Về chân núi Đọi Đèn, thôn Đồng Phai, xã Văn Khúc, huyện Cẩm
Khê ta sẽ được nghe người dân nhắc câu chuyện về vị dũng tướng thời Cần Vương
mang tên Đề Kiều với lòng khâm phục, kính trọng. Theo gia phả của dòng họ Hoàng
ở xã Cát Trù, huyện Cẩm Khê, Đề Kiều tên thật là Hoàng Văn Thúy, sinh năm 1855,
quê gốc ở Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Nội. Nửa thế kỷ 16 tổ tiên ông mới chuyển
lên làng Cát Trù, phủ Lâm Thao thuộc chánh Sơn Tây, nay là huyện Cẩm Khê, tỉnh
Phú Thọ sinh sống, tính đến đời ông là đời thứ bảy.
Con cháu cụ Đề Kiều xem di ảnh, tìm hiểu truyền thống đánh giặc
giữ nước.
Sớm mang trong mình dòng máu yêu nước, theo đạo lý "Quốc
gia hưng vong thất phu hữu trách”, ông Hoàng Văn Thúy đã tiếp nối truyền thống
tận trung, có nhiều công trạng giữ nước an dân, sống nhân nghĩa đức độ với nhân
dân trong vùng.
Theo dòng lịch sử, tháng 8 năm 1883, vua Tự Đức băng hà, giặc
Pháp nổ súng tấn công kinh thành Huế, triều đình không chống đỡ nổi đành chấp
nhận ký hàng ước Harmand. Phe chủ chiến trong triều đã cử Ngô Quang Bích thay
Vua chỉ đạo toàn bộ phong trào Cần Vương chống Pháp ở Bắc Hà. Nhằm tăng cường lực
lượng, Ngô Quang Bích đã thu phục về dưới trướng những thủ lĩnh địa phương và Đề
Kiều là một trong những viên tướng tâm phúc nhất. Có Đề Kiều dốc lòng phù trợ,
Ngô Quang Bích tiếp tục phất cao ngọn cờ Cần Vương, mở rộng địa bàn hoạt động từ
Hưng Hóa qua Yên Bái đến tận miền biên ải Lai Châu, Sơn La,… Qua nhiều lần giao
tranh, nghĩa quân Cần Vương do Đề Kiều trực tiếp chỉ huy đã thu được thắng lợi,
đẩy lùi quân thù, bảo toàn lực lượng, giữ vững căn cứ.
Năm 1890, khi chủ tướng Ngô Quang Bích mất, Đề Kiều được
trao quyền lãnh đạo các cánh quân ở vùng Tây Bắc. Đề Kiều đã chỉ huy đánh Pháp
nhiều trận, tiêu diệt nhiều đồn bốt, tiêu hao sinh lực địch, giữ vững căn cứ,
khiến quân thù khiếp sợ. Năm 1892, Đốc Ngữ bị sát hại, cuộc khởi nghĩa gặp nhiều
gian khó. Tuy ở vào thế đơn thương độc mã, nguy khốn trăm bề, song Đề Kiều vẫn
nêu cao dũng khí, tìm mưu tính kế dựa vào thế hiểm trở của núi Đọi Đèn, tổ chức
những trận đánh tập kích, phục kích tiếp tục tiêu hao sinh lực địch trong suốt
4 tháng, trở thành cái gai khó nhổ trong mắt những kẻ xâm lăng. Thầy giáo Cao
Văn Thịnh – nguyên giảng viên Trường đại học Hùng Vương khẳng định: “Đề Kiều là
nhân vật trọng yếu của phong trào Cần Vương, đóng góp cả về hậu cần và tham gia
chiến đấu, lãnh đạo cuộc chiến kéo dài, gây nhiều tổn thất cho địch…”
Nhiều lần viết thư dụ đầu hàng không thành, kẻ thù giở thủ đoạn
hèn hạ, bắt dân lành, mẹ và người thân trong gia đình ông Đề Kiều làm con tin.
Trước đòn hiểm độc nghiệt ngã này, Đề Kiều đành chấp nhận buông súng. Phong trào
Cần Vương trên vùng Tây Bắc coi như kết thúc. Để mua chuộc, thực dân Pháp ngỏ lời
phong cho ông chức quan lãnh binh tỉnh Hưng Hóa, nhưng ông cương quyết chối từ.
Trở về quê, Đề Kiều không sống như các ẩn sỹ mà trong lòng lúc nào cũng sục
sôi ý chí đấu tranh chống lại quân xâm lược. Ông dựa vào công ước hòa bình đã
ký làm chỗ dựa cho nhân dân, che giấu cho người yêu nước, bí mật đóng góp cho
Hoàng Hoa Thám và nhiều anh em nổi dậy đánh Pháp trên núi rừng Yên Thế với tấm
lòng vì nước, vì dân, vì sự nghiệp chung. Biết là không thể đè bẹp được ý chí của
Đề Kiều, giặc Pháp đã hèn hạ dùng thuốc độc sát hại ông ngày 14-7-1915.
Đề Kiều mất nhưng tấm lòng yêu nước và tinh thần bất khuất của
ông đã được lớp con cháu nối tiếp, viết dài trang sử hào hùng dưới chân núi Đọi
Đèn. Con trai của ông là Hoàng Mẫn Tuệ tiếp bước cha đã có công đầu trong việc
xây dựng căn cứ cách mạng trên quê hương Phú Thọ. Dưới chân núi Đọi Đèn, chi bộ
cộng sản đầu tiên của tỉnh ra đời, tiếp theo là những chiến khu vũ trang Minh
Hòa – Vạn Thắng được thành lập góp phần quan trọng quyết định việc giành chính
quyền của tỉnh trong Cách mạng tháng Tám. Bất cứ giai đoạn cách mạng nào của
dân tộc, dòng họ Hoàng đều tự hào vì có phần đóng góp của các lớp con cháu Đề
Kiều. Ông Hoàng Khuê – Chủ tịch Hội đồng gia tộc họ Hoàng cho biết: “Truyền thống
yêu nước của Đề Kiều đã được các thế hệ con cháu nối tiếp. Dưới sự lãnh đạo của
Đảng, chi bộ đầu tiên của tỉnh được thành lập ở đây gọi là chi bộ Đọi Đèn thì
có 3 người là con cháu của Đề Kiều là Đảng viên”.
Ghi nhớ công lao của Đề Kiều, nhân dân và con cháu
trong vùng đã lập đền thờ. Đền thờ trước đây do nhân dân 3 tổng Điêu Lương,
Chương Xá và Cát Trù cùng nhau đóng góp xây dựng, nhưng những năm tháng kháng
chiến chống Pháp đã phải dỡ bỏ để thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Sau 1975, phần
bia mộ và nhà thờ Đề Kiều được xây dựng lại tại thôn Đồng Phai, dưới chân núi Đọi
Đèn, xã Văn Khúc, Cẩm Khê. Hàng năm, đến ngày 15-6 âm lịch, con cháu họ Hoàng
và nhân dân địa phương mọi nơi quy tụ về đây làm lễ tưởng nhớ công lao Đề Kiều
và các nghĩa quân của phong trào Cần Vương kháng Pháp. Các thế hệ con cháu đã kế
thừa xứng đáng truyền thống yêu nước của cha ông mình.
Xưa, Đề Kiều từng được Vua Thành Thái phong: Minh Nghĩa Đô
úy, Anh dũng tướng quân, hàm Chánh Tam phẩm. Đến nay gia đình con trai thứ 7 của
ông là Hoàng Mẫn Tuệ cũng được Đảng và Nhà nước truy tặng bằng gia đình
có công với nước trong đó ghi rõ: “Gia đình ông Hoàng Mẫn Tuệ đã có tinh thần
yêu nước, tích cực giúp đỡ và bảo vệ cách mạng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi
của cách mạng tháng Tám”.
HIỀN
MAI – Theo: www.baophutho.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét