Hơn 7 tháng qua, giá lợn hơi cả nước
liên tục lao dốc và chạm đáy. Mặc dù giá thấp, nhưng nhiều người vẫn không thể
xuất lợn bởi không có người mua, trong khi hàng ngày bà con vẫn phải cho lợn
ăn. Càng nuôi càng lỗ, đẩy nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Cẩm Khê đứng trước
tình thế “bỏ thì thương, vương thì... nợ”.
Đây không phải là lần đầu tiên lợn
hơi rớt giá, nhưng chưa bao giờ người nông dân lại gặp nhiều khó khăn như lúc
này, giá lợn hơi tiếp tục giảm, chỉ còn 18.000 – 20.000 đồng/kg.
Ngồi cạnh chuồng lợn để chờ lái buôn
tới cân, vẻ mặt bà Nguyễn Thị Chính, ở xã Yên Tập, không giấu nổi nỗi buồn, bởi bán
lứa lợn 80 con này, bà sẽ lỗ hơn 100 triệu đồng.
“Thịt lợn dạo này rẻ lắm, giá xuất
bán tại chuồng chỉ 20.000 đồng/kg mà gọi mãi lái buôn mới chịu vào cân cho”. Bà
cho biết, lợn nhà bà nuôi được đánh giá là loại ngon, nhiều nạc, ít mỡ nên giá
khá hơn. Còn những hộ khác có lợn nuôi quá lứa với trọng lượng khoảng 1,2
tạ/con giờ giá xuất chuồng giảm còn 18.000 đồng/kg.
Theo bà Chính, để bán được lứa lợn
này, bà phải gọi điện đến mối lái thứ 7 mới đồng ý cân lợn hơi giá 20.000
đồng/kg. Những lái buôn trước vào nhìn lợn còn không thèm trả giá, chỉ bảo lợn
ngon từ địa phương khác giờ chỉ có 18.000 đồng/kg, họ đánh cả xe ô tô chở mấy
chục con lợn về một lần.
Không chỉ có giá lợn hơi giảm, giá
lợn giống cũng giảm từ 1,1 triệu đồng/con khoảng 10 kg xuống còn 120.000
đồng/con vẫn khó bán. “Tôi nuôi lợn đến nay đã được đúng 30 năm, chưa bao giờ tôi
thấy giá lợn lại rẻ như hiện nay. Đây có lẽ là thời điểm mất giá và thua lỗ
nặng nề nhất của người chăn nuôi lợn. Hồi cận Tết Nguyên đán, khi đó rẻ nhất
cũng bán được 28.000 đồng/kg”. Bà Chính than thở, với mức giá như thế này, dù
nuôi ít hay nuôi nhiều cũng đều dính lỗ.
Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn văn Hùng
xã Văn Khúc như ngồi trên đống lửa khi 200 con lợn của anh đang đến kỳ xuất
chuồng.
Anh cho hay, cách đây khoảng nửa
tháng, anh xuất chuồng đàn lợn 200 con với giá chỉ 25.000 đồng/kg. Với mức giá
này, gia đình anh đã phải gánh lỗ khoảng 200 triệu đồng. Thế nhưng, lứa lợn
xuất chuồng kỳ này còn bi đát hơn khi thương lái chỉ trả với mức giá 20.000
đồng/kg.
“Giờ thì rẻ hay đắt cũng phải bán
tống bán tháo đi. Chứ càng nuôi càng tốn kém mà lợn quá lứa giá lại càng rẻ hơn.
Nhiều người chăn nuôi lợn ở vùng này, do không chống chịu được mức giá đã giảm
liên tục mấy tháng nay nên đành treo chuồng” – anh Hùng tâm sự.
Bà Trần Thị Thu Hưởng, Trưởng phòng
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cẩm Khê cho biết: Tình trạng giá lợn
hơi giảm mạnh, ở mức thấp như hiện nay do mất cân bằng cung – cầu, không chủ
động được thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thế nên,
khi Trung Quốc ngừng mua, siết chặt việc xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch
thì lợn Việt Nam bị ách tắc đầu ra và giá giảm mạnh.
Thêm nữa, thời gian qua, khi thấy
giá lợn hơi tăng mạnh, người chăn nuôi ồ ạt vào đàn cũng khiến nguồn cung vượt
quá nhiều so với nhu cầu thực tế của thị trường.
Trước thực trạng trên, các địa
phương cần kiểm tra tình hình chăn nuôi và công tác phòng, chống dịch bệnh trên
đàn lợn; tập trung tuyên truyền, vận động các hộ chọn lọc những con giống tốt
để chăn nuôi, cố gắng giữ quy mô, mật độ đàn phù hợp với từng gia đình, không
vì giá thành hạ mà bỏ trống chuồng hay giá nhích lên lại tăng đàn nhanh...
Đồng thời, cần áp dụng các quy trình
chăn nuôi tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chế biến, bảo
quản, dự trữ và sử dụng hợp lý nguồn thức ăn nhằm chủ động phối trộn khẩu phần
thức ăn, tận dụng các nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương để giảm giá thành,
hạn chế rủi ro; chủ động phát triển sản xuất trên cơ sở xuất phát từ nhu cầu
thị trường; dự báo và nắm bắt kịp thời những biến động của thị trường để điều
chỉnh cơ cấu vật nuôi phù hợp; từng bước hướng tới hình thành thương hiệu cho
các sản phẩm chăn nuôi để thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị
trường tiêu thụ với giá ổn định, tạo điều kiện cho người chăn nuôi không bị ép
giá, thua lỗ.
HỒNG HẢI (Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cẩm
Khê)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét