Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Phận tôi đòi, ăn cơm trộn… dầu hỏa!

Lời dẫn:
Nhân vật sắp trò chuyện với chúng ta là một người đàn ông. Sáu tuổi, miệng còn hơi sữa, ở trần truồng, chửa biết chỗ nào khác ngoài gốc mít đống rơm nhà mình, cậu bé tên Vẽ được “bán” làm con nuôi cho một ông thư lại hiếm muộn của giặc Pháp, bị đày đọa trần đời có một bởi một “chúa bà” (địa chủ) tàn độc, nai lưng bé thơ ra làm như con bò con trâu bất kể đêm – ngày, nóng – lạnh, khỏe – ốm. Từng phải ăn ròng rã nhiều tháng bằng thứ cơm gạo trộn dầu hỏa dầu luyn chỉ vì một lần mải chơi chắt chơi chuyền ở đầu cổng. Lớn lên, trốn theo bộ đội cụ Hồ đi đánh giặc, bị giặc bắt, trên những chuyến tàu chở tù binh lạnh ngắt lưỡi hái tử thần, từng trực tiếp tay không đấm chết nhiều tên chỉ điểm (mật thám) người Việt trên những nẻo đường “lưu đày” khiến giặc Pháp sợ xanh mắt mèo. Dăm năm đằng đẵng, bị tù đày tận khổ khắp Hỏa Lò, Hải Phòng, ra chuồng cọp Côn Đảo. Sau cải cách ruộng đất, chính bà mẹ nuôi của Vẽ phải thắt cổ tự tử trong căn nhà hoang vắng khi đang mang thai, chính bố nuôi đi ở tù vì dính “thành phần” quá nặng. Giữa lúc ấy, ba mươi năm sau kể từ ngày lưu lạc, tình cờ có người mách nước rằng anh Vẽ cũng còn có một… quê hương ở nơi nào xa lắm, anh là đứa con bị đem cho đem bán. Kỳ công tìm về làng theo cái sơ đồ nghệch ngoạc vẽ của một người tù sau cải cách, chàng Vẽ tìm về cố hương: bố đã bị giặt Pháp giết, gia đình ly tán không ai còn nhận ra gương mặt đứa con bất hạnh phiêu bạt 30 năm trời kia nữa. Trên ban thờ nghi ngút khói nhang, anh Vẽ nhận ra là “bài vị” của… chính mình. Cuối đời, họa vô đơn chí: vì đưa toàn bộ hồ sơ “thành tích” của mình cho một cán bộ xã xem xét, cơn lụt lội ngẫu hứng tràn qua, ông Chủ tịch xã bị đột tử, giấy tờ bị nước sông Hồng cuốn mất, cụ Vẽ đành sống không có chế độ gì, sống một mình trong căn nhà vách lá tồi tàn ở xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ…
Ông già bệnh tật sống một mình, căn nhà lợp lá cọ, vách đất và con chó nhỏ.
Quá trình bị hành hạ “lao động khổ sai” từ khi lên bảy tuổi đầu, thời kỳ dài bị tù đày ở những địa ngục trần gian khét tiếng nhất đã làm cho ông Vẽ, ở tuổi 75 biến thành một cái ổ bệnh tật tang thương. Đi lại dò dẫm, dạ dày đau, dây thần kinh đau đến mức mỗi lần muốn đứng lên ngồi xuống, phải thọc cả tứ chi xuống mặt đất mà từ từ bẩy, ẩy, dướn, toàn thân đau như hành xác. Người ta bảo, nếu có tiền, phải thay mấy cái dây chằng ở cột sống. Cơm niêu nước lọ. Căn nhà lợp lá cọ giữa bạt ngàn xanh của sắn rù, cọ già, rơm rạnó có cái vẻ thơ mộng của sự khốn khó. Ông Vẽ thường ngước lên ban thờ, ở đó có ông bà ông vải, bố mẹ, chốn nương náu cuối cùng mà càng phiêu dạt nhục nhằn, càng về cõi già nua, ông mới lại càng thấy đau đáu, thiêng liêng. 
Đầu giường ngủ của ông, có một trái tim khổng lồ vẽ nghệch ngoạc bằng cách dùng vật cứng, vật to, xiết vào lớp đất nhẵn trên bức tường hậu của ngôi nhà trình đất đồi bán sơn địa đỏ quạch, lồng giữa trái tim lớn là hai chữ “Vẽ + Rễ”. Bà Rễ là vợ ông, bà cũng là người đầu tiên mà ông trông thấy, khi ông tìm cách hỏi thăm về lại nơi chôn nhau cắt rốn (sau 30 năm biệt tích, không còn ký ức gì, vì khi đi mới chỉ 6 tuổi đầu). Thế mà bà vợ Rễ của ông đã “đi” được gần chục năm, để lại ông cô quạnh. Không hiểu sao, tôi cứ nghĩ rằng ông Vẽ đã vẽ trái tim ấy lên bức tường trang trọng ở đầu giường, ở sát nơi đặt ban thờ đồ lễ thanh bần của tổ tiên ông, nơi trước khi ông về, có bát nhang thờ cúng giành cho ông! Có thể vì ngại, cũng có thể vì tôi nhầm, ông Vẽ bảo: “Không phải là tôi vẽ. Trẻ con nó vẽ đấy mà”. 
Rồi ông rơm rớm nước mắt lôi ra một danh sách những người vừa được nhận hơn triệu bạc tiền… tù đày (bị giặc bắt), trong đó có tên ông Vẽ. Thôi thì cả đời làm hạt bụi buốt xót, trớ trêu của cõi trần ai, trong một giai đoạn lịch sử lắm chuyện dâu bể như thế, được thế hệ sau ghi nhận tí ti công trạng, cũng gọi là cho nó đỡ tủi phận. “Mình đã đổ máu, đã thừa sống thiếu chết cho công cuộc giải phóng dân tộc cơ mà”. Ông ngồi bần thần dưới mái nhà lợp lá cọ đen đúa cũ càng, ông hướng mặt ra phía rừng cọ trăm tuổi đang lên lá non. Lá cọ dửng lên trong nắng, nắng tràn đổ trên mắt cọ rợp mi tròn, trông giống như những đàn chim công đang cong xòe đuôi ra múa. “Chỉ có điều, trăm năm đời cọ già, nó chỉ dâng cho đời được 12 cái lá mới (ứng với 12 tháng của năm), mỗi lá, bán ra thị trường, mỗi lá được sáu trăm đồng tiền Việt Nam (đủ để mua một túm hành lá) thời cực kỳ mất giá, trong khi thuê người ta trèo, đẵn mỗi tàu lá là mất ba trăm đồng rồi, cháu ạ. Giọng ông Vẽ thê lương. Giữa lúc, lửa trong bếp cháy lan, ông già cơm niêu nước lọ lại “nhà anh thông cảm nhá” rồi tá hỏa dò dẫm đi vào vùng khói bếp mênh mang. Trong ấy, có hai cái niêu bé bằng vốc tay.
Ông Vẽ và người anh ruột già nua. Sau nửa đời phiêu bạt, không còn ký ức, được gia đình thờ cúng trên bàn thờ. Ông Vẽ đã trở về!
“Tôi sinh năm nào, tất nhiên là tôi chẳng thể biết được. Bố mẹ thôi càng chả quan tâm, mà trước khi ông bị Pháp bắt đi tù đày rồi giết chết, tôi cũng chả có ở nhà để mà… (nếu có muốn) hỏi. Mới đây, nghĩ rằng mình cũng “đến cõi”, muốn nhớ lại chuyện cũ kỹ, tôi mới hỏi mấy người bạn già, họ bảo: bố mẹ tôi bảo tôi sinh cùng trà trật với bác, có nhẽ bác sinh khoảng năm 1930 gì đó. Còn các cái Giấy Chúc thọ treo trên bờ tường do Hội Người cao tuổi cấp hàng năm, người ta cứ ghi bừa tôi sinh năm này năm nọ, tôi chả chấp làm gì.
Bố tôi tên là Đỗ Văn Khai, sinh ở chính cái xóm Đàng, xã Tình Cương này. Mẹ tôi tên là Trần Thị Sương. Ông bà sinh được 7 người con. Khoảng xấp xỉ năm 1937 gì đó, nhà nghèo, đông con, lại có cái ông Tham Hồ (làm chức “tham” – như thư ký – cho quan Tây, Pháp) ông ấy qua lại khu vực này để… làm đường cho tỉnh Phú Thọ. Ông Hồ làm thư ký cho đám mũi lõ mắt xanh, nhưng ông này cũng có thư ký riêng là người Việt. Ông thư ký riêng ấy tên là Kế (làng gọi là Ký Kế), là người hàng xóm nhà tôi. Vợ chồng ông Tham Hồ lấy nhau chục năm chả có con cái gì, đi xem bói người ta bảo phải xin con nuôi thì mới đứng đầu đứng số. Chứ là, nếu để yên thì có sinh được con, nó cũng “Vân giá phiêu phiêu” (hữu sinh vô dưỡng). Ông Tham Hồ đặt vấn đề với bố mẹ tôi, thì nhà nghèo, bảy đứa con,, đang chả có cái gì mà ăn, lại thấy người ta tử tế, sang trọng, bố mẹ tôi đồng ý. 
Nhà tôi, bấy giờ có một cái điện thờ tương đối lớn, bố tôi là thầy cúng. Điện thờ lúc nào cũng có con nhang đệ tử ra vào, hàng trăm cái bát nhang xếp tầng tầng lớp lớp trong nhà, bố tôi “hô phong hoán vũ” phán việc đời bằng cách dùng que nhang đang cháy đỏ viết múa lên mặt các tấm gương lớn. Thậm chí, những kẻ cuồng tín con vừa hò hét, trùm vải đỏ lên đầu, vừa tự khóc than, dùng răng mình cắn đứt đầu lưỡi mình để phè phè phun máu tươi ra không khí. Trông họ giống quỷ hơn là thứ ma quỷ mà họ đang cầu khấn. Bố lập điện thờ với niềm tin ma tà lú lẫn, nên nhà tôi càng nghèo. Và bố tôi tin, nếu đem tôi cho ông Tham Hồ nuôi, sẽ tốt cho cả hai gia đình, cả đường âm lẫn đường dương. (Sau này, 30 năm sau tôi trở về làng, tôi nghe kể: ở gần làng tôi có cái đồn điền của một ông mà bà con quen gọi là Chủ Chè (địa danh này, vườn tược này hiện nay vẫn còn tại xã Tình Cương), tức là ông ta án ngữ cái mỏm đất rất là phong thủy đẹp ở gần sông Hồng. Đất ấy ở gò cao, ở đó trồng toàn dứa và chè trong nhiều năm. Bà đầm (vợ ông) quần là áo lượt hay lượn qua “trang trại”, một lần mới đánh rơi cái dây đồng hồ cùng một con dao mỏ cò (bé xíu) ở khu vực đầu làng tôi. Bà ta cho binh lính đến tra khảo cả làng để tìm bằng được cái con dao nhíp. Sau này, vì nghi cho anh trai tôi nhặt được mà không chịu trả, bà cho lệnh bắt giam bố tôi vào. Chuyến “đi ở tù” vô lối đó, cũng là lần cuối cùng gia đình và làng xóm nhìn thấy bố tôi!!!).
Người ta cho tôi mặc quần, mặc áo vào, nhét rất nhiều bánh kẹo vào tay tôi. Rồi bảo anh Văn (anh trai tôi) cõng tôi qua đò Tình Cương, vượt sông sang bên kia, ở đó có xe tay đang chờ, người ta kéo đưa mình sang thị xã Phú Thọ để đón tàu đi về Tổng Phù Chuẩn, dưới Tiên Sơn, Bắc Ninh làm con nuôi ông Tham Hồ. Ông Tham Hồ tử tế với tôi và gia đình tôi, kể cả từ lúc xin tôi vượt sông Hồng, kể cả đến những ngày ông bị cách mạng bỏ tù mà tôi là anh bộ đội về “thực thi chính sách cải cách”, ông chính là người vẽ đường cho tôi tìm về quê cũ. Chỉ có điều, mải công tác, ông chẳng để ý việc nhà, mặc cho bà vợ quỷ quái của ông hành hạ tôi suốt nhiều năm.
        Nguồn cơn ai oán là như thế này. Tôi làm con nuôi nhà ông Tham Hồ được 2 năm thì bà ấy bắt đầu có chửa. Bà ấy đẻ hai đứa con, sau này ông Tham Hồ lấy vợ bé, cũng đẻ thêm mấy đứa con nữa. Nghĩa là tôi bị bà ấy ném ra rìa, ông là người biết nghĩ, thì vẫn tử tế với đứa con “đầu lòng” là tôi, nhưng năm thì mười họa ông trở về, thấy tôi vẫn sống là ông chả hỏi han gì nữa. Có lần tôi không chịu nổi sự đày đọa của bà vợ ông Tham Hồ, tôi đã từ thị xã Bắc Ninh, trốn ra khu vực Cầu Đuống, ăn ngô bí sống, bắt tôm gạo (tôm nhỏ) ăn sống qua ngày – ông Tham Hồ về, nghe tin dữ, ông đã cho binh lính cưỡi ngựa đi tìm tôi bằng được. Tìm, “bắt” về và chăm sóc rất cẩn thận. Năm sau, tôi còn rủ bạn “nô bộc” của mình đi trốn theo bộ đội, vì ở nhà quá cay nghiệt, hãi hùng, trong khi đi lính thì thấy rất là… đông vui. Nhưng người ta không nhận chúng tôi, vì còn quá trẻ con. Lần ấy, ông Tham Hồ cũng lại tức tốc đi tìm, sợ tôi nghĩ dại ra cầu Đuống tự tử. Nhưng. Ông đi rồi, tôi lại trở thành trâu ngựa tí hon cho bà ầy cưỡi đầu cưỡi cổ.
        Lên 10 tuổi tôi đã phải đi cày. Trước khi cày, là phải cắt đủ 3 gánh cỏ phục vụ trâu bò. Cỏ xếp làm sao để mình leo lên trên đám cỏ mà giậm nhún nó không lún được nữa, thì mới là “gánh cỏ thật thà” (từ mà “mẹ nuôi” tôi hay dùng). Bà chủ giám sát từng li từng tí. Mình cày, lại phải thay mặt “bố mẹ nuôi” chăm sóc các ông bà thợ cày thợ cấy, trên bờ ruộng lúc nào cũng có một rổ khoai lang và một bình nước vối lớn. Ai đói lên ăn, ai khát tự khắc mà uống, ăn một củ khoai lang, làm trâu ngựa cho nhà ấy cả ngày chưa thấy đói. Trưa, về nhà, tôi đi vớt một gánh bèo, hái một gánh rau muống, tranh thủ giắt hai cái giỏ bên hông đi bắt cua. Về nhà, bóc, tách, giã, lọc cua cho bà ấy ăn. “Thưa mợ, con đi lấy bèo về ạ”. Mợ hì hụp ăn canh cua, mình cầm cái vồ đập đất đi đập bèo, đập rồi lọc, rửa sao cho bèo trắng ra, sạch bong như rau cỏ cho người ăn thì mới được “mợ” ậm ừ ghi nhận. Nếu bèo chưa “tử tế” thì bà ấy lại dùng chính cái vồ ấy để đánh tôi.
        Ngay từ hồi đó, tôi đã cay đắng nghĩ, đời mình cứ như cỗ máy, chứ chả phải cái con người. Lúc nào người ta cho nghỉ thì mình được nghỉ, người ta bật nút ra lệnh là mình phải làm quần quật. Độ ấy, ông gửi nhiều tiền về, bà “mẹ nuôi” tôi mới mua một ngôi nhà ở khu vực Cầu Đuống (Yên Viên ngày nay) để buôn bán. Bà giao cho tôi trông nhà kho. Đang tuổi mải chơi, tôi mới đánh chắt đánh chuyền ở trước cửa nhà kho với con trai ông thợ mộc hàng xóm. Lẽ ra tôi phải đi tuần tiễu vòng quanh nhà kho. Tôi trẻ con, cứ ngỡ ngồi trước cửa là an toàn rồi. Trộm nó mới trèo từ phía sau, lên mái nhà kho rỡ ngói ăn trộm mất cái gì, tôi cũng chả biết. Chỉ biết là tôi thấy bầu trời trong nhà nó sáng. Mợ ơi sao nóc nhà lại thủng. Mất trộm. Trộm nó lại còn đánh đổ một thùng dầu hỏa, dầu luyn vào một cái tải gạo lớn (bà ta buôn đủ thứ). Bà bắt tôi phải phơi khô thứ gạo trộn luyn đen ấy lên, để tôi tự đem nấu mà ăn vào mồm hằng bữa cho… biết xót của, cho nhớ đời. Bà bảo, cứ hoang phí thế, kiếp sau tôi sẽ thành con quỷ đói, nằm dưới cống rách thè lưỡi đỏ ra bòn cóp từng hạt cơm thừa, từng giọt canh cặn, tôi nghe mà sởn gai ốc. Trước khi vụ trộm xảy ra, hai “mẹ con” tôi chỉ có một nồi cơm chung, nay có hai nồi nhỏ riêng rẽ. Nồi của bà thơm phức gạo hảo hạng. Nồi của tôi là gạo trộn dầu, luyn. Bà bắt tôi ăn, bà giám sát từ đầu đến cuối bữa, bà bảo, nếu không ăn bà sẽ đánh cho chết luôn. Tôi nghĩ, ăn xong thứ cơm gạo tẩm dầu luyn như chan tương đổ mẻ này thì mình sẽ chết, hoặc sẽ đứt ruột, thối ruột. Nhưng, lạy giời, tôi không chết. Ăn mãi mà không hết tải gạo trộn luyn. Tôi hãi quá mới bỏ trốn, đi dọc đường tàu hỏa, nằm bẹp suốt ngày đêm ở cái rặng suối ở bờ sông Đuống.
Tối, tôi mới dám lẩn ra ruộng bãi ăn trộm ngô, bí, dưa để sống. Sau này, ông Tham Hồ về, không thấy tôi mới cho người đi tìm cả tháng ròng. Đáo về quê Tình Cương nhà tôi dò hỏi cũng không thấy, nghĩ là tôi chìm sông lạc suối ở đâu rồi, ông Tham Hồ bèn khóc lóc báo cho gia đình là tôi đã chết vì bệnh tật chẳng may. Gia đình cứ theo cái ngày nhận tin ấy mà cúng giỗ cái đứa con bạc mệnh, “chết” khi mới hơn chục tuổi đầu. Mãi sau, ông Tham Hồ thuê cả một toán người cưỡi ngựa đi tìm tôi. Tìm thấy tôi trên cầu qua sông Đuống, người ta bế thốc tôi, vác ngang thân tôi lên ngựa phi nước đại về báo tin cho ông Tham Hồ, ông nhìn thấy tôi, ông lao ra lạy trời tế đất, “mày chết đường chết chợ thì “bố” chết cũng chả nhắm được mắt con ơi. Vẽ ơi!”. Ông quay ra mắng vợ, bà ấy chẳng nói gì, chỉ lỳ lỳ cái mặt ra, ông đi công cán rồi, bà lại tra tấn tôi như cũ.
Bà ấy ác đến mức, sau này, vào thời kỳ 19541955, khi cải cách ruộng đất, đội (nhất đội nhì giời) người ta về đấu tố gia đình nhà ông Tham Hồ. Ông chỉ một mực xin tha tội, biết tội rồi, nhưng ông vẫn phải thật thà công nhận là vợ ông quá ác độc, đày đọa người ở con sen đủ đường. Đến mức, khi nông dân ở cái làng đó (xung quanh là làng Ve, làng Lộc) người ta cho vợ ông Tham Hồ một khoảnh đất hoang cuối làng, dựng túp lều ở gá, bà ta đã biết tội, đã quá ân hận, đã thắt cổ tự tử. Bà tự tử khi bụng mang dạ chửa, mấy ngày sau người ta mới phá cửa xông vào đem đi mai táng qua quýt ở nơi nào tôi cũng chả biết nữa. Một ám ảnh kinh hoàng nhất với tôi, là cảnh bà “mẹ nuôi” treo cổ đó (mà tôi nghe kể lại)… Tôi biết chuyện, không dám đến thăm, bởi “quy định” hồi đó rất kinh khủng. Mình lớ vớ đến thăm, có khi người ta lại quy cho mình đồng lõa với “thành phần bóc lột”. Ngay cả cái việc sau này tôi làm Bí thư chi Đoàn thanh niên của xã mà tôi đã bị đày đọa nhiều năm kia, tôi muốn gặp tâm sự vài lời với ông Tham Hồ, “bố nuôi” của mình, tôi cũng phải xin phép “cấp trên”, rồi cho người cùng gặp gỡ (kiểu như giám sát), mà tôi gặp cũng chỉ là mong muốn tìm lại tung tích của mình, cha mẹ mình liệu có còn sống hay không. Cái thời ấy nó thế".
Ông Vẽ và tấm Huân chương Kháng chiến công nhận chiến công phục vụ cách mạng.
Bài & Ảnh: ĐỖ LÃNG QUÂN  – Theo: my.opera.com/dodoanhoang/blog

Không có nhận xét nào: