Quê tôi ở miền trung du, nơi có rừng cọ đồi chè xanh thẳm
uốn lượn quanh những cánh đồng bát ngát. Chẳng biết từ bao giờ, cây cọ trung du
bám rễ sâu miền đất thân thương này và đi vào tâm hồn mỗi người dân quê tôi. Mẹ
bảo, quê mình đất sắn, đất cọ, đi đâu, chỗ nào cũng thấy những đồi cọ mọc lên
xanh tốt và trùng điệp. Và từ bao đời nay, cây cọ đã trở thành biểu tượng cho
sức sống của những con người cần cù, lam lũ quê mình.
Nhà tôi ở ngay dưới tán cọ xanh rờn, lấp lóa. Mọc xung quanh
nhà, những cây cọ tua tủa những cành gai như những thanh kiếm vung lên trời
xanh vậy. Muốn vào được nhà, ai cũng phải qua tán cọ xanh mát. Nhà tôi ngày xưa
lợp bằng lá cọ, cả làng tôi, nhà nào cũng lợp như thế. Những tầu lá cọ bánh tẻ
mềm dai bện thành từng mái khin khít. Mùa hè, nhà lá cọ mát rượi, mùa đông, mái
cọ che mưa, che gió lạnh. Những mái nhà lá cọ, hình ảnh bình dị của quê tôi tự
bao giờ. Trước ngõ, cây cọ già và vô số cọ con như những tán ô che đầu cho lũ
trẻ chúng tôi từ những ngày thơ ấu cho đến khi lớn lên. Nhớ lắm cây cọ quê
mình, đi đâu cũng nhớ về hình ảnh thân thương ấy để thấy ấm áp hình bóng quê
hương luôn níu giữ tâm hồn mình.
Dưới tán cọ, tuổi thơ chúng tôi như những chú chim non được
làm tổ và bay lượn trong rừng cọ. Thú nhất là ngày ngày được vui chơi dưới tán
cọ mà chẳng sợ mưa sợ nắng gì cả. Có lúc cả bọn rủ nhau lấy lá cọ khô lợp thành
mái nhà ngay dưới gốc cọ làm mái ấm rồi lấy lá cọ tươi trải ra thảm cỏ nằm mát
lịm cả lưng. Những trưa hè không ngủ, lũ trẻ chúng tôi rủ nhau ra rừng cọ sau
nhà mắc võng từ thân cọ, nằm vắt vẻo, cười khúc kha khúc khích như quên đi cả
cái oi nồng mùa hạ. Chiều về, lùa đàn trâu lên đồi cọ thả rồi lại chơi hú tìm,
chơi bịt mắt bắt dê ngay dưới tán cọ. Chao ôi! Tuổi thơ đã qua đi không bao giờ
trở lại để khi nhớ về, con mắt cứ lấp loáng tán cọ xòe ngày nào.
Mùa quả cọ về, những trái cọ tím bầm căng bóng trên ngọn
cao, bọn trẻ chúng tôi liều mình trèo lên tận ngọn để hái những quả vừa ngon.
Mùa này, ẩm thực vùng trung du quê tôi lại có thêm một dư vị quen thuộc mà nồng
nàn khó quên. Quả cọ ỏm trong nồi nước sôi lăn tăn chừng mười lăm phút là chín.
Quả cọ ỏm ăn mềm, béo ngậy, vàng ươm như quả trám đen vậy. Ăn mãi không chán.
Mẹ còn chọn những trái cọ ngon ở những cây cọ cao và già để làm món dưa cọ. Có
lẽ chỉ ở vùng quê này, chỉ trong bàn tay của mẹ, trái cọ đã trở thành một món
dưa vừa có vị chua chua, vừa bùi bùi lại vừa béo. Người dân quê tôi nắm cơm
bằng lá cọ non. Nhìn thấy nắm cơm bọc lá cọ vừa thơm vừa dẻo, ai cũng biết đó
là người trung du Phú Thọ rồi. Mộc mạc là thế, bình dị là thế nhưng từ bao đời
nay, cơm nắm lá cọ là nguồn nuôi dưỡng bao thế hệ.
Những năm đói mòn đói mỏi, mái cọ quê tôi khô gầy. Mẹ bảo
năm nay mất mùa, có lẽ đói to. Nằm bên mẹ những đêm mưa, nước mưa rơi lộp bộp
trên tán cọ, rào rào trên rừng cọ sau nhà rồi rơi dầm dề xuống mái cọ. Mẹ thở
dài, thổn thức lo âu. Thương lắm quê nghèo, thương mái cọ mỗi đêm đêm lại hứng
đọng biết bao trằn trọc, bao nhọc nhằn của mẹ và người dân quê tôi. Chiều đông
giá lạnh, khói bếp lan tỏa từ mái nhà lá cọ. Cả xóm nhà nào cũng có những sợi
khói chờn vờn như thế. Đó là tín hiệu của những ngọn lửa được nhen lên dưới tán
cọ, dưới mái cọ ấm áp và nghĩa tình. Để rồi, mỗi khi đi xa, con người cứ thấy
khói lam chiều lại rưng rưng niềm nhớ. Nhớ về quê mình, nhớ tán cọ xòe ô, nhớ
mẹ già còm cõi bên bếp lửa hồng.
Cuộc sống đổi thay từng ngày, miền quê trung du ngày nào hôm
nay đã đượm hồng sắc ngói. Đã vắng dần những mái nhà lá cọ bình dị bên những
con đường làng đất đỏ, đã vắng dần khói lam chiều nhen lên bên mái cọ. Nhưng
vẫn còn đó, những đồi cọ xanh tốt, rợp tán bên mỗi con đường vào làng. Tán cọ
chở che cho những con người ăn đời ở kiếp với nó, tán cọ xòe trong nỗi nhớ làng
của những người con đi làm ăn xa quê. Chẳng thế mà, mỗi khi chạm bước chân,
chạm tiếng nói, tiếng cười vào miền đất quê, con người không thể quên cúi đầu
trước anh linh Đất Tổ, cúi đầu chào tán cọ và nhớ về những ký ức xa xăm, mờ tỏ
và thiêng liêng nồng ấm bên tán cọ xưa.
NGUYỄN THẾ LƯỢNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét