơn cớ mây đen vần vũ như các mùa khác, những cơn mưa này do sẵn mây trên trời, chỉ cần cảm thấy hôm đó nồng ấm hơn các ngày khác thì thể nào rồi trời cũng mưa. Mưa không trút nước. Mưa không lê thê. Nó chỉ đủ nước cho cây và đất đang khát khô trong những ngày giá rét. Thường chỉ một đêm hoặc một ngày là tạnh. Đang rét mướt thế, ấy vậy mà những cơn mưa này lại ấm lên mới lạ chứ. Không hề có sấm chớp. Không hề có cóc nhái, côn trùng kêu hân hoan chào đón như các cơn mưa của mùa xuân, mùa hạ, mùa thu. Mưa mùa đông đến tự nhiên như là nó phải thế. Cây cành khẳng khiu được những cơn mưa bất chợt này như được tiếp thêm sự sống. Nhà nông cần những cơn mưa như thế này lắm. Mưa để dưỡng cây, dưỡng đất. Mưa để cân bằng những ngày hanh khô. Ngô đông, khoai lang đông, rau màu vụ đông được cơn mưa như thế khác nào như trời cho của. Thử tưởng tượng xem nếu cả mùa đông không có những cơn mưa kiểu này thì nó sẽ khắc nghiệt biết nhường nào.
Loại mưa thứ hai của mùa đông là mưa phùn. Loại này thường đi kèm với gió bấc. Đây là đặc trưng của mùa đông. Nếu không có mưa phùn gió bấc thì không ra mùa đông. Loại mưa này dễ sợ nhất. Đã lạnh với những cơn gió rít ào ào, đã buồn về màu mây xám xịt lại còn thêm những giọt mưa tí tách rơi rơi thì lại càng lạnh hơn. Lạnh thấu thịt thấu da vì mưa. Buốt thon thót. Ngày trước, nằm cuộn trong ổ rơm, cạnh bếp trấu hồng đượm khói mà vẫn run nhung nhóc. Bây giờ, những đêm đông, cuộn trong chăn ấm, nệm êm, nghe gió vù vù thổi ngoài vườn, tiếng lá chuối khô va vào nhau xào xạc, rồi tiếng mưa rơi tí tách nữa, ta cũng cũng quên mất cái cảm giác rùng mình, sởn gai ốc lên vì rét. Sáng ra, theo đàn trâu ra đồng, lên đồi, đi trong co ro cái rét nghĩ mà tái tê thương những kẻ không cửa không nhà. Lũ trẻ chúng tôi thường kiếm củi, đốt lửa, nướng sắn. Giữa mưa phùn gió bấc, xuýt xoa vì rét mà ăn củ sắn nướng, ngồi bên đống lửa thì bảo đảm rằng rất khoái. Miệng đứa nào đứa nấy đen nhẻm, mắt long lanh, cười đùa cấu chí nhau vui lắm. Nhiệt độ những ngày mưa phùn gió bấc thường xuống rất thấp. Rét đậm, rồi rét hại. Trâu bò cũng vì những cơn mưa này mà có năm chết hàng loạt.
Tôi cứ nhớ mãi câu thơ trong bài “Bầm ơi” của nhà thơ Tố Hữu mỗi khi mưa phùn gió bấc. Bầm ơi có rét không bầm/ Hiu hiu gió bấc lâm thâm mưa phùn/ Bầm ra ruộng cấy bầm run/ Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non”. Rất may là bây giờ còn rất ít cảnh này. Người ta đã luân canh cây trồng, thay đổi cơ cấu mùa vụ, thêm vào đó lại có những công nghệ gieo trồng mới như gieo sạ, máy cấy nên chẳng còn lo mưa phùn gió bấc khi ra đồng làm nữa. Những ngày như thế thì tốt nhất làm việc khác hoặc nghỉ ngơi mà ngắm mưa rơi gió rét.
Hiệu ứng nhà kính, trái đất nóng lên, hiện tượng Elnino đã làm cho mấy năm gần đây mùa đông ít mưa hơn những năm trước. Sắc thái mùa đông hình như cũng đã đổi màu. Quy luật tự nhiên chẳng lẽ cũng đã bị biến dạng? Dẫu có buồn, có rét tôi vẫn cứ mong nhớ lắm những cơn mưa mùa đông. Không có “mưa phùn gió bấc” thì còn gì là mùa đông nữa? Đã qua nửa mùa đông rồi. Hãy mưa đi mùa đông ơi!

Tản văn của PHI ĐÔNG HẠ

Không có nhận xét nào: