Cẩm
Khê có hơn 14.500ha đất nông nghiệp, bình quân mỗi hộ có 8,3 thửa ruộng. Có những
xã trung du miền núi diện tích nhỏ hẹp, ruộng dộc, bậc thang, manh mún lên tới
trên 13 thửa/hộ. Nhiều thửa ruộng chỉ có vài chục m2. Thực tế cho thấy ruộng đất
manh mún là một trong những “lực cản” đối với phát triển sản xuất nông nghiệp
theo hướng hàng hóa. Vì vậy, huyện Cẩm Khê đã tích cực đẩy mạnh công tác dồn đổi,
tích tụ và tập trung đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp.
Đến
xã Tình Cương hôm nay, chúng tôi được chứng kiến những cánh đồng lúa “thẳng
cánh cò bay” đã trổ bông đều tăm tắp, không còn tình trạng “xôi đỗ” như trước.
Bà con nơi đây phấn khởi cho biết, sau dồn đổi ruộng đất làm ruộng thuận lợi
hơn bởi ruộng đất tập trung không phân tán đỡ phải đi lại nhiều, máy móc được
đưa vào đồng ruộng để giảm thời gian và sức lao động. Do bà con cùng cấy một giống
lúa trong một thời điểm, cùng phun thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của cơ
quan chuyên môn nên hiệu quả cao mà chi phí lại giảm.
Qua
tìm hiểu chúng tôi được biết, Tình Cương là xã được huyện chọn đi đầu thực hiện
Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 15/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác dồn đổi,
tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất đến năm 2020. Trước khi dồn đổi
bình quân mỗi hộ có hơn 8 thửa ruộng, nhiều hộ còn có tới chục thửa ruộng; bình
quân mỗi thửa chỉ đạt gần 250m2. Sau dồn đổi bình quân mỗi hộ chỉ còn hơn 2 thửa;
diện tích bình quân mỗi thửa hơn 800m2, có thửa lớn nhất hơn 3.600m2, thửa nhỏ
nhất cũng đạt trên 330m2. Điều quan trọng nữa là cùng với dồn đổi ruộng đất,
UBND xã đã thực hiện việc san lấp mặt bằng theo thửa mới; quy hoạch và xây dựng
bổ sung hệ thống kênh mương dẫn nước, đường giao thông nội đồng, bờ vùng bờ thửa
thuận tiện cho sản xuất; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, sản xuất
chuyên canh có diện tích thửa lớn; thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản
xuất.
Để
có được những đổi thay như vậy là nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy
Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Huyện cũng đã tăng cường công tác chỉ đạo
và tổ chức tham quan học hỏi kinh nghiệm. Các phòng chuyên môn như: Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường tích cực phối hợp, hướng dẫn
cơ sở thực hiện theo kế hoạch. Ban chỉ đạo thực hiện dồn đổi ruộng đất nông
nghiệp, các tiểu ban, các tổ công tác của xã đã năng động, trách nhiệm và sáng
tạo trong thực hiện dồn đổi. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh qua hệ thống
loa truyền thanh của xã; qua các kỳ sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt đoàn thể và tổ
chức các hội nghị từ xã đến khu dân cư đã tạo được sự đồng thuận và tham gia
tích cực của người dân.
Từ
thành công trong dồn đổi ruộng đất ở Tình Cương, huyện cũng rút kinh nghiệm để
triển khai nhân rộng trên địa bàn các xã. Ngày 10/4/2018, Ban Thường vụ Huyện ủy
đã có Nghị quyết số 54-NQ/HU về công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai
phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Khê đến năm 2020. Theo
đó hầu hết các xã đã ban hành Nghị quyết và xây dựng kế hoạch dồn đổi. Riêng 4
xã được chỉ đạo tập trung dồn đổi toàn xã trong năm 2018 gồm: Phương Xá, Phùng
Xá, Đồng Cam, Cát Trù.
Để
thực hiện hoàn thành dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai trên địa bàn huyện Cẩm
Khê, bà Trần Thị Thu Hưởng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện
Cẩm Khê cho biết: Huyện xác định cần nêu cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy
Đảng, chính quyền, sự vào cuộc tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức
chính trị - xã hội đặc biệt ở cơ sở. Căn cứ vào tình hình thực tế ở từng địa
phương, cơ sở để xây dựng phương án, kế hoạch, lộ trình, bước đi phù hợp. Tiếp
tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về mục đích, yêu cầu trong việc dồn
đổi, tích tụ, tập trung đất đai nhằm thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với đẩy
mạnh áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ kỹ thuật,... góp phần nâng cao năng suất, chất
lượng, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp đến mọi tầng lớp nhân dân để tạo sự
đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình thực hiện.
TRỊNH
HÀ
– Theo: Báo Phú Thọ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét