Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2015

Ông Giám đốc Cựu chiến binh

PTO – 78 tuổi, da mồi tóc bạc nhưng ông Nguyễn Đức An ở khu 5, làng Chế Nhuệ, xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê vẫn đảm đương tốt trách nhiệm Giám đốc Công ty TNHH Thiên An. Là thương binh, nạn nhân chất độc da cam, khi thời tiết thay đổi, vết thương trên cơ thể lại đau nhức nhưng không vì thế mà ông từ bỏ việc mà mình đã gây dựng lên. “Thời buổi khó khăn, những doanh nghiệp lớn làm ăn thua lỗ phải đóng cửa, nhiều người dân và bạn bè cũng ái ngại cho một ông già ở tuổi “Thất thập cổ lai hy” như tôi vẫn phải lo làm sao để không phải đóng cửa công ty trong khi trên địa bàn huyện có không ít công ty cạnh tranh mặt hàng như công ty tôi” – Giám đốc An mở đầu câu chuyện về kinh doanh của mình với chúng tôi như vậy.
 
Tuổi cao nhưng hàng ngày Giám đốc Nguyễn Đức An vẫn giám sát 
việc đảm bảo yêu cầu kỹ thuật chất lượng trong sản xuất.
Nung nấu ý định thành lập Công ty TNHH để xây một lò gạch liên hoàn kiểu đứng 2 cửa 4 ống từ lâu nhưng mãi đến năm 2010, khi 73 tuổi ông An mới đủ điều kiện trở thành Giám đốc. Sau khi san lấp mặt bằng ở hố mai ao sành (trước đây là khu nuôi cá), ông An bắt tay vào xây dựng lò gạch, đầu tư máy móc, tuyển công nhân là con cựu chiến binh của xã mình và các xã lân cận vào làm việc. Mẻ gạch thử nghiệm đầu tiên hỏng đến già nửa, nhưng ông không hề nản chí. Ông tự động viên mình và con cháu trong nhà “Có thất bại mới có thành công”. Thương ông đã già mà lúc nào cũng tính tính toán toán, lo nghĩ xem mẻ gạch sau khi ra lò có khả năng thanh toán các khoản chi phí vật liệu đầu vào, trả lương cho công nhân hay không, nhiều người khuyên ông giải thể nghỉ ngơi cho khỏe nhưng ông lại không nghĩ như thế. Ông kể: “Trước đây khi gia đình tôi xây nhà, có tiền cũng không mua được gạch mà xây. Thời buổi bây giờ vật liệu xây dựng nhiều nhưng do xã tôi ở không có nổi một lò gạch đáp ứng nhu cầu xây dựng của người dân, khi người dân xây nhà, một viên gạch phải đội thêm giá cước vận chuyển nên có khi thành gấp đôi. Tôi mở lò đốt gạch với mong muốn người dân trong xã không phải mua gạch giá cao và tạo được việc làm cho con em những người lính đã từng xông pha trận mạc, bỏ lại một phần xương máu của mình vì nền độc lập nước nhà”.
Tiếng là công ty, nhưng doanh nghiệp của ông An phụ thuộc hoàn toàn vào công nhân lao động. “100% công nhân là nông dân trong xã và các xã lân cận, nên vào vụ gặt hái họ đều nghỉ để lo việc đồng áng, khiến chúng tôi không thể hoạt động khi công nhân nghỉ. Chúng tôi cũng đã tổ chức buổi họp công nhân để vận động họ làm việc, đóng bảo hiểm như những công nhân các công ty TNHH khác nhưng 100% công nhân đều không muốn tham gia. Đây cũng là việc gây cản trở lớn đến công ty” – Ông An tâm sự.
Tuy gặp khó khăn về nhân sự nhưng công việc kinh doanh của ông An khá thuận buồn xuôi gió. Những năm đầu, gạch ra lò đến đâu bán hết đến đó. Có những thời điểm khó khăn, nhiều lò gạch đóng cửa vì không bán được gạch nhưng lò của ông An vẫn hoạt động, bởi theo ông thà chấp nhận lãi thấp mà để công nhân có việc làm còn hơn đóng cửa, công nhân thất nghiệp.
Trong những lúc kinh doanh khó khăn, ông An phải tìm cách xoay sở để công ty không bị phá sản: Hạ giá thành sản phẩm, khuyến mại thêm gạch vỡ, nghiên cứu làm sao để chất lượng gạch tốt nhất mới tạo được uy tín với khách hàng... dần dần tiếng lành đồn xa, sản phẩm của công ty ông đã xuất ra thị trường Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn Tây và địa bàn trong huyện và các xã lân cận. Có doanh thu ông An đầu tư thêm 1 tỷ đồng nâng cấp nhà xưởng, 1 tỷ đồng mua máy đùn gạch liên hoàn và  lựa chọn ra 4 người có tay nghề đi học cách vận hành dây chuyền mới.
Khi mới thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ của công ty 3 tỷ đồng, đến nay vốn điều lệ của công ty 5 tỷ đồng. Đầu tư nhiều vào lò gạch như vậy nhưng trung bình mỗi năm công ty ông cho ra lò 100 vạn viên gạch, thu lãi hơn 100  triệu đồng.
Không chỉ lo làm sao để gạch sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó để công nhân có việc làm với bình quân thu nhập 3,5 triệu đồng/người/tháng, hiện nay cả 30 công nhân làm việc trong Công ty TNHH Thiên An đều được cấp quần áo bảo hộ lao động, ủng, găng tay. Công ty còn có tủ thuốc và thực hiện chế độ thăm hỏi khi công nhân và người nhà công nhân ốm đau...
Là cựu chiến binh từng vào sinh ra tử ở các chiến trường Đông Nam bộ, rồi sang Lào, ông An thấu hiểu cuộc sống của những người thương binh mất sức lao động nên thường xuyên giúp đỡ họ trong cuộc sống. Là chủ lò gạch nên khi Hội CCB huyện, xã đến vận động công ty hỗ trợ xây nhà cho các CCB có hoàn cảnh khó khăn, ông không ngần ngại giúp đỡ bằng chính sản phẩm làm ra. Ông cũng ủng hộ khu, xã những xe gạch vỡ để đổ đường giao thông đi lại cho dễ dàng, ủng hộ gạch cho nhà trường xây trường học, khu dân cư xây nhà văn hóa, xây chùa... Mấy năm qua, công nhân công ty ông xây nhà, ngoài hỗ trợ gạch, ông còn ứng gạch để họ xây nhà khi nào có điều kiện trả cho công ty. Đến nay công ty ông đã có 4 công nhân được ứng gạch trước xây nhà.
Gần 80 tuổi, tai đã nghễnh ngãng nhưng ngày nào ông cũng phóng chiếc xe Cub 82 ra công ty để quán xuyến công việc. Gần gũi, hòa đồng với công nhân nên ông được anh em công nhân quý mến. Những công nhân trẻ tuổi gọi ông là bố, những người ít tuổi hơn gọi ông là Giám đốc Cựu chiến binh, còn những dân trong khu trong xã lại gọi ông là ông giám đốc tốt bụng.
Đã 5 năm khởi nghiệp kinh doanh, lại ở vào lứa tuổi xưa nay hiếm, có được kết quả bước đầu như vậy đối với người cựu chiến binh, thương binh, nạn nhân chất độc da cam Nguyễn Đức An quả là không hề đơn giản. Với nỗ lực của ông, hy vọng sản phẩm gạch của công ty sẽ ngày càng nâng cao về chất lượng và sản lượng.

LÊ THƯƠNGTheo: www.baophutho.vn

Không có nhận xét nào: