Những
năm qua, huyện Cẩm Khê đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung các nguồn
vốn; lồng ghép hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới với các chương
trình mục tiêu quốc gia khác; tăng cường công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực
từ nhân dân, doanh nghiệp để đầu tư xây dựng nông thôn mới (NTM). Nhờ đó đến
nay bộ mặt nông thôn các xã trên địa bàn huyện đã có nhiều đổi thay đáng kể.
Giao thông nội đồng ở Cẩm Khê hôm nay. |
Thực
hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Cẩm Khê đã khéo
lồng ghép hiệu quả chương trình xây dựng NTM với các chương trình mục tiêu quốc
gia khác; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu
tư cho chương trình xây dựng NTM tại các xã; đảm bảo việc đầu tư hiệu quả, đúng
trọng tâm.
Huyện
Cẩm Khê đã tạo điều kiện thuận lợi để các xã chủ động phát huy nguồn lực tổng hợp;
rà soát, chọn lọc các công trình thật sự cần thiết để đầu theo thứ tự ưu tiên,
có lộ trình cụ thể, tránh nợ đọng khi đã đạt chuẩn sau này. Cùng với việc sử dụng
hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, vận
động, huy động nguồn lực xã hội hóa trong xây dựng NTM. Thực hiện tốt quy chế
dân chủ cơ sở với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, đảm bảo
công khai, minh bạch trong quá trình thu chi, nghiệm thu, quyết toán các công
trình. Nhân dân và các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện tích cực tham
gia, ủng hộ, đóng góp xây dựng NTM dưới nhiều hình thức như: Đóng góp kinh phí,
hiến đất ủng hộ ngày công lao động,...
Giai
đoạn 2011 – 2015, toàn huyện đã huy động được hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư cho
chương trình; trong đó ngân sách Nhà nước 631 tỷ đồng; tín dụng 256 tỷ đồng;
doanh nghiệp, nhân dân và huy động từ các nguồn khác đóng góp để lồng ghép thực
hiện các dự án hơn 160 tỷ đồng. Riêng ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho
chương trình 65 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 28 tỷ đồng, trái phiếu
Chính phủ 36,146 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1 tỷ đồng. Nhân dân đã đóng góp gần
84.000 ngày công lao động để làm giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, có
5.289 hộ gia đình hiến 358.462m2 đất. Nhân dân đã chủ động dịch chuyển bờ
tường rào, cổng để mở rộng 36,4km đường giao thông liên xã, liên thôn, và tích
cực chỉnh trang nhà cửa, cổng vườn khang trang, sạch đẹp. Nhiều công trình, dự
án quan trọng đã hoàn thành và đi vào sử dụng.
Huyện
đã xây dựng 456 công trình trong đó 215 công trình đường giao thông nông thôn đạt
249,6km, 29 công trình thủy lợi, kênh mương nội đồng, 180 công trình nhà văn
hóa, giáo dục và trụ sở UBND xã, 32 công trình khác. UBND huyện phối hợp với
các cơ sở đào tạo nghề tổ chức được 110 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn
với tổng số 3.422 lao động. Nhờ huy động tốt các nguồn lực, qua 6 năm triển
khai, chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt được những kết quả tích
cực.
Đến
nay, toàn huyện đã có xã Phương Xá đạt chuẩn NTM năm 2015; 2 xã Sai Nga, Tình
Cương đã hoàn thiện hồ sơ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017; có 14 xã
đạt 10 – 16 tiêu chí; còn 14 xã đạt 5 – 9 tiêu chí. Đáng chú ý là trong
quá trình xây dựng nông thôn mới, các xã đã chủ động nguồn lực cùng với nguồn
ngân sách cấp trên hỗ trợ, bảo đảm cân đối giữa nhu cầu và nguồn lực, cơ bản
không để nợ đọng xây dựng cơ bản và mất cân đối thu chi tài chính. Trong đó, một
số xã có cách triển khai tích cực, sáng tạo, nhận được sự hưởng ứng tích cực của
người dân như ở xã Tình Cương, người dân đã tự nguyện hiến 1,3ha đất và hàng
nghìn ngày công lao động trị giá trên 20 tỷ đồng, đảm bảo đường liên thôn rộng
7 – 9m, đường liên gia rộng 5 – 6m, xây dựng hơn 200 lò rác thải mi ni gia đình
và cụm gia đình để làm đẹp cảnh quan khuôn viên thôn, xóm; xã Sai Nga một số
tuyến đường làng, chợ được xây dựng theo cơ chế xã hội hóa.
Mục
tiêu đến năm 2020, toàn huyện có 10 xã đạt và cơ bản đạt chuẩn NTM, gồm các xã:
Phương Xá, Sai Nga, Tình Cương, Tuy Lộc, Hiền Đa, Cát Trù, Điêu Lương, Sơn
Tình, Sơn Nga và Hương Lung. Trong đó tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng khoảng
2.500 tỉ đồng, chia ra huy động vốn hàng năm 625 tỉ đồng, trong đó dự kiến vốn
đề nghị Trung ương 358 tỉ đồng, tỉnh hỗ trợ 160 tỷ đồng, vốn ngân sách huyện 52
tỷ đồng, vốn ngân sách xã 21 tỷ đồng, vốn huy động xã hội hóa 34 tỷ đồng. Bình
quân toàn huyện đạt 15,8 tiêu chí/xã, không có xã dưới 10 tiêu chí, mỗi xã đạt
ít nhất 1 tiêu chí/năm trở lên.
Để
đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường công tác lãnh
đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM của
các xã; chỉ đạo các xã đăng ký đạt chuẩn rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai
thực hiện từng tiêu chí cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp. Trong công tác huy
động nguồn lực đầu tư thực hiện các tiêu chí NTM, huyện xác định nguồn lực xã hội
hóa là quan trọng, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân
chung sức xây dựng NTM; có cơ chế khuyến khích, huy động các doanh nghiệp trên
địa bàn tham gia đóng góp thực hiện các tiêu chí NTM. Đồng thời, huyện sẽ thực
hiện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư cho chương trình xây dựng NTM với các dự
án, chương trình mục tiêu quốc gia; có giải pháp huy động hiệu quả nguồn lực từ
đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn; thực hiện các giải pháp tăng thu ngân
sách, cân đối ngân sách địa phương theo quy định để ưu tiên cho các công trình
thuộc chương trình xây dựng NTM.
Cùng
với việc huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng trong xã hội và sự vươn
lên từ chính nội lực, tin tưởng rằng quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa
bàn huyện Cẩm Khê sẽ đạt được những kết quả tích cực theo kế hoạch đã đề ra,
góp phần đưa huyện sớm trở thành huyện nông thôn mới.
MẠNH THUẦN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét