Dự án thương mại xanh của tỉnh hỗ
trợ 5 ha trồng dâu nuôi tằm theo phương pháp “nuôi tằm con tập trung và nuôi
tằm lớn dưới đất" là một mô hình nuôi theo phương pháp mới, lần
đầu tiên được áp dụng đưa vào thử nghiệm tại xã Tình Cương (huyện Cẩm Khê),
đang từng bước khôi phục lại làng nghề trồng dâu nuôi tằm truyền thống nơi đây.
Trồng dâu nuôi tằm là một trong
những nghề truyền thống có từ lâu đời ở xã Tình Cương (huyện Cẩm Khê). Song
trong những năm qua, do biến động thị trường, đầu ra của sản phẩm khó khăn đã
khiến cho nhiều hộ dân không mặn mà với nghề “ăn cơm đứng”.
Năm 2010, dự án thương mại xanh của
tỉnh hỗ trợ 5 ha trồng dâu nuôi tằm theo phương thức mới. Đây là kỹ thuật nuôi
tằm 2 giai đoạn; nghĩa là giai đoạn tằm con (tuổi 1 đến hết tuổi 3) nuôi tập
trung trên nong; giai đoạn tằm lớn (tuổi 4 đến hết tuổi 5) nuôi trên nền nhà.
Cách nuôi này giảm bớt nhân công và chi phí mua nong. Vào mùa nóng thì tằm nuôi
dưới nền nhà thoáng mát, lá dâu tươi lâu hơn. Cách nuôi này hạn chế việc tiếp
xúc giữa tay người với thân tằm, không gây xây xước và hạn chế được mầm bệnh.
Chị Đinh Thị Bắc – một hộ nuôi tằm ở Khu 1 – xã Tình Cương vui mừng cho biết:
"tôi được xã cử đi tập huấn về trồng dâu nuôi tằm ở tận Thái Bình, khi về
tôi đã áp dụng nuôi. Ngày xưa nuôi nong, nuôi đũi còn phải bê lên bê xuống tốn
rất nhiều nhân công. Từ khi nuôi tằm kiểu dưới đất thế này nhàn lắm, không phải
tốn kém tiền nong nia, ngày chỉ cho ăn ba bữa tương tự như người, sáng, trưa,
tối... gia đình tôi có hơn 70 vuông nền nhà nhưng vợ chồng tôi đi hái dâu về
cho ăn thì chỉ mất 10 phút là vợ chồng tôi đã dải xong cho tằm ăn không tốn
nhiều nhân công và không phải thay phân, chỉ lúc nào tằm chín thì ta thu gọn về
mới phải thay phân".
Sang nhà ông Tô Văn Dũng, một trong
những hộ nuôi tằm dưới đất đi đầu của xã chúng tôi được chứng kiến toàn bộ
những đồ như: dường, tủ, bàn ghế... trước đây để ở trong nhà giờ chuyển hết ra
sân. Hơn 100 m2 diện tích nền nhà được nhường chỗ cho tằm ở. Ông
cười bảo: “Nuôi tằm dưới đất nhàn, cho ăn cũng nhàn, tằm lại khỏe mạnh vì không
gian rất thoáng không chật chội như ở trên nong. Mùa hè, nhiệt độ ở dưới đất
bao giờ cũng mát cộng thêm quạt gió nữa nên tỷ lệ tằm bệnh ít. Mùa đông nuôi
tằm dưới đất tránh được gió lùa nên ấm hơn nhiệt độ trên nong. Nuôi tằm dưới
đất phải cái hơi tốn diện tích, nên nhà nào chật quá không có điều kiện phải
chịu thôi”.
Việc ứng dụng mô hình nuôi tằm con
tập trung nuôi tằm lớn dưới đất là mô hình ứng dụng tổng hợp các tiến bộ kỹ
thuật, sẽ có tác dụng chuyển dần việc sản xuất dâu tằm theo phương thức nhỏ lẻ
phân tán sang sản xuất tập trung chuyên canh theo hướng sản xuất hàng hóa,
thuận lợi cho việc tiêu thụ và chế biến sản phẩm kén, từ đó thúc đẩy sản xuất
phát triển bền vững.
Tính trung bình trên 1ha dâu, với
diện tích nuôi tằm 200m2, thì trong một tháng, hộ nuôi nhiều có thể được tới 2
lứa, mỗi lứa 3 vòng tằm. Vậy là, sẽ được 6 vòng trong 1 tháng, trong khi đó mỗi
vòng thu từ 19 đến 20kg kén. Với giá dao động trong khoảng trên dưới 90 nghìn
đồng/kg thì việc trồng dâu nuôi tằm sẽ mang lại mức thu nhập cao hơn
gấp 3 đến 4 lần so với trồng lúa.
Hiện nay, toàn xã có 20 hộ đang nuôi
theo phương pháp mới, bước đầu người dân rất phấn khởi đồng tình ủng hộ, tâm
huyết muốn khôi phục lại nghề truyền thống. Việc chọn giống tằm là việc hệ
trọng, khi đưa về áp dụng nuôi thí điểm, các chuyên gia về dâu tằm ở Trung tâm
Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) đã về trực tiếp
hướng dẫn kỹ thuật nuôi và cung cấp những giống tốt nhất để phục vụ
cho bà con. Nhưng do điều kiện khó khăn lại nuôi tằm theo cách thức mới nên
100% các hộ chưa có nhà nuôi tằm riêng, mà bước đầu vẫn phải nhường
nhà cho tằm ở. Bước đầu còn nhiều khó khăn trong việc khôi phục làng nghề, lãnh
đạo địa phương vẫn đang trăn trở với bài toán kinh tế để tìm ra giải pháp phù
hợp.
Ông Hà Đức Huynh – Phó Chủ tịch UBND
huyện Cẩm Khê cho biết: “Tính đến hết năm 2011, huyện Cẩm Khê đã xây dựng được
10 làng nghề truyền thống. Việc xây dựng các làng nghề được Huyện ủy, UBND
huyện rất chú trọng. Trong năm 2012 UBND huyện chỉ đạo tập trung xây dựng khôi
phục lại làng nghề dâu tằm tơ ở xã Tình Cương. Đối với người dân họ rất phấn
khởi trong nuôi tằm theo công nghệ mới. Đặc biệt, trong chương trình này, người
dân rất tâm huyết, dân nhường nhà cho tằm ở và dân thì ra ngoài sân. Trong
tương lai, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo mở rộng mô hình nuôi dâu tằm tơ này ra
với Tình Cương và một số xã, đặc biệt là các xã ven bờ sông Hồng có diện tích
nuôi dâu tốt và phát triển được; có hướng chỉ đạo xây dựng dây truyền ươm tơ để
người dân chủ động trong việc nuôi tằm – ươm tơ – sản phẩm đầu ra".
Những ruộng dâu mới trồng - Ảnh Nhật Minh. |
Khó khăn lớn nhất của việc áp dụng
mô hình nuôi tằm trên nền đất là vấn đề nhà xưởng. Trung bình một vòng trứng
phải có từ 8 – 10m2 nhà xưởng. Trong khi đó, đa số bà con xã viên vẫn tận dụng
khoảng trống nhà ở để chăn nuôi.
Thời gian tới, xã Tình Cương tiếp
tục mở rộng diện tích trồng dâu, có chính sách hỗ trợ cho các hộ dân. Đặc
biệt, chú trọng mô hình liên kết “bốn nhà” đồng thời mời gọi và tạo mọi điều
kiện cho các doanh nghiệp đến đầu tư, thu mua lâu dài sản phẩm để có thị trường
ổn định, bên cạnh đó rất cần sự quan tâm của các cấp các ngành tạo điều
kiện cho dân tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ để đầu tư nhà nuôi.
Sự trở lại của nghề trồng dâu nuôi
tằm ở Tình Cương là điều đáng mừng, vừa giải quyết việc làm cho nhân dân địa
phương vừa giữ được bản sắc văn hóa của làng nghề. Điều đó không chỉ có ý nghĩa
trong việc phục hồi lại một làng nghề truyền thống mà còn là bước phát triển
kinh tế phù hợp ở địa phương.
TUYẾT ĐÀO – Theo: www.phutho.gov.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét