Sông Thao sậm nâu, chảy chầm chậm
giữa lau xám, ngô non, giữa hoa dong riềng chấp chới liền kề ruộng lúa chạy một
mạch rồi đứng khựng trước dãy núi được viền chân bởi một vệt rừng cọ, bát ngát,
bạt ngàn. Bắt đầu vượt bến đò Tình Cương dốc đứng, là nẻo đường đất sét gập
ghềnh. Cọ lẫn lúa, cọ lẫn chè, cọ lẫn trong những mái nhà nắng mưa mòn cũ bồi
hồi... Cọ chạy dài đến tận Hiền Lương – nơi là chiến khu xưa. Nhìn ngang thấy
cọ, nhìn xuôi thấy cọ, nhìn lên thấy cọ, nhìn ngược thấy cọ. Ði trên đất Cẩm
Khê, đâu đâu cũng chờn vờn bóng cọ, bóng cọ tiếp nối bên đường như đoàn người
đang chạy tiếp sức. Hai bên bờ sông Thao, bóng cọ nghiêng nghiêng bên sườn dốc,
mầu đất đỏ như vệt son ngoằn ngoèo.
Lâm Lợi ăn đợi nằm chờ
Bên chai, bên chó là người Lâm
Lơi...
Bữa trưa đang đến gần trong rì rầm
to nhỏ từ phía bếp, mùi khói bay lên từ "cẫng" cọ khô dùng nhóm lửa.
Ông cụ thân sinh của họa sĩ, bước đi lắc lư từ ngoài đồi cọ về nhà, một vai vác
cây hóp đá dài đũng đẵng, còn để nguyên "vấu" (nhánh) làm bậc để trèo
lên cây cọ, một vai đeo cái "móm" cọ mầu lá còn non tươi, đầy ắp
những trái cọ bầu (cọ phấn) to đều như quả bóng bàn, căng ứ mầu xanh đen phớt
ánh tím như những con mắt tinh nghịch.
Bữa cơm mời khách hôm ấy không sơn
hào hải vị, thế nhưng lại vượt ra ngoài tưởng tượng của chúng tôi. Tất cả các
món ăn hoàn toàn có nguồn gốc từ cọ. Ðặc biệt nhất là trái cọ bầu trộn gạo nếp
đồ xôi. Tôi dán mắt xem ông cụ chế tác món xôi quả cọ. Cụ chặt những thanh nứa
tươi, băm vụn và chỉ dùng nguyên phần cật nứa, rắc đều lên rổ quả cọ rồi xóc
xóc nhẹ tay như người ta vẫn xóc gạo. Hồi lâu, như có phép mầu, lớp vỏ lụa mỏng
tang bao bọc quả cọ bị cật nứa cứa đứt nhẹ nhàng, như giấy than đánh máy bị xé
vụn. Theo ông cụ thì chất chát đắng của quả cọ nằm ở lớp vỏ bị lột bỏ kia. Nền
thịt của quả cọ nâu hồng lộ ra ngon lành như những viên kẹo sẫm mầu bày đều lên
đĩa sứ. Ðợi nước nóng ấm tay thì nhấc nồi khỏi bếp, từ từ đổ quả cọ vào ngâm ủ
quãng mười lăm phút.
Vớt quả ra, dùng ngón tay lẩy nhẹ
nhàng tách phần thịt dày bằng một lớp giấy các-tông. Thịt của quả cọ ấy đem
trộn đều với gạo nếp, đồ trong chõ xôi khoét bằng thân cọ, nấu cũng bằng củi
cọ. Xôi nếp trộn cùi cọ bầu, phi hành mỡ thơm ngậm thơm ngùi. Vị gạo nếp, vị
quả cọ béo, bùi lâng lâng nơi đầu lưỡi.
Trước những ngôn từ mà chúng tôi
không hạn chế để ngợi ca món xôi cọ, ông cụ bảo nếu có thời gian ông sẽ làm món
cọ nhồi nấm hương thịt gà đãi chúng tôi. Món chủ đạo tiếp theo là
"óc" cọ xào lòng gà. "Óc" cọ lấy từ phần nõn của cây cọ,
nơi vẫn mọc lá. Món này có thể nói là hơi lãng phí, vì hễ muốn ăn thì mỗi lần
phải chặt một cây cọ. Ngả cây cọ, dù cọ non hay cọ già không can hệ lắm, miễn
là dùng rìu bổ vỡ đôi được "óc" cọ, cắt lấy phần nõn trắng ngần như
đậu phụ, mềm rụt như ngò cải. Mỗi nõn cọ ít nhất cũng nặng tới cả ki-lô-gam.
Múc nước giếng, bỏ nhúm muối vào chậu, thái lát nõn cọ như thái cải củ hay su
hào, thả ngập đều trong nước ngâm ít phút. Vớt ráo nước, xào với lòng gà như
cách xào thông thường khác.
Nõn cọ trắng giòn, ngọt như mực xào,
nhai sần sật. Gắp chưa ngơi đũa này đã muốn tiếp đũa nữa. Măng cũng chẳng phải,
thịt cũng không phải. Vị giác cứ băn khoăn phán đoán nghi hoặc. Lúc đã
"cọ... dư tửu hậu", chúng tôi ngỏ ý muốn được bàn về cây cọ, ông cụ
cao hứng khoát tay chỉ về phía rừng cọ xôn xao gió.
- Ðấy, các anh nhìn xem thân cọ cao
vút hiên ngang, được bao bọc bên ngoài lởm chởm những vè cọ, lá cọ rộng, dày
che kín được cả chiếc nong lớn. Cọ đội lấy trời, níu lấy mây như tráng sĩ thời
tiền sử... Ở đâu cọ cũng sống được từ ruộng lầy thụt, đến núi cao, đồi gò sỏi
đá ong, hay đồng bãi ven sông. Cọ không bao giờ chê đất mà cọ sống tới một hai
trăm tuổi... Ðồng đất đây chỉ có hai giống cọ, cọ xẻ và cọ bầu, giống nào cũng
tốt. Lão nghĩ ở vùng thượng du, cây cọ còn hữu ích cho nhà nông hơn cả cây
tre...
Vâng quả vậy, thưa cụ. Văn hóa tre
trải rộng gần hết vùng Ðông-Nam Á nhưng Văn hóa cọ là văn hóa tiểu vùng nằm
trong Văn hóa tre. Chính nhờ yếu tố tiểu vùng văn hóa mới làm nên sự đa dạng,
đặc sắc của văn hóa Ðất Tổ. Cây cọ, không chỉ là sắc mầu lịch lãm trong ẩm
thực, nó còn là loài cây gắn bó với cuộc sống của người vùng đồi.
Xin được dẫn lại từ cuốn sách của
Nguyễn Xuân Lân, phần khảo cứu về cây cọ: "Cọ là thứ cây có giá trị sử
dụng lớn, toàn bộ cây cọ không bỏ đi một thứ gì. Lá cọ lợp nhà, chắn vách, làm
chổi, làm bầu gánh phân, gánh củ, móm hạt giống, gầu múc nước, làm quạt. Búp cọ
khâu nón, áo tơi, vặn thừng, vặn chão, đan làn xuất khẩu... Thân cọ làm cột
nhà, cột điện, thân cầu khỉ, máng nước, máng lợn, chõ đồ xôi... Ngày trước thân
cọ còn dùng làm câu đối mộc thiếp vàng đẹp vô cùng, chỉ những nhà giàu mới mua
sắm nổi. Cuống cọ làm rui mè, lạt buộc, rào dậu hoặc thay tre đan rọ lợn, lồng
gà, dành gánh đất, rồi đến mành cọ, một mặt hàng xuất khẩu được ưa chuộng. Cuối
cùng, những thứ gì còn lại của cây cọ được đưa vào bếp làm củi đun, chẳng bỏ
phí hoài một thứ gì cả..." (Ðịa chí tỉnh Vĩnh Phú, năm 1975).
Dù rằng người và sách đã nói hết về
cọ, nhưng tôi – kẻ hậu sinh, vẫn muốn nói thêm từ góc của mình. Chỉ xét nguyên
tàu lá cọ đã là vật dụng làm được bao nhiêu là việc cho con người: Lá cọ phơi
khô, ngâm hết diệp lục, dùng liềm sắc cào bớt phần lá, chỉ giữ lại phần gân.
Thứ lá ấy lợp mái dày thì nắng mưa đều bất lực, đến độ người ta phải dùng cối
đá lăn cho xẹp bớt để nước mưa khỏi dốc ngược vào trong. Mái lá cọ che chở cho
khung nhà gỗ mít, gỗ xoan chạm rồng trổ phượng, mai, cúc bền lâu đến cả trăm
năm.
Hay như cái "móm" cọ, một
đồ dùng thân thiết của người vùng đồi: lá cọ chỉ cần túm lại phần chót lá buộc
chặt hai đầu, là đã có thứ đồ đựng chất liệu hoàn toàn hợp tự nhiên, không gây
ô nhiễm môi trường trong chế tác và sử dụng. "Móm" cọ đựng ngô, lúa,
đựng chè tươi đi bán ngoài chợ, đựng sắn tươi trên nương về, móm cọ đựng trái
cọ và... đựng bất cứ thứ gì cần đựng.
Thân thiết với con người đến vậy,
cây cọ đã hóa thân vào cuộc sống, vào tình yêu lứa đôi trong ca dao vùng Ðất
Tổ:
Ði
đâu nón chẳng đội đầu
Lại đây hai đứa lấy tàu cọ che...
Rồi:
Nón
ai nón bạc nón vàng
Nón em tàu cọ che ngang mặt trời
Và:
Nón
em đã có lời thề
Chàng mà lấy nón em về sao đang,
chưa nói rằng:
Thương anh, em biết để đâu
Ðể vào móm cọ treo đầu cành đa
Con sụng bay qua, con quạ bay qua
Móm cọ thì mất, cành đa vẫn còn...
Tôi muốn cố thêm một đôi dòng nữa về
cọ, đó là những chiếc chổi làm từ cọ. Suốt miền bắc nước Việt dù nông thôn hay
thành thị, chiếc chổi lá cọ xẻ dùng quét sân, quét đường không thể thiếu vắng,
dù một ngày. Rồi chiếc chổi quét mạng nhện trong khe kẽ tủ chè sập gụ, bằng
phần cuống cọ đập dập còn nguyên gân dẻo dai, được treo trang trọng bên chiếc
cột quân, hay ẩn mình dưới gậm chiếc bàn của bộ trường kỷ. Rồi chổi quét lúa,
chổi quét sân gạch... mòn trơ rồi mà vẫn quét phăm phăm.
Người con gái trong câu ca dao xưa
đã than: Móm cọ thì mất, cành đa vẫn còn... Nhưng bây giờ không những móm cọ mà
cả cành đa nữa, cũng đang bị chính con người làm cho mai một. Rừng cọ, cây đa
không dễ gì để ngày một ngày hai là có được, nếu không nói là phải mất hai mươi
năm, ba mươi năm...
Trên dòng sông về xuôi, không còn
thấy bè tre, bè nứa chồng cao ngất lá gồi, thì trên đồi, trên núi loang lổ vệt
trượt đất như vết thương xối máu. Con người đang hủy hoại dần môi sinh, cũng
chính là hủy hoại môi trường của những vật thể văn hóa tự nhiên trong làng xã
mà bao nhiêu năm nay đã trở nên quen thuộc, đã thấm ngấm vào máu thịt của mình,
liệu con người có biết hay không?
Tôi lại nhớ tới cô giáo của tôi từ
thuở thiếu thời, cô Nguyễn Thị Phương Du, người Cẩm Khê. Cô bảo với lũ học trò
trẻ con chúng tôi rằng, quê cô nhiều cọ đến nỗi đi cả ngày không qua hết rừng
cọ. Nếu có dịp mời các em về chơi... Ngày ấy, tôi không thể nào hình dung được
rừng cọ dài rộng thế nào, nên cũng láng máng vậy thôi. Vậy rồi buổi học ấy đã
trôi theo thời gian gần ba mươi năm... Thưa cô, thời thiếu nữ cô đi dạy học xa
nhà, nhớ nhiều về quê cọ, nhớ một chiều xuân tiễn người trai làng ra trận. Và
cô đã thổi tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người vùng đồi ấy cho chúng em.
Ðể rồi hôm nay, ngọn gió rừng cọ ngày xưa vẫn đang lay động, những chiếc lá cọ
tơ non trước mắt em, trong một ngày trung du nắng đẹp.
NGUYỄN THAM THIỆN KẾ – Theo: www.nhandan.org.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét