Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Bút Tre – Nhà thơ dân gian nổi tiếng

Nhà thơ Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng. Ông sinh ngày 23-8-1911 tại làng Đồng Lương, tổng Điêu Lương, huyện Cẩm Khê (theo cách gọi về địa giới hành chính cũ). Ông mất ngày 18-5-1987 tại quê nhà.

Nhà thơ Bút Tre – Đặng Văn Đăng

Ông sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo. Tuy nhiên ông cũng được gia đình cho ăn học, đậu bằng Cơ thủy, Pháp ngữ đọc thông viết thạo. Trước cách mạng tháng Tám 1945, ông làm nghề dạy học, nhiều năm sống ở châu Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Những lúc rảnh việc ông viết báo cho tờ Đông Pháp, lấy bút danh là Lục Y Lang “Chàng áo xanh”.
Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Bút Tre được đề cử làm ủy viên Thư ký Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời xã. Tháng 6 năm 1946 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuối năm 1946 ông đi công tác thoát ly. Từ năm 1947 – 1973, ông trải qua nhiều công việc: Làm báo, Phó trưởng Ty tuyên truyền văn nghệ Phú Thọ; cán bộ tuyên huấn Đoàn ủy cải cách ruộng đất; được điều về Bộ Ngoại giao làm Bí thư cho Bộ trưởng Ung Văn Khiêm; Trưởng phòng thông tin trực thuộc Ủy ban hành chính tỉnh; phụ trách Báo Phú Thọ; Trưởng ty Văn hóa tỉnh Phú Thọ; Phó Ban Tuyên giáo tỉnh Vĩnh Phú.
Trong quá trình công tác, ông được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen, một Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng Ba, một Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Hai.
Ông bắt đầu làm thơ từ năm 1962 và lấy bút danh là “Bút Tre”. Đây là thời gian ông làm Trưởng ty Văn hóa, vì thế những sáng tác đầu tiên của ông là một số bài về tuyên truyền in trên báo chí địa phương. Sau đó, ông bắt đầu gõ cửa Hội Tao đàn với bài thơ đầu tiên ông viết về Đền Hùng, rồi sau đó là hai bài trường ca, ba tập sách: Rừng cọ, đồi chè; Quê hương Phú Thọ và Phú Thọ lớn lên. Chỉ với ba tập thơ ấy ông đã nổi tiếng trên văn đàn và trong xã hội.
Ông được biết đến như một nhà thơ theo trường phái dân gian của Việt Nam thời hiện đại. Với phong cách thơ độc đáo, sáng tạo và giàu sức lan tỏa, từ bút danh của một nhà thơ, Bút Tre đã trở thành một trường phái sáng tạo thơ dân gian vui vẻ rất thịnh hành ở Việt Nam cho đến tận ngày nay.
Người ta nhớ Bút Tre, không phải vì những bài thơ trữ tình, cũng không vì thơ ông gần với những bài ca dao, mà vì cách làm thơ, gieo vần của ông thật bất ngờ, thường mang đến cho những người nghe sự sảng khoái sau những giờ lao động mệt nhọc căng thẳng.
Nhiều người không gọi thơ Bút Tre là thơ, chỉ gọi là vè. Nhưng dẫu sao, lối thơ (hay vè) của Bút Tre đã cùng tồn tại với rộng rãi người dân Việt Nam suốt nửa cuối thế kỷ 20 và có thể sẽ còn lâu hơn nữa trong cách sống lạc quan mang lại niềm vui ngày thường cho nhiều người Việt Nam.

Mộ nhà thơ Bút Tre ở Đồng Lương.

Thơ Bút Tre là một thể thơ dân gian bắt nguồn từ ngôn ngữ khoáng đạt chốn làng quê Việt Nam. Điều khác biệt ở thể thơ Bút Tre là người sáng tác không phải là một tác giả cụ thể, mà là dân gian nhiều người sáng tác rồi truyền khẩu. Thơ Bút Tre là một hướng phát triển mới – Rút lấy cái cốt lõi của văn chương bác học mà trả về với hơi thở dân gian tự nhiên, chân chất mà sảng khoái. Bút Tre – Đặng Văn Đăng – người tiên phong cho một hướng đi ngược lại với văn chương hàn lâm, bác học, trả lại cho văn hóa dân gian cái chân chất vốn có của ngàn năm thôn quê, mộc mạc mà dễ gần, dễ nhớ.

Theo: www.baophutho.vn/van-hoc-nghe-thuat

Không có nhận xét nào: