Truyện ngắn
Ký ức quá xa xôi đôi khi như những
mảng sương mù che phủ tâm trí mà ta không sao nhớ hết. Đôi khi nó bất chợt trở
về như một cơn gió khẽ đẩy sương mù đi, hé một tia sáng làm ta giật mình nhớ
lại những thứ tưởng như đã ngủ vùi mãi mãi sau lưng. Ký ức của tôi đôi lúc trở
về mơ màng trong giấc ngủ, trong những bước chân lơ đễnh cuối buổi chiều tản bộ
công viên; như người khách đến bất chợt khi mà những vòng xoáy của cuộc sống
bận rộn ngoài kia vô tình quên không cuốn tôi vào đó. Những ký ức về thời niên
thiếu và trong đó luôn hiện lên hình ảnh một người đàn ông trung niên với vóc
dáng khắc khổ quen thuộc. Đó là thầy giáo của tôi.
Làng tôi nằm gần bãi bồi nơi
con sông Hồng chảy qua. Phía bên trái là những cánh đồng rộng mênh mông, cứ nối
liền nhau mà trải dài tít tắp. Mùa gặt qua rồi, những cánh đồng trơ gốc rạ,
khoác lên mình chiếc áo nâu quen thuộc thấm mặn mồ hôi của bà, của mẹ. Phía bên
phải là bãi bồi, những mùa nước cạn xanh rì những bãi mía mập mạp, xanh mướt
mắt; gió thổi về xào xạc những chiếc lá dài như đoàn quân đang múa kiếm. Nắng
trên sông lấp lóa ánh vàng. Làng tôi nằm giữa những ruộng đồng, quanh năm thấy
gió thổi qua nhà, vi vu tiếng những con diều sáo. Làng nghèo nhưng yên bình,
tiếng gà gáy trưa bên dậu mùng tơi cũng yên ả, mơ màng ru ta vào giấc ngủ. Tôi
lớn lên quen thuộc với cái gió sông mát rượi, với những mùi ngô, mùi lúa phơi
thơm phức dưới sân, với con sông chảy qua làng cùng muôn trò đùa của trẻ nhỏ.
Tôi nổi tiếng là đứa nghịch ngợm, toàn những trò tai quái, không tự hại mình sứt
đầu mẻ trán, thì cũng luôn là đầu têu của những trò quậy phá trong nhà, ngoài
xóm. Những đứa bạn chiều nào cũng theo tôi ngụp lặn dưới sông; đứa nào đứa nấy
đen bóng như con dái cá. Chúng khoái tôi vì tôi luôn nghĩ ra những trò đùa mới
lạ nhất.
Trường học của chúng tôi nằm ở
đầu làng. Đó là một khu đất rộng, cỏ gà, cỏ tranh, cỏ gấu… thi nhau mọc, tạo
thành một tấm thảm êm ái. Những tán bằng lăng, điệp vàng trồng điểm xuyết xung
quanh che nắng cho hai dãy nhà cấp bốn lụp sụp, mái ngói ngả màu xanh xám của
nước mưa, của rêu và dương xỉ. Những bàn ghế đã ngả sang màu nâu bóng bởi mồ
hôi, những bàn tay lê lết nghịch bẩn của học trò được xếp thành hai dãy ngay
ngắn. Cô giáo chủ nhiệm của tôi tay mang chiếc cặp đen, mái tóc dài buộc gọn
gàng sau lưng. Cô dịu dàng nở nụ cười với cả lớp, điểm danh những em học sinh
vắng mặt. Tôi vô cùng yêu quý cô vì cô vừa đẹp, vừa dịu dàng. Cô hiền từ nhắc
nhở những lỗi lầm của tôi. Có lần, tôi nghịch ngợm vấp ngã chảy cả máu chân, cô
đã cầm máu và lai tôi về tận nhà bằng chiếc xe đạp mi pha của cô. Cô luôn là
thần tượng trong mắt tôi.
Trái lại, tôi luôn ác cảm với
thầy dạy toán. Thầy Thể thấp bé, tóc hói lưa thưa và lúc nào cũng khó đăm đăm.
Tôi không ít lần bị thầy phạt bắt đứng xó vì những trò đùa trong giờ của thầy.
Với tôi việc đứng xó khiến tôi bị mất mặt kinh khủng trước lũ bạn lúc nào cũng
nghe lời tôi. Dường như thầy luôn để ý tới tôi vì biết tôi là đứa đầu xỏ trong
những trò quậy phá. Những bài toán tôi giải đáp án sai, thầy thẳng tay cho điểm
thấp và về nhà thế nào tôi cũng bị bố mẹ mắng mỏ. Đối với lũ trẻ con, khi không
làm tốt việc gì, bị trách cứ thì thành ra ám ảnh. Mỗi giờ dạy toán của thầy trở
thành sự nặng nề đối với tôi.
Chiều chiều tan học, tôi hay
cùng lũ bạn leo lên gò đất cao cạnh làng để chơi chọi cỏ gà, hoặc đơn giản là
kê đôi dép lê dưới mông rồi trượt đất từ trên đỉnh gò xuống. Lần nào tan học
về, quần áo tôi cũng lấm lem, khi thì mất chiếc mũ nan đội đầu, khi lại bỏ quên
mất cặp sách. Hôm ấy, tôi và lũ bạn đến chỗ gò đất quen thuộc thì đã có một lũ
trẻ ở làng bên đang chơi trên đó từ lúc nào. Bị chiếm mất chỗ quen thuộc vốn dĩ
được tôi tự cho là của mình, tôi tức giận lắm. Đôi co một lúc, mặc kệ bọn trẻ
kia to cao hơn, tôi và mấy đứa bạn lao vào chúng mà quần thảo. Bụi đất đỏ bay
lên mù mịt. Mấy đứa trẻ thở phì phò, hì hục, ra sức đè lên nhau. Đang trong
“cơn” không đứa nào chịu nhường đứa nào thì tôi thấy bên tai có tiếng quát quen
thuộc. Tôi như có phản xạ vô điều kiện cứng đờ người, vội vàng buông tay đứa
đang quần nhau với mình. Thằng nhóc đó chỉ chờ có thế dang tay thụi cho tôi một
cú đau điếng. Mắt tôi tối sầm, máu cam từ mũi chảy ra. Tiếng quát càng đanh
lại, lũ trẻ làng bên không đứa nào rủ đứa nào, cùng nhau ào chạy mất hút. Tôi
ngẩng mặt lên, thấy thầy Thể đang đứng đó, môi thầy mím chặt:
- Sao giờ này các em còn lang
thang ở đây, rồi lại còn gây lộn đánh nhau?
Thầy nhìn qua một lượt năm sáu
đứa nằm chơ vơ, nhàu nhĩ dưới đất. Quần áo đứa nào cũng xác xơ, tơi tả. Thầy
tiến lại phía tôi đang ôm mũi:
- Các em đứng dậy lấy cặp sách
về nhà. Sáng mai tôi sẽ trao đổi với cô giáo chủ nhiệm của các em. Riêng em
Cường theo tôi về nhà.
Tôi lếch thếch đi theo thầy,
nửa sợ, nửa không muốn nên cứ cố ý đi chậm lại đằng sau. Thầy đi một đoạn quay
đầu lại thấy tôi tụt một quãng xa đằng sau, phải liên tục nhắc nhở tôi
cất nhanh bước chân, ánh mắt thầy nghiêm nghị. Dùng dằng mãi, cũng tới ngõ nhà
tôi. Mặc cho tôi không muốn, thầy điềm nhiên đi vào nhà, giao tôi cho bố. Ông
vừa vồn vã mời thầy uống nước, vừa ném cái nhìn chán ngán về phía tôi. Trong
lúc mẹ tôi bôi thuốc cho cái mũi bầm dập của tôi, tôi vẫn cố nghển cổ, dỏng tai
nghe ngóng câu chuyện của bố với thầy giáo ở phía ngoài. Tim tôi thót lại khi
thấy thầy nói với bố tôi về việc học hành bê trễ, lười nhác của tôi; rồi tật
nghịch ngợm phá phách ở lớp. Tôi nghe giọng bố tôi nghèn nghẹn che giấu nỗi bực
tức đối với tôi mà linh cảm về một hình phạt đang lơ lửng treo trên đầu. Và quả
thật, sau khi thầy giáo rời bước, tôi ăn một trận đòn no nê. Tôi khóc lóc, ấm
ức. Giá như thầy Thể không xuất hiện, tôi đã cho lũ nhóc kia một trận nhớ đời,
giá như thầy không xuất hiện lúc đó, tôi đã không bị ăn cả một quả đấm vào mũi.
Giá như thầy không xuất hiện thì tôi đâu bị bố cho ăn đòn như thế này… Trong
tôi âm ỉ nuôi sự tức tối đối với thầy.
Sau dạo thầy vô tình đi ngang
qua, nhìn thấy vụ đánh nhau của tôi, tôi mới biết sau giờ lên lớp, thầy luôn đi
thăm vườn cây ăn quả và ao cá mà thầy tăng gia ở cuối làng. Nhằm đúng hôm thầy
bận họp giao ban các giáo viên trong trường, tôi và lũ bạn rồng rắn nhau đến
vườn của thầy. Cả lũ như đàn khỉ trèo lên bẻ cành, hái quả, bứt lá, khiến cả
vườn cây xanh tốt đang kỳ cho quả trở nên tơi tả. Lúc ra về, đứa nào đứa nấy ôm
một bụng no nê, cặp sách cũng căng đầy những trái cam, ổi nặng trịch. Tôi hả hê
với việc trả đũa thầy. Mọi sự việc cũng nhanh chóng trôi vào sự vô tâm của trẻ
con. Cuối tuần đó, tôi cũng chẳng mảy may nghĩ đến những việc mình đã làm. Đến
đầu tuần sau, lớp tôi bỗng thay thầy dạy toán mới. Tôi ngơ ngác chưa hiểu
chuyện gì thì cô giáo chủ nhiệm giải thích với cả lớp:
- Con gái thầy Thể đang ốm
nặng, phải chờ phẫu thuật. Thầy sẽ vắng mặt trên lớp một thời gian, lớp chúng
ta sẽ có thầy Thái dạy thay.
Lúc đó tôi mới biết, thầy Thể
góa vợ đã lâu, thầy một mình nuôi cô con gái nhỏ. Cảnh gà trống nuôi con, đồng
lương giáo viên hạn hẹp, con gái thầy lại mắc bệnh thận, thầy phải chạy vạy
tiền làm phẫu thuật cho con. “Thầy Thể ngoài việc nhận dạy tăng ca, thầy còn
làm thêm nhiều việc ngoài ngành sư phạm, kể cả tăng gia vườn cây ăn quả để kiếm
tiền chạy chữa cho con. Vậy mà vừa rồi, vườn cây của thầy tự dưng bị phá hỏng
hết cả…”. Nói đến đây cô giáo chủ nhiệm thở dài. Tôi bỗng thấy tim mình giật
thót. Tôi lấm lét nhìn những đứa bạn đồng phạm. Tôi quả thực không nghĩ trò
quậy phá của mình đến nông nỗi này. Tôi giận thầy, chỉ định trả đũa cho thầy
bực tức một phen, ai ngờ… Cả ngày hôm đó, tôi ngồi thu lu một chỗ, mặt mày tái
mét, đứa bạn nào rủ, tôi cũng nhất định không chơi như mọi ngày. Về nhà, tôi
cũng bị sự hối hận đeo bám. Cuối cùng, tôi quyết định lén đến nhà thầy. Tôi rón
rén náu sau hàng rào cúc tần, phủ đầy bụi tơ hồng trước nhà thầy. Ngôi nhà nhỏ
hơi hé tấm cửa sổ gỗ sơn xanh. Tôi như tên tội phạm mò mẫm trở về nơi hiện
trường gây án để thám thính, dò la. Khẽ nhòm vào khung cửa sổ, tôi thấy một đứa
bé gái nhỏ hơn tôi vài tuổi đang nằm trên giường, đôi môi nó bợt bạt, mớ tóc
lòa xòa che nửa mặt. Nó mở to đôi mắt tròn xoe nhìn tôi. Chạm vào ánh nhìn của
nó, tôi cứng người như con chuột bị thôi miên. Rồi thầy Thể bước vào, tiến lại
gần giường đứa bé. Tôi bất chợt sực tỉnh, lao chạy ra cổng. Ống quần tôi mắc
vào cái cổng tre làm tôi ngã nhào. Tôi quay đầu lại, thấy thầy đang đứng ở cửa
sổ ngoái ra nhìn. Mặc kệ cái đau, tôi cắm đầu cắm cổ chạy thục mạng về nhà.
Hai tuần trôi qua, tôi nguôi
ngoai dần những việc đã trải qua – trẻ con không bao giờ nhớ được gì lâu – tuy
rằng đôi lúc, tôi vẫn chợt nghĩ về đứa bé gái với đôi mắt tròn to ấy. Sáng hôm
đó, tôi đang sửa soạn sách vở, bút thước cho giờ toán kế tiếp, thì lớp trưởng
hô đứng nghiêm chào giáo viên. Tôi bỗng như bị điện giật khi nhìn thấy thầy Thể
bước vào lớp. Cả lớp reo hò khi thấy thầy đi dạy trở lại. Thầy mỉm cười chào cả
lớp, nét mặt thầy đầy vẻ mệt mỏi. Tôi ngồi xuống ghế mà thấy như hụt hơi, hai
đầu gối tôi hình như hơi run. Suốt buổi học, tôi cúi gằm mặt, tránh ánh mắt
thầy. Cảm giác xấu hổ, hối hận và linh cảm thầy biết hết mọi chuyện bao trùm
lấy tôi. Đôi lúc, tôi lấm lét ngẩng mặt lên, vô tình chạm vào ánh mắt thầy sau
cặp kính, tôi vội vã cúi xuống giả vờ loay hoay viết lách. Bỗng thầy gọi tôi
lên giải bài toán vừa ra đề. Tôi lê những bước chân nặng nhọc như đeo đá lên
chiếc bục giảng. Tôi cầm viên phấn, cứ úp mặt vào chiếc bảng đên đến chục phút
mà không nặn ra được gì. Bình thường tôi đã dốt môn này, đến giờ tâm trí tôi đã
bay đến tận phương nào, tôi lại càng như con mèo hen bị vướng vào dây rối tung
rối mù.
- Sao rồi Cường? Em có giải
được không?
Tôi run run quay lại, chỉ thiếu
nước mếu máo. Ánh mắt thầy nhìn thẳng vào tôi như chiếu tướng:
- Dạ không, thưa thầy.
- Mời em về chỗ – Thầy bình
thản đẩy gọng kính tiến lên bảng.
Sau khi về chỗ, tôi như bồng
bềnh trôi trên mây. Cả tiết học với tôi dài như cả thế kỷ. Đến lúc tiếng trống
vang lên bên phía ban giám hiệu, tôi mới bừng tỉnh. Tôi vội vã thu xếp sách bút
trên bàn, định bụng chuồn nhanh ra khỏi lớp thì thầy gọi:
- Em Cường, ở lại thầy gặp.
Tôi thở hổn hển:
- Vâng thưa thầy.
Khi cả lớp trở nên vắng tanh,
chỉ còn tôi với thầy, thầy mới gọi tôi đến gần:
- Em biết vì sao thầy gọi em ở
lại không?
- Dạ không ạ! – Tôi cố tình
trốn tránh mặc dù trong bụng tôi thầm nghĩ nhất định thầy muốn hỏi tội tôi.
- Bài tập vừa rồi, thầy đã
giải, giờ thầy muốn em làm lại, nếu có chỗ nào chưa hiểu, thầy sẽ hướng dẫn.
Thầy thấy cả giờ vừa rồi, em không hề chú tâm vào bài giảng của thầy.
Tôi thở phào. Vậy là không
phải. Có thể tất cả chỉ là tôi có tật giật mình. Có thể thầy không biết gì
chuyện tôi liên quan đến vườn cây của thầy. Tôi lại cầm viên phấn thầy đưa,
đứng đực mặt trên bảng. Lúc nãy quả thật thầy đã dạy lại rất kỹ với cả lớp,
nhưng tôi nào có nghe được gì. Tâm trí tôi đã lơ lửng trên tận ngọn cây. Thầy
lại từ tốn giảng lại lần nữa, tỉ mỉ và ân cần. Giờ phút đó, tôi không thấy sợ,
chỉ thấy thương thầy, thấy hối lỗi vô cùng. Tôi cắt ngang bài giảng của thầy:
- Thưa thầy, em xin lỗi.
Thầy ngừng lại, ánh nắng chiếc
vào cặp kính thầy lấp lóa làm tôi không thể nhìn rõ đôi mắt thầy:
- Có chuyện gì hả em?
- Vườn cây của thầy… Là… là em
ạ. Thưa thầy, em xin lỗi. Là em đã phá vườn của thầy – Tôi ấp úng, cả nửa ngày
trời mới nặn ra được một câu cà lắp.
Thầy mỉm cười:
- Thầy biết.
Tôi bàng hoàng ngẩng lên nhìn
thầy:
- Lúc vào vườn, nhìn chiếc mũ
và tập vở của em bỏ rơi ở đó, thầy đã biết rồi.
Tôi cúi gằm mặt di di đôi dép
nhựa dưới nền gạch. Tôi quá xấu hổ, không biết nói sao, cũng không dám nhìn vào
mắt thầy. Thầy khẽ cười. Tôi thấy tiếng cười của thầy nhẹ nhàng bên tai.
- Lúc em lén đến nhà thầy, thầy
đã biết em hối hận rồi. Thầy không trách em. Ai cũng có lỗi lầm của mình em ạ.
Chỉ cần nhờ đó mà ta lớn lên, mạnh mẽ lên. Thầy biết nếu không giải tỏa được
khúc mắc trong lòng em, em sẽ không thể chú tâm vào học được.
Đến lúc này, tôi òa lên khóc
như mưa. Ngay cả khi bị bố đánh đòn, tôi luôn bậm môi chịu phạt, đến lúc xong
rồi mới trốn vào phòng mà khóc. Đây là lần đầu tiên tôi khóc nức nở trước một
người không phải mẹ tôi. Thầy giữ chặt vai tôi, khẽ lắc. “Đừng khóc, con trai,
đàn ông phải cứng cỏi chứ. Thầy biết em là đứa trẻ thông mình, nhưng ham chơi.
Nếu học chăm chỉ, nhất định sẽ đạt được thành tích tốt”.
Quả thực, sau ngày hôm đó, tôi
luôn nỗ lực học tốt môn của thầy để cố ghi điểm trong mắt thầy. Tôi muốn khẳng
định với thầy tôi là đứa trẻ thông minh như thầy nói. Ít lâu sau, tôi đã đứng
đầu lớp về môn toán. Tôi luôn xung phong giải những bài toán khó thầy đưa ra.
Thầy nhìn tôi hài lòng. Tôi muốn sửa chữa những lỗi lầm mình gây ra. Những lúc
ấy, tôi cảm thấy vô cùng tự hào và sung sướng.
Ít lâu sau, tôi theo bố mẹ
chuyển nhà theo lệnh điều chuyển công tác của bố tôi. Tôi vẫn là học sinh giỏi
toán số một nơi ngôi trường tôi chuyển đến. Hơn hai mươi năm trôi qua, tôi đã
tốt nghiệp ngôi trường đại học danh giá, trở thành kiến trúc sư, có vợ và đứa
con trai thông minh, nghịch ngợm như bố nó ngày nào. Hơn hai mươi năm qua, có
lần tôi trở về thăm quê, tìm đến nhà thầy, ngôi nhà vẫn vậy, nhưng đã thay đổi
chủ. Nghe nói thầy tôi đã chuyển nhà ít lâu. Con gái thầy đã lấy chồng, muốn
đón bố về an dưỡng tuổi già. Tôi quay bước mà trong lòng bâng khuâng. Tôi cũng
không hiểu ngày ấy thầy đã xoay sở như thế nào để lo cho con. Những nhọc nhằn,
những nếp nhăn in hằn trên gương mặt thầy hiện ra rõ rệt như vẫn còn trước mắt
tôi. Chợt thấy thương thầy vô cùng. Giờ đây, muốn gặp lại thầy cũng khó. Phải,
thầy tôi đã không còn trẻ nữa, ngôi trường tôi học đã thay đổi quá nhiều, những
dãy nhà cấp bốn thay bằng tòa nhà ba tầng khang trang, cỏ dại không còn, thay
đó là nền gạch phẳng lỳ, láng bóng. Đến tôi cũng đã gần 40, đôi lúc bới tóc đã
có vài sợi bạc. Nghĩ đến thời gian như bóng mây chạy qua thềm. Nhớ đến thầy,
lòng tôi ngậm ngùi, nghe như ai đó khẽ gọi bên tai hai tiếng: “Thầy ơi…!”
NGUYỄN THỊ LOAN
Nguồn: www.vanhocnghethuatphutho.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét