Gã con rể làng Tình Cương, xã Tình Cương – Đỗ Doãn Hoàng – là một nhà báo
chuyên viết phóng sự ký sự của báo Lao Động. Ông đã cống hiến 15 năm cuộc đời
để đi đến khắp mọi vùng miền, đặc biệt là những vùng sâu vùng xa, để viết nên
những thiên phóng sự ký sự tuyệt vời. Mùa hè năm 2011, NXB Thanh Niên và Công ty sách Phương Đông đã ấn hành tập phóng sự, bút
ký “Cánh chim rừng không mỏi” của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Cuốn sách gồm 17 bài
viết kèm nhiều hình ảnh minh họa sinh động, trong đó có nhiều bài dài 3 – 4 kỳ,
được tác giả viết trong khoảng 3 năm (2008 – 2010).
Tập bút ký phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng hé lộ nhiều góc khuất trong lịch sử
và phong tục của những con người ở những vùng miền khác nhau. Những bài viết
mang tính phát hiện độc đáo và cả những chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc sống. Đó
đều là những bài bút ký phóng sự có sức nặng, tác động sâu sắc đến dư luận xã
hội để giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Thông qua “Cánh chim rừng không mỏi”, nhà báo Đỗ
Doãn Hoàng đã chứng minh ngòi bút cũng có sức mạnh đấu tranh không thua kém bất
cứ công cụ tranh đấu nào. Nhưng để có được điều đó thì trước hết người cầm bút
phải có cái tâm, và trách nhiệm đối với vấn đề chung của toàn xã hội.
Nhà báo Bùi
Thị Hương Thảo (VBK1)
bình luận: So với những cây bút phóng sự “gạo cội” như Xuân Ba, Huỳnh
Dũng Nhân… cái tên Đỗ Doãn Hoàng nổi lên như một hiện tượng bền bỉ, ám ảnh và
ấn tượng. Những phóng sự anh viết đã thể hiện một cách sâu sắc chuyện đời, chuyện
nghề và câu chuyện của chính con người anh. Bạn đọc đã được biết đến một số tập
ghi chép, phóng sự, bút ký của anh như: Trần gian còn một thứ nghề, Lạc
lối dưới chân Bù Chồng Cha, 27 phóng sự xã hội, Kí sự đồng rừng, Nến cong và
lửa thẳng, người đàn bà tử tế...
Đọc “Cánh chim rừng không mỏi”
của Đỗ Doàn Hoàng, ấn tượng ban đầu đến từ một lối viết chân thật, sống động và
đậm chất nhân văn. Cả tập sách bao gồm 17 bài viết, mối bài viết là một mảnh
đời, một số phận khác nhau, không đơn thuần chỉ là số phận của riêng con người
mà có khi đó còn là số phận của hàng trăm cây rừng bị “ chém giết” không thương
tiếc. Thông qua những câu chuyện về cuộc đời, số phận của các nhân vật, tác giả
đã tái hiện một cách chân thực nhất những góc khuất của xã hội, những mảng màu
đen trắng đâu dễ gì ta biết được để từ đó góp lên tiếng nói cảm thông, bênh vực
cho họ đồng thời cũng kêu gọi xã hội chung tay giúp đỡ. Một số phần hồi âm được
in dưới bài viết chính là minh chứng rõ ràng nhất cho tác động của bài viết đối
với dư luận xã hội. Đó có thể là câu chuyện về “cặp vợ chồng già ngoài 90 tuổi
cứ bình thản, tội tình chống lại bóng ma bệnh tật của mình để tiếp tục cơm bưng
nước rót nuôi đứa con gái tật nguyền đã gần 40 tuổi” (“Lá vàng” không dám
rụng). Đó cũng có thể là câu chuyện về “thế giới cùng khổ, lấm láp giữa
thiện và ác ở Sa Pa” (Góc tăm tối ở thiên đường du lịch Sa Pa). Nếu
không đọc “Cánh chim rừng không mỏi”
của Đỗ Doãn Hoàng có mấy ai biết được rằng Hoa hậu xứ Mường – Hà Thị Tẻo một
thời xa hoa, lộng lẫy – lại chết trong nghèo khổ, chết trong nhưng cơn vật vờ
thèm thuốc phiện (Lãng mạn với hoa hậu xứ Mường). Nạn phá rừng đã trở
thành một thực trạng nhức nhối của xã hội cũng được Đỗ Doãn Hoàng đề cập đến
trong các bài viết: “Khóc rừng trên nóc nhà Đông Dương”, “Choáng váng
với rừng ở Mường Nhé”, “Phá rừng triệu năm tuổi”.
Điều đặc biệt nhất của “Cánh chim
rừng không mỏi” là tác giả đã tái hiện rất thành công một thời kỳ thương
đau của lịch sử dân tộc bằng một câu chuyện rất cảm động, rất nhân văn về quá
trình hóa giải hận thù đã tồn tại 40 năm của một con người. Tác giả đã tìm đến “Tên
cai tù tàn ác nhất lịch sử Việt Nam” để biết được rằng chiến tranh đẩy con
người tàn ác đến thế chứ bản thân cai tù chưa hẳn đã muốn làm như vậy. Sau đó,
tác giả lại đến gặp“Người về từ địa phủ” để nói với ông rằng “dù gì thì
tội ác, đau thương cũng đã qua đi. Dù gì thì cũng không thể lấy oán mà trả oán
để ân oán chập chồng”. Cuối cùng, câu chuyện kết thúc một cách có hậu. Không
còn ranh giới của sự thù oán, tất cả đều thanh thản. Đây mới thật sự là công
việc của một nhà báo chân chính.
Để có được tập bút ký – phóng sự “chất lượng” như chúng ta có hôm nay, tác
giả đã phải trăn trở, trải nghiệm rất nhiều. Có một điều nhiều người vẫn hay
lầm tưởng rằng: để viết được một tác phẩm bút ký – phóng sự hay đơn giản chỉ là
việc giỏi phát hiện ra một đề tài nóng bỏng nào đấy của xã hội rồi cứ thế tường
thuật lại trên trang giấy. Tuy nhiên, sự thật lại không hẳn như thế. Cái hay
của “Cánh chim rừng không mỏi” là
ở chỗ tác giả đã tái hiện những câu chuyện rất “Đời” bằng “những con chữ biết
nhảy múa, có sức lay động”. Đúng như chính tác giả đã tâm sự ở những trang cuối
cùng của cuốn sách: “ Một phóng sự hay không thể chỉ là cái việc người viết nói
ra một sự thật bỏng rẫy nào đó, rồi cứ thế xuống dòng, kiến nghị cơ quan chức
năng… Cái mà công chúng trông chờ nhiều nhất ở nhà báo, có lẽ vẫn là việc nhà
báo xông pha, nhà báo sử dụng cái mà (cửa miệng) chúng ta vẫn quen gọi là quyền
lực thứ tư của mình để làm việc gì đó thể hiện trách nhiệm công dân chân chính,
trách nhiệm xã hội của người cầm bút.
Trên tờ “Hà Nội mới”, nhà báo Trần Minh chia sẻ: Đây chỉ là một phần nhỏ
những trang viết của Đỗ Doãn Hoàng trong thời gian qua. Trong cuốn sách này,
tác giả và NXB Thanh Niên chỉ chọn những bài tạo được một số tác động xã hội
sau khi nó được in ra, và sự thực mà bài viết chuyển tải được xã hội chung tay
giải quyết theo hướng tích cực. Thông điệp của tác giả qua tập sách là: tác
động xã hội của các bài viết, bài điều tra, phản ánh hiện thực xã hội một cách
tâm huyết, đến đầu đến đũa. Những đoạn Hồi âm, Chuyện kể thêm được in cuối mỗi
phóng sự, bút ký đã thể hiện điều đó.
Về điều này, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tâm sự: “Tôi muốn chứng minh, mỗi bài
viết cần hướng tới các tác động xã hội cụ thể, tích cực, chân chính của nó. Và
sau khi in mỗi bài, tôi sẽ kể về hồi âm bài viết đó. Ví dụ 350 triệu gửi tặng
bé Thơ, nhân vật trong “Thơ ơi, em đừng
chết”, kèm theo là cuộc vận động cứu tất cả những đứa trẻ không đáng phải
chết như Thơ. Hay như việc cứu các bé gái 6 tuổi đã nghiện, đã bị bố mẹ đem ra
làm mồi nhử xin tiền du khách, các cháu và bố mẹ nghiện của các cháu sống trong
hang núi (Góc tăm tối ở thiên đường du
lịch Sa Pa). Việc nhà báo tổ chức mổ chân cho người có cái chân voi to nhất
Việt Nam (Hai mươi năm kéo một cái chân
voi); nhà báo đưa người cựu binh tận khổ bị vặn 9 cái răng bay 4 chuyến từ
Bắc vào Nam, vượt biển ra đảo Phú Quốc thăm chiến trường xưa, gặp lại viên cai
ngục tàn ác, nhà báo vận động 80 triệu đồng tặng ông Tằng (Hóa giải 40 năm thù hận)… Mỗi bài đều có hồi âm, số tiền ủng hộ,
phong trào vận động, sự thay đổi cách nghĩ cách làm, thay đổi hiện thực… một
cách cụ thể, có ngày giờ, có tên người thực hiện, thậm chí trích cả công văn
của Thủ tướng, Phó Thủ tướng hay các cơ quan Quốc hội, các bộ ban ngành, các
UBND tỉnh rất cụ thể”.
Mảng đề tài mà tác giả tâm huyết, là vấn đề ở vùng sâu vùng xa, nơi mà độc
giả ít được biết đến (các bài: Góc tăm
tối ở thiên đường du lịch Sa Pa, Phận đèn dầu, Cánh chim rừng không mỏi, Choáng
váng với rừng ở Mường Nhé, Khóc rừng trên nóc nhà Đông Dương); những góc
khuất của lịch sử, những câu chuyện xưa cảm động, nhiều ý nghĩa mà vì nhiều lý
do công chúng báo chí còn hầu như chưa biết đến nhiều (Bom tấn và lương tâm người đang sống, Khúc bi tráng Hố Đá Bàn, Chuyện
ít biết về dòng dõi quan lang xứ Mường). Đặc biệt, tác giả hướng tới nhiều
với những câu chuyện nóng của xã hội, như thời này mà đảng viên, giáo viên chủ
nhiệm lớp, 10 năm trong nghề vẫn hưởng lương 500.000 đồng/ tháng (Lương giáo viên 500 nghìn đồng)...
Tác giả tỏ ra có nghề và tâm huyết, làm được khá nhiều việc để “giải quyết”
các vấn đề hấp dẫn, xúc động, có ý nghĩa, bị chìm khuất một cách không nên của
lịch sử. Ví dụ như chuyện công bố công trạng của dòng dõi quan lang xứ Mường,
họ theo cách mạng lập nhiều chiến công, được Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp
hết lời ca ngợi (tư liệu, thư từ, tranh ảnh vẫn còn đến nay) – trong khi dòng
dõi con cháu họ bị kỳ thị một cách đau lòng, không ít các tác phẩm nghệ thuật
làm xiên xẹo hình ảnh đẹp đó, khiến nhiều người rầu lòng (phóng sự được giải báo chí Quốc gia in trong tập sách “Chuyện ít biết
về dòng dõi quan lang xứ Mường”).
Có lẽ, phóng sự ấn tượng nhất trong tập sách, là “Hóa giải 40 năm thù hận”, tác giả đã kỳ công tìm viên cai ngục vào
loại tàn ác nhất trong lịch sử Việt Nam đang sống ở đảo Phú Quốc, lén phỏng vấn
và chụp ảnh. Tác giả cũng đi tìm các nạn nhân đau khổ bị Bảy Nhu (tên của viên
cai ngục) bẻ cả chùm răng. Bài báo quyên góp tiền cứu các nạn nhân bệnh tật,
đói nghèo đó. Rồi anh đích thân đem nạn nhân bị bẻ răng ra gặp viên cai ngục,
hai bên khóc cười... rồi hóa giải thù hận. Bởi lịch sử thời đó, nó lầm than
thế, các ông già cần tha thứ cho nhau, nhưng lịch sử cũng cần phải biết câu
chuyện đó. Và, Đỗ Doãn Hoàng là người đầu tiên kể lại câu chuyện một cách ly
kỳ, hấp dẫn và thể hiện trách nhiệm xã hội và lòng nhân ái của một nhà báo.
Một cách thật thà nhất, tôi muốn nói rằng: phải mất gần chục năm lúc nào
cũng ấp ủ để viết, viết liên tục, xuất bản cả chục cuốn sách rồi, mấy năm gần
đây, tôi mới thấm thía được cái đích đến cuối cùng của hoạt động báo chí mà
mình xả thân tham gia, nó là cái gì. Tôi đã không ngại khó, không ngại sai lầm
hay ngại mình thật thà đến lố bịch, tôi đã hết lòng với từng con chữ của mình,
ở nhiều tờ báo được coi là lớn, là có số lượng phát hành lớn vào bậc nhất ở
Việt Nam. Tôi đã nhọc nhoài làm tốt trang công tác đoàn, trang văn hóa, trang
phóng sự – ghi chép, trang an ninh trật tự… Nhưng dường như tôi cứ làm mà chưa
bao giờ dừng lại tự hỏi: bài viết của mình sẽ đi về đâu, sẽ đem lại cái gì sâu
thẳm nhất hoặc đáng để đón chào nhất (trong chừng mực năng lực mà tôi có) cho
công chúng báo chí? Đã vài lần (chứ không phải ít), rời một cơ quan báo chí,
tôi đã khóc nức nở nhiều ngày, vì không nỡ rời một không gian, một sự thân gần
như máu thịt mà mình đã gắn bó, mình đã cống hiến, đã đổ mồ hôi và đã sẵn sàng
để đổ máu vì nó (khi làm các phóng sự quá nguy hiểm), tại sao mình lại tự
nguyện ra đi? Mình đã sống những ngày, mà mỗi sớm báo phát hành, không thấy bài
của mình ở trang nhất, là ngày đó mình không ăn ngon ngủ yên, cái sự đắm say
đó, liệu có còn theo mình trong những chặng đường đầy bất trắc phía trước hay
không? Có khi, chuyển khỏi một cơ quan, ngồi lục lại máy vi tính của mình
(trước đó, bài nọ gọi bài kia, chuyến đi nọ gọi chuyến đi kia, tôi không bao
giờ dừng lại để… ngắm một cái gì, kể cả mái tóc, hàm răng hay áo quần của
mình); tôi thử thống kê các tin bài mình đã viết trong mấy năm đó xem sao. Và,
tôi tá hỏa, tôi xấu hổ, tất cả những điều tôi viết đó, nó vô cùng cập nhật và
hữu dụng cho trang báo của tôi, nhưng nó không còn đúng với hiện thực khi tôi
đọc lại nữa. Quan trọng hơn, là tôi cũng không muốn đọc lại nữa, bởi tôi đã
từng “thơ ngây” hơn tôi tưởng rất nhiều. Có thể đó chỉ là cảm giác của một
người quá mong manh. Vâng, báo chí là thứ mà nhiều khi người ta viết để cho độc
giả đọc và quên đi... để chờ đọc thông tin nóng hổi khác. Với các trang báo “tờ
sau đè (chết) tờ trước”, việc bọn chúng bị rọc ra ngay trong ngày phát hành để
gói xôi hay bọc mẩu bánh mỳ cho đám “mèo con đi học”, đôi khi là vinh dự của kẻ
đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Nhưng với tôi, từ nhỏ tôi đã ấp ủ viết, đã muốn
viết, đã muốn viết cái thể loại bài viết nào đó nó đằm sâu hơn, nó để cho tôi
có thể lưu giữ được những “mảnh vỡ ký ức” nào đó cho mình. Cho nên, tôi không
muốn như vậy…
Từ bấy, tôi bắt đầu vừa tổ chức các trang phóng sự vừa nghĩ về nghề, vừa
viết… hồi ký. Vừa làm vừa viết nhận xét, lý luận về nghề báo cho một số tờ báo,
tạp chí chuyên ngành báo chí (không dám ký tên thật, vì tôi vẫn là một cậu bé
tham gia viết báo); tôi cũng tham gia thỉnh giảng, nói chuyện nghiệp vụ ở một
số trường đào tạo báo chí, một số tòa soạn và Hội nhà báo địa phương (với lời
mời của Hội Nhà báo Việt Nam và các tỉnh). Những va đập, trăn trở đó, đã khiến
tôi nhận ra rằng: bài báo – đặc biệt là phóng sự, điều tra, ghi chép, bút ký – nó
cần phải hướng tới nhiều hơn những tác động xã hội tích cực mà người viết nào
cũng hằng ấp ủ.
MINH HUỆ (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét