Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Thoát khỏi chuồng cọp, thôi ở trên… bàn thờ!

Quẩn quanh, tay chống cằm ngồi nhìn ra vườn cọ hoang tàn, chợt có vị khách xồng xộc đến, ông Vẽ dò dẫm đứng lên, dụi mắt. Hóa ra, bà cụ hàng xóm, người cùng tuổi với ông Vẽ, lại vừa chết lúc ban trưa. Cán bộ xóm người ta đi thu tiền “gạo nước”, mỗi hộ đóng 10 nghìn đồng, thôi thì, nghĩa tử là nghĩa tận. Ông Vẽ ở một mình, nghèo quá là nghèo, run run tìm ruột tượng giữ tiền đem ra nộp, tôi nhanh tay móc tiền ra trước, ông Vẽ cằn nhằn, lần nào anh đến cũng cứ cho tôi tiền. “Anh còn để tiền mà tàu xe tìm lối về Hà Nội chứ”. Ông lẩm bẩm, “Hôm nào đó lại đến lượt tôi về với cõi của các cụ. Sống thì lâu, chết thì nó nhanh lắm, vừa chết đấy, lại đến giỗ đầu ngay đấy”. Cái hành trình ông tìm về quê, cũng cứ như là từ âm ty tìm về dương thế ấy. Ông kể chuyện, bằng cái giọng của thầy cúng luyện âm binh. Như bố ông, ngày xưa, cùng con nhang đệ tử cắn lưỡi mình đứt từng miếng nhỏ, phun máu phì phì ra giấy bản để “bắt quyết niệm chú”… 
Sau 30 năm trở về, cùng với việc bỏ bát nhang thờ mình ra khỏi ban thờ, 
người thân, không phải ai cũng nhận ra cậu bé Vẽ 6 tuổi được người ta mặc cho bộ quần áo, 
đưa cho cái bánh rồi dắt đi năm xưa 
(trong ảnh, từ trái sang: ông Vẽ, hai vợ chồng người anh trai ruột của ông).
Phải cưới vợ để có thêm người làm cho… nhà địa chủ! 
Thấy tôi đến tuổi… có thể lấy vợ được, bà Tư Hồ bèn tính chuyện cưới vợ cho tôi để có thêm người ở. Giống như tôi bị bắt cưới vợ. Ông bà ấy bảo: Tối, mày đến gặp tao, tao nói cho mày biết chuyện này. Tối tôi vào, bà bảo: Mai, mày ăn mặc cho tử tế, tao đưa đi xem mặt một người. Tôi chả hiểu gì. Đến nơi, chả kịp nhìn mặt, chả biết mình có thích nói chuyện với “cô kia” không, ông bà hạ lệnh cưới luôn. “Vợ mày đấy, phải thương yêu nhau, bảo ban nhau làm ăn cho… đến nơi đến chốn”. Lúc ra đồng làm quần quật, tôi gọi vợ tôi là “chị Bằng”, chị Bằng gọi tôi là Vẽ, trống không. Có hôm rét, tôi xuống nhà, chị ấy trông thấy tôi, xấu hổ quay mặt đi. Chị cũng chả biết “thích” (yêu đương hay quan hệ tình dục) tôi, tôi cũng chưa biết “thích”, tôi bèn xuống lò trấu dưới bếp ngủ cho ấm. Trước lúc vào bộ đội, tôi bảo: “Chị ở nhà, tôi đi!”. Lúc tôi trở về, chị vẫn là “con dâu”, con ở cho nhà ông Tham Hồ. Nhà “chị” Bằng rất nghèo, bố đau yếu, sau này, vì nhiều chuyện rích rắc, chúng tôi hầu như không đi lại nữa dù vẫn thương xót và tôn trọng nhau, bà ấy có đi bước nữa, có con cái đàng hoàng.
“Sau mấy bận trốn đi bộ đội, người ta chê tôi ít tuổi không nhận, đành ở lại nhà ông Tham Hồ (tên thật là Nguyễn Hữu Hồ) thêm vài năm. Thú thật, độ ấy, cứ thấy chỗ bộ đội đông vui là đám trẻ tôi đòi chúng tôi bỏ nhà đi theo. Có khi bị trương tuần, bảo an nó bắt về đánh cho một trận nhừ tử, mặt buồn rười rượi. Vào khoảng năm 1948, bấy giờ tôi khoảng 17 – 18 tuổi, loáng thoáng nghe là có lệnh tòng quân của nhà nước, tôi xung phong đi luôn. Đi để thoát khỏi cái bà địa chủ nanh nọc kia. Tôi nhớ, tôi được vào đại đội 3, tiểu đoàn Độc Lập 174, F316, tập trung quân ở Bắc Giang. Anh cán bộ ấy hỏi tôi về lý tưởng, tôi bảo, tôi không có lý tưởng nào khác là được đi bộ đội. Nhưng trình độ văn hóa tôi không có. Sau này, ở nhà tù thực dân, tôi mới được “chúng nó” cho học vài chữ võ vẽ tí ti.
Chúng tôi đã được sung vào đội ngũ những người trẻ sang Vân Nam, Trung Quốc học cái trường Quân Chính gì đó. Đang chỉnh trang thủ tục, thì lại có lệnh tất cả rút về đi chống càn của địch. Bấy giờ khoảng năm 1951, tôi nhớ mang máng thế, chúng tôi đi chống càn khắp một dải từ Bắc Ninh đến Hải Dương. Bấy giờ địch tuyên truyền “bậy bạ” trong dân chúng là: Việt Minh nó về, thì “chúng bay” (dân chúng) chết hết làm dân chúng hoang mang, các tiểu đoàn chúng tôi phải vừa chống càn vừa vận động bà con giác ngộ, không nghe theo lời “ly gián” của địch. Tiểu đoàn 174 chúng tôi, cùng tiểu đoàn 308 đánh địch vô cùng ác liệt. Trên trời thì tàu bay, bom lửa Napan, dưới đất thì súng lớn, xe tăng đông như cua chạy trên đồng, chúng cứ dàn hàng ngang mà xung trận. Hỏa lực của địch vô cùng mạnh. Tôi nhớ, đồng chí trung đội trưởng của tôi, anh Đặng Đức Cầu, bị địch bắn gần đứt lìa cánh tay, anh ra lệnh tôi phải chặt bỏ tay anh, rồi phải dùng dao găm cứa đứt những sợi gân xanh tím giữa xối xả máu của anh; rồi sau này, anh hy sinh ở trong tù.
Sau 2 ngày đêm, “ta” phải rút quân chiến lược. Tôi và nhiều đồng chí bị địch bắt. 
Bị nhốt trong tải xác rắn, ném lên tàu, chở ra giữa đại dương… 
“Nó” nhốt chúng tôi ở Nhà Tiền – nguyên là khu vực “sản xuất” tiền của Pháp ở Hà Nội, ở gần khu vực Khâm Thiên bây giờ (?). Tôi bị nó tra hỏi, tra tấn suốt 3 tháng trời, rồi đưa sang Hỏa Lò. Bị nhốt trong một cái hộp như cái quan tài có nắp kính nho nhỏ để ánh sáng lọt vào. Chiếc quan tài dựng đứng, ở độ cao gần miệng của tôi, nó chế tạo một cái ngăn kéo có thể kéo ra, đóng vào. Bữa đến, nó lôi “ngăn kéo” ra, thả ít thức ăn vào đó, rồi đẩy ngăn kéo vào phía miệng tôi. Tôi bị bó chặt trong quan tài, người tê dại như bị chôn sống ở tư thế khòng khòng. Muốn ăn, phải nhoài người ra phía trước, vục mồm xuống khay cơm mà ăn… như súc vật. Mỗi bữa nó chỉ cho ăn một nắm cơm bằng quả trứng ngỗng, ăn với cá mắm mủn mục, và uống thứ nước gì, mà anh nào càng “tợn ăn” thì càng chóng chết. Là bởi vì, cơ thể sẽ phù nề lên, có giời cứu. Cả tuần mới được cho ra ngoài tắm rửa vài phút. Vệ sinh cá nhân… không được cựa quạy, ngay trong cỗ quan tài dựng đứng đó.
Bao nhiêu cống hiến, chịu tù đày tra tấn, cuối cùng bị người cán bộ xã xấu số làm mất giấy tờ.
Đến tháng 5 năm 2008, ông Vẽ được cơ quan chức năng huyện Cẩm Khê chứng nhận
là người từng bị tù đày, được "trợ cấp" 1,5 triệu đồng. Sự ghi nhận quá ỏn sót đó
cũng đủ để ông xúc động rưng rưng. Gặp ai, ông cũng đem tờ quyết định này ra khoe!
Nó tra tấn, trước sau tôi chỉ khai: không biết chữ, là người đi ở, vừa mới ra lính, chả biết ai là ai, chả biết “phiên hiệu” đơn vị nào. Ngày nào nó cũng xích lại, bắt khai này nọ. Chúng tra tấn bằng dùi cui điện, quay điện, bàn quay điện. Nó vung những cái máy lửa điện bật xòe xòe hoa cả mắt. Nó đánh chán, dí một cái là ngất xỉu đi. Nó dội cho gáo nước lại tỉnh.
Được mấy tháng, nó lại lôi ra ngoài Hải Phòng. Đi tàu hỏa. Trên đường, có rất nhiều người bị địch bắt, tra tấn như tôi, và chúng tôi cũng bí mật nhận lệnh là phải tiêu diệt những kẻ chỉ điểm, mật thám, “mắt mèo” do địch đã dụ dỗ được, đã cài vào tổ chức để làm “đặc tình” triệt hạ anh em lính Cụ Hồ. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải tiêu diệt những kẻ bán nước. Chúng tôi lên gồng, trùm chăn kín, đấm chết tất cả bọn chúng. Rồi nhét xác xuống gậm ghế của từng toa tàu. Khi bọn “hộ tống” người Pháp lục thấy thi thể bọn “mắt mèo”, chúng cũng xanh mắt mèo luôn. Chúng bảo, “Việt Minh đáo để thật”. Địch nhốt tất cả chúng tôi trong một cái sân bẩn thỉu suốt 1 tuần. Rồi một con tàu lớn cập cảng Hải Phòng, tất cả các tù binh được “hót” lên boong. Mỗi anh nhét trong một cái bao tải xác rắn ẩm thấp (giống như chúng ta chở lợn đi bán). Chúng tôi họp lại, tiểu đoàn trưởng Cao Minh Sơn “nhận định tình hình”, thôi thì lần này là lần chia tay vĩnh quyết. Chết, thì cũng chấp nhận chết. Nhưng còn cơ hội sống, còn phải xông ra giành lấy sự sống. Mỗi người bí mật đem theo một vật nhọn, như con dao, cái kéo, lưỡi lam, nếu “nó” đưa tàu ra tít tịt ngoài biển xanh, nó ném tất cả các bao tải lợn xuống làm mồi cho cá dữ. Thì mình phải rạch tải chui ra, “chiến đấu” với biển cả, cướp tàu, trở về tiếp tục đánh giặc. Chúng tôi bảo nhau “sống về, chết chịu”.
Ông Vẽ và căn nhà, căn bếp cùng đắp đất, lợp gianh và lá cọ. Ông sống một mình ở đó.
Nó đi quanh quéo thế nào, mà nó chả đi bón xác chúng tôi cho hàm cá mập như… tưởng tượng. Đi mấy ngày đêm, càng đi càng thấy nước xanh biêng biếc, có anh lẩm bẩm, hay nó đưa mình sang… Pháp? Tất cả chúng tôi đều là bần cố nông, có anh là lính Thổ (người miền núi), chả đi biển bao giờ, nhìn thấy tàu của mình lừng lững đi, thấy biển mịt mù, lại càng sợ hãi. Chợt có lệnh mở… bao tải. Ai đó giật mình, chắc nó bắn chết trên boong tàu rồi ẩy xuống biển cho chắc ăn? Tất cả chúng tôi xếp hàng, nó bắt ở trần ở truồng, rồi dùng máy phun nước biển lên cho tắm táp thoải mái. Tắm sạch boong bằng nước ở tít tắp đại dương, nước xanh trong tuyệt diệu. Tôi ở tù mãi, ghẻ lở hắc lào tràn lan, cảm giác ngồi trong quan tài chôn sống ở Hỏa Lò còn khó chịu hơn lên… đoạn đầu đài. Giờ được Tây nó phun nước cho tắm thỏa thích, đúng là “ăn no tắm mát”, khoan khoái quá. Sau này, ra đến Côn Đảo ở tù suốt 3 năm mấy tháng giời, ngồi nghĩ lại, tôi thấy hành động cho tù nhân tắm trên boong tàu hôm đó thật “nhân đạo” (!); vì từ bấy tôi hết tiệt ghẻ lở, hắc lào. Và hình như từ buổi tắm biển trong cõi… cầm chắc cái chết đó, tôi cũng chưa một lần được tắm biển lần thứ hai.
Nằm ở Hạnh Thông Tây (nhà tù) ở Sài Gòn, nằm ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo mấy năm, với nỗi kinh sợ: “Bao giờ đến lượt mình ra cầu Ma Thiên Lãnh”, đó là nơi bọn cai ngục đem tử tù ra hành quyết. Một nhát dao, một viên đạn, là vùi sâu chôn chặt dưới đáy đại dương, làm mồi cho cá dữ. Nghe người ta mang tù nhân đi giết, lẩm bẩm bao giờ đến lượt mình, có lẽ, điều đó còn đáng sợ hơn cả cái chết. Sau hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, tôi được trả về Sầm Sơn, Thanh Hóa. Từ đó, tôi được điều đi bảo vệ cho cải cách ruộng đất, trở về địa phương phát triển kinh tế.
Ông Vẽ lưu giữ số giấy tờ ít ỏi liên quan đến cuộc đời mình, không phải để đi đòi chế độ,
mà đơn giản, ông coi đó là những "bằng chứng". Ông sợ những ám ảnh, ký ức để đời của ông,
khi đem kể lại, con cháu sẽ cho là ông bị... hoang tưởng.
Khi ấy, ông Tham Hồ bị đưa ra đấu rất ác liệt. Nhưng tôi cũng trả nghĩa cho ông ở chỗ: ông được xếp “xuống” thành phần địa chủ kháng chiến (nhẹ tội hơn), là bởi vì ông có đứa con nuôi (tức là tôi, Đỗ Hữu Vẽ) đi theo cách mạng, bị địch bắt, tù đày, giờ làm bảo vệ cải cách. Riêng vợ ông Tham Hồ thì bị đấu rất nặng nề. Ngay cả khi ông chỉ một mực xin tha tội, biết tội rồi, nhưng ông vẫn phải thật thà công nhận là vợ ông quá ác độc, đày đọa người ở con sen đủ đường. Đến mức, khi nông dân ở cái làng đó (xung quanh là làng Ve, làng Lộc) người ta cho vợ ông Tham Hồ một khoảnh đất hoang cuối làng, dựng túp lều ở gá, bà ta đã biết tội, đã quá ân hận, đã thắt cổ tự tử. Bà tự tử khi bụng mang dạ chửa, mấy ngày sau người ta mới phá cửa xông vào đem đi mai táng qua quýt ở nơi nào tôi cũng chả biết nữa. Một ám ảnh kinh hoàng nhất với tôi, là cảnh bà “mẹ nuôi” treo cổ đó (mà tôi nghe kể lại)… Tôi biết chuyện, không dám đến thăm, bởi “quy định” hồi đó rất kinh khủng. Mình lớ vớ đến thăm, có khi người ta lại quy cho mình đồng lõa với “thành phần bóc lột”. Ngay cả cái việc sau này tôi làm Bí thư chi Đoàn thanh niên của xã mà tôi đã bị đày đọa nhiều năm kia, tôi muốn gặp tâm sự vài lời với ông Tham Hồ, “bố nuôi” của mình, tôi cũng phải xin phép “cấp trên”, rồi cho người cùng gặp gỡ (kiểu như giám sát), mà tôi gặp cũng chỉ là mong muốn tìm lại tung tích của mình, cha mẹ mình liệu có còn sống hay không. Cái thời ấy nó thế. 
“Bóng ma” về làng sau hơn 20 năm nhang khói… 
Lại nói chuyện tôi tìm đường về quê. Khi ông Tham Hồ đang đi nhặt cỏ, đắp đường (cải tạo), thì tôi xin với tổ chức, rằng “em” suốt đời thân cô thế cô, giờ làm Bí thư chi Đoàn xã, có nhà cửa, được chia cả trâu bò sung túc, em muốn tìm được cha mẹ mình, tìm quê hương bản quán. Xin tổ chức cho em được gặp gã “địa chủ” Tham Hồ để hỏi đường, vì em là con nuôi ông ấy, ông ấy nhận con đi từ ngày em lên 6 tuổi.
Ông Tham Hồ nói bằng tiếng Pháp, rất lịch sự, lại vẽ cả sơ đồ lên Ga Phú Thọ, vào khu Chủ Chè, ra xã Tình Cương, qua phà 100m, hỏi vài cái nhà có cây cau cao nhất xóm. Vừa đi vừa dở giấy lần đường, qua đình, qua gốc đa, qua rặng tre, tôi không nhớ tí nào, không biết đấy là quê mình, chỉ linh cảm rằng, mình sắp được gặp bố mẹ, anh chị em… Đi đến gốc đa đầu làng, gặp cô gái trẻ, tôi hỏi thăm, cô ấy tên là Rễ, sau này, run rủi thế nào, cô ấy lại phải duyên, tôi đã cưới cô làm vợ. Tôi tìm tiếp vào nhà ông Ký Tế, hỏi thăm dính nhà ông Hùng, chú ruột của tôi. Ông ấy hỏi dồn:
- Anh là ai? Anh hỏi có chuyện gì? Trời ơi, mày là thằng Vẽ phải không? Cha bố mày, tao là thằng chú mày đây! Bố mày đã bị người Pháp nó bắt đi, đã chết rồi, cháu ạ.
Tôi khóc ầm ĩ. Tôi không thể ngờ cơ sự lại đến nỗi như thế.
Hai vợ chồng ông Vẽ, bà Rễ đều được nhận Huân chương Kháng chiến! 
Nhưng còn quá nhiều cống hiến của ông Vẽ đã thực sự bị quên lãng, 
khiến ông thấy tủi thân sau cả một đời tận khổ.
“Cháu không uống nước non gì đâu. Cháu muốn gặp gia đình, gần ba chục năm xa cách rồi, chú ạ” – tôi nói. Ông chú bảo: Mày để xem mọi người có còn nhận ra mày không nhá. Mày cứ bảo mày là thằng buôn trâu, nhờ tao dẫn sang nhà mày để tìm mua trâu nái.
Đến nhà, nói chuyện một lúc, thì các ông anh trai, anh Văn, anh Khoán của tôi đã nhận ra tôi, họ ôm lấy tôi, ai cũng hét toáng: “Thằng Vẽ, nó còn sống!”. Bà bủ (mẹ tôi) đi thả trâu ngoài đồng Đáp, chạy hộc tốc từ dộc về, bà gào lên, rồi ngất xỉu, ngất mãi đến chiều mới tỉnh được. Cả nhà hãi hùng, khóc rầm trời. Hàng xóm, có người ní nót: Thằng Vẽ hay là hồn ma của nó hiện hình? Nhà tôi đông như nhà có đám cưới, đám ma. Anh Khoán gỡ bát nhang thờ tôi trên bàn thờ xuống, cứ cằn nhằn, rằng anh vẫn linh cảm là tôi còn sống, dù người ta đã báo là… chết mất xác ở tận đẩu đâu.
Sau này, ông Tham Hồ có lấy vợ nữa, các con của ông, giờ đây đều phương trưởng, có người làm lãnh đạo doanh nghiệp, có người làm bác sỹ rất giỏi trên xứ Bắc. Quá khứ trôi qua như cơn ác mộng kinh hoàng, ông Vẽ cũng đã có lần về lại cái làng đau thương mà ông đã sống cả hai chục năm trời kia. Ông, con cụ Tham Hồ, người làng gặp nhau, mừng mừng, tủi tủi. Cũng có người con ông Tham Hồ, vì mặc cảm quá khứ nặng nề, đã đối xử với ông Vẽ như… kẻ thù. Có người đồng đội của ông Vẽ năm xưa, giờ đã được ghi nhận đủ thứ huân huy chương, chế độ của người có công với cách mạng (do giữ được đầy đủ giấy tờ); riêng ông còm cõi chả được gì. Chuyện nay thoảng qua, chuyện xưa dày bì bì, nặng trình trịch, có lẽ, nó mãi ám ảnh ông Vẽ đến tận ngày hai tay chắp bụng về chầu tiên tổ. Đôi lúc, ông Vẽ cứ nghĩ: quãng đời mà ông vừa kể, nó như một kiếp khác của ông. Cái cõi ấy, đôi lúc kể cho xóm mạc, con cháu nghe thử một khúc, họ cứ tròn mắt ngạc nhiên, nửa tin nửa ngờ. Thành thử, những chiều trung du chìm trong bóng cọ già nua, khói bếp lơ đễnh bay lên, bốn bề tịch mịch, ông Vẽ cứ như người mộng du. Dù không muốn, quá khứ tôi đòi và thê lương tù đày kia cứ bị chôn rấp, chôn rấp sâu mãi xuống, nó bị quên lãng một cách không nên thế. Điều đó khiến ông cụ Vẽ càng ngẫm càng tủi…

Bài & Ảnh: ĐỖ LÃNG QUÂN – Theo: Vietimes

Không có nhận xét nào: