Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

Hội thảo khoa học "Di sản Bút Tre"

Sáng 11-4, tại Trường Đại học Hùng Vương, UBND tỉnh giao Trường Đại học Hùng Vương phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh và UBND huyện Cẩm Khê tổ chức hội thảo khoa học “Di sản Bút Tre” với chủ đề “Thân thế, sự nghiệp và sức sống của thơ Bút Tre, những vấn đề nghiên cứu và giải pháp bảo tồn – phát huy”. 


Tới dự hội thảo có các đại biểu: ông Vi Trọng Lễ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phạm Dụ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phú; các vị đại diện: Ban Tuyên giáo Trung ương, Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển; đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh, lãnh đạo huyện Cẩm Khê cùng đông đảo giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học, nhà quản lý các trường đại học, cao đẳng khu vực phía Bắc.
Nhà thơ Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng (1911 – 1987) quê ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê. Ông là một trí thức có trình độ Tây học, thông thạo tiếng Pháp, có quá trình công tác lâu năm trong ngành văn hóa và có công tổ chức sưu tầm, khảo cứu, đóng góp lớn vào việc phát hiện văn hóa Sơn Vi và văn hóa Phùng Nguyên, góp phần khẳng định thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử. Đặc biệt, Bút Tre còn là người khởi nguồn trào tiếu dân gian, khởi tạo dòng thơ, lối thơ, phương thức sáng tạo, tu từ mới có sức lan tỏa, tạo nên hiệu ứng cộng hưởng kỳ lạ. Ông tiếp thu và sáng tạo một dòng thơ dân gian, có giọng điệu khác với những thể loại thơ ca đương thời. Ngay sau khi ra đời, những câu thơ của ông lập tức thu hút sự chú ý của bất cứ ai từng đọc, từng nghe. Không ít các nhà thơ đương thời cho rằng thơ Bút Tre là loại thơ mang phong vị dân gian, lời lẽ nôm na, tự nhiên, đôi khi cảm thấy như thô tục. Song người ta cũng không thể phủ nhận chính chất mộc mạc, giàu tính hài hước ấy lại dễ đi vào lòng người, được người đọc, người nghe dễ dàng tiếp nhận.
Mục đích của buổi hội thảo là nhằm tạo ra diễn đàn trao đổi, đối thoại làm sáng tỏ hơn về thân thế, sự nghiệp của Đặng Văn Đăng – Bút Tre, lý giải sức sống của thơ Bút Tre, từ đó đề xuất những giải pháp bảo tồn – phát huy các giá trị đích thực. Tại hội thảo, các giáo sư, phó giáo sư, nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa đã cùng thảo luận, trao đổi và đánh giá cao công lao của nhà thơ Bút Tre – Đặng Văn Đăng trong phát hiện, bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của vùng Đất Tổ, đặc biệt là vai trò, vị trí của thơ Bút Tre trong dòng thơ dân gian Việt Nam.
Kết luận hội thảo, ông Hà Kế San mong muốn các ý kiến phân tích, đóng góp của các nhà khoa học, nhà văn hóa dân gian, nhà quản lý giáo dục và đông đảo người yêu dòng thơ dân gian Bút Tre sẽ được Trường Đại học Hùng Vương tập hợp và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, báo cáo kết quả nhằm khẳng định rõ hơn nữa những giá trị và sức sống của dòng thơ Bút Tre trong tổng thể di sản văn hóa của tỉnh, từ đó đề xuất với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng trong việc thực hiện những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản thơ Bút Tre thời gian tới.

HỒNG NHUNGTheo: www.baophutho.vn

1 nhận xét:

Kim Thanh Tâm nói...

CÁC NHÀ KHOA HỌC, NGHIÊN CỨU VĂN HÓA THẮP HƯƠNG TƯỞNG NIỆM NHÀ THƠ BÚT TRE TẠI XÃ ĐỒNG LƯƠNG

Ngay sau cuộc hội thảo tại trường Đại học Hùng Vương về Di sản Bút Tre; Chiều ngày 11/4, các nhà khoa học nghiên cứu văn hóa gồm các Giáo sư, Phó Giáo sư thuộc Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tới thăm huyện Cẩm Khê và thắp hương tưởng niệm nhà thơ Bút Tre tại xã Đồng lương. Tiếp và làm việc với đoàn có ông Dương Hoàng Hương, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, Bí thư Huyện ủy; Hà Đức Huynh, Chủ tịch UBND huyện; Đỗ Xuân Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện, đại diện Văn phòng UBND, phòng Văn hóa Thông tin huyện Cẩm Khê.

Tại đây, đoàn đã bày tỏ lòng tri ân sâu sắc tới công lao của nhà thơ Bút Tre. Bằng những dòng thơ nhà thơ Bút Tre đã động viên tinh thần cho nhân dân tích cực lao động sản xuất, tham gia chiến đấu và chi viện cho miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Những dòng thơ mộc mạc, giản dị, nhưng lại gần gũi với quần chúng nhân dân luôn mang tính động viên phong trào và đã có sức lan tỏa nhanh trong các tầng lớp nhân dân, có sức động viên rất lớn đối với các chiến sỹ ngoài mặt trận và trong lao động sản xuất, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân thêm phong phú.