Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Đôi điều về Nhà văn Ngô Ngọc Bội

Xưa kia, Phú Khê còn bạt ngàn đồi cọ, trùng trùng điệp điệp. Hình ảnh những cây cọ thân đầy gai góc vươn thẳng lên trời, tạo một nét quê trung du riêng biệt. Cũng giống như hình ảnh cây cọ, con người nơi đây rất thật thà và giàu nghị lực. Vốn sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, đến năm 1945 thì gia đình bị phá sản, cậu bé Ngô Ngọc Bội phải bỏ dở chương trình tiểu học thời Pháp về làm nông nghiệp.
 
Nhà văn Ngô Ngọc Bội, sinh năm 1929, ở khu Đoài Ngoài, xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, vùng đất sơn thủy hữu tình, nằm bên hữu ngạn dòng sông Thao tươi đẹp.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông tham gia hoạt động Thanh niên Cứu quốc, rồi dân quân du kích liên xã Nỗ Lực. Năm 1948, Ngô Ngọc Bội thoát ly gia đình đi công tác, từ Huyện đội Cẩm Khê, liên khu Việt Bắc, rồi tỉnh Hòa Bình; từ năm 1957 đến 1968, làm cán bộ Ty Văn hóa Phú Thọ, Vĩnh Phú; sau đó làm biên tập viên Báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam đến lúc nghỉ hưu năm 1993. Từ khi nghỉ hưu, ông chuyển hẳn về sinh sống ở quê nhà khu Đoài Ngoài, xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê tỉnh Phú Thọ.
Đến bây giờ, nhà văn Ngô Ngọc Bội không nhớ rõ mình bắt đầu sáng tác từ khi nào. Chỉ biết, ông chính thức theo nghiệp văn chương khi được theo học khóa I trường Viết văn Nguyễn Du và giành giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của báo Văn Học thuộc Hội Nhà văn Việt Nam năm 1960 với truyện ngắn “Bộ quần áo mới”. Tiếp đó, tập truyện ngắn đầu tay "Chị Cả Phây" xuất bản năm 1963, rồi các tập "Đất bỏng", "Ao làng", "Nợ đồi", "Đường chè", "Ác mộng", "Lá non" ra đời… Đến nay, tổng cộng ông đã cho xuất bản trên hai chục đầu sách và hàng trăm bài ký… Đối với người cầm bút, để có một vùng đất gắn bó gan ruột, trở thành nguyên liệu cho sáng tác của mình quả là một điều may mắn. Mảnh đất đó thường là nơi mà họ được sinh ra và lớn lên. Quê hương luôn là mạch nguồn cảm xúc vô tận cho nghệ sỹ sáng tác, tuy nhiên, để thành công không phải ai cũng làm được. Có lẽ Ngô Ngọc Bội là một trong số ít những người cầm bút làm được điều đó. Dù ở thể loại nào, các tác phẩm của ông đều chảy về một nguồn cảm hứng đó là nông thôn, và bối cảnh cho các tác phẩm đó chính là mảnh đất xứ cọ quê hương ông.
Tiếp chuyện với chúng tôi ông Ngô Hữu Ý, người dân  xã Phú Khê, huyện Cẩm Khê tâm sự: “Tôi là người gần gũi với ông Bội. Nói chung, ông là người rất say mê về văn chương, khi tôi ra chơi ông rất miệt mài viết, nhất là đề tài về nông thôn. Riêng các tác phẩm về nông thôn, ông viết rất chính xác, có những tác phẩm ông lấy tên thẳng về gia đình. Ông viết rất rõ như chính về gia đình anh em chúng tôi nhưng ông lấy những hình tượng khác”.
Gắn bó máu thịt với nông thôn và người nông dân, có lẽ vì thế mà chỉ khi về với nông thôn, Ngô Ngọc Bội mới trở nên tự tin đắm hết mình vào những trang viết. Năm 1993, Ngô Ngọc Bội nghỉ hưu. Cuối đời mình, ông lại chọn về “Ao làng” và hai mươi năm về sống ở quê, ông vẫn không rời cây bút, trang giấy. Một đời lặng lẽ âm thầm góp nhặt hơi thở của cuộc sống nông thôn để viết lên trang giấy. Những suy nghĩ, tâm huyết của ông đã được ghi nhận với nhiều giải thưởng. Tiêu biểu là giải thưởng văn học Hùng Vương cho tiểu thuyết “Ác mộng” năm 1991; Tác phẩm văn học xuất sắc về Nông nghiệp – Nông dân – Nông thôn năm 2011 với tiểu thuyết “Lá non”. Đặc biệt, năm 2012, ông đã vinh dự được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật… Và một sự ghi nhận cũng đầy ý nghĩa khác đó là tình cảm của những người nông dân quê ông với nhà văn của họ.

Vợ chồng nhà văn Ngô Ngọc Bội ngắm cảnh đồng quê.
Chúng tôi về thăm nhà văn Ngô Ngọc Bội vào một ngày đầu tháng 10. Một ngôi nhà hai tầng bên những tán cây hồng xiêm cổ thụ toả bóng xum xuê. Sau hai chục năm nghỉ hưu ở tuần báo Văn nghệ, nhà văn xứ cọ lại sống cuộc đời thanh bạch nơi chôn rau cắt rốn, cùng với người vợ hiền hậu chất phác mà ông kết duyên từ năm 17, 18 tuổi. Có lẽ ai từng gặp Ngô Ngọc Bội một lần thì chắc hẳn sẽ khó quên được gương mặt, ánh mắt của ông. Đằng sau nét đôn hậu chất phác lại hiện  rõ vẻ rắn rỏi của một con người phong trần, từng trải. Vợ ông là mẫu người đặc trưng của người phụ nữ nông thôn Bắc Bộ. Kể từ ngày về làm dâu họ Ngô, bà lặng lẽ, tảo tần gánh vác gia đình nuôi đàn con khôn lớn. Khi được hỏi về việc viết văn của ông Bội, bà bảo cũng có đọc những cuốn sách của ông vì nó hay viết về chuyện nông thôn. Giờ thì mắt kém nên không đọc được nữa, chỉ biết chăm cho ông khỏe để viết. Có lẽ chính sự chia sẻ của người vợ tảo tần đã giúp nhà văn thêm động lực để theo đuổi sự nghiệp viết lách không mang lại nhiều tiền, nhiều của này mấy chục năm nay. Bà Tào Thị Miết, vợ nhà văn Ngô Ngọc Bội tâm sự: ‘‘Ông ấy viết say xưa lắm, có hôm viết cả đêm. Cứ ngồi vào bàn là ông ấy viết, viết xong ông lại đi photo rồi gửi về tòa soạn. Tôi đi làm hợp tác về muộn, có hôm gần 12 giờ mới về  nấu cơm, nấu xong thì gọi ông ấy ra ăn’’.
Những người con của ông bà đều đã trưởng thành. Mỗi người theo đuổi một con đường khác nhau, chỉ khi có thời gian rảnh hoặc cuối tuần, họ mới có thể về thăm cha mẹ. Dù ông đi công tác biền biệt nhưng người cha viết văn luôn là niềm tự hào của họ. Khi chúng tôi nhắc về nhà văn Ngô Ngọc Bội thì các con của ông rất tự hào về cha mình. Chị Phương, con gái nhà văn Ngô Ngọc Bội chia sẻ: “Chúng tôi cảm thấy rất tự hào về cha, nhờ những trang viết của cha mà chúng tôi hiểu về cuộc sống, về quê hương trước kia. Chúng tôi cũng luôn dặn dò, dạy dỗ con cái học tập sao cho xứng đáng với tấm gương của ông”.
Giờ nhà văn đã yếu đi rất nhiều nhưng nhiệt huyết và tình yêu dành cho văn chương nói chung và cho mảnh đất quê hương nói riêng vẫn cháy bỏng trong ông. Cứ chiều chiều, hai ông bà lại cùng nhau đi thể dục ngay con ngõ đầu làng. Mảnh đất Phú Khê và đời sống người dân nơi đây đã thay đổi rất nhiều. “Ao làng” ngày xưa giờ đã giao cho người dân nhận thầu. Con đường vào ngõ nhà ông cũng đã trải bê tông. Chứng kiến những thay đổi ấy, nhà văn già lại háo hức vì có nhiều chuyện hay, nhiều đề tài hay để viết. Bóng nhà văn đi bên vợ nhác trông cũng như một lão nông dân ra thăm đồng mà nhớ những vụ mùa.

BÌNH TRỌNG

Không có nhận xét nào: