Biết ông đã lâu qua theo dõi hoạt động của Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trên các kênh truyền thông, và đặc biệt
là được nghe ông trả lời chất vấn, giải trình tại các kỳ họp Quốc hội đã nhiều,
nhưng phải đến tối 30-9-2011 tôi mới diện kiến Thống đốc Nguyễn Văn Bình tại Hội
trường Trung tâm hội nghị tỉnh Phú Thọ trong buổi lễ rất trang trọng ra mắt Quỹ
khuyến học, khuyến tài Đất Tổ.
Cũng chỉ có thời gian hỏi
thăm, trò chuyện với ông được vài điều, tặng ông tờ báo mới, rồi lại phải “trả”
ông về với khuyến học, vì ông đã nhận lời với các đồng chí lãnh đạo tỉnh gánh
vác vai trò Chủ tịch danh dự của Quỹ Khuyến học khuyến tài của quê hương.
Về quê lần ấy, ông cùng
với ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên
Việt, quê Tình Cương, Cẩm Khê (Phú Thọ) và một số vị lãnh đạo các NHTM lớn
như Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công
thương Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo
các doanh nghiệp luôn hảo tâm với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài như: Công ty
CP Him Lam, Công ty CP khoáng sản và luyện kim Thăng Long,... Có lẽ vì thấy được
trách nhiệm của mình với Đất Tổ Hùng Vương, muốn chia sẻ nguồn lực thúc đẩy sự
nghiệp giáo dục nơi cội nguồn dân tộc và cũng có lẽ do nể trọng vị “tư lệnh”
ngành Ngân hàng là người Đất Tổ, nên doanh nghiệp nào cũng dành một vài tỷ đồng
lên Việt Trì ủng hộ Quỹ Khuyến học, khuyến tài Đất Tổ.
Trong buổi tối đáng nhớ
ấy, Ông đã trao 374 triệu đồng khen thưởng các học sinh giỏi quốc gia và quốc tế,
học sinh nghèo đỗ đại học. Gương mặt rạng rỡ dưới mái tóc ngôi giữa bồng bềnh của
Ông tối hôm ấy dường như đã khích lệ các em học sinh rất nhiều trong học tập.
Vì vậy, đến năm 2013, vẫn mức thưởng, tiêu chí ấy nhưng số tiền khen thưởng từ
quỹ lên tới gần 800 triệu đồng. Sau mỗi một năm, ý nghĩa nhân văn của Quỹ Khuyến
học, khuyến tài Đất Tổ như tiếng thơm ngày càng lan tỏa, thêm một số ngân hàng,
doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục ủng hộ, làm cho quỹ thêm vững vàng với số tiền
trên dưới hai chục tỷ đồng, đưa Phú Thọ lên tốp đầu toàn quốc trong hoạt động
khuyến học, khuyến tài.
Câu chuyện ông Thống đốc
tham gia công tác khuyến học ở quê hương dường như cả tỉnh Phú Thọ ai cũng biết.
Đôi người nói vui bảo: Ông có điều kiện, là “chủ tướng” ngành Ngân hàng thì “điều
hành” không khó khăn như kẻ “võ tay không”, còn đa số người ta khen ông là người
trọng việc học và tâm đức với quê hương. Nhiều người, “điều kiện” như ông hoặc
hơn nhưng chưa đóng góp được gì nhiều cho quê hương. Ai cũng biết ông là
người con của quê hương Đất Tổ Vua Hùng, lớn lên trong ngôi nhà ngai ngái vị
phù sa ven sông Thao thuộc phường Hùng Vương, thị xã Phú Thọ. Sau khi được đào
tạo đại học, học tiếp tiến sĩ kinh tế tại Liên Xô, ông về nước làm chuyên viên
Vụ Kinh tế đối ngoại, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Sau 22 năm kinh qua nhiều
công việc, nhiều vị trí công tác trong ngành Ngân hàng, ông trở thành Phó Thống
đốc NHNN Việt Nam. Đến năm 2011, tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, ông được
bầu vào BCH Trung ương Đảng và sau đó được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam.
Vào tuổi “ngũ thập tri
thiên mệnh”, nhậm chức “tư lệnh” ngành Ngân hàng đúng thời điểm suy thoái kinh
tế, lạm phát cao nên cái ghế Thống đốc của ông nhiều phen nóng bỏng. Tại các kỳ
họp Quốc hội, Thống đốc thường xuyên phải lên chất vấn, giải trình. Những yếu
kém và bất cập của hệ thống ngân hàng vốn dĩ đã tồn tại nhiều năm, nay bộc lộ
gay gắt hơn bao giờ hết dưới tác động của kinh tế vĩ mô bất ổn và thanh tra,
giám sát tiến dần đến chuẩn mực quốc tế của NHNN. Hệ thống ngân hàng ốm yếu với
tỷ lệ nợ xấu cao, thanh khoản mất cân đối, trình độ quản lý và năng lực quản trị
rủi ro chưa đồng đều. Trong khi đó tình trạng đôla hóa, vàng hóa trở nên gay gắt
hơn khi dân chúng suy giảm niềm tin vào đồng tiền Việt Nam cũng như triển vọng
kinh tế vĩ mô,… Đây đều là những khó khăn không dễ giải quyết một sớm một chiều.
Bên cạnh đó, người đứng đầu ngành Ngân hàng còn đứng trước áp lực phải giảm lãi
suất để hỗ trợ cho tăng trưởng, nhân tố sẽ cản trở việc chống lạm phát vốn là mục
tiêu phải đặt hàng đầu.
Nhiều đồng nghiệp của
tôi làm ở các tờ báo kinh tế nhận xét rằng, vốn kín tiếng và ít xuất hiện trước
công chúng, nhưng sau ngày nhậm chức, Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhanh chóng khẳng
định rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành: Nói ít nhưng đã nói là làm, và đôn đốc
làm cho đến nơi đến chốn để ngõ hầu giảm dần lạm phát, giảm lãi suất để tháo gỡ
khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế; xử lý nợ xấu, khắc
phục dần tình trạng sở hữu chéo giữa các ngân hàng,... Trong mấy năm qua, không
ít NHTM “dính chưởng” bởi nợ xấu, lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản;
một số cán bộ ngân hàng vướng vào vòng lao lý,... Đã có lúc người ta có cái
nhìn phiến diện, chưa thật khách quan đối với người đứng đầu ngành Ngân hàng mặc
dù những quyết sách quan trọng mà Thống đốc quản lý, điều hành thị
trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng và siết chặt quản lý thị trường vàng đã có
tác động tích cực rõ ràng. Vẫn là vị đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh – Tiến sĩ
Trần Du Lịch – người chuyên chất vấn Thống đốc trong các kỳ họp Quốc hội,
đã nhìn nhận: “Về tổng thể, chính sách tiền tệ thực hiện trong năm 2012 – 2013
xuyên suốt từ Nghị quyết 11 của Chính phủ từ năm 2011 với mục tiêu ổn định kinh
tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Năm 2013 có thể
tăng trưởng chưa đạt mục tiêu yêu cầu nhưng về mặt những nhân tố ổn định kinh tế
vĩ mô tốt hơn nhiều trong nhiều năm vừa qua”. Trên thực tế, thời gian gần đây,
người dân bình thường cũng có thể nhận thấy lạm phát đã được kiềm chế, giá trị
đồng tiền ổn định, mặt bằng lãi suất giảm nhanh tạo điều kiện kích cầu tín dụng;
thị trường vàng, tỷ giá ổn định...
Người bạn tôi, trước
công tác ở Ngân hàng Phú Thọ, sau khi hoàn thành luận án Tiến sĩ chuyển về Ngân
hàng Nhà nước trung ương, trực tiếp giúp việc Thống đốc, kể rằng thủ trưởng của
mình dù bận rất nhiều công việc điều hành vĩ mô nhưng vẫn cố gắng dành thời
gian “vi hành”. Năm ngoái trong khoảng chục tháng trời, Ông đã về 33 tỉnh,
thành phố để nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội địa phương và chỉ đạo hoạt động
của hệ thống. Những chuyến đi đó giúp ông kịp thời có những quyết sách quan trọng.
Hàng năm, ngoài các chuyến “về quê”, năm nào, dịp Quỹ Khuyến học khuyến tài Đất
Tổ trao thưởng học sinh và giáo viên giỏi, Ông Chủ tịch danh dự của quỹ đều có
mặt. Ngoài ra, một số công trình văn hóa - xã hội do các đơn vị thuộc ngành
Ngân hàng và nhà doanh nghiệp là bạn bè của ông tài trợ trên địa bàn tỉnh đã và
đang được triển khai một cách có hiệu quả như tại Trường THPT chuyên Hùng
Vương, THCS Hùng Vương, khu y tế - giáo dục xã Tình Cương, xã Yên Dưỡng huyện Cẩm
Khê, Đình làng Cao Du, phường Hùng Vương thị xã Phú Thọ, một số hạng mục công
trình tại Khu Du lịch sinh thái Đền Hùng,...
Sinh ra và lớn lên ở thị
xã nhỏ bên bờ sông Thao, một người con của quê hương Đất Tổ thành danh, đang lo
toan công việc “quốc gia đại sự” nhưng ông cũng như bao người con của Phú Thọ
thành đạt vẫn luôn nặng lòng với quê hương.
Ông là Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình.
NGUYỄN VĂN – Theo: www.baophutho.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét