Do đặc thù huyện
miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn nên nguồn lực đầu tư cho giao
thông ở huyện Cẩm Khê còn nhiều hạn chế, chủ yếu vẫn nhờ vào sự đầu tư của nhà
nước. Thời điểm trước năm 2010 tỷ lệ đường giao thông được cứng hóa ở Cẩm Khê chỉ
dưới 20%, đa số là đường đất, thường xuyên bị thiên tai tàn phá, xuống cấp
nhanh. Các cấp lãnh đạo huyện Cẩm Khê đã trăn trở, xác định giao thông phải đi
trước một bước để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân và mở rộng giao lưu, hợp
tác kinh tế, thông thương buôn bán.
Tuyến đường qua khu 3 xã Phú Lạc đang được thi công. |
Tranh thủ các nguồn
đầu tư từ Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, giao thông kết hợp thủy lợi
nội đồng... để tăng vốn lồng ghép cho giao thông. Đồng thời đẩy mạnh huy động
nguồn nội lực tại chỗ trong các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp trên địa
bàn... Nhờ những biện pháp mạnh dạn “gỡ khó”, trong 3 năm 2011 – 2013 huyện Cẩm
Khê đã huy động đầu tư nâng cấp 105,9km đường giao thông các loại, duy tu
620km, đào đắp gần 500.000m3 đất phục vụ các công trình, giải quyết cơ bản các
điểm gây ách tắc vào mùa mưa, tổng vốn huy động đầu tư hơn 234 tỷ đồng. Ngay
trong năm 2014 huyện Cẩm Khê đang tiến hành cải tạo nâng cấp 43,64km đường giao
thông nông thôn bằng bê tông xi măng, điển hình như tuyến liên xã Đồng Cam – Thụy
Liễu – Ngô Xá; Sơn Nga – Xương Thịnh; Cấp Dẫn nối Tỉnh lộ 321; đường vào làng
nghề chè Đá Hen xã Đồng Lương, làng nghề Ngô Xá xã Phượng Vĩ, cùng nhiều tuyến
đường trục thôn, liên thôn tại các xã, thị trấn... với tổng mức đầu tư 104,5 tỷ
đồng, góp phần nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt khoảng
35%, trong đó đường thôn xóm tỷ lệ cứng hóa đạt trên 40%.
Trên địa bàn huyện
Cẩm Khê, những năm qua còn có nhiều dự án lớn của nhà nước triển khai thực hiện
như: Nâng cấp cải tạo QL32C, Tỉnh lộ 313, các dự án thủy lợi kết hợp với giao
thông: Gia cố kết hợp đường giao thông đê tả hữu Ngòi Me, đê tả hữu Ngòi Cỏ...
có tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Trong 3 năm qua nhân dân trong huyện đã đóng góp 11,3
tỷ đồng để làm đường giao thông, nhờ đó nhiều xã tỷ lệ đường giao thông được cứng
hóa đạt 40 – 50%, cao hơn mức bình quân chung toàn huyện, đây sẽ là điều kiện
thuận lợi để các địa phương thực hiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông
thôn mới.
Mới đây có dịp
công tác về các xã: Phương Xá, Thụy Liễu, Phú Lạc, Tình Cương... chúng tôi dễ
dàng nhận thấy bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, nhiều công trình hạ tầng
phục vụ dân sinh được đầu tư xây dựng đã tạo nên diện mạo mới cho các vùng quê
thuần nông. Ngay như Phú Lạc, tuy là xã thuần nông, tỷ lệ hộ nghèo còn 14,8%,
nhưng xã đã huy động đa dạng các nguồn lực để nâng cấp các tuyến giao thông trục
chính, đường thôn, xóm, nâng tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt
trên 50%. Hay như ở Thụy Liễu, trong các năm qua cũng đã bê tông hóa được trên
5km đường giao thông phục vụ nhu cầu đi lại với số vốn đầu tư hàng tỷ đồng,
nhân dân trong xã đã hiến trên 2.700m2 đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp để mở rộng
nền, mặt đường, nhất là trên tuyến đường liên xã Đồng Cam qua Thụy Liễu sang
Ngô Xá.
Nhờ chủ trương
đúng, nhân dân đồng thuận nên mạng lưới giao thông trong huyện Cẩm Khê ngày
càng được cải thiện rõ nét. Hiện nay, huyện Cẩm Khê vẫn đang nỗ lực huy động đa
dạng các nguồn lực cho giao thông, phấn đấu nâng cao tỷ lệ cứng hóa các tuyến
đường huyện, liên xã, liên thôn xóm. Được biết, trăn trở lớn nhất hiện nay của
Cẩm Khê chính là nguồn lực đầu tư, trong khi ngân sách địa phương hạn chế thì
trên địa bàn vẫn còn tồn tại nhiều tuyến giao thông hư hỏng do quá trình thi
công đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời, ảnh
hưởng trực tiếp đến giao thông đi lại của nhân dân. Do vậy huyện Cẩm Khê đề nghị
sớm được khắc phục thực trạng trên để giao thông đi lại thuận lợi, an toàn.
MAI PHƯƠNG – Theo: www.baophutho.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét