Thứ Ba, 12 tháng 5, 2015

Xướng họa: Ngại chi nghèo


Bài xướng:
Ngại chi nghèo

Về hưu cuộc sống quá gieo neo
Thi phú nhì nhằng cũng ráng theo
Quấy cám làm thơ: Thơ quấy cám
Băm bèo viết phú: Phú băm bèo
Chiều tà thư giãn quanh hồ cá
Sáng sớm ngâm nga cạnh cũi heo
Sống khỏe, sống vui cùng đất nước
Nghèo như thế ấy ngại chi nghèo?

PHẠM XUÂN (Quảng Phương, Quảng Trạch, Quảng Bình)

Cảnh chờ nhận trợ cấp BHXH hưu trí tại Bưu điện Văn hóa xã Tình Cương.

Bài họa 4:
Ai bảo ông nghèo

Ai dám bảo ông sống cảnh nghèo
Ngày ngày làm bạn với đàn heo
Bên nồi quấy cám, thơ: cô Cám
Dưới ruộng nuôi bèo, phú: đá bèo
Thơ “cóc” cả bồ không ngại thiếu
Phú “mèo” đầy bụng dám không theo
Về hưu đã hết thời bay nhảy
Chẳng khác con thuyền đã buộc neo.

Như một con  thuyền đã buộc neo
Rủ làm thi sỹ cũng đi theo
Văn chương nổi tiếng chàng nuôi lợn
Thi phú vang danh gã thái bèo
Vắng bạn tâm giao ngâm tặng cám
Thiếu người tri kỷ đọc cho heo
Chiều chiều thả bước bên hồ cá
Ai dám bảo ông sống cảnh nghèo.

MINH HUY (Tân Thành, Bà Rịa – Vũng Tàu)


Bài họa 3:
Kiếp dân nghèo

Cảm ơn cha mẹ kiếp dân nghèo
Chịu đựng lam làm quắt tuổi heo
Theo việc tưởng rằng thôi cám bã
Về hưu thật khốn lại rau bèo.
Gọi Nam Tào hỏi là sao chứ
Được Bắc Đẩu khuyên cứ vậy theo
Chịu khó làm thơ vui xướng họa
Tìm vần thật đẹp cắm sào neo.

TRẦN NHƯ TÙNG (Việt Trì, Phú Thọ)


Bài hoạ 2:
Tuổi già chơi thơ

Cảnh già hiện tại thật đơn neo
Cái nghiệp thi ca cứ bám theo
Thơ phú trần gian lên tựa nấm
Văn chương cõi thế toả như bèo
Thi nhân đích thực càng khan hiếm
Độc giả xứng tầm lai hắt heo
Xướng hoạ - tuổi cao thư giãn trí
Ngữ ngôn tuỳ tiện -  ngại thơ nghèo!

HỒ TRỌNG TRÍ (Châu Đức, Bà Rịa – Vũng Tàu)


Bài họa 1:
Biết ai nghèo?

Thuyền tình chưa khẳm tính buông neo
Phải bóng người xưa cứ dõi theo
Lạc lối bể đời xiêu chân vịt(*)
Chung lưng nguồn sống lặng ao bèo
Lòng giông mấy bận xô màn cửa
Dạ tố bao lần trượt máng heo
Cứ tưởng yên thân nào được thế
Trời đang tính sổ biết ai nghèo?

(*) Bánh lái tàu thuyền

PHAN TỰ TRÍ (Biên Hòa, Đồng Nai)

* Trân trọng kính mời quý vị thi hữu gần xa tiếp tục cùng họa bài thơ này. Bài họa xong xin quý vị vui lòng gửi vào địa chỉ e-mail: nhuecuong@gmail.com – Chân thành cám ơn!

Không có nhận xét nào: