Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Cá Anh Vũ – Cá tiến Vua

Vua chúa phong kiến ngày xưa, có lệ, hằng năm, con dân mọi miền phải Tiến (biếu, dâng) cho triều đình những gì ngon nghẻ nhất. Tịnh chưa thấy sử sách hay truyền khẩu nào nói về việc rêu suối là thứ tiến Vua. Nhưng, cá tiến Vua (cá Anh Vũ) thì đích thị là sản phẩm kết tinh từ rêu suối rồi. Đó là loài cá ăn rêu, ăn thứ rêu thanh tao nhất ở những vùng nước xiết nhất, một đời cá ăn nhiều triệu cọng rêu để có được cái tinh túy khiến ông hoàng bà chúa phải “đánh đường” đi tìm kia! Vì mải ăn rêu, mà cá Anh Vũ bị trề, bị trù, bị loe cái miệng gặm vào vách đá của mình ra, để rồi dân gian vinh danh nó là cá Mõm Lợn (mõm trù ra như Trư Bát Giới). Cặp môi, cái mõm được tinh luyện, được ngấm tẩm, được nuôi dưỡng bởi tinh anh của rêu suối đó, chính là thứ quan trọng nhất, ngon ngọt, bổ béo và “huyền thoại” nhất để Vua Chúa “quyết tử” săn lùng cá Anh Vũ. Lẽ ra phải gọi đó là món “Môi Cá Tiến Vua”, một loài cá ăn rêu, lẽ ra phải gọi đó là “Tinh Túy Của Rêu Suối Tiến Vua”. Hương rừng sắc núi, cái kỳ diệu nhất ở thiên nhiên, đôi khi nằm ở chính trong những cọng rêu mà người đời coi rẻ đó. Cá ăn rêu, cá Mõm Lợn, cá Anh Vũ, cá tiến Vua.

Cá Anh Vũ – Cá tiến Vua
Chính tớ (chứ không phải gã nào khác) đã ăn thịt con cá này. Chờ mãi,… đến giờ vẫn chửa được phong vương.

ĐỖ DOÃN HOÀNGTheo: my.opera.com/dodoanhoang/blog

1 nhận xét:

Người Đồng Môn nói...

Vì loài cá này vừa thơm ngon lại vừa giàu chất dinh dưỡng nên từ xa xưa, nó đã được dùng làm thức tiến Vua Chúa. Trong sử sách Việt Nam, nhiều tài liệu có đề cập đến điều này. Sách Đại Nam Thống Nhất Chí có ghi: “Cá Anh Vũ còn có tên là Giả Ngư, sinh sống ở ngã ba sông Bạch Hạc. Hàng năm, cứ đến mùa rét mới có. Vị cá rất ngon mà âm bổ. Từ sông Bạch Hạc trở xuôi thì không có nữa”. Trong sách Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi cũng viết: ”Cá Anh Vũ được dùng làm vật cúng tế thần linh ...”.
Cá Anh Vũ chỉ xuất hiện và đánh bắt được từ tháng 10 dương lịch đến tháng 3 năm sau, nhiều nhất là vào những ngày thời tiết se lạnh, nhiều sương mù. Lúc ấy cá Anh Vũ ra kiếm ăn nhiều hơn. Cá Anh Vũ cũng sống theo bầy đàn nhưng kén nơi nước trong và có nhiều hang đá. Con cá trông dài và na ná như con trôi to nhưng bộ vảy thì óng ánh, sặc sỡ rất đẹp. Và cái đầu cá thì khác thường vô cùng, nó chẳng giống một cái đầu cá nào cả. Cái đầu ấy, cứ nhìn vào là người ta liên tưởng đến một cái đầu lợn con vì nó giống y hệt, nhất là cái môi cá bằng sụn rất to và dày như mõm lợn. Giống cá này ăn uống cũng rất khảnh chứ không ăn tạp như các loài cá sông khác. Cá Anh Vũ chỉ ăn rêu tảo và sống ở nước trong, trong những hang đá sâu và khi nước lạnh mới mò ra tìm mồi. Vì vậy, việc bắt được một con Anh Vũ là cả một kỳ công.
Ngày trước không ai gọi cá Anh Vũ bằng tên thật. Họ đều gọi là cá Lợn, vì mõm cá giống mõm lợn như đúc. Phải nói tránh, vì đây là loài cá cao quý, chỉ dùng để tiến bề trên. Thậm chí, có cá đem bán cũng phải thậm thụt vì chính quyền sở tại không cho bắt cá tràn lan. Con cá Anh Vũ nếu có may mắn bắt được, cũng phải thả vào nước thật sạch và đem đi bán ngay, vì cá này rất dễ chết. Chỉ cần bắt lên bờ thả vào nước không sạch là vài ba tiếng sau cá đã lờ đờ ngửa bụng. Bởi tất cả những sự ấy, con cá lại càng trở nên quý giá. Ngày xưa, chỉ có vua chúa mới được dùng mà thôi.