Bài dự thi: Viết cảm nghĩ của
em về mái trường, thầy cô, bạn bè.
“Cô ơi! 20 – 11 này cô lên thăm
trường, rồi cô lại vào lớp 8A chúng em, cô nhé!”
“Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo / Khi đến trường cô giáo như
mẹ hiền”.
Mỗi buổi sáng đến trường, khi đi qua
ngôi trường Mầm non, tôi lại được nghe bài hát ấy. Lần nào cũng như vậy, lặp đi
lặp lại, từ lâu đã trở thành kỉ niệm khó quên của tuổi học trò. Tiếng hát ấy
luôn vang lên nhẹ nhàng bên tai tôi, nó làm tôi nghĩ về một cô giáo đã nghỉ hưu
mà chúng tôi luôn nhớ mãi. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Lập – một cô giáo luôn hết
lòng tận tụy vì sự nghiệp trồng người.
Cô đẹp lắm! Cô như bà tiên phúc hậu.
Đã bước sang tuổi 56, nhưng trông cô trẻ hơn tuổi, nhìn vào thì nghĩ cô chưa
đến 50. Khuôn mặt cô hiền từ, phúc hậu như cái tên của cô. Mái tóc đã điểm bạc
nhưng nó vẫn còn mượt mà lắm! Dáng cô không cao hay quá gầy, mà rất cân đối,
phù hợp với lứa tuổi đã xế chiều. Đôi mắt cô long lanh, ấm áp, toát lên vẻ dịu
dàng, rất dễ gần; song đôi mắt ấy lại rất nghiêm khắc trong công việc. Hàng
lông mi thường chau lại vì những con ngỗng hay quả trứng. Mỗi lần như vậy, nếp
nhăn trên trán cô lại một nhiều. Những đêm không ngủ vì giảng bài hay những con
điểm thì mắt cô thâm quầng, hai gò má nhô cao. Trong công việc, sự nghiệp thì
cô rất nhiệt tình vì cô đã có nhiều kinh nghiệm đúc rút từ trong cuộc sống hay
mỗi bài học. Cô đã say mê công việc hơn 30 năm, cô đi từ miền núi đến đồng
bằng, cuối cùng lại về với ngôi trường nhỏ bé của quê hương mình.
Trong công việc thì cô rất nghiêm
khắc, nhưng trong cuộc sống thì cô rất vui tươi, chan hòa. Cô rất tận tình với
học sinh, cô chỉ bảo từng li, từng tí cho các bạn học kém hơn và cô luôn động
viên, khích lệ các bạn. Vì vậy mà ai cũng yêu quý cô, muốn cô dạy đến hết cấp.
Nhưng bây giờ thì cô dã nghỉ hưu, không còn dạy chúng tôi nữa, nên chúng tôi
buồn lắm! Tuy nhà trường đã phân công một thầy giáo cũng dạy giỏi về lớp
tôi; đáng lẽ chúng tôi phải mừng lắm! Nhưng sao thấy ai cũng buồn tủi, vẻ mặt
cứ ủ rũ. Cô giáo đã an ủi chúng tôi và hứa, có thể cô sẽ dạy thay thầy cô giáo
nào đó một hai tiết để cô trò gặp lai nhau. Chúng tôi cũng nguôi đi bớt phần
buồn tủi. Nhưng sao mà mãi không thấy cô đến trường, hay cô đã quên chúng tôi
rồi!
Nhiều lần đi học thêm qua ngưỡng cửa
nhà cô, tôi rất mong được nhìn thấy hình bóng của cô, nhưng sao cô ở đâu
mà mãi không thấy. Lại có lúc, chúng tôi đứng bên tường đợi một lúc lâu để chờ
đợi bóng dáng của cô, nhưng cô vẫn không xuất hiện. Chúng tôi buồn lắm và tự nhủ
“Chắc lần sau sẽ thấy cô thôi mà!”
Một lần khác, tôi nằm mơ thấy cô lên
lớp dạy, thấy ai cũng vui mừng, phấn khởi. Tiết học ngày hôm đó thật sôi nổi,
trước khi ra khỏi lớp cô dặn dò chúng tôi rất kĩ càng về công việc ôn tập cho
đợt kiểm tra 1 tiết lần này. Sáng hôm sau, tôi đi học rất sớm với tâm trạng vui
vẻ không thể tả hết; ai hỏi, tôi cũng chỉ cười mà không trả lời. Tôi hồi hộp
đợi mãi để đến tiết Toán, nhưng điều tôi mơ thấy lại không trở thành hiện thực.
Trên đường về nhà, tôi ủ rũ không nói câu nào. Về đến nhà, tôi chạy ngay vào
phòng sập cửa lại, ngồi bên xó tường khóc hu hu, nước mắt chảy giàn rụa ướt hết
cả hai cánh tay áo. Mẹ tôi tưởng có chuyện gì chạy vào hỏi, tôi thủ thỉ với mẹ,
mẹ cười và khuyên tôi: “Con nín đi, một ngày nào đó, cô sẽ lên lớp thôi!”
Tối hôm ấy ngồi học, tôi lại ngồi
lặng lẽ suy nghĩ về buổi chia tay cô. Hình bóng cô lại hiện lên trước mắt tôi,
đôi mắt tôi bị thu hút bởi hình ảnh của cô và đôi tai lặng lẽ nghe giọng nói
ngọt ngào, ấm cúng của cô. Cô đã tâm sự với chúng tôi về sự nghiệp của mình và
tâm trạng khi sắp không còn được dạy chúng tôi nữa. Cô còn kể cho chúng tôi
nghe về chân lí trong cuộc sống, cô khuyên và dăn dạy chúng tôi rất nhiều điều.
Chúng tôi không nỡ xa cô chút nào,
nhưng “cuộc vui nào cũng có lúc chia tay”. Chúng tôi phải chia tay cô là một
điều đáng buồn, nhưng cô lại phải chia tay với sự nghiệp trồng người là điều
đáng buồn hơn. Ước gì bây giờ có phát minh vĩ đại làm cho con người trẻ lại thì
tốt biết bao. Lúc ấy, cô lại quay về với đám học trò nhỏ này.
“Cảm ơn cô! Chúng em cảm ơn cô rất
nhiều, chúng em cảm ơn người mẹ hiền thứ hai của chúng em”. Đó là những lời
chúng tôi muốn nói với cô. “Cảm ơn người, đã dùi dắt chúng em từ khi chúng em
bước vào cánh cổng trường kì diệu nhưng cũng đầy gian nan và hoài bão này; vì
có cô mà chúng em dễ dàng vượt qua”. Tôi mong cô nghe được những lời nói này,
để cô hiểu được tấm lòng của những đứa học trò nhỏ ngây thơ này dành cho cô.
Chúng tôi sẽ cố gắng học tập thật tốt để không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ và
thầy cô.
“Cô ơi! 20 – 11 này cô lên thăm trường, rồi cô lại vào lớp
8A chúng em, cô nhé!”.
TRẦN BẢO NGỌC (Học sinh lớp 8A, khóa 2012 – 2016, Trường THCS Tình Cương)
Nguồn: www.thcstinhcuong.edu.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét