PTO – Tỉnh trung du là nơi tụ hội ba dòng sông lớn trên đường đổ ra biển
với tổng chiều dài trên ba trăm cây số là sông Hồng, sông Lô, sông Đà và hai
con sông “nội địa”: Sông Chảy, sông Bứa cùng hệ thống suối, ngòi tương đối
phong phú, như một nhu cầu tất yếu, dọc hai bờ nước theo các điểm tập trung dân
cư, các bến đò ngang qua sông cũng hình thành phục vụ nhu cầu qua lại của người
dân. Khi hệ thống cầu đường chưa thể thay thế, tính cần thiết tồn tại của các bến
đò là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn giao thông đường
thủy theo quy định cũng như phương thức quản lý tại nhiều bến đò vẫn còn nhiều
bất cập, gây không ít bức xúc, trăn trở cho hành khách qua sông…
Giữa mùa nước lũ, dù trên đò trang bị đầy đủ áo phao cá nhân, nhưng cả người điều khiển đò ngang và hành khách không ai mặc theo quy định - Ảnh chụp tại bến đò Lời, lúc 9h ngày 25-6-2013. |
Sinh ra và lớn lên ở bến sông, tuổi thơ tôi gắn liền với những
chuyến đò, chuyến phà qua lại đôi bờ tấp nập người xe, với dòng sông tính tình
đỏng đảnh mùa lũ nước ngầu đỏ cuồn cuộn lấn chìm bờ bãi, đò muốn qua sông phải
nương theo dòng nước trôi xuôi vài trăm mét rồi mới ì ạch cập bến; mùa cạn cát
bồi ngang dọc, người điều khiển đò không thông thạo luồng lạch là mắc cạn chỉ
còn cách nhảy xuống nước dùng đòn gồng người bẩy thuyền. Hơn hai thập niên trước,
đò ngang qua sông chủ yếu là thuyền nan quét sơn ta, về sau thay bằng xi măng
cát. Thuyền chòng chành lại chèo bằng tay nên ông lái nào cũng rất thận trọng đếm
đủ lượng người, hàng hóa, sắp đặt vị trí trong lòng thuyền thật cân đối mới cho
nhổ sào, rời bến. Nhiều năm liền, trừ mấy bà đi chợ mải chuyện để gió thổi bay
nón xuống sông, và va chạm nhẹ đò, phà khi cập bến, bến đò ngang quê tôi chưa
có vụ tai nạn đường thủy nào để lại hậu quả đáng tiếc. Thế rồi lưu lượng khách
ngày càng tăng, người đi bộ với chiếc làn, đôi quang gánh qua sông đi chợ phiên
ít dần, thay vào đó là xe máy, xe đạp. Thuyền nan sâu lòng có cắng ngang được
thay bằng thuyền sắt vững chãi, sàn gỗ bằng phẳng, đầu máy dieezen mạnh mẽ,
chân vịt khuấy nước tung bọt trắng xóa, trên móc treo lủng lẳng phao cứu sinh,
áo phao cá nhân, chính giữa khoang lái biển kiểm soát được đính ngay ngắn.
Cảm giác về độ an toàn của những chuyến đò dọc ngang khắp các
địa phương thường xuyên phải qua lại trên đường công tác tồn tại trong tôi như
một lẽ tự nhiên đầy cảm tính. Cho đến năm 2005, được chứng kiến vụ đắm đò
thương tâm tại xã Tu Vũ (Thanh Thủy) cướp đi sinh mạng hơn chục con người, tôi
mới bắt đầu quan tâm để ý và giật mình khi nhận ra không biết bao nhiêu lần
mình đã mạo hiểm khi đặt chân lên những chuyến đò mà chủ phương tiện không thực
hiện đầy đủ các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy. Đôi khi
chính hành khách qua sông lại cố tình coi thường các quy định đảm bảo an toàn
cho bản thân mình!.
Theo quy định, hành khách lên đò qua sông phải mặc áo phao.
Nhưng tại các bến đò có lưu lượng người qua sông lớn như: Bến đò Lời (Lâm Thao –
Tam Nông); Tình Cương (Thanh Ba – Cẩm Khê); Chiểu Dương (TP Việt Trì – Ba Vì)…
mặc dù trên đò có đầy đủ phao cứu sinh, áo phao được… buộc chặt bằng dây thừng
vào móc sắt, nhưng chẳng bao giờ chủ phương tiện nhắc nhở, lấy xuống cho hành khách
dùng theo quy định. Mặc nhiên, phao trang bị là để… đối phó với lực lượng chức
năng kiểm tra là chính! Thắc mắc với người điều khiển thuyền máy tại bến đò Lời
thì nhận được câu trả lời tưng tửng: “Ông thích thì cởi dây ra mà mặc, sang bên
kia buộc lại cho tôi. Có phải ai cũng rỗi hơi như ông đâu mà nhắc nhở để họ cười
cho…!”!?. Chợt nhớ đến vụ đắm tàu trên địa bàn xã Tu Vũ, giá mọi người trên
chuyến đò dọc đó ai cũng mang trên người chiếc áo phao theo quy định thì mọi
chuyện đâu đến nỗi!.
Do mức độ quan trọng đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng,
tài sản của nhiều hành khách, người điều khiển đò ngang bắt buộc phải qua đào tạo
và được cơ quan chức năng cấp Giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường
thủy. Các chủ thuyền đều đã được phổ biến và đều đã qua khóa học, nhận giấy
phép. Tuy nhiên, trên thực tế, chủ thuyền thường chỉ nhận nhiệm vụ… thu tiền,
có trường hợp còn chuyển nhượng toàn bộ quyền kinh doanh, vận tải đường thủy do
mình trúng thầu cho người khác và chỉ có mặt, xuất trình giấy tờ hợp lệ khi có
đoàn kiểm tra. Trực tiếp điều khiển phương tiện là những người được thuê về,
ngoài kinh nghiệm sông nước sẵn có thì Luật An toàn giao thông đường thủy chưa
chắc họ đã nắm được gì.
Giá cước tại các bến đò ngang hiện cũng trong tình trạng “mạnh
ai nấy làm”, tùy theo lưu lượng khách mà chênh nhau đến vài lần. Cao nhất phải
kể đến bến đò Chiểu Dương (20.000đồng/1 người/1 xe máy; 15.000 đồng/1 người/1
xe đạp; 10.000 đồng/người đi bộ), đò Lời (15.000 đồng/1 người/1 xe máy)… Giá cả
sẽ tăng lên cả chục lần nếu khách có việc gấp phải qua sông lúc đêm muộn. Điều
đáng nói là tại các bến đò này hoàn toàn không có bảng niêm yết giá cước cũng
như các thông báo hướng dẫn thực hiện quy định về việc lên, xuống đò, đảm bảo
an toàn giao thông đường thủy…!
Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện, theo quy định, bến
đò ngang phải cách bến phà 150m về hai phía thượng, hạ lưu. Thế nhưng nhiều năm
nay, tại Bến phà Tình Cương (xã Phú Lạc, Cẩm Khê) tình trạng bến đò lấn bến
phà, bến đỗ sai địa điểm trong giấy phép vẫn ngang nhiên tồn tại như thách thức
dư luận và các cơ quan chức năng…
So với đường bộ, đường sắt, tỷ lệ các vụ tai nạn giao thông
đường thủy trên địa bàn những năm qua không lớn, nhưng không thể vì thế mà xem
nhẹ những hiểm họa tiềm ẩn trên những chuyến đò không đảm bảo quy định an toàn
giao thông. Cùng với sự vào cuộc kiểm tra, xử lý nghiêm khắc của các cơ quan chức
năng, mỗi người trước khi lên đò qua sông cần xem xét, cân nhắc và chủ động thực
hiện các quy định đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình…
HÀ
PHƯƠNG – Theo: www.baophutho.vn
1 nhận xét:
Thời gian qua, tại nhiều địa phương trong cả nước đã xảy ra các vụ tai nạn giao thông đường thủy thảm khốc, để lại hậu quả nghiêm trọng, nhất là các vụ lật đò, chìm đò đáng tiếc. Vậy nhưng, những chuyến đò đầy vẫn bất chấp sinh mệnh mong manh của người dân mà chòng chành qua sông, nhất là mỗi khi vào mùa mưa lũ. An toàn cho những chuyến đò vẫn luôn là nỗi lo và trăn trở của các địa phương có đò dọc, đò ngang.
Đăng nhận xét