Hiện nay Phú Thọ có gần 4.000 cựu chiến binh trực tiếp tham gia
chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh hoạt ở các chi hội cựu chiến
binh khắp các khu dân cư, thôn bản trong tỉnh. Qua hơn nửa thế kỷ các chiến sĩ
Điện Biên Phủ năm xưa nay đều đã ngoài 80 tuổi, nhưng họ đều xúc động và tự hào
khi nhớ về những ngày tháng chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Tranh: Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ. |
Dù ở các cương vị khác nhau: Người là cán bộ tiểu đoàn, người là
chính trị viên đại đội nhiều lần chỉ huy đơn vị đánh chiếm cứ điểm đồi A1, người
là cán bộ trung đội chỉ huy đơn vị đánh chiếm cứ điểm Him Lam, người là cán bộ
khẩu đội trưởng pháo cao xạ, là chiến sĩ bộ binh, công binh, thông tin, quân
y... họ đã vượt qua mọi ác liệt trên chiến trường kể cả hy sinh xương máu, hoàn
thành xuất sắc các nhiệm vụ, góp vào chiến công chung cho chiến thắng Điện Biên
Phủ lịch sử. Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, có một số cán bộ, chiến sĩ tiếp
tục ở lại xây dựng quân đội tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trở
thành cán bộ sĩ quan trung cao cấp, phần đông trở về địa phương xây dựng quê
hương. 60 năm qua, dù trong quân ngũ hay tham gia lao động, sản xuất và sinh sống
ở địa phương, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn chung một niềm tin tuyệt đối
vào Đảng, Bác Hồ. Niềm tin đó trở thành bản lĩnh, ý chí, là động lực để họ vượt
mọi khó khăn trong cuộc sống.
Mỗi khi xem lại những kỷ vật của mình tại Điện Biên Phủ, nhất là
chiếc huy hiệu chiến sĩ Điện Biên, các cựu chiến binh như trở lại thời trai trẻ
xông pha trên chiến trường, là niềm tự hào giáo dục các con, các cháu phấn đấu
trở thành cán bộ, đảng viên và công dân tốt. Phát huy bản chất "Bộ đội cụ
Hồ" và niềm tự hào của người chiến sĩ Điện Biên, những cựu chiến binh trên
quê hương đất Tổ đã tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, cùng gia đình
làm kinh tế xóa đói giảm nghèo, xây dựng gia đình, khu dân cư văn hóa. Đặc biệt
thời gian qua các cựu chiến binh và nhân dân đã đóng góp ngày công, vật chất và
kinh phí trị giá hàng tỷ đồng để xây dựng, tu bổ di tích lịch sử Đền Hùng, nhà
bia tượng đài chiến thắng Tu Vũ, Trạm Thản, chiến thắng Sông Lô,... Riêng lực
lượng cựu chiến binh quyên góp được gần 200 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa cựu
chiến binh tại Điện Biên Phủ, để tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng
cho thế hệ trẻ và nhân dân. Các ông luôn là những tấm gương sáng, là niềm tự
hào của hội cựu chiến binh và địa phương trên mọi lĩnh vực.
Tiêu biểu trên lĩnh vực công tác chính trị - xã hội là Thiếu tướng
Nguyễn Hiền ở phường Nông Trang, TP Việt Trì. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ
ông là chính trị viên đại đội, nhiều lần chỉ huy đơn vị đánh chiếm cứ điểm đồi
A1. Tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ giúp ông cùng đơn vị tiếp tục huấn luyện
nâng cao sức mạnh hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chiến đấu tại các chiến dịch
Khe Sanh năm 1967 – 1968, chiến dịch Quảng Trị năm 1971 – 1972 và ông trở thành
cán bộ cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Về hưu ông được Tỉnh ủy giao trọng
trách làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh từ năm 1990 – 2007. Ông Lê Văn Lâm ở
phường Gia Cẩm, TP Việt Trì tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ở cương vị cán bộ
tiểu đội, trung đội chỉ huy đánh chiếm đồi Him Lam. Kết thúc chiến dịch, ông được
đi học trở thành sĩ quan Tăng thiết giáp, tham gia chiến đấu giải phóng miền
Nam thống nhất Tổ quốc và trở thành sĩ quan cấp cao. Về hưu ông được Tỉnh ủy
giao nhiệm vụ Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh từ năm 1990 – 2002.
Tiêu biểu trên lĩnh vực xây dựng cơ sở vững mạnh là các ông: Trần
Kim Uyên ở phường Phong Châu, thị xã Phú Thọ, khi chiến đấu tại Điện Biên Phủ
ông là y sĩ đã cùng đồng đội cứu chữa, chăm sóc vết thương cho hàng trăm cán bộ
chiến sĩ hồi phục sức khỏe trở lại đơn vị chiến đấu. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ
trong quân đội, về địa phương ông được cử tham gia nhiều lĩnh vực công tác
trong đó có nhiều năm làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường và ông đã đóng góp
tích cực vào xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Ông Đỗ Khắc Quý ở xã
Tình Cương, huyện Cẩm Khê, sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu tại
chiến dịch Điện Biên Phủ ông về quê tham gia công tác địa phương, có thời kỳ
làm Phó Bí thư Đảng ủy xã, đã đóng góp công sức cùng tập thể lãnh đạo xã xây dựng
tổ chức Đảng, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là tấm gương mẫu mực
cho mọi người noi theo.
Trên lĩnh vực xóa nghèo nàn và lạc hậu ở thôn bản có cựu chiến
binh Hà Huy Lộc ở xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm
vụ tại chiến dịch Điện Biên Phủ, ông tiếp tục được học tập và trở thành sĩ quan
cấp cao rồi được nghỉ hưu. Ông đã có đóng góp tích cực tuyên truyền vận động bà
con các dân tộc trong vùng thay đổi phong tục mê tín dị đoan, sản xuất lạc hậu,
tích cực thực hiện cuộc vận động "Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,
phát triển kinh tế theo hướng đưa cây con giống mới có năng suất cao vào sản xuất,
tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Bây giờ các ông tuổi đã cao nhưng vẫn là lực lượng nòng cốt tham
gia ý kiến xây dựng bảo vệ Đảng, chính quyền, giáo dục truyền thống cho thế hệ
trẻ. Các ông – những chiến sĩ Điện Biên năm xưa – luôn là niềm tự hào của Hội Cựu
chiến binh và địa phương.
LÊ
HANH – Theo: www.baophutho.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét