Có một tử tù kia
suốt đời làm việc tội lỗi, giết người, trộm cướp, lòng dạ rất xấu xa. Trước khi
bị xử tử, anh ta hối hận. Và, để chuộc lại tội lỗi của mình, anh xin hiến trái
tim của mình cho người cần thay tim. Nhưng sau đó không bệnh nhân nào dám nhận
trái tim của anh, vì sợ sau này cũng độc ác như anh!
Văn hoá Đông Tây
tuy có nhiều khác biệt, nhưng đều lấy “tâm” diễn tả tình cảm của con người.
Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của chữ “tâm”.
1. Nghĩa chữ
Tâm:
Chữ Tâm (心) có rất nhiều
nghĩa:
1.1. Nghĩa thông
thường: (dt.) (1) Tim (heart): tâm tạng (quả tim), tâm thất (ngăn bên dưới
trong trái tim). (2) Lòng, dạ, ruột, phần bên trong (inner): tâm phúc (bụng dạ);
không tâm thái (rau rỗng ruột, tức rau muống). (3) Lòng, tình cảm con người
(inner emotion): tâm cảm (inner feelings), tâm phục (thật lòng kính trọng vâng
theo); tâm ý (lòng dạ và đầu óc); đồng tâm nhất trí (cùng một lòng, một ý). (4)
Giữa (center), điểm ở giữa, quy tụ các điểm khác, thường nói về phần giữa đều gọi
là tâm: viên tâm (điểm giữa vòng tròn), trọng tâm, trung tâm. (5) Tên một ngôi
sao trong Nhị thập bát tú, sao Tâm, tức sao Hỏa. (6) Tên một bộ chữ Hán, bộ
Tâm, cũng viết là忄,
khi đứng bên trái.
1.2. Nghĩa tâm
lý và đạo đức: Ngày xưa, người ta ngộ nhận tâm là nguồn gốc của mọi sinh hoạt
tâm lý, nên các tình trạng tư tưởng và tình cảm đều gọi là tâm: tâm tưởng
(thinking); tâm tính (mood), tâm ý (idea). Ngày nay, theo các thí nghiệm tâm
sinh lý, điều đó không đúng nữa. Dầu vậy, tâm vẫn còn được coi là: (1) Tượng
trưng của tình cảm, tình yêu (love): ♥. (2) Khả năng nhận thức sự vật, suy nghĩ
và cảm giác: tâm trí (mind). (3) Khả năng phán đoán về thiện ác theo quy luật đạo
đức: lương tâm (conscience). (4) Toàn bộ các hiện tượng tâm lý, từ cảm giác đến
tình cảm, hành vi, ý chí...: tâm lý (psychic), tâm trạng (mental = tâm thần).
(5) Phần linh thiêng nơi con người, đối lập với thân xác: tâm hồn (spirit, soul
= linh hồn); tâm linh (spiritual).
2. Tâm trong Phật
giáo
Khái niệm “tâm”
của Phật Giáo không đơn giản như các học giả phương Tây lầm tưởng. Tâm được xem
là một trong những phạm trù quan trọng, cơ bản của Phật Giáo. Kinh Pháp Cú, vốn
được xem như Kinh Thánh của Phật Giáo mở đầu như sau:“Tâm dẫn đầu các pháp.
Tâm là chủ. Tâm tạo tất cả”. Một cách khái quát, qua các kinh điển Phật
Giáo [2] người ta có thể phân biệt sáu loại tâm:
2.1. Nhục đoàn
tâm (肉團心): trái tim thịt
(Phật Giáo không để ý nhiều tới nghĩa này). Ví dụ: “Hễ Bồ Tát nghe tiếng bọn
người ác ngoại đạo đem lời dèm pha phá huỷ Phật giái, dường như ba trăm mũi
giáo đâm vào tâm mình” (Bồ Tát Giái Kinh).
2.2. Tinh yếu
tâm (精要心): chỗ kín mật,
chỉ cái tinh hoa cốt tủy. Ví dụ: “Phật pháp lấy tâm làm gốc, lấy thân
và khẩu làm ngọn” (Long Thọ Bồ Tát).
2.3. Kiên thực
tâm (堅實心): là cái tâm
không hư vọng, cũng gọi là chân tâm. Chỉ cái tuyệt đối, cái mầm mống giác ngộ vốn
sẵn có trong mỗi chúng ta, đó là Phật tính:"Căn bản của sanh tử luân hồi
là vọng tâm. Căn bản của bồ đề niết bàn là chân tâm"(Kinh Thủ Lăng
Nghiêm).
2.4. Liễu biệt
tâm (了別心) [3]: gồm
sáu loại nhận thức đầu trong tám thức [4], tức là tri thức giác quan và ý thức.
Căn cứ phát sinh của nó là giác quan, thần kinh hệ và não bộ. Có tác dụng dựa
vào với ngoại cảnh bên ngoài và phân biệt nhận thức chúng: “Tâm buồn cảnh
được vui sao, tâm an dù cảnh ngộ nào cũng an”.
2.5. Tư lượng
tâm (思量心) còn gọi
là Mạt-na thức (末那識) [5]: thức thứ bảy trong tám thức. Một trong các chức
năng chính của nó là nhận lập trường chủ quan của thức thứ tám (A-lại-da thức),
lầm cho lập trường này là bản ngã của chính mình, vì vậy mà tạo ra chấp ngã, là
bản ngã, cái tôi của con người (ego-consciousness). Bản chất của nó là suy
tính, nhưng có sự khác với thức thứ sáu. Nó được xem là tâm trạng của một lĩnh
vực mà người ta không thể điều khiển một cách có chủ ý, thường phát sinh những
mâu thuẫn của những quyết định tâm thức và không ngừng chấp dính vào bản ngã:
“Mạt-na nhậm trì ý thức linh phân biệt chuyển, thị cố thuyết vi ý thức sở y: Mạt-na
nhận lấy ý thức, khiến sinh khởi phân biệt; nên gọi nó là chỗ y cứ của ý thức”
(Du-già sư địa luận)
2.6. Tập khởi
tâm (集起心) còn gọi
là A-lại-da thức (阿賴耶識) dịch nghĩa là tạng thức (藏識) [6]: chứa đựng
mọi kinh nghiệm của đời sống mỗi con người và nguồn gốc tất cả các hiện tượng
tinh thần. Là căn nguyên của mọi hoạt động nhận thức, hoạt động tâm lý; là nơi
lưu trữ những hạt giống sinh ra muôn sự muôn vật, hữu hình hay vô hình. Tâm lý
học phương Tây thường gọi thức này là vô thức hay tiềm thức: “Nhất thiết thế
gian trung. Mặc bất tùng tâm tạo: Tất cả những gì trong thế gian. Đều là do tâm
tạo” (Kinh Hoa Nghiêm).
Phật Giáo không
quan niệm tâm là một cái gì thuần nhất, giản đơn theo kiểu như khái niệm linh hồn.
Theo Ngũ uẩn, tâm không phải chỉ là một cục hay một khối cứng nhắc, mà là
một luồng tư tưởng, một chuỗi dài tư tưởng, có sinh có diệt (khác quan niệm “hồn
thiêng bất tử”), có năng lực (nghiệp lực) được chuyển từ luồng này sang luồng
khác. Cái luồng tâm này với những nghiệp lực là căn bản cho sự tái sinh. Theo
Vi Diệu pháp, tâm không phải là một cá thể, mà là một dòng tâm thức gồm
nhiều loại tâm khởi lên rồi diệt. Khi con người còn sống thì dòng tâm thức lặng
lẽ trôi chảy trong ngũ uẩn, nếu không có một tâm nào khác khởi lên. Khi chết,
dòng tâm thức cuối cùng của kiếp này trở thành dòng tâm thức đầu tiên của kiếp
sau. Duy Thức học khai triển thêm tâm thức là cái biết, căn bản là tạng thức,
chứa đựng các loại chủng tử ... Tóm lại, dù nhìn dưới khía cạnh nào, có thể nói
theo Thiền Tông: Có hai thứ tâm. Một thứ là tâm theo dòng tâm thức, khởi lên rồi
diệt, vì ngũ uẩn bị mê mờ bởi tham ái, dục lạc, vọng tưởng; tâm này được gọi
là Vọng tâm là tâm của chúng sinh. Hai là Chân tâm có tự
tính là thanh tịnh, không sinh diệt, không dao động, thường vắng lặng, là tính
giác của những vị đã giác ngộ, cũng còn được gọi là Tâm Phật.
3. Tâm trong
Công giáo
3.1 Trong giáo
lý
Tùy theo văn mạch
và mối tương quan, “tâm” trong Công Giáo được diễn tả bằng nhiều danh từ khác
nhau: Tim (heart), cõi lòng con người (the depths of one's being), tâm hồn
(mind), linh hồn (soul), lương tâm (consciene).
3.1.1. Dùng từ
“tim” [7] (con tim, trái tim, quả tim) khi muốn nói “tâm” là:
- Trung tâm hiện
hữu của con người.
- Nơi thầm kín của
cá nhân, lý trí hay người ngoài không dò thấu được, chỉ có Chúa Thánh Thần mới
có thể thăm dò và thấu suốt được.
- Nơi con người
chân thật với mình nhất, để chọn lựa sự sống hay sự chết.
- Nơi gặp gỡ để
sống các mối tương giao, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa:
Nơi sống giao ước.
3.1.2. Dùng từ
“lòng con người” khi muốn nói “tâm” là:
- Nơi Thiên Chúa
đã ghi sâu các giới luật tự nhiên của Ngài [8].
- Nơi quyết định
chọn Thiên Chúa hay không [9].
- Nơi có sự giận
dữ và ganh tị là hậu quả của nguyên tội [10].
- Nơi phát xuất
những ý định xấu, là nguồn gốc của mọi tội lỗi [11].
- Nơi Chúa Thánh
Thần sẽ đổi mới, ghi khắc lề luật mới [12].
3.1.3. Dùng từ
“tâm hồn” khi muốn nói “tâm” là:
- Trung tâm của
nhân cách luân lý [13].
- Nguồn phát xuất
các đam mê, đam mê căn bản nhất là tình yêu do điều thiện hảo lôi cuốn [14].
- Nơi Thiên Chúa
đã ghi sâu các giới luật tự nhiên của Ngài [15].
- Nơi cần thanh
luyện để chiến đấu chống lại nhục dục [16].
3.1.4. Dùng từ
“linh hồn” khi muốn nói “tâm” là:
- Nguyên lý thuần
linh nơi con người, nhờ đó con người là hình ảnh Thiên Chúa [17].
- Cái thâm sâu
nhất và giá trị nhất nơi con người [18].
- Sự sống của
con người và cũng là toàn diện con người [19].
- Mầm sống vĩnh
cửu do Thiên Chúa trực tiếp sáng tạo mà con người mang nơi mình [20].
3.1.5. Dùng từ
“lương tâm” khi muốn nói “tâm” là:
- Nơi con người
hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm
tâm họ [21].
- Tiếng gọi con
người phải yêu mến và ra lệnh phải làm lành lánh dữ [22].
- Nơi phán đoán
các lựa chọn cụ thể bằng cách tán thành lựa chọn tốt, tố giác lựa chọn xấu
[23].
Như vậy, một
cách tương đối, có thể hiểu “tâm” là: (1) “tâm hồn” trong tương quan với “thân
xác” trên bình diện con người nói chung. (2) “linh hồn” trong tương quan với
“thể xác” trên bình diện con người tôn giáo. (3) “lương tâm” trong tương quan với
“thiện ác” trên bình diện lý trí. (4) “cõi lòng” trong tương quan với “thân
xác” trên bình diện ý chí. (5) “trái tim” trong tương quan với “yêu ghét” trên
bình diện tình cảm.
3.2 Trong thực
hành
Đạo Thiên Chúa bắt
nguồn từ “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4, 8), vì Thiên Chúa đã yêu thế
gian đến nỗi phó nộp Con Một của Người cho thế gian (x. Ga 3,16): "Ðức
Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi, đó là bằng
chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta" (Rm 5, 8).
Bởi đó, có lệnh
truyền “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga
13, 34). Ai ghét bỏ tha nhân, kẻ ấy không còn là môn đệ của Chúa Giêsu nữa: “Người
ta căn cứ vào dấu này để nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng
yêu thương nhau” (Ga 13, 35).
Kitô hữu có bổn
phận “huấn luyện lương tâm” [24] và “thanh luyện tâm hồn” [25] để thể hiện chữ
tâm: “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực” (Mc
12,30), để đi cho đến tận cùng sự sống là “chết cho người mình yêu” (x
Ga 15,13-14) khi ấy, Kitô hữu hoàn tất cuộc đời mình trong chữ tâm. Đó là lý do
mà xưa kia người Việt gọi Đạo Thiên Chúa là “Đạo Yêu Thương” vậy.
4. Kết luận
Trên bình diện hữu
thể luận: “Tâm” trong Phật Giáo và Công Giáo có ý nghĩa khác biệt nhau. Tuy
nhiên, cả hai đều có thể nhất trí rằng: Con người có thể và cần phải điều chỉnh
đào luyện cái tâm của mình, nỗ lực thanh lọc tâm được thanh tịnh, giải thoát
tâm khỏi tham ái, dục vọng, ích kỷ, hận thù.
Trên bình diện
tâm linh: Đối với Phật Giáo, niềm tin về sự tương thuộc các pháp và về luật
nhân quả cũng như quyết tâm đi đến giác ngộ là những nguồn cảm hứng mạnh mẽ để
phát huy tình yêu đồng loại và lòng từ bi. Còn đối với Công Giáo, niềm tin vào
Thiên Chúa đem lại sự gần gũi với Đấng Thiêng Liêng và khuyến khích họ vun trồng
lòng bác ái và tính vị tha. Và, điều hiển nhiên là: Con người ai cũng có thiện
tâm thì thế giới sẽ yên trụ mãi mãi; con người có ác tâm thì thế giới sẽ huỷ diệt.
Muốn đạt tới được
mong ước của Đức Hồng Y Gioan Baotixita: “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên
hạ” hay “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, để canh tân giáo phận, đều cần đến thiện
tâm.
Lm. Stêphanô HUỲNH TRỤ
______________________________________________________
Ghi chú:
[1] Tâm 芯:
bấc, tim đèn, tên một thứ cỏ, xưa dùng làm tim đèn: đăng tâm (tim đèn).
[2] Bốn quyển Lăng Già Kinh Chú nêu ra 2 tâm: Hãm-lật-đà
(Tự tính thanh tịnh) và Chất đa tâm (Lự tri tâm). Chỉ Quán nêu ra 3 tâm: Chất
đa tâm, Hăn-lật-đà tâm (Thảo mộc tâm), Hi-lật-đà tâm (Tính tập tinh yếu tâm). Ðại
Nhật Kinh Sớ nêu ra 2 tâm: Chất đa tâm và Cán-lật-đà tâm. Cán-lật-đà tâm gồm có
2 nghĩa: Nhục đoàn tâm và Chân thực tâm. Trong Duy Thức Luận Thuật Ký và Duy Thức
Khu Yếu, tông Pháp Tướng nêu ra 3 tâm: Chất đa (tâm), Mạt-na (Ý), Tì-nhã-để (thức).
Tông Kính Lục nêu ra 4 tâm: Hột-lị-đà tâm (Nhục đoàn tâm), Duyên lự tâm, Chất-đà
tâm, Kiền-lật-đà tâm (Kiên thực tâm). Tam Tạng Pháp Số quyển 19 nêu ra 4 tâm:
Nhục đoàn tâm, Duyên lự tâm, Tích tụ tính yếu tâm, Kiên thực tâm. Tóm kết lại
có 6 loại tâm.
[3] Liễu biệt: (1) Biết, nhận biết, nhận thức; hiểu
biết sự vật một cách phân biệt; (2) Cho thấy, làm cho biết, diễn tả, hiện hành;
(3) Thấy, nhận biết.
[4] Phật Giáo quan niệm có tám loại hình tướng của
tâm gọi là bát thức (thức là sự phân biệt, phân tích, phân loại và nhận biết đối
tượng). Tám thức này bao gồm năm thức giác quan: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức,
thiệt thức, thân thức; ý thức; mạt-na thức (tương ứng với ý niệm về bản ngã) và
a-lại-da thức (là kho chứa mọi dấu ấn từ kinh nghiệm của mình). Sự phân chia
tám thức chỉ là một phương tiện để dễ tìm hiểu những mặt khác nhau của thức; nó
không phải là cố định như thế. Thực ra, tám thức ấy chỉ là tám tác dụng hay tám
cách biểu hiện của nhận thức, chứ không phải là “tám cái tâm” riêng rẽ, biệt lập.
Tuy là có tám thức, nhưng các thức đều liên hệ mật thiết với nhau; tuy một mà
là tám, tuy tám mà là một, cho nên chúng có thể thu về một mối, đó là thức - tức
là căn bản thức hay a-lai-da thức.
[5] Mạt-na (S: manas) thường dịch sang chữ Hán là Ý.
Theo Duy thức học, mạt-na được xem là cứ điểm sinh khởi những quan niệm sai lầm
về ngã (ngã si, ngã kiến, ngã mạn) và những phiền não do kết quả từ những quan
niệm sai lầm trên.
[6] A-lại-da thức (S. ālayavijñāna) còn gọi là
A-đà-na, Như Lai tạng, chân thức hay thức căn bản; A-lại-da (S. ālaya) nghĩa là
tàng trữ, chất chứa duy trì mọi tập quán, xu hướng, ảnh tượng lưu lại trong mỗi
người.
[7] Xem Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (GLHTCG), số
2563.
[8] GLHTCG, số 1958.
[9] x. Dt 6, 5; 29, 3; Is 29, 13; Ed 36, 26; Mt 6,
21; Lc 8, 15; Rm 5, 5.
[11] Mc 7, 18-21, GLHTCG, số 1873.
[12] GLHTCG, số 715.
[13] GLHTCG, số 2517.
[14] x. Mc 7,21, GLHTCG, số 1764-1765.
[15] GLHTCG, số 1954.
[16] GLHTCG, số 2517.
[17] GLHTCG, số 363.
[18] x. Mt 26-38 và Mt 10, 28; 2Mac 6, 30.
[19] x. Mt 16, 25-26; Ga 15, 13 và Cv 2, 41.
[20] GS 18, 1 ; x 14, 2. GLHTCG số 33.
[21] GS 16, GLHTCG số 1776.
[22] x. Rm 2, 14-16.
[23] x. Rm 1, 32, GLHTCG số 1777.
[24] Xem GLHTCG số 1783-1784.
[25] Xem GLHTCG số 2532.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét