Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Những bóng hồng làm đẹp lều thơ

Lều thơ của CLB Thơ Việt Nam trên Facebook tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) thu hút khách thập phương đến xem văn nghệ và thưởng thức các món ẩm thực. Mời các bạn xem bài ghi chép của Lão Trượng Nguyễn Hải:


Tôi đến Hồ Văn (đối diện với Văn Miếu – Quốc Tử Giám ), nơi đặt lều của các Câu lạc bộ Thơ. Sau một vòng ngắm nghía, tôi nhắm đến vị trí mà cả 34 Câu lạc bộ đều mơ ước.
Tiếng loa phóng thanh mời gọi đại diện các Câu lạc bộ Thơ đến gắp thăm, nhận lều. Tôi chạy vội lại xếp hàng, chen lấn, quan sát, rồi sải cánh tay trái vào. Tôi thuận tay trái, nơi đặt phiếu thăm, sờ sờ vài cái, trong hơn 30 phiếu, tôi nín thở dừng lại ở lần thứ hai, và “liều” rút lấy một phiếu to bằng hai ngón tay, được xếp bằng tờ giấy trắng khổ A5 được gấp làm tám, như mọi người, cầm trên tay rồi, tôi hồi hộp mở hé. Ôi, số 1 cao khoảng 3cm hiện ra dưới cái nền dấu của Hội Nhà văn Việt Nam! Không tin ở mắt mình, chạy vội về cổng hồ Văn, tôi đưa chị An Nhu, đọc và kiểm chứng. Tôi nói An Nhu giữ lấy, đưa hết mọi thứ vào lều số 1, khi nào Ban Tổ chức đến kiểm tra thì An Nhu phải đứng trong lều đưa phiếu ra để chứng minh mình là chủ nhân của số 1.
Lều số 1 nằm ngay mặt bằng đầu tiên, phía bên phải theo hướng từ cổng vào: nơi có sân chơi rộng nhất, nơi dành cho hoạt động ngoài trời có hiệu quả nhất, án ngữ mọi hướng ra vào xuất nhập của hồ Văn. 8h45' một tốp các cô gái trong trang phục áo dài xanh, đỏ, tím, vàng, nhấp nhô từ phía Văn Miếu, lượn đường rẽ ô tô xe máy đi sang, tôi nheo mắt kiếm tìm,... Chà! Một, hai, ba, bốn, năm, sáu. Lục Nương kia rồi, vẫy tay, chạy ra, vội tặng mấy nàng những vòng ôm của người Ha nội rồi chỉ vào lều. Các chị nhanh nhẹn, không ai bảo ai, tự quàng cho nhau dải băng nền vàng chữ LỤC NƯƠNG ĐẤT TỔ màu hồng. An Nhu, Chử Thu Hằng,... quàng dải băng mang tên CLB THƠ VIỆT NAM TRÊN FACEBOOK màu thiên thanh. Tất cả họ làm nên vẻ đẹp của ngày thơ năm nay.
Lạ một cái là họ dạy và đi từ Yên Bái, Phú Thọ về đây hơn trăm cây số, mà sao lại tỉnh tươi đến thế, nụ cười tự nhiên thường trực trên môi, khác với những nụ cười xếp đặt theo khuôn của các người mẫu thời trang. 14h chiều, thêm chị Nụ đoàn Thanh Hóa, chị Mai Hồng Lịch đoàn Yên Bái, và một số chị khác, đeo băng đứng, lượn làm nên đội hình mỹ nữ của làng face Việt. Đẹp mê hồn!
Phụ nữ sinh ra để đẹp và làm đẹp cho mình, cho người, cho xã hội... là thế. Tất cả khách thơ, khách du lịch Tây, Tàu, Hàn quốc, Nhật bản, Mỹ, Châu Âu... ra vào đều phải “chon” chân ngó nhìn, chụp ảnh, cười thân thiện và hát múa cùng, họ không rời khỏi được sức hấp dẫn này, ai cũng muốn nán lại thật lâu để hưởng sức lan tỏa của những người đẹp này. 
Dáng dấp thanh thoát, nhẹ nhàng, tươi tắn, cười bằng cặp mắt hiền từ đen láy, miệng chúm chím điểm cánh hồng, cánh tay thon tròn, thân hình uốn nhẹ, vừa đủ sức thuyết phục để người đối diện gửi đến những tia nhìn không dấu nổi rằng mình bị bùa mê, các làn điệu dân ca được phát ra từ thiết bị âm thanh, hoà quyện với nét đẹp duyên dáng của đội hình mỹ nữ, ai mà cầm lòng nổi trước vẻ thanh khiết, cao sang đĩnh đạc và văn hoá này. 
Gọi là nương, nhưng các chị đa số U50, U60, có chị U70, tất đều là nội tướng và bà nội, bà ngoại,... Viết đến đây, tôi mới hiểu được vì sao các ông chịu để các bà đi ngày hội thơ toàn quốc, mà không giữ ở nhà để mà “lễ quanh năm không bằng lễ rằm tháng giêng”. Hóa ra, các ông cũng muốn khoe bà xã của mình.
Lục Nương đất Tổ dưới vòm trời Hà Nội, cao sang, nổi bật, tôn lên, thả sức uyển chuyển như những dải lụa màu, không bị che bớt hào quang bởi bóng cây của khu du lịch sinh thái Budapest ngày đại hội. Các chị xứng đáng xưng danh LỤC NƯƠNG ĐẤT TỔ và làm nên thành công của ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI. 
Chị Bích Nụ, trưởng nhóm kết nối Thanh Hóa, người nữ sỹ khiêm nhường, đĩnh đạc, đàng hoàng, thiếu chút sức khoẻ nhưng thừa trách nhiệm, nhiệt tình, chị có mặt hầu như khắp mọi nơi, lần này chị đẹp hơn, trẻ hơn cái U70 của mình, chúc mừng chị và anh Hùng, phu quân luôn bên cạnh chị trên khắp các nẻo đường thơ. 
Chị Mai Lịch Hồng, một nữ sỹ vùng sơn cước, người mải mê đem Thác Bà vào thơ. Mỗi vệt chân để lại nơi đâu là thơ nơi đó bay lên, đằm thắm, vui vẻ, nhẹ nhàng, hoà nhã và sở hữu một nụ cười thân thiện thuyết phục mọi người, ai cũng coi chị như người thân thuộc, dễ gần mà nghiêm túc. 
17h30, kết thúc ngày hoạt động đầu tiên, bốn trong sáu Lục Nương vội vã về Phú Thọ để kịp làm cỗ cúng rằm tháng giêng vào sáng hôm sau. Thật tiếc vì thiếu các chị trong bữa mời cơm của chủ nhà Hà Nội. 
Ngày 02/3/2018 Rằm tháng giêng Mậu Tuất. 9h00 Khách lại tập trung đông đúc tại sân lều số 1, uống rượu vang Song Trà của nhà thơ Song Trà, chủ trang thơ Ninh Thuận gửi ra, từng tốp thưởng thức rượu cần Phú Thọ, do chị An Nhu mang về, tạo sự mới lạ thú vị cho người thành phố chụm đầu bên ché rượu cần của vùng cao. 
Ca nhạc, múa, hát, dân ca các vùng miền cả nước, rộn rã như một bữa tiệc âm nhạc tạp kỹ, các điệu múa phụ hoa không dứt cho đến 14h, thời điểm BTC kết thúc chương trình mà mọi người vẫn nán lại giao lưu. 
Chị Chử Thu Hằng, đã đạo diễn chương trình một cách toàn diện, nhờ tài năng chị mà sự kiện diễn ra đúng kịch bản. Nhanh nhẹn, hoạt bát, biết việc, biết người, luôn tươi tắn, làm việc gì cũng nhẹ như lông hồng. Chu đáo đến từng chi tiết. 
Chị An Nhu miệt mài trong suốt hai ngày diễn ra sự kiện, là chủ nhiệm trang thơ fb Yên Bái, nay được trực tiếp làm việc với người phụ nữ này, tôi học ở chị tính khiêm nhường, trách nhiệm đến cùng, nhanh nhẹn, hoạt bát mà chân tình. Lúc nào cặp mắt cũng vui và nhìn thẳng, ít cười nhưng dễ gần, dễ hợp tác. 
Các bóng hồng của CLB còn nhiều tiềm ẩn đầy thi vị và quý trọng, đáng được tôn vinh và ca ngợi. Tôi với con mắt và trình độ viết giới hạn, không thể phản rản đủ, xin được các chị châm chước. 
Giá như Nguyễn Vương Quốc Hoa, hay Tiến Nhân, Đỗ Đức Thắng... không bận quan sát nơi khác, chịu khó quan sát các chị nhà minh, thì các anh đã viết hay hơn, đầy đủ hơn người viết bài này. 
Xin cám ơn và chúc các chị mạnh khỏe, trẻ, tươi đẹp và hạnh phúc mãi. 

Hà Nội, ngày 03/3/2018
NGUYỄN THU HẢI

Không có nhận xét nào: