Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng: Sự trả giá êm đềm sau từng trang viết

        Đỗ Doãn Hoàng từng tâm sự rằng, 15 năm làm báo cũng là từng ấy năm anh trăn trở, vui, buồn cùng nghề... Anh chính là một cánh chim không mỏi trong làng báo Việt Nam – Một người luôn khao khát đi, viết, khao khát đốt cháy mình từ mỗi cuộc hành trình...
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng vừa cho xuất bản cuốn sách thứ 15 của mình, có tên "Cánh chim rừng không mỏi". Đây là tập bút ký phóng sự tập hợp những bài viết của anh đăng trên các báo trong thời gian gần đây, được chọn theo tiêu chí là những bài viết "có tác động xã hội"...
                  
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - Con rể làng Tình Cương.

Tôi gặp Đỗ Doãn Hoàng lần đầu vào năm 1999. Khi ấy tôi mới là sinh viên năm thứ 2 của Phân viện Báo chí và Tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền), còn Đỗ Doãn Hoàng lúc đó đang là cái tên được sinh viên trường Báo chúng tôi nhắc đến như một tấm gương. Khi ấy, Đỗ Doãn Hoàng đang làm việc cho Tạp chí "Thanh niên" Một tờ tạp chí khiêm nhường của Trung ương Đoàn, nhưng tên tuổi thì đã nổi lên như một "cây phóng sự" trẻ tuổi xông xáo và chuyên động chạm đến những vấn đề gai góc, những chuyện ly kỳ trong cuộc sống. Thời điểm đó, Đỗ Doãn Hoàng đã cho ra lò tập phóng sự đầu tay "Trần gian còn một thứ nghề" như một dấu mốc trong cuộc đời làm báo khiến đám sinh viên chúng tôi mắt tròn mắt dẹt thán phục. Tiếp đó, Đỗ Doãn Hoàng lần lượt "đầu quân" cho một số cơ quan báo chí uy tín như Báo Thanh niên, Báo An ninh Thế giới và hiện nay là Báo Lao động. Nhưng dù ở đâu, "vị trí công tác" bất biến của Đỗ Doãn Hoàng vẫn là đi viết phóng sự. Và, đề tài của phóng sự thì luôn là những câu chuyện, những vấn đề nóng hổi đang diễn ra trong cuộc sống.
Đôi lúc, vài người bạn làm báo chúng tôi có dịp ngồi chè chén với nhau, đã tự đặt câu hỏi: "Không biết Đỗ Doãn Hoàng lấy đâu ra sức lực, niềm đam mê để đi và viết nhiều đến thế?". Anh là người luôn giữ được lửa trong mỗi cuộc hành trình dù hành trình ấy là lên đỉnh "nóc nhà Đông Dương", đỉnh Mã Pí Lèng, đỉnh Lũng Cú hay những nơi thâm sơn cùng cốc với những bản người dân tộc thiểu số quanh năm mây phủ… Anh bảo rằng, những cuộc "độc hành" vẫn luôn đem lại nhiều điều bất ngờ thú vị và có lẽ vì thế ta rất khó tìm thấy Đỗ Doãn Hoàng ở những cuộc họp báo nào đó. Bạn bè nói vui rằng, anh là nhà báo không thích "tác nghiệp bầy đàn", toàn đi "đánh lẻ" với vai trò của một người đi tiên phong... 

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng trong một chuyến đi
công tác tại Luông Pha Bang (Lào).

Đỗ Doãn Hoàng vừa trở về từ chuyến đi Tây Tạng với những trải nghiệm thú vị qua nhiều cung bậc cảm xúc. Và, anh lại bắt đầu cắm mặt vào viết. Đỗ Doãn Hoàng rất hay viết về những nỗi đau: nỗi đau phận người, nỗi đau trước một khu rừng bị tàn phá, nỗi đau trước một di tích quốc gia đang bị xâm hại… Đứng trước bi kịch của một số phận hay một gia đình, Đỗ Doãn Hoàng luôn có cảm giác chính anh cũng đang bị nỗi đau về thể chất, tinh thần chứ không chỉ thuần túy là một người đang đi làm công việc "phản ảnh". Có lẽ chính bởi vậy, những dự cảm cũng như câu chữ của Hoàng luôn có sức ám ảnh, lay động người đọc. Chỉ có điều, "cái tật" của Đỗ Doãn Hoàng là anh hay ôm đồm chi tiết nên lắm khi bài viết hóa dài dòng, dây cà ra dây muống...
Đỗ Doãn Hoàng cho biết, "Cánh chim rừng không mỏi" là cuốn sách được anh chờ đợi. Bởi sau những "Trần gian còn một thứ nghề", "Lạc lối dưới chân Bù Chồng Cha", "Ký sự đồng rừng", "Người đàn bà tử tế", "Nến cong và lửa thẳng",… Đây là cuốn sách đánh dấu sự "chia tay" của Đỗ Doãn Hoàng với những bài báo có yếu tố lạ lùng, bí ẩn để đến với những bài báo mà ở đó trách nhiệm công dân, trách nhiệm của một nhà báo chân chính được thể hiện thông qua những vấn đề dân sinh cụ thể và có tầm ảnh hưởng đến đông đảo người đọc. Đó thực sự là những bài báo có tính chiến đấu mạnh mẽ, gây hiệu ứng xã hội tích cực. Hoàng tâm sự rằng: "Bây giờ ở tuổi của tôi, với vị trí và từng ấy bề dày kinh nghiệm, không ai còn đi viết phóng sự nữa. Đa phần họ đã lên làm… lãnh đạo cả rồi và họ bảo tôi là… thằng điên đấy. Tôi tôn trọng, tôn trọng quyết định của bạn bè mình. Rồi có lẽ sẽ đến lúc tôi phải chồn chân mỏi gối thôi…". Hoàng nói vậy nhưng theo quan sát của tôi thì có vẻ ngày ấy với Hoàng vẫn còn… khá xa.
Đã viết hàng trăm phóng sự nhưng lạ thay, Đỗ Doãn Hoàng vẫn luôn đắm đuối với từng con chữ, từng trang viết. Anh nói rằng anh không thể quên những đêm trắng thức bên bàn phím, để khi đọc lại bài báo, anh xúc động đến gai người, có khi bủn rủn vì buồn, có khi trào nước mắt vì thương cảm, và có khi mồ hôi toát ra vì… sợ. Anh nghiệm ra, cứ bài nào viết xong mà anh có cảm xúc như thế là nó tạo nên hiệu ứng xã hội mạnh mẽ. Chính thứ cảm xúc tức thì ấy là "thước đo" về hiệu ứng xã hội khi bài báo được bạn đọc đón nhận: Nó làm thay đổi số phận một con người; làm thay đổi nhận thức, cách đối xử với một vấn đề xã hội đang diễn ra… Và đó chính là động lực để Hoàng đi tiếp trên con đường không hề bằng phẳng mà anh lựa chọn. Theo Hoàng, đó là một "sự trả giá êm đềm" sau từng trang viết mà không nghề nghiệp nào có thể mang lại cho anh.
Đỗ Doãn Hoàng đến với nghề báo bắt đầu từ một nhu cầu giản dị: mưu sinh. Anh mong muốn ra trường là có việc làm, có nơi nhận về công tác để nuôi mình, nuôi em, đỡ đần cha mẹ. Giờ đây, vị trí của Hoàng trong làng báo đã khác nhiều. Cái tên của anh không chỉ nổi tiếng trong làng báo mà còn được nhắc đến một cách trân trọng ở nhiều nơi. Thế nhưng, Hoàng luôn tự nhủ rằng không nên khoanh cuộc sống của mình trong sự viên mãn nào đó mà phải luôn giữ được khát khao sống có ích. Cũng có người lầm tưởng anh là người đi và viết không biết mệt, không biết chán, nhưng theo như Hoàng tâm sự, cũng có khi anh cũng rơi vào cảm giác trống rỗng, chán chường đến độ muốn… từ bỏ cuộc sống. Anh gọi đó là "bi kịch của người cầm bút", giống như dây cót của một chiếc đồng hồ, hết căng lại chùng, rồi hết chùng lại căng: Có khi một đêm anh viết hai phóng sự liền, nhưng cũng có khi cả tháng không viết chữ nào, cũng chẳng đến cơ quan. Thời gian ấy anh dành để chơi với các con. Và với Hoàng, có lẽ đây là cách để anh lấy lại "năng lượng sống". Để rồi lại đi, lại viết, lại lao vào những vấn đề thời sự nóng hổi đang diễn ra với khát khao cháy bỏng "làm cho ra nhẽ", "làm đến tận cùng" một vấn đề nào đó. Anh sẵn sàng một mình đánh xe vào tận Nghệ An để viết bài cho một tờ báo mà không lấy một đồng nhuận bút; sẵn sàng viết để đòi lại sự công bằng cho bất kỳ một ai đó mà không cần đến một lời cảm ơn. Trong làng báo, thật sự cần có những người đầy đam mê và nhiệt huyết như Đỗ Doãn Hoàng. Và trong bất kỳ một cuộc nói chuyện nào với đồng nghiệp hay với sinh viên báo chí, anh cũng luôn muốn truyền năng lượng, nhiệt huyết, niềm đam mê  ấy cho người đối thoại.
Đã 15 năm làm báo, nhưng hình như Đỗ Doãn Hoàng chưa một lần chần chừ trước một cuộc hành trình mà với linh tính nghề nghiệp, anh biết là đầy khó khăn, trở ngại. Anh luôn giữ được tâm thế để đi và viết như một… chiến binh, như thấy đó là sứ mệnh, như thấy có tiếng gọi mình từ trong miền sâu thẳm. Có lúc, Đỗ Doãn Hoàng từng rất bứt rứt muốn ngồi lại để viết văn. Anh đã xuất bản một tập truyện ngắn mang tên "Thung lũng đá mồ côi", tập truyện vừa "Búi thông thơ dại" và từng đoạt Giải Nhì trong cuộc thi truyện ngắn của Báo Tuổi trẻ. Nhưng dường như anh chưa thể "thoát xác" ra khỏi những dữ liệu ngồn ngộn của cuộc sống hàng ngày va đập vào giác quan một cách quá mạnh mẽ. Bởi vậy, có lẽ hiện tại, "sứ mệnh đẹp nhất" của Đỗ Doãn Hoàng vẫn là làm một nhà báo với đúng nghĩa cao cả của nó.
Trong những cuộc trà dư tửu hậu, người ta đã phong cho Đỗ Doãn Hoàng một số danh hiệu rất "đáng yêu" như: "Nhà báo chân dài nhất Việt Nam" (vì có lẽ đến nay anh đang là phóng viên đi đến nhiều nơi nhất); "Nhà báo phong tình nhất Việt Nam" vì được rất nhiều cô gái yêu mến; hay "Nhà báo có tác phong nghề nghiệp chuyên nghiệp nhất Việt Nam" (bởi Đỗ Doãn Hoàng luôn có vài ba cái máy ảnh, ít nhất là 2 cái máy ghi âm trong ba lô và "kho" tư liệu anh thu nhận được suốt từ 15 năm làm báo đến nay vẫn được bảo quản một cách hết sức… nghiêm ngặt).

HÀ ANHTheo: http://vnca.cand.com.vn

2 nhận xét:

Hoàng Tiến Nhẫn nói...

Tay nhà báo Đỗ Doãn Hoàng này là con rể cô giáo Vân ở xóm Gò Đỗ, làng Tình Cương đấy.

Nặc danh nói...

Đăng thơ Loan_ngayxua lên báo đi