Khi hoa gạo đỏ rực bên đường cũng là lúc hàng triệu
con Lạc cháu Hồng ở khắp mọi miền đất nước hội tụ về núi thiêng Nghĩa Lĩnh, thắp
nén tâm hương tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Là “dân trưởng tạo lệ”,
tỉnh Phú Thọ vinh dự thay mặt nhân dân cả nước thờ cúng các vua Hùng sáng lập
nên Nhà nước Văn Lang – Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Tháng Ba tìm về
miền quê có hai di sản văn hóa phi vật thể thế giới là hát Xoan và Tín ngưỡng
thờ cúng Hùng Vương để cùng hòa lòng mình theo câu hát Xoan và các giá trị văn
hóa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nơi cội nguồn dân tộc.
Những ngày này, trên khắp
nẻo đường của đất Tổ Hùng Vương, không khí chuẩn bị cho ngày quốc giỗ đang diễn
ra tưng bừng. Trên các trục đường chính của thành phố lễ hội, công nhân công ty
môi trường đô thị thành phố đang khẩn trương hoàn thiện những công đoạn cuối
cùng cho việc chỉnh trang đô thị làm đẹp phố phường đón du khách thập phương về
giỗ Tổ.
Năm nay do là năm lẻ
nên các hoạt động trong giỗ Tổ Hùng Vương lễ hội đền Hùng được rút ngắn hơn so
với mọi năm, song không vì thế mà thiếu phần trang trọng, thành kính và phong
phú. Các phần lễ và phần hội được tổ chức trong vòng 5 ngày từ mùng 6-3 đến
10-3 âm lịch (tức từ ngày 5 đến ngày 9-4) và được tổ chức trong phạm vi khu di
tích lịch sử đền Hùng, thành phố lễ hội Việt Trì và các xã, phường vùng ven đền
Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương
trên địa bàn tỉnh trong đó khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì
là trung tâm để tổ chức các hoạt động. Mở đầu cho các hoạt động trước khi khai
hội năm nay tại thành phố Việt Trì, ngoài giải bóng đá tỉnh Phú Thọ cúp Hùng
Vương còn có các hoạt động khác khá hấp dẫn thu hút được đông đảo khách thập
phương tham gia như hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giầy diễn ra tại Bảo
tàng Hùng Vương. Những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn tượng trưng cho đất,
bánh giầy tròn tượng trưng cho trời đã được hơn 100 nghệ nhân của 22 đội thi
(10 đội thi giã bánh giầy, 12 đội thi gói, nấu bánh chưng) của 13 huyện thành
thị trong tỉnh tham gia tranh tài để giành chiếc vé vào thi tài cùng các tỉnh bạn
trong hội thi gói nấu bánh chưng, giã bánh giầy liên tỉnh tại khu trung tâm lễ
hội ngày 7-3 âm lịch. Tiếp đó du khách có thể tham dự ngày hội thơ đường toàn
quốc lần thứ IX tổ chức tại thành phố Việt Trì; xem biểu diễn các làn điệu Xoan
cổ tại Liên hoan hát Xoan ở Bảo tàng Hùng Vương và ngắm nhìn các hiện vật bảo
tàng và triển lãm ảnh, hiện vật “chủ quyền biển đảo Việt Nam”; triển lãm tranh
áp phích về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và mô
hình tháp Hùng Vương. Ngoài các làn điệu Xoan say đắm lòng người đã được Unesco
công nhận là di sản văn hoá phi vật thể, du khách về với miền đất hai di sản
văn hoá thế giới còn được thưởng thức những làn điệu quan họ mượt mà của các liền
anh liền chị Bắc Ninh, những nét văn hoá đặc trưng riêng của các tỉnh Vĩnh
Long, Quảng Bình, Long An cùng các nghệ sĩ nhà hát Chèo Hà Nội và các đoàn nghệ
thuật trong tỉnh biểu diễn. Trong các ngày từ mùng 5 đến 10-3 âm lịch về phần lễ
sẽ có lễ giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ mẫu Âu Cơ
tại núi Sim; 7 xã vùng ven khu di tích lịch sử đền Hùng là Hy Cương, Chu Hóa,
Hùng Lô, Kim đức, Vân Phú (Việt Trì) và thị trấn Hùng Sơn (Lâm Thao) tổ chức rước
kiệu về Đền Hùng; dâng bánh chưng, bánh giầy của các tỉnh đạt giải Nhất và lễ
dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương. Về phần hội sẽ diễn ra các hoạt động đánh trống đồng,
đâm đuống, múa lân; triển lãm ảnh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương – cội nguồn đất
Tổ; hát Xoan làng xoan cổ được tổ chức tại Miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình Hùng
Lô, các giải thể thao quần chúng.
Về Phú Thọ là về với đất
Tổ cội nguồn, chiếc nôi lịch sử và văn hoá của dân tộc Việt Nam, quê hương của
hai di sản văn hoá phi vật thể để được hoà mình vào không khí lễ hội đầy ắp yếu
tố tâm linh tín ngưỡng như lễ hội Trò Trám của xã Tứ Xã huyện Lâm Thao, hội Phết
xã Hiền Quan, Tết nhảy của người Dao, lễ hội cướp cây bông, ném chài của Vân
Phú... Về đất Tổ du khách còn được thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân
gian như hát Xoan, hát Ghẹo, hát Ví, hát Dang, Sình ca, Vèo ca và các điệu múa
Sênh tiền, múa Mỡi, múa Trống đu của người Mường, múa Chim gâu, xúc tép của người
Cao Lan, múa Chuông múa rùa của người Dao, múa khèn của người Mông... tất cả tạo
nên một bức tranh đa sắc màu, mang đậm âm hưởng dân gian truyền thống của vùng
đất Tổ cội nguồn.
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng Ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.
Câu ca xưa như nhắc nhở
mỗi người dân đất Việt dù đi đâu, ở đâu luôn tìm về với cội nguồn tổ tiên như
dòng suối tâm linh ngự trong lòng người hai chữ tổ tiên đã trở thành cội rễ,
văn hoá Hùng Vương đã trở thành văn hóa của người Việt, là cốt lõi tạo nên nhiều
giá trị văn hóa độc đáo của vùng đất Tổ.
Tháng Ba nhớ cội tìm về
mảnh đất di sản để được thưởng thức các làn điệu hát Xoan có từ thủa các Vua
Hùng dựng nước, để hiểu hơn giá trị đích thực của hát Xoan là ca ngợi công đức
các Vua Hùng và những người có công với làng với nước, để nhận ra rằng đó chính
là một tín ngưỡng dân gian độc đáo của người Việt xưa đã trở thành nét đẹp văn
hóa đậm đà bản sắc dân tộc mang một ý nghĩa cội nguồn không thể thiếu trong các
lễ hội và trong cuộc sống của người dân đất Tổ. Và càng tự hào hơn khi “Tín ngưỡng
thờ cúng Hùng Vương” được Unesco vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện
của nhân loại.
Tháng Ba về miền quê
di sản không chỉ thưởng thức và chiêm nghiệm những giá trị văn hóa từ thời các
Vua Hùng dựng nước mà còn có trách nhiệm giáo dục truyền thống yêu nước, tỏ
lòng biết ơn sâu sắc các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước, và để còn
tuyên truyền, quảng bá các di sản hát Xoan và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã
được UNESCO vinh danh.
LÊ THƯƠNG – Theo: http://baophutho.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét