Hà Nội đang có một cuộc triển lãm
nhỏ, một cuộc triển lãm không có gì đồ sộ về quy mô, chỉ 150 hiện vật, trong
một phòng trưng bày không lớn, về một thời gian lịch sử chưa xa, mới 60 năm.
Nhưng nó đang gây những cơn sóng không
nhẹ trong ký ức nhiều thế hệ công chúng, không chỉ những người từng là nhân
chứng. Vì nó là triển lãm “Cải cách ruộng đất”.
Trong hàng triệu người quan tâm đến
cuộc triển lãm nhỏ bé này có mẹ tôi. Bà là một phụ nữ có trí nhớ khá lạ lùng. Hơn
20 năm nay, bà vẫn nhớ những gì đã xảy ra từ 40 năm trở về trước. Trong mỗi bữa
cơm gia đình, nhất là những ngày giỗ chạp, lễ Tết, câu chuyện của bà cuối cùng
thế nào cũng xoay về “cái hồi cải cách”.
Mẹ tôi nhớ rành rọt ngày ấy, tháng
ấy, mùa đông năm ấy, bà ngoại mặc áo kép màu gì, đang vừa cho con bú vừa chia
lộc cúng rằm cho mấy người đến nộp tô thế nào; ông đang đọc sách uống trà trên
cái ghế nào thì “đội” đến thị uy ra sao, người ăn kẻ ở trong nhà đột nhiên hỗn
láo thế nào với các cụ. Mẹ tôi nhớ đến từng củ khoai lang gày gò như đốt tay mà
người họ hàng xa lén lút dúi cho khi mẹ bế em đói gần lả đứng đầu ngõ. Mẹ nhớ
cái dáng nhẫn nại của ông ngoại cúi gằm xuống trên cái sân gạch bỏng rát nghe
đấu tố. “Tội nghiệp, ông cả đời chỉ đọc sách và đi làm việc công, ruộng cả ao
liền, tiền bạc trong nhà bà lo hết, cách mạng bảo ông đưa bao nhiêu, ông lại về
khảo bà, bà lại dúi cho, ông biết gì là bóc lột đâu mà khai”. Mẹ nhớ từng cái
sập lim, từng cái rương, từng cái áo cánh hoa lý, đôi xà tích bạc của cụ cố,
của ông bà đã theo chân “đội” phát tán khắp làng trên xóm dưới.
Trong ký ức của một cô bé 10 tuổi là
mẹ tôi khi ấy, cải cách ruộng đất là cả một nỗi buồn mênh mang u ám trùm lên
suốt thời thơ ấu. Bằng cớ rõ nhất là ký ức của mẹ hình như dừng lại từ “cải
cách”, những dấu mốc thời gian về sau không len được vào bộ nhớ của mẹ.
Nhưng cũng thật kỳ lạ là khi chúng
tôi hỏi: "Sao mẹ suốt ngày kể về cải cách, mà thỉnh thoảng có người ở quê
ra, nào khám chữa bệnh, nào đi thi đại học, nào xin việc, toàn là con cháu của
những người ngày xưa đấu tố ông bà, sao mẹ vẫn niềm nở mời ở lại, nấu nướng cho
ăn, dúi tiền tàu xe, quà cáp khi về? Sao mẹ không cấm cửa họ? Nhớ lâu thế sao
mẹ không ghét?".
Câu trả lời nhẹ nhõm bất ngờ: “Thì
toàn họ hàng làng xóm cả, không gần thì xa, ghét họ thì về quê còn nhìn ai nữa?
Mình bị trời bắt phải nhớ thì cứ nhớ thế thôi, chứ cũng nên thương họ, lúc ấy,
bảo họ làm thế nào thì họ làm, họ có nhận thức được như thế là bạc, là ác, là
sai trái đâu”.
Khi chúng tôi trưởng thành, đi làm,
tiếp xúc xã hội, quen biết thêm rất nhiều nhân chứng của cải cách, chúng tôi
bắt đầu hiểu cái cuộc cách mạng long trời lở đất về tư liệu sản xuất những năm
50 của thế kỷ trước trên khắp vùng nông thôn miền Bắc – Trung bộ ấy không chỉ
là ký ức buồn của những cô bé như mẹ tôi. Nó có thể là nỗi cay đắng của hàng
chục nghìn gia đình từ đủ ăn đủ mặc đến tài sản “cò bay thẳng cánh”, nay trở
nên tay trắng, nó có thể là niềm oan khuất của hàng nghìn người đã mở rộng cả
tấm lòng lẫn hầu bao cho cách mạng thời tiền khởi nghĩa, thời kháng chiến rồi
nhận về những xúc phạm, nghi kỵ, những đấu tố và thậm chí cả cái chết.
Nhưng nó cũng là niềm vui của hàng
triệu bần cố nông khác khi lần đầu được dắt con trâu ra đồng với tư cách “chủ
nhân ông”, lần đầu được cày trên thửa ruộng “của mình”, lần đầu được ăn cơm
trên bộ tràng kỷ mát lạnh xa lạ mà ba đời cha ông mình không dám mơ ước, dẫu
ngay mùa sau, con trâu không biết chăm đã kiệt sức mà chết, bộ tràng kỷ đã chẻ
ra nấu cỗ trong một dịp liên hoan với “đội”, còn thửa ruộng chỉ sau 2 – 3 vụ
lúa đã trở lại thành “tài sản chung” trong công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp.
Và ở phương diện khác, nó cũng là
nguồn động lực không nhỏ cho những đoàn dân công hỏa tuyến, những đội Vệ quốc
đoàn được thành lập vội vã từ vùng giải phóng, hào hứng băng đèo xẻ núi lên Điện
Biên, tham gia vào một chiến dịch lớn chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh
Đông Dương, để rồi kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. Những đội
quân ấy ra đi, với một niềm tin lớn lao là mẹ, vợ, con họ ở nhà đã có dù chỉ
một nửa hay một phần ba suất trâu cày, đã có hoa lợi từ sào ruộng giắt lưng cho
qua mùa giáp hạt. Dẫu cho đến tận bây giờ, bài toán ruộng đất vẫn làm nhức nhối
cả xã hội, thì ngày ấy, trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi, gần 10 triệu
bần cố nông Việt Nam đã chạm tay vào giấc mơ ấy.
Lịch sử không bao giờ đi bằng một
chân và cũng không cá nhân nào, dù mạnh đến đâu, có thể một mình đi ngược dòng
chảy của nó mà không bị cuốn phăng, không bị bầm dập.
Có nhiều tư liệu đã và đang dần dần
được công bố về cải cách, về nguyên nhân, mục tiêu của công cuộc này, từ nhiều
phía khác nhau, cả chính thống và phi chính thống.
Cuộc triển lãm Cải cách ruộng đất
nho nhỏ và chắc chắn chỉ là ban đầu này cũng đã bắt đầu gây ra những tranh cãi
không nhỏ: 60 năm rồi còn khơi lại làm gì vết thương đã thành sẹo? Đã “bạch
hóa” sao không bày ra cho hết, nói cho hết? Đã công nhận sai và có sửa sai, sao
không công bố trọn vẹn tư liệu về kết quả, hậu quả của sai lầm? Và đã xin lỗi,
sao không có chính sách ở diện rộng bù đắp cho thân nhân những người chịu oan
ức?
Biết bao nhiêu câu hỏi có thể đặt từ
một triển lãm bé nhỏ về một thời đau thương đã quá nửa thế kỷ. Chắc chắn chẳng
cá nhân và tổ chức nào có thể đủ năng lực và thẩm quyền trả lời cũng như giải
quyết ngay. Có nhiều người đã chết trong oan khuất, nhiều người có thể vẫn ôm
nỗi nghẹn ngào uất hận, và cũng rất nhiều người như mẹ tôi, nhớ chỉ vì “trời
bắt nhớ”, chứ chẳng giận ai, chẳng ghét ai.
Vậy thì hãy để lịch sử đã bị quên
lãng hiện ra, từ từ, bằng những bắt đầu giản dị như triển lãm “Cải cách ruộng
đất”. Người xem, dù là nhân chứng hay 2 – 3 thế hệ sau sẽ tự hiểu, tự đánh giá,
chẳng cần nhiều lời, không thiên kiến và càng không là thù hận.
THU HÀ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét