Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Ba bài học, bốn câu chuyện và bệnh… “nói dài”

Tôi rút ra bài học ở đời, có 3 yếu tố cốt lõi nhất tạo dựng tương lai sáng ngời: Một là, may mắn gặp được người thày giỏi, có tâm và là thủ lĩnh thực sự (người thủ lĩnh thực sự thường có tố chất: thông minh, quân tử, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm! nhưng người thông minh chưa chắc đã là thủ lĩnh). Hai là, gặp được người bạn tri kỷ chân thành. Ba là, tự bản thân mình cố gắng xứng đáng với 2 người trên. Được như vậy thì tương lai chắc chắn tỏa sáng và tìm được 2 chữ: thanh thản.


Chuyện tiền lương giáo viên: Ở thành phố Melbourne, Úc, có một cô giáo người Cẩm Khê, Phú Thọ. Cô có mức lương cao nhất trong số người Việt ở nước ngoài. Thu nhập của cô khoảng 4 triệu đô-la Mỹ/năm (gần 100 tỷ đồng). Từ chuyện này, nghĩ đến đời sống của giáo viên trong nước, các thầy cô giáo của mình chịu hy sinh nhiều quá.
Hình thức họp phụ huynh và tổ chức lớp ở các trường nước ngoài: Giáo viên không bao giờ họp chung các phụ huynh với nhau, chỉ gặp riêng từng phụ huynh, mỗi người 5 phút. Họp với phụ huynh, giáo viên không bao giờ nói thông tin các học sinh khác ngoài con của người đó (tôn trọng nhân quyền). Nhưng khi ở trường, giáo viên lại rất chú trọng tổ chức cho học sinh học nhóm, sinh hoạt trong nhóm.
Chuyện học tập tại Cu-Ba: Tôi vừa đi thăm, làm từ thiện tại 3 trường tiểu học ở Cu-Ba cuối tháng 9 năm 2015. Cu-Ba thua ta về kinh tế khoảng 30 năm, nhưng về giáo dục, y tế, văn hóa,… thì nước bạn đi trước ta không biết bao nhiêu năm. Riêng về giáo dục, lớp 1 ở Cu-Ba không dạy chữ mà chỉ dạy các con biết chào hỏi, xin lỗi, cảm ơn và kỹ năng sống ngăn nắp, tự lập. Khi đoàn Việt Nam đến, từ lớp 3 trở lên, bất cứ học sinh nào cũng có thể tự đứng lên phát biểu chào mừng với bài phát biểu tự viết và gần như không phụ thuộc vào giấy. Các em rất tự tin và hiểu sâu sắc về Bác Hồ, về Nguyễn Văn Trỗi và về Việt Nam. Tôi rất khâm phục cách dạy học đó của các thày cô giáo Cu-Ba!
Chuyện tặng quà nhân dịp 20-11: Con tôi học lớp 7 và lớp 10 ở trường Anh, tại Hà Nội. Trong buổi gặp mặt tại trường, các cháu chỉ được tặng thày cô những món quà, thiếp chúc mừng do tự tay học sinh làm ra, không được mua ở cửa hàng. Và, chỉ có học sinh mới được tặng quà cho thày cô. Năm nay, Sở Giáo dục Hà Nội đã cấm học sinh đến nhà riêng giáo viên tặng quà 20-11, để phòng tránh tai nạn giao thông, nhưng không cấm cha mẹ chúc mừng thầy cô.
Bệnh “nói thừa, nói dài”: Trước khi về quê Tình Cương thăm các thầy cô giáo, tôi có đến thăm chúc mừng 20-11 ở Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Hà Nội, nơi con tôi học từ nhỏ. Nghe một cô giáo già gần 70 tuổi, là hiệu trưởng nhà trường, nhiệt huyết đến trẻ trung, khi cô kể chuyện đổi mới giáo dục của trường bằng biện pháp liên kết với trường nước ngoài. Bà kể lại, mấy hôm vừa rồi, một đoàn giáo viên Úc đến dự các giờ học của trường và họ kết luận: đa số giáo viên Việt Nam đứng lớp một giờ thì mất 50% thời gian dành cho các câu nói... thừa. Ví dụ: Gọi học sinh nào cũng đọc rõ họ và tên thật dài (lẽ ra chỉ cần gọi tên), nói các từ hoa mỹ không cần thiết, không có trong nội dung giảng bài, thậm chí tự nhiên kể những câu chuyện không ăn nhập với bài giảng.
Chúng ta ai cũng biết rằng: "nói thừa, nói nhiều, nói dai, nói dại..." đang là một tệ nạn, một hủ tục, một căn bệnh nan y ở nhà trường, công sở Việt Nam... Thật khó chữa trị.
Tôi mong rằng những câu chuyện nhỏ trên, các thầy cô giáo ở Tình Cương, Cẩm Khê, Phú Thọ sẽ chia sẻ, tham khảo và làm gì đó để 20-11 năm sau, tôi về đây, được nghe kết quả tốt hơn nữa về dạy học của quê mình.
Riêng tật "nói dài, nói dai, nói dại... " không dừng ở thầy cô mà mỗi con người và cả xã hội Việt Nam phải sửa để tiết kiệm thời gian – tu bổ văn hóa nước nhà!

TS. NGUYỄN ĐỨC HƯỞNG

Không có nhận xét nào: